Tác giả: Nguyễn Hữu Liêm
Báo chí trong nước và hải ngoại vừa loan tin hôm nay, 1/8, rằng các ông Nguyễn Quốc Phong và Bùi Văn Thanh, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên cùng ba ký giả khác đã bị "rút thẻ hành nghề"; hai ký giả báo Người Cao Tuổi, Nguyễn Thị Thanh Thuý và Hoàng Tuyết Oanh thì bị bắt giam. Đây là hệ quả từ những bài thông tin liên quan đến vụ PMU18. Bài viết dưới đây là những suy tưởng của tôi khi đang ở Việt Nam, tuần lễ khi Bùi Văn Thanh đang bị thẩm vấn ở Hà Nội.
Sài Gòn 25/7/08. Triết gia Hy Lạp Heraclitus của thế kỷ thứ Năm trước Công nguyên có lần nói rằng, "Những kẻ đang ngủ say thì mỗi người có một thế giới riêng cho chính mình; chỉ khi nào tỉnh dậy họ mới chia sẻ một thế giới chung." Có thể câu nói này đáng được áp dụng vào tình trạng báo chí và tự do ngôn luận ở Việt Nam hiện nay.
Từ vụ PMU18 và những đàn áp báo chí thô bạo mấy tuần nay, có hai kẻ đang ngủ say trên các trang báo quê nhà: chế độ cộng sản và giới nhà báo. Phía cơ chế thì đang ngáy theo cơn say quyền lực và ảo vọng chính thống lịch sử; phía con người và xã hội báo chí thì đang thụ động thở dài theo số phận nô lệ. Gánh nặng từ hai thúng của chiếc đòn gánh cai trị Việt Nam đang được quân bình và duy trì bởi cả hai phía. Tình trạng này sẽ còn kéo dài - vì cả hai phía đang say ngủ theo giấc điệp của mình để bỏ mặc không gian nhân phẩm và tự do cho thế giới thuần ước mơ, không thật.
Nói một cách đầy than vãn rằng, thế giới báo chí Việt Nam ngày nay là không thật! Giữa một thời đại mà nhân loại đã bước một bước rất xa trên ý thức con người và những khoảng không gian sinh hoạt liên đới, thì ở Việt Nam này, chính quyền vẫn còn bỏ tù phóng viên và nhà báo khi họ đang làm nghề theo chức năng chuyên môn và trong khuôn khổ luật pháp. Bóng tối của một thời tưởng chừng như đã đi vào quá khứ tiêu vong nay vẫn còn tiếp tục nuôi dưỡng - vì chính những con người trong cuộc vẫn không có can đảm để mở mắt ra với vòm trời của thế kỷ.
Như bạn đã biết. Sau khi bắt giam các phóng viên, đuổi việc, rút thẻ hành nghề của các nhà báo, suốt cả mấy tuần nay, công an đã liên tiếp triệu tập các tổng biên tập, thư ký toà soạn của các tờ báo hàng đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội để khảo cung. Những con cưng của chế độ như Nguyễn Công Khế và Lê Hoàng, Tổng biên tập báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ, mỗi người đã phải chịu đựng ba ngày tra vấn với an ninh. Mới nhất là Bùi Văn Thanh, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, bị cho thôi việc và rút thẻ báo chí sau hơn một tuần làm việc với công an.
Điều đó không có gì là ngạc nhiên? Dĩ nhiên rồi! Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên hơn, là trong giới báo chí ở Sài Gòn, ít ai coi những hành vi bắt bớ, đàn áp, khủng bố báo chí đang xảy ra là khác thường. Một số còn cho rằng các nhà báo đã "có lỗi" - dù rằng không "có tội" - cho nên sự việc đàn áp hiện nay là chuyện sẽ phải xẩy ra với đầy đủ biện minh cho phía chính quyền.
Thật vậy sao? Trong những buổi gặp gỡ, qua những ly rượu, cốc bia, một số nhà báo đã phân tích với tôi rằng, giới báo chí Việt Nam hiện nay đã bị mê hoặc và rơi lạc vào con đường quyền lực như phía chính trị. Báo chí đã tiếp tay với công an trong những thế cờ quyền lực và quyền lợi. Phần lớn các bài viết chống tham nhũng hay tiêu cực là do công an sử dụng các phóng viên như một vũ khí lợi hại nhằm lấy phần thắng và triệt hạ đối phương trong những trận chiến âm ỉ giữa các khối quyền lợi, ngay cả các phe cánh trong chính ngay Bộ Công an và ngành an ninh kinh tế.
Chuyện PMU18 và những đàn áp báo chí đang diễn ra không phải là một biểu hiện từ sự tranh chấp của phe bảo thủ chống cấp tiến, của Đảng chống nhà nước, của thân Tàu chống thân Mỹ - như các nhà bình luận từ bên ngoài như Carl Thayer hay Bùi Tín đã suy đoán. Nó cũng không phải là vì quyền lợi đến cá nhân Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong khối PMU18. Trái lại, những đàn áp báo chí gần đây đang là những biện pháp sửa sai, điều chỉnh nội bộ mà chính Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Uỷ viên Bộ Chính trị Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang đích thân và cùng nhau chỉ đạo. Bộ Chính trị đang muốn thắt lại dây cương của chuồng ngựa báo chí - mà có lúc khối báo chí âm binh gà nhà này tưởng mình như đang có quyền lực riêng biệt, có biện minh xã hội và nhân dân, có lương tâm che chở và soi sáng, để rồi chạy lạc và loạn ra khỏi vòng cương tỏa.
Ở Việt Nam không hề có các nhà báo đích thực với quyền hạn và trách nhiệm chuyên môn. Báo chí chỉ là công cụ tuyên truyền của Đảng và nhà nước. Điều này được xác định bằng chính sách và văn bản chính thức, chứ không phải là sự phiên giải từ bên ngoài. Và ai cũng biết điều đó. Nhưng cũng như mọi thứ trên đời này, trong xã hội Việt Nam, giữa thực và hư, giữa trái và phải, giữa ngược và xuôi, giữa chân và giả, giữa tư nhân và chính quyền, giữa chính trị và dân sự đều không có một làn ranh rõ ràng nào cả. Cái này ôm lấy cái kia, cái thân ôm chiếc bóng, Đảng ôm nhà nước, báo chí ôm công an - tính liên hệ và điều kiện hỗ tương này đang tạo ra một khối giây nhợ chằng chịt và phức tạp, để rồi tất cả đều bị bắt làm con tin lẫn nhau mà không biết ai là kẻ bắt cóc và ai là con tin. Các nhà báo, một cách đầy tính toán, nắm được tính liên hệ vô hình này, nhằm tạo cho chính họ những khoảng không gian hành nghề cần thiết - và khi hữu sự, giật dây ngược lại phía nhà nước để tìm chỗ đứng cho chính mình và giới đồng nghiệp. Đây là một điểm nóng "phức tạp" và "tế nhị" mà “đồng chí” Trương Tấn Sang đang cố gắng lần ra đầu giây mối nhợ.
Cái lạ nằm ở chỗ rằng, một số nhà báo mà tôi gặp ở Việt Nam trong suốt tháng Bảy vừa qua, dù đang bất mãn đến cao độ đối với tình trạng chính trị và công quyền hiện nay, vẫn tìm cách bào chữa cho phía chính quyền trong những hành vi bắt bớ và biện pháp hành chính đối với báo chí hiện nay. Ghen tuông nghề nghiệp? Không đâu. Sự thật? Có lẽ. Tôi nghĩ đến chuyện này trên bình diện lý thuyết khác. Rất có thể đây là hiện tượng tâm lý của kẻ đang bị bắt làm con tin. Nạn nhân bị bắt cóc, đến một thời điểm nào đó tự đầu hàng kẻ tội phạm bằng sự đồng ý và phục tòng đạo đức đối với biện minh cứu cánh và phương tiện của kẻ ác. Thế rồi, vì bất lực và mỏi mệt với tâm lý đối kháng vô vọng, nạn nhân đồng hóa chính mình vào lý do của kẻ bắt cóc và tự lên án chính mình. Ta không thoát nổi sự cố tang thương thì cách hay nhất là hãy thưởng thức hoàn cảnh bi đát này. Ta chỉ còn có trách ta - và chính ta mới là kẻ sai lầm và có lỗi. Nietzsche đã có nói rằng giáo điều Thiên chúa giáo không chỉ là một hiện tượng ý chí của những con người yếu đuối, mà là bản chất của nhân loại khi chưa được trưởng thành. Nó áp dụng đúng cách vào trường hợp tâm lý của giới báo chí Việt Nam hiện nay.
Chắc chắn rằng trong sự cố đàn áp, nếu không nói thẳng rằng khủng bố báo chí, hiện nay, những chiếc đầu sẽ tiếp tục rời khỏi các cổ của các nhà báo. Đây là những nhát kiếm dằn mặt mà đã đến lúc chế độ chính trị bất an phải tung ra đối với cánh tay nội bộ của chính mình. Nhưng đến lúc nào và mức độ nào thì những đường gươm cảnh cáo chém ngay vào cơ thể của mình sẽ làm cho chính nó bị thương tích trầm trọng?
Vâng, những bài báo của hai ký giả Chiến và Hải đã tạo lên những "tác động tiêu cực đến dư luận xã hội" về chế độ; thế còn hành vi bắt bớ họ? Vụ trấn áp hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải là một thách thức trắng trợn với nhân dân, với thế giới - và với lương tâm của chế độ chính trị. Những ai còn lương tâm và mang thái độ khách quan, lý tính, đều phải nói rằng, không có một biện minh nào, từ chính trị đến đạo đức, từ pháp luật đến hành chính, hay quy tắc chuyên môn, có thể biện minh cho sự bắt giam này. Đây có thể, và chỉ có thể, là những nhát kiếm tự chém vào thân thể của chế độ chính trị. Chén thuốc đắng chữa khối ung thư chính trị đã trở nên nguy hiểm cho bệnh nhân hơn là căn bệnh đang là.
Đã đến lúc cả hai phía, chính quyền và báo chí Việt Nam, phải tỉnh thức từ cơn ngủ say trong quyền lực và nô lệ để cùng nhau nhìn thấy một bầu trời tự do và nhân phẩm chung mà Heraclitus đã nhắc nhở đến từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước.
(T D)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment