Friday, August 1, 2008

Bất thường từ tầm nhìn

Lao Động số 174 Ngày 31/07/2008 Cập nhật: 7:58 AM, 31/07/2008

http://www.laodong.com.vn/Home/skbl/2008/7/99827.laodong

(LĐ) - Năm 2008, VN thiếu hơn 400.000 tấn muối nên phải nhập khẩu. Hiện mỗi năm, để xuất khẩu được vài ba tỉ USD đồ gỗ, VN phải nhập khẩu tới cả tỉ USD gỗ nguyên liệu. Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản đề xuất phương án mỗi năm VN cần nhập từ 1- 2 tỉ USD nguyên liệu thuỷ sản để chế biến hàng xuất khẩu...

Đó là những bài toán bình thường trong một nền kinh tế thị trường. Nó càng bình thường trong một nền kinh tế liên thông toàn cầu. Nhưng loại bỏ những tính toán trước mắt, người ta lại thấy đằng sau nó hàm chứa những yếu tố bất thường. Bất thường lớn nhất là những mặt hàng này VN có tiềm năng sản xuất rất lớn.

Ví như VN có 3.200km bờ biển, với số giờ nắng thuộc loại cao nhất thế giới. Những vựa muối ven biển đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và Nam Bộ mỗi năm có thể cung cấp hàng triệu tấn muối chất lượng tốt. Vậy mà trớ trêu nay VN phải nhập muối! Người ta có thể đổ lỗi cho thiên tai, nhưng nếu có tầm nhìn từ 10- 20 năm trước (hoặc nếu đã có chiến lược thì thực thi thật quyết liệt), thì dù trời có giở chứng cỡ nào vẫn không thể thiếu muối.
Tương tự, VN vẫn thường tự hào là có "rừng vàng" với diện tích rừng và đất rừng cũng vào loại lớn nhất - nhì khu vực. Khả năng trồng cây cho gỗ nguyên liệu rất lớn. Nhưng từ hàng chục năm trước đã có người nói vui rằng: "VN cơ bản đã phá xong rừng".

Nay dù tỉnh ngộ thì chuyện trồng rừng không thể ngày một ngày hai. Việc mỗi năm bỏ ra đến 1 tỉ USD để nhập gỗ nguyên liệu cũng là hệ quả từ tầm nhìn bất thường vậy. Còn thuỷ sản thì khỏi phải nói, trong khi ngư dân vẫn lao đao với con tôm, con cá, không ít phen lâm vào khủng hoảng thừa thì đề án nhập khẩu mỗi năm từ 1-2 tỉ USD nguyên liệu thuỷ sản, với người bình thường nhất cũng cho là việc tính quẩn! Nếu không tính quẩn, chắc chắn mỗi năm sẽ tiết kiệm cho quốc gia hàng tỉ Mỹ kim- và cán cân nhập siêu đâu đến nỗi báo động cấp như hiện nay.

Tiếc là chuyện "chở củi về đốt rừng" như vậy không chỉ có ở 3 điển hình trên. Vựa lúa ĐBSCL những ngày này đang chứng kiến một nghịch lý tức cười: Nhập lúa ngoại. Tương tự, trong khi nông dân nhiều vùng đốt mía vì giá rẻ, nhiều nhà máy đường thua lỗ phải phá sản thì tại biên giới Tây Nam, đường ngoại ào ạt tràn vào như thác lũ. Lại cũng còn một nghịch lý khác: 7 tháng đầu năm, ta đã phải nhập tới trên 1,1 tỉ USD phân bón - lớn hơn cả số ngoại tệ thu được từ xuất khẩu 2,5 triệu tấn gạo! Trớ trêu là chuyện này xảy ra trong khi VN không thiếu tiềm năng sản xuất phân bón.

Vẫn biết, một nền kinh tế vận hành trong cơ chế liên thông toàn cầu cần phải tính toán khôn ngoan. Qua lâu rồi cái thời bế quan toả cảng theo lối tự cung tự cấp. Lối tư duy "bằng mọi giá phải sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu" cũng đã lạc hậu. Nhưng dù hội nhập đến mấy, mỗi quốc gia ngày nay đều khôn ngoan chọn cho mình những cách đi riêng. Đó chính là tận dụng tối đa những lợi thế mà họ có. Nó sẽ giúp họ tránh các cơn bão tài chính, nhiên liệu, bất động sản… mang tính toàn cầu hiện nay.

VN còn rất nhiều mặt hàng (kể cả mặt hàng chiến lược) có tiềm năng lớn. Loại bỏ những điều bất thường (cả tư duy lẫn hành động) đằng sau sự phát triển các mặt hàng này, chắc chắn VN sẽ có nhiều cách trú bão an toàn mỗi khi nền kinh tế toàn cầu trái nắng, trở trời.

Đình Chúc

http://www.doi-thoai.com/baimoi0708_518.html

No comments: