Sunday, August 3, 2008

Lúa ngoại tràn vào vựa lúa

Lao Động số 176 Ngày 02/08/2008 Cập nhật: 7:55 AM, 02/08/2008



(LĐ) - Sự xuất hiện của hạt lúa ngoại hiện nay đang tạo ra dư luận: Trong bối cảnh hạt lúa trong nước đang mua cao-bán thấp, thì sự xuất hiện này có phải là sự khởi đầu cho câu chuyện "chở củi đốt rừng(?!)".

Với lợi thế giá rẻ, hạt lúa nước bạn được chuyển vào nội địa, nhanh chóng được các nhà máy xay lúa, các doanh nghiệp kinh doanh đón nhận.

"Chở củi về rừng"

Như đến hẹn lại lên, sau thời gian thực hiện lệnh cấm, lúa từ bên kia biên giới lại lũ lượt tràn vào vựa lúa. Chỉ tính riêng tại An Giang, lúa ngoại vượt biên cả tuyến thủy lẫn tuyến bộ. Nổi tiếng nhất là các điểm: Vạt Lài (Long Bình- An Bình), Cây Mít, Đường Sứ (Tịnh Biên), Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn).

Sự đổ bộ này được ví như "chở củi về rừng". Bởi vào thời điểm này, hạt lúa trong nước đang bí đầu ra dù chấp nhận bán dưới giá thành. Rảo một vòng các địa phương giáp biên, như: Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc, Tân Châu, An Phú... đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh đau lòng: Những đống lúa to được nông dân chất tràn ven hai bên mời chào hàng chục ngày mà vẫn chưa có người đoái hoài. Trong khi đó những chuyến xe, chuyến ghe chất đầy lúa ngoại lại ồ ạt tràn vào.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã An Nông (Tịnh Biên) - cho biết tại khu vực Đường Sứ có 4 DN thu mua lúa ngoại. Hiện bình quân mỗi DN nhập 5-10 xe /ngày (5 tấn/xe). Còn ông Nguyễn Văn UÁt - chủ nhà máy Đại Thành 4, sau khi vượt hơn 50 cây số từ huyện Tân Châu vào Tịnh Biên mua "lúa ngoại" - cho biết: Giá chỉ dao động từ 3.800-4.200đ/kg, độ an toàn thực phẩm cao, do ít sử dụng thuốc BVTV nên chúng tôi tập trung vốn mua "lúa ngoại" dự trữ".

Không gian sống cho hạt lúa nội địa

"Năm trước, vào thời điểm này mỗi ngày tôi tiêu thụ hơn 200 tấn lúa nội địa, còn bây giờ thì một hột cũng không dám" - ông Nguyễn Văn Út mở đầu câu chuyện bằng nỗi ám ảnh mà rất nhiều DN thu gom, xay lúa gạo ở ĐBSCL vướng phải từ đầu vụ: Mua cao-bán thấp.



Tăng cường nhập lúa ngoại với giá rẻ, một cách tạo sân sau cho hạt lúa trong nước tăng tốc trên đường chinh phục thế giới (ảnh chụp tại khu vực Đường Sứ).

"Đầu vụ mua lúa giá 4.800đ/kg, nông dân than lỗ chút ít, còn DN lỗ trắng tay bởi các nhà kinh doanh chỉ đồng ý mua gạo với giá 6.050đ/kg, tức tương đương 352USD/tấn, bằng một nửa giá trên thị trường xuất khẩu. Bị lỗ nặng, lại khó tìm được chỗ bán, nên chúng tôi chuyển sang mua "lúa ngoại" khai thác thị trường bình dân trong nước để giảm bớt nguy cơ rủi ro", ông Út nhấn mạnh. Điều này cho thấy cả nông dân và hàng xáo - hai lực lượng mật thiết của hạt lúa - đã bị hất khỏi "chiếc bánh lợi nhuận".

Thật ra, lâu nay "lúa ngoại" được xem như "sân sau", sự bổ sung cần thiết để giữ an toàn cái ăn cho cả nước. Duy chỉ có điều, lần này lại rơi vào bối cảnh lúa trong nước đang ế ẩm của sự kiện rớt giá, nên sự xuất hiện không đúng lúc của nó đã gây tâm lý thiếu thiện cảm.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, cố vấn cao cấp ĐH An Giang - trong bối cảnh lương thực tại nhiều quốc gia trên thế giới đang căng thẳng do nạn nóng ấm toàn cầu, diện tích gieo trồng bị giảm, chính sách năng lượng mới, sử dụng lương thực để sản xuất cồn ethanol... thì việc đưa "cây" về "rừng" như thế này sẽ làm cho rừng thêm xanh tốt.

Đây không phải là lúc chúng ta đặt ra hoài nghi: Có nên xua đuổi, mà phải vận dụng và khai thác một cách có hiệu quả nhất lợi thế hiếm có này. Bởi vấn đề của hạt gạo Việt Nam hiện nay là do phải chia sẻ lợi nhuận cho quá nhiều người một cách bất hợp lý. GS-TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: Hệ thống phân phối gạo của Việt Nam có quá nhiều cấp, mỗi cấp đều phát sinh chi phí, trong đó phí quản lý rất bất hợp lý.

"Nếu dẹp được kiểu "cấy lúa trên lưng nông dân", với giá gạo như hiện nay, thì việc mua lúa phục vụ xuất khẩu ở mức 5.000 - 5.500đ/kg là điều hoàn toàn có thể thực hiện được, song song với việc mở rộng việc thu mua lúa từ bên kia biên giới để điều tiết thị trường hợp lý, mở rộng cho hạt gạo VN đi ra thế giới.

Lục Tùng

No comments: