Thursday, August 14, 2008

Từ cuộc chiến "Nga-Georgia" nhìn về tương lai "Việt Nam-Trung Quốc"!

Chiến tranh Nga-Georgia
13-08-2008
Trần Khải


Cuộc chiến giữa Nga và Georgia hiện đang diễn tiến là một bài học lớn để Việt Nam suy tính về các chiến lược tương lai. Không chỉ về cách đối ngoại, mà còn phải cẩn trọng trong cả cách đối ngoại, nhất là với các khu vực dân tộc thiểu số đang có nhiều dị biệt về sắc tộc, ngôn ngữ. Không chỉ về cách khéo léo ngoại giao để gìn giữ hòa bình, mà còn cần tính trước cả đến các phương án đối phó nếu chiến cuộc bùng nổ.


Trường hợp của nước Georgia, nằm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey - DCVOnline), cũng y hệt như Việt Nam nằm giữa Trung Quốc và khối ASEAN, mà trong đó VN là một thành viên. Thực lực Việt Nam lớn hơn Georgia, đông dân hơn Georgia. Nhưng khi Georgia so với Nga, thì cũng y hệt như VN so với Trung Quốc.


Dân số Georgia là 4.630.841 dân, ước tính vào tháng 7, 2008. Như thế, dân số còn ít hơn dân số trong thành phố Sài Gòn. Còn dân số Nga là 140.702.094 người. Như thế, khỏi cần đếm số lượng xe tăng, tàu chiến, phi cơ, quân bộ chiến ra mà so sánh làm chi. Nhưng không nên thấy dân số Nga thua xa con số 237 triệu người của dân số Indonesia (một nước trong ASEAN) mà nhầm về lực lượng. Toàn khối ASEAN cộng lại cũng không so nổi về quân sự với Nga, nơi có vũ khí nguyên tử và đủ thứ đồ chơi độc hại khác.


Cũng y hệt như trường hợp dân số Trung Quốc là 1,3 tỉ người, còn Việt Nam chỉ có 86 triệu dân. Chính xác, theo sách CIA Factbook thì VN có 86.116.559 dân, ước tính vào tháng 7, 2008. Thế cho nên, chuyện bắt nạt là bình thường. May mắn là nhờ đường bộ biên giới núi sông hiểm trở, nên còn đẩy lùi được quân bộ chiến Trung Quốc hồi cuối thập niên 1970s. Nhưng lúc đó, Trung Quốc vẫn còn là anh bụng phệ nhà quê, chưa biết đổi mới, chưa hiện đại hóa. Nếu bây giờ mà xảy ra cuộc chiến mới, thật khó mà đo lường nổi sức của người lực sĩ Trung Quốc. Còn nếu cứ chịu lép, thì từ từ biển và đất chắc gì giữ nổi?


Thêm nữa, chuyện bây giờ và tương lai chưa chắc đã đơn giản như thời thế kỷ trước. Như bây giờ, thấy rõ là Mỹ sẽ không đưa quân vào giúp Georgia làm chi. Đang bận rộn ở các chiến trường Iraq, Afghanistan, Mỹ không còn bao nhiêu sức mạnh quân sự để giúp các đồng minh ở xa. Ngày xưa, quân Mỹ đổ vào giúp chính phủ Nam Việt Nam bởi vì bản thân nước Mỹ đang trải qua nỗi sợ trước làn sóng cộng sản, tới nổi chính phủ Mỹ phải mượn tay chủ nghĩa McCarthyism để bứng hết gốc rễ cộng sản trong xã hội Mỹ, và phải rải quân khắp quanh các siêu cường Liên Xô và Trung Quốc để ngăn chận. Vành đai thép ở Châu Âu bây giờ còn NATO, tại Châu Á thì bể một mảng ở Việt Nam, nhưng bản thân các nước mà Mỹ từng đóng quân thời đó như Nhật, Nam Hàn, Thái Lan… đều hưởng lợi lớn về an ninh và kinh tế; chỉ duy Phi Luật Tân vớ nhằm lãnh tụ Marcos tham nhũng gộc nên bây giờ di hại là nghèo mạt rệp. Dù vậy, dân ở các nước mà Mỹ đã từng đóng quân đều hưởng hạnh phúc với nền dân chủ, tự do, nhân quyền và hòa bình.


Lý do nữa để Mỹ thấy không cần đưa quân vào Georgia, vì nơi này không có lợi ích thực dụng nào. Chỉ nêu giả sử thôi, nếu Nga đưa quân đánh Saudi Arabia, kho dầu lớn của nhân loại, thì nhiều phần là Mỹ nhảy vào giúp đồng minh Saudi Arabia liền.


Trung Quốc tất nhiên là quan sát kỹ cuộc chiến giữa Nga và Georgia, và đã giả vờ làm quân tử Tàu để “kêu gọi các phe quan tâm hãy tự chế và ngừng bắn,” theo lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao TQ Qin Gang.


Cuba thì chính thức ủng hộ Nga. Đích thân chủ tịch Cuba là Raul Castro ký một bản văn đòi Georgia rút ra khỏi vùng tự trị South Ossetia trước khi ngừng bắn.


Chính phủ Hà Nội tất nhiên dè dặt. Bởi vì nếu bênh Nga, thì sẽ cứng họng nếu Trung Quốc bày trò gì ở biên giới Việt. Nhưng nếu bênh Georgia thì thiệt là phiền, vì đã mang nợ đàn anh nước Nga vĩ đại quá nhiều, suốt nhiều thập niên. Thế nên, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao CSVN Lê Dũng nói hôm 09/08/2008, “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, nghiêm chỉnh thực hiện các hiệp định đã được ký kết và sớm nối lại đàm phán hòa bình trên cơ sở bảo đảm lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan”. Lập trường như thế có nghĩa là đứng chàng hảng, nhưng có lẽ không còn cách nào đỡ nguy hại hơn.


Đó cũng là một bài học lớn cho thấy rằng tất cả các chính phủ Việt Nam, dù là cộng sản như hiện nay hay dân chủ như tương lai (gần hay xa), đều cần tế nhị, khéo léo với các vùng sắc tộc thiểu số, như ở Tây Nguyên ở miền Trung, giáp giới Cam Bốt, hay vùng Tây Bắc ở giáp giới Trung Quốc. Chỉ cần Bắc Kinh xúi giục vài nhóm sắc tộc đòi tự trị, để lâu dài là thấy mệt. Tuy là chuyện xa như Georgia và Nga, nhưng nhìn lại cũng là chuyện gần sát sườn, như Việt Nam và Trung Quốc. Cứ xem những nơi đã tự trị và tách ra thì biết: Đông Timor tách khỏi Indonesia, hay Kosovo tách khỏi Serbia.


Một bài học nữa trong cuộc chiến Georgia và Trung Quốc: vai trò tin tặc của cuộc chiến tin học.


Báo mạng Computerworld ngày 11/08/2008 với bài viết đặt ngay nhan đề “Cyberattacks knock out Georgia's Internet presence” (Tấn Công Mạng Đã Đánh Sập Dàn Internet của Georgia), đúng là đã nêu rõ chủ điểm “tin tặc đi trước, bộ chiến theo sau.”


Tin tặc này được “suy đoán” là liên hệ một mạng lưới tội phạm hình sự Nga đã tấn công và kiểm soát nhiều trang web của Georgia. Chuyện naỳ xảy ra y hệt như hồi tháng 4 và tháng 5, 2007, khi toàn bộ các trang web chính phủ Estonia bị tấn công, và vào ngày 01/07/2008 thì 300 trang web của Lithuania bị tấn công. Cũng là từ tin tặc Nga.


Chuyện này không có gì khó hiểu. Hãy hình dung là khi khi các mạng tin học Hà nội bị tấn công, có thể là Biển Đông sắp dậy sóng, hay là Lạng Sơn sắp có chuyện.


Trông người, cũng cần nghĩ đến ta. Không có gì cần phải dè dặt hơn. Trận sắp tới, nếu có, hẳn là sẽ khốc liệt. Xin dè dặt.

http://dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5364

No comments: