Friday, August 1, 2008

Đằng sau việc thay lãnh đạo Quân khu Thủ đô

1/8/2008
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy
Gửi tới BBC từ Paris

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết công bố Lệnh tổ chức lại Quân khu Thủ đô thành Bộ Tư lệnh Thủ đô

Trước hết việc bãi nhiệm và chuyển công tác toàn bộ ban lãnh đạo Quân khu Thủ đô cho thấy quyết tâm thay đổi cả một khuynh hướng lãnh đạo trong quân đội của bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam.
Nhiều giả thuyết đã được nêu ra trong đó lý do tranh chấp quyền lợi và quyền lực dễ được chấp nhận nhất. Cũng nên biết trong khu vực thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, quân đội cai quản một số diện tích đất đai cho nhu cầu quân sự.

Nhà và đất

Từ sau 1980 đến nay, Việt Nam không còn bị đe dọa chiến tranh nên sự hiện diện của một đội quân đông đảo trong khu vực thủ đô không còn cần thiết, tức phải phục viên một số đơn vị không cần thiết, một số cơ sở bị bỏ trống.

Trước đà phát triển kinh tế chung của cả nước và nói chung và Hà Nội nói riêng, trị giá nhà đất trong các thành thị lên rất cao. Chắc chắn Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô đã được những nhà khai thác địa ốc tiếp xúc và đề nghi mua bán những khu vực quân sự không còn sử dụng cho nhu cầu quốc phòng.

Hôm 30/06/08, Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh đã tới thăm bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô và nhắc nhở "phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý quân số, quản lý tư tưởng bộ đội, có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa các hiện tượng vi phạm kỷ luật có thể xảy ra". Điều này cho thấy một số quân nhân của quân khu này đã được cử ra ngoài kinh doanh chia chác với các ban lãnh đạo đơn vị.

Sự bãi nhiệm toàn bộ ban lãnh đạo nằm trong hướng đó. Riêng ông Nguyễn Như Hoạt, trung tướng, ủy viên ban chấp hành trung ương đảng cộng sản, được chuyển công tác sang làm giám đốc Học viện Quốc phòng.

Những người còn lại, các ông Nguyễn Đăng Sáp, trung tướng kiêm chính ủy, Trần Trung Khương, thiếu tướng kiêm phó chính ủy, Lê Hải Bình, thiếu tướng kiêm phó tư lệnh và tham mưu trưởng, và Nguyễn Văn Nghinh, thiếu tướng kiêm phó tư lệnh, được điều động về Bộ Quốc phòng, tức chờ ngày cho phục viên.

Trong quân đội, một người được cho về phục viên (giải ngũ) trước hạn kỳ là một hình thức kỷ luật với người được coi là có công với Đảng và nhà nước.

Chuyển địa bàn

Nguyên do thứ hai, lệnh chuyển đổi Quân khu Thủ đô thành Bộ tư lệnh Thủ đô đã được chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký từ ngày 16-7-2008, phải chờ 15 ngày sau mới công bố.


Năm tướng rời Quân khu Thủ đô
Trung tướng Nguyễn Như Hoạt
Trung tướng Nguyễn Đăng Sáp
Thiếu tướng Trần Trung Khương
Thiếu tướng Lê Hải Bình
Thiếu tướng Nguyễn Văn Nghinh

Ông Phạm Quang Nghị, bí thư thành ủy Hà Nội, cho biết sự chuyển đổi này là sự thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chánh Hà Nội, theo đó địa giới của Hà Nội được nới rộng tới tỉnh Hà Tây, phía tây-nam Hà Nội. Nói chung đó là việc sát nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội.

Cũng nên biết Hà Tây là nơi ban tham mưu quân đội cộng sản Việt Nam đặt làm bản doanh khi có biến. Hà Tây còn là địa bàn huấn luyện của lực lượng quân sự tinh nhuệ nhất nước là lực lượng đặc công (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ).

Một nguyên do khác, không thể nói ra nhưng mọi người đều hiểu, là sự thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo Quân khu Thủ đô nằm trong chiều hướng canh tân hóa và hiện đại hóa quân đội.

Trước sự gia tăng áp lực quân sự của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông và dọc vùng biên giới, Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam muốn tìm một hướng đi khác thay vì ngoan ngoãn đi theo và làm vừa lòng Trung Quốc.

Sự bãi nhiệm toàn bộ ban lãnh đạo quá khứ này cho thấy quyết tâm của bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam muốn loại bỏ hẳn khuynh hướng thiên Trung Quốc này ngay tại thủ đô Hà Nội. Sự kiện này chỉ có thể làm vừa lòng mọi quân nhân và dân chúng trên toàn quốc và thích ứng với yêu cầu của tình thế quốc tế và khu vực.

Về tổ chức, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị trực thuộc Bộ quốc phòng, chịu sự quản lý và chỉ huy của bộ trưởng quốc phòng. Bộ tư lệnh Thủ đô có chức năng tham mưu cho đảng bộ và chính quyền Hà Nội trong sự thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự địa phương, nghĩa là bảo vệ các cơ quan đầu não của đảng và nhà nước, bảo vệ các yếu nhân của đảng và nhà nước, đại diện các quốc gia và các cơ sở trọng yếu của đảng và nhà nước và quốc tế.

Chức năng chính của Bộ tư lệnh Thủ đô là thực hiện quản lý nhà nước trong các lãnh vực quân sự, quốc phòng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận ; tổ chức thực hiện xây dựng, quản lý và chỉ huy các đơn vị lực lượng thường trực và dự bị, và dân quân tự vệ dưới quyền.

Về lãnh đạo, ông Phùng Đình Thảo, nguyên chủ nhiệm quân khu thủ đô, được bổ nhiệm làm chính ủy ; ông Phi Quốc Tuấn, nguyên chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây, được cử làm tư lệnh Bộ tư lệnh quân khu thủ đô ; cả hai đang giữ tước hàm đại tá nhưng sẽ được thăng hàm thiếu tướng trong những ngày sắp tới.

Sự đề cử những sĩ quan chưa lên cấp tướng vào các chức vị cao nhất ngay tại thủ đô có một ý nghĩa mới, đó là sự đề cao tài năng cá nhân chứ không do thâm niên đảng tịch. Chắc chắn trong những ngày sắp sự thay đổi nhân sự sẽ càng sâu rộng hơn trong Bộ Tư lệnh Thủ đô.

Hơn thế nữa, sự bổ nhiệm một người có trình độ cao về kiến thức quân sự và chiến lược, trung tướng Phạm Xuân Hùng, giám đốc Học viện Quốc phòng, định chế cao cấp nhất nước về nghiên cứu chiến lược quốc phòng, vào chức phó Tổng tham mưu trưởng quân đội là một biến cố đáng chú ý.

Điều này cho thấy Việt Nam đang chú trọng tới khía cạnh trí thức trong quân đội vì từ vài năm gần đây, các binh chủng hải quân và không quân thường xuyên được các cường quốc quân sự phương Tây và các nước Đông Nam Á mời làm quan sát viên các cuộc tập trận quân sự trong vùng.

Những sĩ quan được cử tham dự các cuộc tập trận này bắt buộc phải có một trình độ học vấn cao và nói thông thạo tiếng Anh.

Cũng nên biết từ vài năm trở lại đây, báo chí đảng và quân đội luôn luôn đề cao trình độ và kiến thức trong chương trình huấn luyện sĩ quan tại các trường huấn luyện quân sự, nhất là các trường đào tạo sĩ quan.

Mục tiêu chính của chương trình huấn luyện mới này là đào tạo một lớp chỉ huy quân sự trẻ hoàn toàn khác với các lớp sĩ quan đàn anh trước kia : những cấp chỉ huy quân đội không chấp nhận theo đuôi Bắc Kinh một cách ngoan ngoãn như trước, nếu được hợp tác với các cường quân sự quân sự và hải quân phương Tây và Đông Á thì càng tốt.

Sự bổ nhiệm hai sĩ quan trẻ vào ban lãnh đạo Bộ tư lệnh Thủ đô cho thấy khuynh hướng thân phương Tây đang lộ diện, nhưng còn rất dè dặt. Phải chờ một thời gian nữa mới có thể quyết đoán lập luận thiên phương Tây của ban lãnh đạo đảng cộng sản là hiện thực.

Nhìn ra cả nước

Trong tương lai sự thay đổi các cấp lãnh đạo mới tại các quân khu khác cũng phải diễn ra. Những cấp lãnh đạo trưởng thành trong chiến tranh đều đang mai một và đang phải nhường chỗ cho những người trẻ tuổi hơn, có trình độ học thức cao, nhất là thông thạo Anh ngữ.

Sự chỉnh đốn lại hàng ngũ và chính sách quốc phòng là rất cần thiết, nếu không muốn nói là quá chậm trễ


Nguyễn Văn Huy

Sự chỉnh đốn lại hàng ngũ và chính sách quốc phòng là rất cần thiết, nếu không muốn nói là quá chậm trễ.

Gần đây Bộ quốc phòng Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc viếng thăm và tìm hiểu nguyện vọng của những đơn vị quân sự trấn đóng dọc vùng biên giới phía Bắc, đặc biệt là tại Lai Châu, một tỉnh địa đầu phía tây bắc Việt Nam.

Tại đây, tinh thần chiến đấu của các đơn vị và binh sĩ vẫn còn cao nhưng trang bị vũ khí và trình độ kiến thức còn rất kém. Những binh sĩ trấn đóng dọc vùng biên giới cần được huấn luyện thêm về kỹ thuật dân vận để giữ chân những sắc tộc này ở lại Việt Nam.

Cũng nên biết hiện nay Trung Quốc đã đơn phương chấm dứt công tác cắm mốc dọc vùng biên giới, điều này là chính quyền cộng sản Việt Nam lo ngại vì các chính quyền Trung Quốc đang có chính sách phủ dụ các sắc tộc thiểu số sinh sống dọc vùng biên giới thần phục Trung Quốc để được giúp đỡ vật chất.

Những chuyến tham quan úy lạo hay làm việc với các bộ tư lệnh quân sự tiền phương dọc vùng biên giới đã rất thường xuyên, qua đó bộ quốc phòng và chính quyền cộng sản Việt Nam nắm vững hơn tình hình và có những giải pháp thích nghi.

Đại tướng Phùng Quang Thanh là người có chủ trương tăng lợi tức của những quân nhân biên phòng để đảm bảo sinh hoạt của gia đình và được huấn luyện và trang bị hiện đại hơn. Tới đây, các lực lượng biên phòng quân khu I và II sẽ được nâng đỡ thêm về vật chất và được trang bị và huấn luyện hiện đại hơn.

Ngược lại, các quân khu ở miền Nam và miền Tây Nam Bộ, vì không có nhu cầu chiến tranh một số các lực lượng quân sự trấn đóng tại đây phải được giảm thiểu để lấy ngân sách bù đắp cho những đơn vị trú đóng dọc vùng biên giới phía Bắc và trên vùng Tây Nguyên.

Thêm vào đó các cấp chỉ huy có trình độ học vấn thấp hay sắp đến tuổi về hưu phải nhường chỗ cho những sĩ quan trẻ tuổi có nhiều sáng kiến hơn.

Hợp tác và đối ngoại quân sự

So với các quốc gia trong vùng Đông Á và Đông Nam Á, có lẽ Việt Nam, Lào và Campuchia là ba quốc gia nghèo về trang bị quân sự, do đó rất yếu khi lâm trận trên không hay trên biển.

Trước sự gia tăng đột ngột ngân sách quốc phòng của quân đội Trung Quốc, đe dọa chỗ đứng của Hoa Kỳ trong khu Đông Á Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đang tìm cách khuyến khích hợp tác quân sự của Việt Nam, Lào và Campuchia với các quốc gia dân chủ hơn tại ở Đông Nam Á, canh tân và hiện đại hóa quân đội.

Hà Nội và Washington đang tiến hành những chuyến thăm tàu chiến và một chương trình dạy tiếng Anh cho sĩ quan Việt Nam, trong khi Hoa Kỳ muốn mở rộng các hoạt động huấn luyện và đào tạo.

Một cách cụ thể, Hoa Kỳ muốn các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á có đủ khả năng chống trả lại các cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc trước khi có sự can thiệp của Hoa Kỳ. Chính sách này đã và đang được xúc tiến tại các quốc gia khác trong khu vực trừ ba nước cựu Đông Dương, vì không đủ khả năng tự thay đổi.

Qua sự kiện quân khu thủ đô Hà Nội, người ta tiên đoán là bắt đầu từ nay quyết tâm của bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam là canh tân và hiện đại hóa quân đội. Thể hiện cụ thể của quyết định này là gia tăng hợp tác quân sự với Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực.

Kế đến là chuyên nghiệp hóa một số đơn vị quân sự tác chiến, đặc biệt là không quân, hải quân và ngành thông tin viễn thông (vệ tinh). Các đơn vị lục quân sẽ không cần đông đảo và được chuyên nghiệp hóa hơn với những trang bị mới nhất.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/08/080801_vietarmedforces.shtml

No comments: