Thursday, August 7, 2008

'Đi ngoài hành lang không an toàn'

06 Tháng 8 2008
'Đi ngoài hành lang không an toàn'



Trả lời câu hỏi trực tuyến, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp nhắc lại khái niệm 'đi đúng lề đường' trong quản lý thông tin.
Ông Hợp vừa có cuộc đối thoại trực tuyến trên báo điện tử VietnamNet của bộ này.

Khi được hỏi về công tác quản lý thông tin, nói riêng là quản lý internet và blog, ông nói: "Quản lý là quản có lý, bao gồm cả đạo lý và nguyên lý."

"Đạo lý là ủng hộ người tốt, răn đe người không tốt. Nguyên lý là tạo hành lang cho người ta hành động. Đi ngoài hành lang không được và không an toàn."

Ông bộ trưởng thừa nhận việc internet và blog bắt đầu được phổ cập ở trong nước là 'vấn đề mang tính quy luật' vì theo ông, "khi đổi mới và hội nhập, cái gì thế giới có thì ta cũng sẽ có".

"Vấn đề chỉ là sớm và muộn, nhanh và chậm, không ai đứng ngoài để trở thành ốc đảo."

Ông cũng khẳng định chính phủ "quản lý được" sự phát triển của internet và blog.

Theo thông tin chính thức, VN hiện nay có 1,1 triệu blogger và con số có thể tăng tới 3-5 triệu trong tương lai gần.

Ông Lê Doãn Hợp nói rõ có hai mục tiêu chính trong quản lý blog: hạn chế bôi nhọ, nói xấu, xuyên tạc cá nhân, đặc biệt cá nhân những người đứng trong bộ máy công quyền, người đại diện cho dân; và hạn chế tuyên truyền, vận động chống phá nhà nước, ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế.

Văn bản pháp luật

Theo ông Lê Doãn Hợp, các quy định chế tài để quản lý internet và blog có thể sẽ được đưa vào thành một chương trong Luật Dân sự.

Gần đây, sự xuất hiện của các trang blog đã đẩy báo chí chính thống vào một cuộc cạnh tranh. Nhiều người dân nay tìm đến các blog cá nhân để tìm thông tin thay vì vào các trang báo mà nội dung nhiều khi giống nhau và không có gì mới.


Khi đổi mới và hội nhập, cái gì thế giới có thì ta cũng sẽ có. Vấn đề chỉ là sớm và muộn, nhanh và chậm, không ai đứng ngoài để trở thành ốc đảo.



Tuy nhiên Việt Nam hiện chưa có quy định rõ ràng và chế tài cụ thể đối với các thông tin trên blog.

Trong cuộc trả lời trực tuyến sáng hôm thứ Tư, ông bộ trưởng cũng đề cập tới một số chủ đề như tư nhân không được thành lập nhà xuất bản hay phát triển truyền hình và báo chí tư nhân, mà ông nói phải 'làm theo luật pháp'.

"Tại thời điểm này, chúng ta chưa có văn bản nào chỉ đạo khác đi so với những gì chúng ta đã làm."

Mới đây giới chức quản lý báo chí một lần nữa khẳng định VN không cho phép báo chí tư nhân.

Ngoài một số câu hỏi liên quan tới báo chí, ông Lê Doãn Hợp cũng trả lời các câu hỏi liên quan tới bưu chính viễn thông, như việc số điện thoại cố định tại Hà Nội và TP HCM sắp tới sẽ tăng từ 7 lên 8 chữ số.

Ông còn cho biết hiện Bộ Thông tin - Truyền thông chưa có nhu cầu bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo như Bộ trưởng, Thứ trưởng nên không đặt ra vấn đề công khai tuyển chọn nhân sự cấp cao.

--------------------------------------------------------------------------------


Ba, Hanoi
Cứ nhìn giao thông như thế nào thì chắc bộ trưởng sẽ quản lý được blog như thế.

Minh, HN
Tôi rất mừng vì ông Bộ trưởng nói: "Khi đổi mới và hội nhập, cái gì thế giới có thì ta cũng sẽ có", "vấn đề chỉ là sớm và muộn, nhanh và chậm, không ai đứng ngoài để trở thành ốc đảo." Đó là quy luật. Tôi nghĩ vấn đề chính là ở chỗ đó - sớm hay muộn. Dân ta có câu: trâu chậm uống nước đục. Báo chí và NXB tư nhân, vấn đề độc lập của ngành tư pháp... là những nguyên tắc chung mà toàn thế giới văn minh áp dụng, ta "chưa có", ta là "ốc đảo". Là Bộ trưởng, không phải là người chỉ chấp hành, ông không thể trả lời vô trách nhiệm: "Tại thời điểm này, chúng ta chưa có văn bản nào chỉ đạo khác đi so với những gì chúng ta đã làm".

Điểm thứ hai, tôi tán thành phải đi đúng lề bên phải, tức là đúng luật pháp. Nhưng nắm trong tay quyền lực không bị chế tài thực sự, các cơ quan công quyền mới dễ dàng "đi bên trái đường" (phạm luật), mà không ai làm gì được. Cho nên, người dân bị oan khuất không biết cầu cứu vào đâu, và mơ ước của Nguyễn Trãi "trong thôn cùng xóm vắng không còn tiếng oán hờn" ngày càng xa vời. Tôi có cảm tưởng ông Bộ trưởng hiểu vấn đề, biết cái đúng, nhưng ông không dám nói ra, tránh trách nhiệm về những vấn đề "nhạy cảm".

Hy Thiem, Khánh Hòa
Không cho phép báo chí và truyền hình tư nhân có nghĩa là không cho phép độc giả cái quyền được tiếp cận nguồn thông tin phong phú vì các báo nhà nước (có nghĩa là báo của đảng) chỉ sao chép của nhau và đơn giản là phương tiện tuyên truyền của đảng mà thôi. Vậy là không có tự do thông tin.

Pinochio
Nói như communist_vn là khá đúng nhưng tại sao VN chúng ta lại có nhiều kẻ thù nhỉ? Tại sao không là đế quốc Mỹ? Trở lại phát biểu của Ông bộ trưởng: Vấn đề là "hành lang" của Đảng ta đưa ra có đủ rộng và đúng chưa? Chúng ta luôn tự hào là mình đúng nhưng đừng quên rằng cách đây khoảng 32 năm thì Đảng ta nói những tác phẩm như truyện Kim Dung, truyện Thủy Hử, Phong Thần, Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng..v.v.là đồi trụy; là phản động. Nay thì đã in lại và bán tràn lan cũng như có nhiều bài viết phân tích cái hay của các tác phẩm trên. Những tác phẩm này đã được thế giới công nhận hay và chúng ta thì cấm, trong thời điểm đó chúng ta cũng tự nhận là mình đúng hoàn toàn. Nay thì sao đối với báo chí và truyền thông? "Hành lang" hiện giờ Đảng ta cũng cho là đúng hoàn toàn, có thể vài năm sau mới vỡ lẽ ra là nó sai tới 180 độ. Còn chuyện ông nói hiện tại chưa có văn bản nào chỉ đạo hướng đi khác, như vậy hoá ra Bộ trưởng như Ông chỉ làm mỗi việc ngồi chơi làm theo văn bản chớ không có suy nghĩ; sáng tạo; kiến nghị gì hết sao?

Mai Ninh, SG
Mọi người phê bình, chỉ trích ông Bộ trưởng, có lẽ, hơi quá lời rồi. Ý Ngài bộ trưởng đã rõ: "Ông bộ trưởng thừa nhận việc internet và blog bắt đầu được phổ cập ở trong nước là 'vấn đề mang tính quy luật' vì theo ông, "khi đổi mới và hội nhập, cái gì thế giới có thì ta cũng sẽ có".". Như vậy mọi người cứ xem trên thế giới họ làm gì, như thế nào? Thì ta cứ như thế đó mà làm. Việc Ngài bộ trưởng nói thêm này nọ chỉ là cho có "lề phải, lề trái" thôi.

Ẩn danh
Tôi tự hào vì tôi không phải là độc giả thường xuyên của bất kỳ tờ báo nào trong nước. Báo chí cần phải đi đúng hành lang là phải rồi. Bởi với một nền báo chí như thế Đảng ta lúc nào muốn tạo anh anh hùng thì sẽ có anh hùng, lúc nào muốn có tội phạm thì sẽ có tội phạm. Hiện nay tham nhũng tràn lan mọi ngõ ngách tới nỗi một phóng viên của Kinh tế Viễn dông chỉ đi một chuyến xe đường dài xuyên Việt đã nhận ra thế mà Báo chí chúng ta thỉnh thoảng mới điểm xuyết được vài hàng.

Thanh Bình, Biên Hòa
Về báo chí Đảng và nhà nước có thể yên tâm vì chỉ có vài trăm tờ báo,hầu hết là của"ta" và đã có sẵn lề đường bên phải. Nhưng internet và blog thì con số lên tới hàng triệu và nhà nước chỉ có thể chấp nhận nó như một "quy luật tất yếu" chứ không thể cấm như cấm tư do báo chí. Chỉ tưởng tượng thôi cũng đã thấy chóng mặt. Hàng triệu blogger như một đàn ong khổng lồ đang tấn công vào thành trì an toàn tư tưởng của Đảng mà bộ TT-TT phải bảo vệ. Nếu nhà nước "quản lý được" trong vụ này thì đây sẽ là một kỳ tích của thời đại. Chỉ sợ rằng nhà nước chỉ lo săn đuổi những blogger nào chạm tới quyền, tới ghế của mình thôi thì ông Bộ trưởng có tuyên bố cỡ nào đi nữa, đó cũng chỉ là chuyện đầu voi đuôi chuột thường xảy ra trong các bộ, ngành của nhà nước ta.

Ẩn danh
Về mặt báo chí thì Đảng và nhà nước có thể tạm yên tâm vì đã có lề đường bên phải vạch ra cho các nhà báo. Báo chỉ có vài trăm nhưng internet và blog thì tới con số triệu. Thật là chóng mặt. Người dân có thể tưởng tượng một đàn ong hoặc châu chấu đang tấn công vào thành trì an toàn tư tưởng của Bộ Thông tin-Truyền thông. Rồi đây Bộ TT-TT sẽ phải đào tạo gấp rút các chuyên viên tin học giỏi cả chuyên môn lẫn đạo lý, nguyên lý gì đó mới mong làm được công việc "lựa đậu cho ra đậu, ngô cho ra ngô" của chuyện Tấm Cám ngày xưa.

Long, Thái Bình
Tôi không hiểu tại sao nhiều chủ trương, ý kiến của Đảng, của Chính phủ không được người dân ủng hộ. Nếu là tôi, tôi cũng phải xem lại mình. Liệu Đảng và Chính phủ đã "đi đúng lề dường chưa".

Hai, Hai Phong
Ở Việt nam tôi thấy mọi thứ đều "đi đúng lề đường" trừ giao thông và đương nhiên ông Hợp cũng đang phát biểu "đúng lề đường". Tham nhũng và chống tham nhũng mỗi lĩnh, lạm phát và tăng trưởng... mỗi lĩnh vực đều "biết đi đúng lề đường" nên chẳng liên quan gì đến nhau.

Anonymous, Da Nang
Bất kỳ quốc gia nào cũng có chế tài về cái gọi là "tự do ngôn luận". Vấn đề là chính quyền vững vàng thì quản lý khôn khéo. Vấn đề ở VN chính là ở chỗ "không quản lý được là cấm". Tệ hơn nữa, có những vấn đề cần quản lý lại không thèm quản lý. Lấy ví dụ, các trang web khiêu dâm thì truy cập được dễ dàng.

Communist_vn
Tự do ngôn luận hay tự do bất cứ cái gì cũng đều phải nằm trong những khuôn khổ riêng của nó chứ không phải là tự do một cách bừa bãi muốn nói gì cũng được, muốn bôi nhọ và nói xấu, xuyên tạc ai cũng được. Đấy là nguyên tắc ở bất cứ quốc gia nào chứ không phải riêng Việt Nam mà đặc biệt là ở một nước có nhiều kẻ thù như Việt Nam việc quản lý và đưa mọi thứ vào đúng khuôn khổ và lề lối càng cần thiết.

Vien Xu, Canada
Nhà nước đã nói nhiều lần: báo chí là công cụ tuyên truyền của nhà nước, và chỉ có nhà nước độc quyền tuyên truyền. Cái đó cũng dễ hiểu thôi. Nếu nhà nước để tư nhân làm báo chí thì những cái sai, cái xấu, cái ngu dốt của nhà nước sẽ bị lôi ra ánh sáng, người dân sẽ không còn bị bịt mắt bịt miệng nữa, sẽ không còn tin tưởng vào nhà nước nữa, và những cái ghế lãnh đạo với bao nhiêu đặc quyền đặc lợi sẽ bị lung lay. Nhà nước xem đó là sự bất ổn chính trị, bất ổn xã hội. Tóm lại nhà nước muốn làm gì thì làm, người dân mà phê bình chỉ trích nhà nước thì bị xem là chống phá nhà nước và sẽ bị đi tù ngay.

Thagnv
Các bác lãnh đạo cứ coi dân mình như con nít, không biết đúng biết sai, không phân biệt được phải trái, nên các bác cứ phải định hướng và vạch đường cho đi. Đi không đúng lề, không đúng đường là không an toàn, coi như là một lời răn đe đối với những ai muốn sự đột phá, thay đổi để phát triển. Phát triển thì cứ để các bác lãnh đạo sáng suốt lo. Dân đen thì cứ cặm cụi mà cày cuốc hằng ngày, kiếm đủ tiền lo cho miếng cơm manh áo hằng ngày, bù đắp, cắn răng bù trượt giá, có gì thì cứ than trời, chứ than với các bác thì các bác vẫn đang họp và bảo chờ mà thôi.

Tran Cao Ky
Ít ra thì các vị phải cảm ơn BBC chứ nếu không có BCC thì cái ý kiến đưa lên mà khác hành lang thì các báo "tự do" trong nước cũng không dám đăng đâu.

FM
Đi ngoài hành lang không an toàn? Vẫn có, và sẽ chỉ có những người dũng cảm. Chính người đọc sẽ nhìn nhận họ.

Traika, Hanoi
Đã là trình bày quan điểm, suy nghĩ của cá nhân mỗi người về vấn đề chính trị xã hội thì cần gì phải theo đúng hành lang. Cái lý của ông Hợp (cũng là cái lý của Đảng CS Việt Nam) chính là không muốn nghe lời nói trái với quan điểm của ông ấy (đảng của ông ấy)mà thôi. Tôi đồng quan điểm với ai đó rằng "cây ngay...". Nếu cứ kiểu như ông Hợp nói thì nền dân chủ của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tự sát.

Tam Keo Thanh Quy, USA
Rất tiếc cái hành lang của ông Lê Doãn Hợp và Nhà nước quá nhỏ, chỉ vừa đủ để nhảy cà nhắc, so với dải đất tự do mênh mông của truyền thông thế giới và nhu cầu biết tin như biển cả của người dân lương thiện.

Tran Quang Thien, HCMC
Có phải ông Bộ Trưởng Lê Doãn Hợp đang muốn báo chí VN đi vào con đường một chiều mà ông cho là an toàn? Con đường đó Đảng đã vạch sẵn cho dân tộc VN. Báo chí chỉ được nói những gì Đảng cho phép. Nhưng xin thưa với ông Bộ Trưởng là ngày nay hay ngày xưa vẫn có vạn nẻo đường chứ không chỉ có đường một chiều đâu. Ông nói VN khi đổi mới và hội nhập, cái gì thế giới có thì ta cũng sẽ có...không ai đứng ngòai để trở thành ốc đảo. Có phải ông đang mâu thuẫn với chính mình? Thế giới có tự do báo chí, có tự do ngôn luận từ lâu rồi. Vậy theo ông bao giờ VN mới có ?

Joe, HN
Mọi người thông cảm nhé, vì Đảng lãnh đạo nên các cơ quan thông tin phải do đảng cho phép, phải được Đảng kiểm soát nội dung,và phải phục vụ sự lãnh đạo của Đảng. Đấy là tất yếu để đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng thôi. Còn ai muốn tìm thông tin nhiều chiều như tôi chẳng hạn thì vào blog hay BBC này.

NTD, Hà Nội
Sự tự do báo chí "Mọi người có quyền tự do quan điểm và tự do thể hiện, quyền này bao gồm việc giữ quan điểm mà không bị can thiệp, và truyền đạt ý kiến, tin tức bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào, bất kể biên giới". Đó là điều thứ 19 về tự do ngôn luận, trong tổng số 30 điều của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (4), mà tất cả quốc gia thành viên Liên hợp quốc có trách nhiệm phải tuân thủ, trong đó có Việt Nam. Trên căn bản đó, tự do báo chí có thể được phát biểu với 4 điểm: • Tự do xác định mục tiêu • Tự do tìm kiếm thông tin • Tự do phản ánh hiện thực xã hội • Tự do phản biện Luật báo chí của nhiều quốc gia trên thế giới và luật báo chí Việt Nam đều có điều khoản ghi rõ rằng báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in và phát hành (5).

Truong Tuan, Haiphong
Sáng nay bạn bè chúng tôi cũng thử gửi ông Hợp mỗi người vài câu hỏi, nhưng chẳng thấy hồi âm. Chắc không thuộc phạm trù "đạo lý", "nguyên lý" hay "lề phải - khu vực không an toàn" của ông ấy rồi. Nhân đây gửi ông Hợp vài dòng: Thôi thì cứ nói thẳng ra là : "nói xuôi theo chế độ thì được, nói ngược chế độ là không được"! Bày đặt đưa ra phạm trù lề này lề nọ, nghe thật rỗng tuếch làm sao.

Maida, HK
Câu Kiều nầy có thể tóm hết ý ông Lê Doãn Hợp về tự do báo chí: "Kiến trong miệng chén lại bò đi đâu"! Và chính ông cũng lòng vòng trong nếp nghĩ: "Quản lý là quản có lý, bao gồm cả đạo lý và nguyên lý". Nói trước công luận mà sao ông không dám rạch ròi đen trắng? Tư tưởng của con người làm sao ông có thể đóng hộp? Tôi tin là ông cũng không thể "quản lý" nổi tư tưởng của các thành viên trong gia đình ông, nói chi là xã hội! Ông không thể dạy dân mà để dân tự do bày tỏ ý kiến dạy cho cán bộ hành xử sao cho đúng là "đầy tớ nhân dân".

Gnuman
Khi đổi mới và hội nhập, cái gì thế giới có thì ta cũng sẽ có. Vấn đề chỉ là sớm và muộn, nhanh và chậm, không ai đứng ngoài để trở thành ốc đảo." Ông Hợp nói rất hay, vấn đề chỉ là sớm hay muộn. Những chuyện như tự do báo chí, báo tư nhân, tự do hội họp và thảo luận, tự do viết blog, rộng hơn nữa là vấn đề tự do dân chủ cuối cùng rồi cũng sẽ đi theo quy luật chung là hiện diện ở Việt Nam. Cấm mãi sao được. Ông Hợp có lẽ chưa chuẩn bị thấu đáo trong phần trả lời này, tự ông mâu thuẫn với chính mình.

Cityman, Huế
Định nghĩa chữ "quản lý" của ông Hợp nghe lạ tai quá, tôi tìm hoài không có trong từ điển : cái gì mà "quản có lý, bao gồm cả đạo lý và nguyên lý" - chắc ông tự chế định nghĩa này! Bản thân ông cũng biết người dân có lý khi đòi hỏi quyền tự do ngôn luận như những nước khác (trong đó có quyền tự do báo chí), tôi nghĩ vậy, nhưng xin mọi người thông cảm cho ông vì ông đâu dám nói những gì ông nghĩ. Chúng ta thích bàn về quyền tự do này nọ, bàn về báo chí tư nhân...nhưng chúng ta quên mất điều cốt lõi của vấn đề: đó là những quyền mà chúng ta đòi hỏi chỉ có ở những nước ngoài các nước XHCN mà thôi (cho dù hiện nay nước ta đang theo một nền kinh tế "tự chế" là "kinh tế thị trường định hướng XHCN"). Thử hỏi ở TQ, Bắc Hàn, Cuba...có được những thứ quyền mà các bác đang đòi hỏi không? Chỉ là hy vọng hão huyền, chỉ là "khóc đòi trăng-crying for the Moon" thôi các bác ạ!

Binh, TP HCM
Nước Mỹ tự do báo chí thì phải? Có tờ báo Việt ngữ nào dám đăng báo ca ngợi đảng CS, bác Hồ không? Chỉ cần có 1 chút gọi là nói sự thật về đảng CSVN thôi thì sẽ thấy liền hậu quả của "tự do báo chí". Chỉ toàn thấy là thông tin Việt Nam nghèo đói, hỗn loạn v.v..và chấm hết. Báo chí của mỗi nước phải phục vụ cho sự phát triển của quốc gia đó. BBC hay các đài phương Tây thì luôn muốn áp đặt sự tự do theo kiểu của mình cho báo chí Việt Nam còn Việt Nam tất nhiên phải bảo vệ quan điểm của mình thôi.

Báo chí do đảng CS quản lý vẫn tốt hơn, dũng cảm và dám chịu trách nhiệm hơn báo chí phương tây như BBC chẳng hạn. BBC thường cho đăng câu "Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả", thế quan điểm của BBC đâu? Còn nếu là quan điểm riêng thì nên đăng ở của phương tiện riêng của tác giả như blog, nhật ký để khi quan điểm riêng có xúc phạm, bôi nhọ người khác hay phỉ báng luân lý đạo đức thì quy trách nhiệm cho ai?

Hoang Mai, VN
Nước nào cũng có pháp luật của mình; nhà báo hay Blogers cũng là một công dân nên biết rằng việc mình làm cần phải thủ pháp luật. Dân tộc VN là một khối thống nhất đảng CSVN là tập trung cao nhất trí tuệ và khối đại đoàn kết dân tộc. Luật pháp VN thì phải bảo vệ cho người VN và hàng ngũ ưu tú của nó. Ai chưa thuộc bài sơ dẳng đó thỉ dừng làm báo chí chi cả. Ai bảo ở VN có bất đồng chính kiến là xuyên tạc chủ trương đường lối của Đảng. Còn hơn triệu Bloger nói bậy nói bạ là do thế giới CNTT ngầm ...phá hoại.

Tuan Pham, HCMC
Nếu báo chí VN tắt tiếng trước vụ tham nhũng mới đây tại ban quản lý dự án đại lộ Đông –Tây (liên quan đến công ty PCI-Japan) thì có phải là họ đang đi trong “”hành lang”” của ông Hợp. Nhưng nếu vậy thì có lẽ điều này lại mâu thuẫn với chính lời của ông :”Đạo lý là ủng hộ người tốt, răn đe người không tốt”.

Dang Tuyen, HN
Việtnam có hơn 80 triệu dân. Cho dù Blog có tới 1 triệu người và mang tính tự phát thì cũng không ảnh hưởng gì đến chính sách, đường lối Việt nam. Không cần phải cấm Blog.

Thai Hien Long, SG
Đề nghị các sách dạy về Quản lý (management) nên bổ sung thêm định nghĩa này vào "Quản lý là quản có lý, bao gồm cả đạo lý và nguyên lý".

Lang Thang, SG
Tôi thấy cái "lề đường" của ông bộ trưởng rất nhiều chuyện khác người. Với đạo lý ủng hộ người tốt, răn đe người không tốt, nhưng thực tế mấy ngày nay người Nhật ì xèo chuyện quan tham VN thì lề đường của ông vắng bóng, chẳng thấy ai đi? Những chuyện không có thì lại đặt điều để rồi bị bắt cả đám...xăng dầu không tăng giá rồi cứ lại tăng. Thật là cái lề đường huyền thoại.

Hoan, VN
Cám ơn ông Lê Doãn Hợp, nhờ ông tôi biết được là sắp sửa có cái gọi là luật "cấm nói xấu lãnh đạo" cơ đấy! Vậy có lẽ chúng ta nên lợi dụng thời cơ trước khi luật ra đời. Ngược lại với người dân, hẳn các quan chức ta mong đợi luật này ra đời sớm chừng nào hay chừng nấy.

Nguyen Vu Dung
Ngăn cản bảo chí tư nhân là ngăn cản tiếng nói tự do của ngôn luận. Và mọi thứ nói ra đều bênh vực cho chế độ, cho cán bộ và cơ quan công quyền. Cách làm này làm ngu dân Việt Nam bao năm nay. Cái tiến bộ thì chẳng thấy đâu. Bộ máy nhà nước tồi tệ, tham nhũng, hách dịch, cường quyền ... Các ông tự quy định Đạo lý, nguyên lý của các ông trong khi những thứ đó khác biệt với toàn thế giới.

Tran Tam, USA
Tự do ngôn luận và tự do báo chí nó có tính phổ quát và tự nhiên, không cần ai ban bố cho phép, vạch đường rồi mới dám ăn nói, phát biểu. Ông Hợp nên nhìn ra thế giới xung quanh, xem có quốc gia nào đối xử với dân như con cháu trong nhà, cho phép làm gì mới được làm nấy như VN không?

Ngay cả lời diễn giải của ông khi cho rằng quản lý là quản có lý cũng nói lên cái tính ưa tuyên huấn của hầu hết các vị cán bộ, không căn cứ vào luật lệ khoa học nào cả. Rồi gán ghép từ ngữ một cách không giống ai. Ví dụ khi ông nói: nguyên lý là tạo hành lang cho người ta hành động, thú thật câu nói này chỉ mình ông hiểu mà thôi vì nó rất tối nghĩa về cả văn phạm lẫn lý luận.

Ý Nhi, Biên Hòa
Tôi thấy kiểu làm việc của ông Hợp chẳng có đầu mà cũng chẳng có đuôi; nói kiểu đó ai cũng có thể làm công việc như ông được. Lề phải hay lề trái với cá nhân ông Hợp thì đều hợp lý cả. Nhưng kẻ khác thì cẩn thận.

Long, HN
Nói như ông Hợp thì Ban biên tập báo Tuổi trẻ và báo Thanh niên chắc chắn đã đi quá xa lằn vạch an toàn của Bộ Truyền thông và ĐCS. Người dân hoàn toàn có quyền thể hiện sự phản kháng của mình thông qua Blog, nhật ký. Sẽ thế nào nếu người dân không mua báo Tuổi trẻ và Thanh niên?????

David Phan, USA
"Đạo lý là ủng hộ người tốt, răn đe người không tốt. Nguyên lý là tạo hành lang cho người ta hành động. Đi ngoài hành lang không được và không an toàn." Liệu cái "Lý" và "Hành lang" của người CS có phù hợp với nhân loại và thế giới bên ngoài không?

Ẩn danh
Dân VN có câu: cây ngay không sợ chết đứng, hoặc vàng thật không sợ lửa. Nếu "cán bộ" có hạnh kiểm tốt thì sợ gì người khác "bôi nhọ". Chẳng qua mặt của họ dính đầy nhọ, nhưng họ sợ người khác thấy nên phải che đậy bằng cách bịt mắt người dân lương thiện.

Tien Dung, VN
Từ khi ông Hợp lên đã có hai nhà báo chống tham nhũng bị bắt, vài nhà báo khác bị mất chức, mất việc. Cái hành lang mà ông này nói có lẽ chỉ dành cho những người ca tụng chế độ, kể cả ca tụng một cách trơ trẽn mà không dành cho những người có tiếng nói phản biện, có tiếng nói chống lại những người đồng chí bất tài, tham nhũng của ông. Hành lang ông đưa ra nhỏ hẹp, không rõ ràng, đầy cạm bẫy nên người dân hay báo chí hoàn toàn có thể bị chụp mũ bất cứ lúc nào với cái tội vu khống, nói xấu cán bộ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá nhà nước, làm lộ thông tin mật...

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/08/080806_ledoanhop_chat.shtml

No comments: