Friday, August 15, 2008

Các con sông tiếp tục bị "đầu độc"

Cập nhật: 11:40 AM, 15/08/2008

http://www.laodong.com.vn/Home/moitruong/2008/8/102401.laodong


Nước thải chưa qua xử lý từ các nhà máy ở khu công nghiệp cứ cuồn cuộn đổ ra những con sông, dòng suối lớn ở miền Đông và Tây Nam Bộ. Các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo từ lâu.

Người dân chịu đựng không thấu đã kêu nhiều lần! Thế nhưng những dòng nước đen ngòm, hôi thối vẫn cứ chảy vào giết dần những dòng sông!

(Bài 1): Đồng Nai: sông, suối đều "hấp hối"

Các nhà khoa học đã cảnh báo và người dân bức xúc về những dòng sông chết do ô nhiễm chủ yếu từ chất thải công nghiệp. Thế nhưng khi trở lại các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và ngay tại TP.HCM, chúng tôi thấy các con sông ở những địa phương này tiếp tục bị đầu độc.

"Nếu xử lý mạnh tay, buộc một doanh nghiệp nào đó vi phạm môi trường ngưng hoạt động một thời gian sẽ có hàng ngàn công nhân bị nghỉ việc".

Ông LÊ VIẾT HƯNG (giám đốc Sở TNMT)

Không chỉ sông Đồng Nai đang được cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm do nước thải công nghiệp - suối Nước Trong - suối có vai trò khá quan trọng, cũng đang "hấp hối".

Suối Nước Trong (huyện Long Thành, Đồng Nai) dài gần 20km, vài năm trước đây không chỉ đóng vai trò thoát nước mà còn là nơi cung cấp nước ngọt phục vụ việc chăn nuôi, trồng trọt của hàng trăm hộ dân các xã Tam Phước, An Phước và Tam An.

Thế nhưng giờ đây suối này đang "hấp hối" khi hứng chịu lượng nước thải khổng lồ thường xuyên vượt các chỉ tiêu về ô nhiễm từ Khu công nghiệp (KCN) Tam Phước thải ra. Điều đáng nói, cùng với nước thải từ các KCN khác, lượng nước ô nhiễm trên suối Nước Trong đang ngày đêm thải trực tiếp ra sông Đồng Nai - con sông đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ nông nghiệp, phát triển kinh tế và cấp nước sạch cho hàng triệu người dân khu vực Đông Nam bộ, trong đó có TP.HCM.

Vi khuẩn bệnh đường ruột vượt tiêu chuẩn... 36.000 lần!

Một ngày đầu tháng tám, chúng tôi trở lại khu vực suối Nước Trong (đoạn thuộc ấp 7, xã Tam Phước) hỏi về tình trạng "sức khỏe" của suối này, từ người dân đến chính quyền địa phương đều cho biết "ô nhiễm đến mức hết chịu đựng nổi".

Bà Đỗ Thị Hảo (ấp 7, xã Tam Phước) than thở: "Nhà tôi ở cách xa suối gần cả trăm mét nhưng cũng không thoát khỏi mùi hôi từ suối xộc vào. Có những đêm mùi hôi nặng quá đang ngủ phải thức giấc, đeo khẩu trang. Có hộ gần suối vì không chịu nổi mùi hôi phải dọn về ở nhờ nhà người thân". Một người dân tại xã Tam An còn cho biết: "Trước đây muốn bắt cua, câu cá chỉ cần xuống suối câu khoảng một giờ là đủ ăn. Còn giờ xuống nước một lúc là chân bị ngứa, nước ăn đến lở chân".

Từ ấp 7, xã Tam Phước, chúng tôi di dọc suối Nước Trong, càng về phía thượng nguồn ô nhiễm càng nặng. Đến gần KCN Tam Phước thì nước dưới suối đậm màu nâu đen. Tại một vị trí cống xả cách KCN Tam Phước khoảng 100m, nước dưới suối đen hơn, bốc mùi hôi, một lớp bọt hóa chất trắng xóa đóng dày và kéo dài hàng chục mét trên mặt nước.

Lãnh đạo xã Tam Phước cho biết đã nhận rất nhiều ý kiến và đơn thư phản ảnh của người dân về tình trạng ô nhiễm của suối Nước Trong. Quá trình kiểm tra thực tế cho thấy ô nhiễm có thật, nhưng việc giải quyết thì ngoài tầm tay. Chưa kể con suối dài gần 20km hiện bị quá tải, nên sau mỗi trận mưa lớn nước ô nhiễm dưới suối tràn ngập hết nhà dân trong vài ngày, nhiều giếng đào bị nước ô nhiễm tràn vào phải bỏ, nhiều vườn cây ăn trái bị chết.

Ông Lê Hữu Đức, giám đốc Công ty cổ phần phát triển KCN Tín Nghĩa (trước đây là Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa) - chủ đầu tư hạ tầng KCN Tam Phước, cho rằng tình trạng ô nhiễm tại suối Nước Trong là do nhiều nguồn xả thải như: nước thải của các hộ dân, trại bò sữa Long Thành chứ không riêng KCN Tam Phước. Hiện KCN Tam Phước có 46 công ty, xí nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là các ngành nghề như chế biến gỗ, chế biến thực phẩm... và đã có nhà máy xử lý nước thải, công suất 1.500m3/ngày mới hoạt động từ năm 2007. Tuy nhiên, ông Đức thừa nhận quá trình vận hành chưa ổn định nên nguồn nước xả ra có lúc chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Cuối tháng 4-2008, Sở Tài nguyên - môi trường (TNMT) Đồng Nai đã kiểm tra phát hiện lượng nước thải của KCN Tam Phước thải ra môi trường vượt chỉ tiêu nhiều lần. Cụ thể: màu sắc vượt tiêu chuẩn 4,36 lần, COD (nhu cầu oxy hóa học), BOD (nhu cầu oxy sinh học) vượt tiêu chuẩn 11-13 lần, amoni vượt tiêu chuẩn 2,6 lần. Đặc biệt coliform (vi khuẩn gây bệnh đường ruột) vượt tiêu chuẩn cho phép 36.000 lần.

Từ kết quả trên, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần phát triển KCN Tín Nghĩa vì xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép với số tiền phạt 22 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu công ty này xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra suối Nước Trong trước ngày 30-6.

Tuy nhiên, qua phản ảnh của người dân và quá trình khảo sát thực tế cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực suối Nước Trong vẫn không có dấu hiệu giảm.

(Theo Tuổi Trẻ)
0808_227Moisinh_moitruong.pdf

No comments: