Friday, August 15, 2008

Mỹ - Ba Lan ký thỏa thuận quốc phòng

Các tên lửa ở Ba Lan sẽ tương tự như những tên lửa ở Alaska và California


Mỹ và Ba Lan ký một thỏa thuận sơ bộ về kế hoạch phòng thủ tên lửa gây tranh cãi, vốn bị Nga phản đối kịch liệt.

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ thiết lập 10 tên lửa đánh chặn tại một căn cứ trên bờ biển Baltic nhằm giúp tăng cường khả năng phòng không của Ba Lan.

Washington nói hệ thống này sẽ bảo vệ Mỹ và châu Âu trước các vụ tấn công tên lửa tầm xa từ ‘các quốc gia ngỗ ngược’.

Các phóng viên cho rằng thỏa thuận này sẽ càng làm căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Nga, vốn lên án kế hoạch này.

Moscow nói dự án sẽ làm mất cân bằng quân sự ở châu Âu, và cảnh báo rằng nước này có thể bị buộc phải hướng tên lửa vào Ba Lan.

Quan hệ giữa Washington và Moscow giờ khá căng thẳng quanh chuyện Nga tham chiến ở Gruzia.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói với chương trình World Tonight của BBC rằng thời điểm ký thỏa thuận trên không dính dáng gì tới căng thẳng hiện thời.

Ông nói: “Chúng tôi đồng ý đàm phán một tuần trước, thậm chí còn trước cả khi các sự kiện xảy ra ở Gruzia”.

“Nhưng điều quan trọng quyết định thành công của cuộc đối thoại một vài ngày gần đây là Mỹ đưa ra các đề xuất mới”.


Chúng tôi đồng ý đàm phán một tuần trước, thậm chí còn trước cả khi các sự kiện xảy ra ở Gruzia


Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski

Phóng viên BBC Adam Easton ở Warsaw nói rằng không giống như Mỹ, Ba Lan coi Nga là một mối đe dọa tới an ninh nước này lớn hơn cái gọi là 'các quốc gia ngỗ ngược' như Iran.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hoãn chuyến thăm dự kiến tới Ba Lan ngay sau khi thỏa thuận trên được công bố.

Hiện đại hóa

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk công bố tin trên truyền hình quốc gia ngay trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Andrzej Kremer và nhà đàm phán chính của Mỹ John Rood ký vào thỏa thuận.

Ông Tusk nói rằng Washinton đã đồng ý đáp ứng các đề nghị chính từ Warsaw để đổi lại sẽ thiết lập 10 tên lửa đánh chặn ở một nơi từng là căn cứ quân sự gần bờ biển Baltic của Ba Lan.

Đổi lại, Mỹ đồng ý giúp hiện đại hóa quân đội Ba Lan và đưa tên lửa Patriot cũng như một đơn vị tới đồn trú ở Ba Lan nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia này.

Ba Lan được coi là đã yêu cầu Mỹ tăng cường thêm an ninh sau khi Moscow đe dọa sẽ hướng tên lửa vào bất kỳ căn cứ nào của Ba Lan.

Một phát ngôn viên Nhà Trắng nói Tổng thống Mỹ Bush “rất hài lòng với bước tiến này”.

Mỹ ký thỏa thuận với Cộng hòa Czech hồi tháng Bảy nhằm thiết lập các radar ở nước này, vốn là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa.

Mỹ muốn các địa điểm này đi vào hoạt động năm 2012
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2008/08/080815_us_poland_missiles.shtml

No comments: