Saturday, August 16, 2008

Gruzia- Nga

Một số tờ báo và nhiều nhà phân tích vẫn đang tranh cãi, Nga hay Gruzia đã thắng trong cuộc chiến 5 ngày ở Nam Ossetia. Bất chấp những tuyên bố từ hai phía, vẫn còn quá sớm để phân định thắng thua. Giờ đây, chỉ có sự đổ nát ở Nam Ossetia, chỉ có sự chết chóc của thường dân mới là sự thật.

Elena Zubtsova, một nhà báo Nga, mô tả “quân đội Gruzia đã thiêu sống nhiều phụ nữ và trẻ em, nghiến các cụ già bằng xích sắt xe tăng”. Puttin ngay từ khi đang ở Bắc Kinh đã cáo buộc Saakashvili tội “diệt chủng”. Trong khi Gruzia, hôm 13-8, đệ đơn lên Tòa án Quốc tế quy trách nhiệm “thanh trừng sắc tộc” đó cho người Nga. Tổng thống Saakashvili đúng là đã “khiêu chiến”, nhưng người Nga đã dội bom và đưa xe tăng vào Ossetia chỉ sau khi quân Gruzia có mặt ở đó vài giờ. Người Nga, hẳn là không thể chối bỏ trách nhiệm khi tiến hành chiến tranh trên lãnh thổ của một quốc gia độc lập.

Mãi tới năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, như nhiều dân tộc khác trong khu vực này, Gruzia mới được độc lập. Người Gruzia, như đã nói, “thừa hưởng” từ Liên Xô cả Ossetia và Abkhazia, những khu vực mà họ biết rằng khó có thể nào thống nhất cả về lòng người và lãnh thổ. Theo một nhà nghiên cứu, “người Ossetia ghét người Gruzia cũng không thua gì người Gruzia ghét người Nga”.

Vị Tổng thống đã bị người dân Gruzia, dưới sự lãnh đạo của ông Saakashvili, “phế truất”, Chevardnadze, cho rằng “Gruzia đã phạm sai lầm khi tấn công Nam Ossetia mà không có sự chuẩn bị thích hợp”. Xét về tương quan lực lượng và nhất là quan sát khả năng đáp trả gần như ngay tức khắc của Nga, nhiều nhà phân tích không ngần ngại nói, quyết định của Saakashvili là dại dột. Vị Tổng thống được bầu năm 37 tuổi này, trong quá khứ quả là đã từng có một vài hành động nông nổi. Thế nhưng cũng không nên đơn giản nghĩ, Saakashvili cũng đã nông nổi trong quyết định gây chiến lần này.

Người Nga đã lập tức bị kéo vào vòng chiến. Những người thân Nga có vẻ hả hê khi nhìn thấy chiến thắng tất nhiên của một đội quân hùng mạnh gấp trăm lần. Nhưng, ngay sau đó, Gruzia đã rút quân khỏi Ossetia với tổn thất không nhiều. Trong khi, phần mà bom đạn Nga san thành bình địa lại chính là Ossetia, nơi mà bây giờ người Nga sẽ phải bỏ tiền ra để khôi phục. Ở Hội đồng Bảo an, người Nga bị chỉ trích. Cộng đồng châu Âu và Mỹ đe dọa cô lập Nga. Người Nga cuối cùng đang phải chuyển xe tăng về nước.

Trong khi đó, chiến tranh đã trở thành cớ cho máy bay quân sự Mỹ có mặt ở Gruzia trong một sứ mạng được nói là nhân đạo. Nếu như, sự cứng rắn của Nga khiến cho các thành viên NATO nghĩ lại để kết nạp Gruzia, điều mà hồi tháng 4 họ còn băn khoăn, thì hành vi quân sự của Saakashvili không thể nói là phiêu lưu được. Về đối nội, trước mắt, Saakashvili đang có sự ủng hộ của người dân Gruzia trước “kẻ thù xâm lược” Nga. Người Nga, mấy ngày nay đang tỏ ra hết sức thất vọng khi, ca sỹ, diễn viên được yêu thích của họ, người Gruzia, Vakhtang Kikabidze, người từng đoạt giải thưởng nhà nước Liên Xô, lên tiếng ủng hộ Saakashvili và trả lại tấm huân chương Hữu nghị do Nga trao tặng ông chỉ mới vài ba tuần trước.

Nhưng, gây chiến tranh, người Nga đã buộc các nước phương Tây phải chạy sang đàm phán với mình. Ngay sau khi ký kế hoạch đình chiến 6 điểm với Tổng thống Pháp Sarkozy, Tổng thống Nga, Medvedev đã gặp các lãnh tụ ly khai Abkhazia và Ossetia, tuyên bố ủng hộ các quyết định (đòi độc lập) của nhân dân họ. Hành động này có thể coi như là sự trả đũa của Nga đối với phương Tây, khi Mỹ và các nước EU công nhận độc lập của Kosovo. Và phương Tây cũng, sau xung đột này, đang lo ngại là sẽ khó lòng thực hiện dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu qua Gruzia, nơi mà họ có thể phá thế độc quyền về năng lượng của người Nga và Trung Đông. Chắc hẳn các hoạt động quân sự được Nga tiếp tục ở Gruzia sẽ buộc NATO phải cân nhắc rất nhiều khi đặt vấn đề kết nạp Gruzia như là một thành viên của họ.

Chiến tranh, đã làm nổi bật trở lại một Puttin quyền lực. Một Puttin đã đè bép ý chí đòi độc lập của người Checnya. Một Puttin trong gần một thập kỷ cố gắng níu kéo các nước phụ thuộc vào Liên Xô cũ trở về trong vòng ảnh hưởng của mình. Nhưng, nhìn lại trong một thập kỷ ấy, mới thấy, một nước Nga có đầy đủ thế mạnh cả về quân sự, kinh tế nhưng đã để mất dần những quốc gia Đông Âu, suốt gần một thế kỷ nằm trong vòng cương tỏa của mình. Việc Puttin đưa quân vào Ossetia đã không làm các nước lân bang lo sợ như một vài dự đoán. Tổng thống Ukraine đã chống Nga quyết liệt bằng cách ký một sắc lệnh, theo đó, các máy bay và tàu chiến Nga thuộc hạm đội Biển Đen, muốn rời căn cứ Sevastopol nằm trên lãnh thổ của Ukraine, phải báo cho Ukraine trước 72 giờ. Cách cư xử của người Nga, thay vì “láng giềng hữu nghị” mà dùng sức mạnh quân sự, kinh tế gây áp lực, đã khiến cho các quốc gia Đông Âu vốn đã có những ấn tượng không tốt về người Nga trong thế kỷ 20, lần lượt ngả về EU và Mỹ. NATO hiện đang có nhiều khả năng để thò cánh tay của họ vòng quanh Nga, từ Czech, Ba Lan, Ukraine đến Gruzia…

Tuy nhiên, EU và Mỹ có nhiều quyền lợi để trao đổi với Nga hơn là đồng mình bé nhỏ Gruzia. Các diễn biến tới đây chưa hẳn sẽ như những gì mà bây giờ chúng ta dự đoán. Nhưng cho dù cuộc đối đầu Nga- NATO sẽ đi đến kết cục nào thì vô số thường dân của Ossetia cũng đã chết. Có thể là Puttin, có thể là Saakashvili, và sâu xa hơn, có thể là các nước EU và nước Mỹ xa xôi sẽ rồi hưởng lợi. Thế giới đã, có vẻ như, không có nhiều thay đổi khi mà sinh mệnh của các thường dân và các dân tộc nhỏ vẫn là những con tốt thí trên bàn cờ chính trị tranh dành quyền lợi của các “đại gia”.

Huy Đức

No comments: