Đỗ Thái Nhiên
Căn cứ vào hiến pháp 1992 của CSVN nhà cầm quyền Hà Nội vẫn thường xuyên đề cao nguyên tắc mọi người đều được hưởng quyền bình đẳng trước luật pháp. Tuy nhiên, muốn thực sự có được quyền bình đẳng này, trong rất nhiều trường hơp, người dân cần đến sự hổ trợ giới luật sư. Vì vậy, để có thể đánh giá chân xác mức độ “bình đẳng trước luật pháp” của xã hội Việt Nam ngày nay, chúng ta không thể không tìm hiểu qui chế hành nghề luật sư dưới chế độ Hà Nội.
Ngày 29/06/06, nhà cầm quyền CSVN đã ban hành đạo luật số 65/QH11. Luật này được gọi là Luật Luật Sư. Bây giờ chúng ta hãy ghi nhận ba điều luật chủ yếu của luật 65/QH11:
_ Điều 10 xác định luật sư phải là “công dân Việt Nam trung thành với tổ quốc, tuân thủ hiến pháp và pháp luật”. Đừng quên rằng đối với CSVN tổ quốc có nghĩa là tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp được CSVN nhắc tới bao giờ cũng hàm ý quyền toàn trị dành cho CS nói ở điều 4 hiến pháp. Tóm lại, điều 10 luật 65/QH11 buộc người luật sư phải nằm dưới quyền lãnh đạo của đảng, trung thành với đảng CS.
_ Điều 3 quy định: Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp CS có nhiệm vụ thiết lập chương trình khung trong việc đào tạo hành nghề luật sư. Sau đó điều 17 viết thêm: Bộ Trưởng Tư Pháp là giới chức có thẩm quyền cấp phát chứng chỉ hành nghề luật sư. Như vậy, điều 10 và 17 cho thấy muốn hành nghề luật sư, ứng viên phải sống dưới trướng của Bộ Tư Pháp CS. Bộ cho sống thì được sống. Bộ bảo chết thì phải chết.
_ Mặc dầu điếu 10 và 17 đã giao nạp sinh mệnh nghề nghiệp của người luật sư cho Bộ Tư Pháp, điều 6 luật 65/QH11 còn nhấn mạnh thêm: “Quản lý hành nghề luật sư được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư”. (Hết lời dẫn).
Kiểu hành văn của điều 6 tuy có phần bí hiểm nhưng vẫn đủ để cho người dân hiểu rằng: nghề luật sư dưới chế độ CS do nhà nước quản lý trực tiếp và chặt chẽ.Câu hỏi được đặt ra là: bằng vào những kỹ thuật kềm kẹp của bộ Tư Pháp liệu chừng CSVN có khả năng biến người luật sư dưới chế độ CS vĩnh viễn trở thành những người chỉ biết nói bằng lưỡi gỗ hay không? Câu hỏi vừa nêu làm cho chúng ta nghĩ tới hai chữ NHÂN DÂN trong tiếng Việt. Nhân là con người toàn thiện toàn mỹ. Nhân là lương tâm của mỗi người. Dân là con người sống với thực tiễn xã hội. Dân khi vui, khi buồn; khi thành thật, khi gian dối; khi hiền đức khi độc ác…Điều cần nhấn mạnh là dân thường xuyên nghe tiếng NHÂN, thường xuyên cố gắng sống hướng thượng, thường xuyên được NHÂN tức là được lương tâm nhắc chừng thế nào là hướng thượng trong mỗi hoàn cảnh sống. Nhân và Dân đã có những gắn bó keo sơn trên ngôn ngữ cũng như trên thực tại đời sống. Riêng trong giới luật sư, càng chìm nổi trong nghề nghiệp, người luật sư càng hiểu biết một cách thấm thía thế nào là công lý, thế nào là lương tâm nghề nghiệp. Chính lương tâm kia, chính chữ nhân trong mỗi luật sư đã hối thúc người luật sư dưới chế độ CSVN phải can đảm chứng tỏ cho công luận biết rằng thần công lý không bao giờ bỏ rơi người dân cùng khổ. Tại Việt Nam, trong hơn một thập niên qua, người đệ tử lẩy lừng của thẩn Công Lý chính là nữ luật sư Lê Thị Công Nhân, bên cạnh vị nữ luật sư nhỏ người mà to gan này còn có các luật sư khác oanh liệt không kém. Đó là quý vị: LS Nguyễn Văn Đài, LS Trần Quốc Hiển, LS Nguyễn Bắc Truyễn, LS Bùi Kim Thành, LS Lê Quốc Quân, LS Trần Thị Thùy Trang…những vị luật sư này đã hoặc đang bị CSVN giam cầm trong các nhà tù, các nhà thương điên chỉ vì tội đòi hỏi dân chủ nhân quyền cho người dân. Tin từ Việt Nam cho biết: thứ sáu, ngày 8/8/2008, tòa án Nhân Dân Tối Cao của CSVN tại Saigon đã nhóm họp để xét xử phúc thẩm ông Phạm Bá Hải, người lãnh đạo tổ chức Bạch Đằng Giang, một tổ chức đấu tranh đòi hỏi dân chủ nhân quyền cho Việt Nam. Ông Phạm Bá Hải được luật sư Lê Trần Luật biện hộ. Mở đầu bài tranh biện của mình, luật sư Lê Trần Luật dõng dạc phát biểu:
“Thưa Hội Đồng Xét Xử,
Tôi, LS Lê Trần Luật, người được tòa án nhân dân tối cao chấp thuận bào chữa cho Nhà Hoạt Động vì Dân Chủ Phạm Bá Hải. Sở dĩ tôi không gọi Phạm Bá Hải là bị cáo mà lại gọi là “nhà họat động dân chủ” vì tôi tin rằng những hành động của anh vừa bị cấp sơ thẩm buộc tội là những hành động không phạm tội, nếu không muốn nói là sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho tiến trình phát triển dân chủ ở Việt Nam” (Hết lời dẫn)
Điều đáng ghi nhận là khi luật sư Lê Trần Luật tuyên xưng thân chủ của mình là “Nhà hoạt động vì dân chủ” thì cả hội đồng xét xử lẩn viện kiểm sát nhân dân đều ngồi bất động, không nói một lời phản đối. Sự thể này chứng tỏ mạnh mẽ rằng tòa án CSVN đã bị khuất phục bởi phong cách biện hộ hào hùng của LS Lê Trần Luật. Danh sách các luật sư đã hoặc đang ở tù dưới chế độ CS đi kèm với câu chuyện LS Lê Trần Luật trước tòa án CS cho thấy: về phương diện cá nhân, số lượng luật sư dũng cảm hành động theo lòng nhân, theo lương tâm chức nghiệp ngày càng đông đảo. Vậy thì, về phương diện tập thể, đoàn luật sư đã làm gì để biểu đồng tình với các luật sư dũng cảm kia? Câu trả lời xin được giải bày như sau: Tháng 12/2007 Trung Quốc cưởng đoạt Hoàng Sa và Trường Sa của VN bằng cách mang hai quần đảo kia sáp nhập vào đơn vị hành chánh Tam Sa của Trung Quốc. Từ đó quần chúng VN nổi lên biểu tình chống Trung Quốc và cũng từ đó CSVN ngày càng đàn áp những cuộc biểu tình này một cách tàn tệ. Thế rồi, thật là bất ngờ, ngày 05/01/2008, LS thủ lãnh Nguyễn Đăng Trừng cùng các luật sư phụ tá gồm có: LS Nguyễn Văn Trung, LS Nguyễn Văn Hòa, LS Lê Công Định đã tổ chức một hội nghị qui tụ hai ngàn luật sư thuộc đoàn luật sư Saigon. Hội nghi này quyết liệt phản đối Trung Quốc xâm lược. Phản ứng vừa nêu của Đoàn Luật Sư Saigon đã làm cho chúng ta nghĩ đến thuật ngữ “xã hội dân sự”. Xã hội dân sự là xã hội được hình thành theo nhu cầu sống hợp quần và tâm lý yêu chuộng công ích của con người. Xã hội dân sự nằm ngoài sự tổ chức và điều động của guồng máy cầm quyền. Mối quan hệ giữa nhà cầm quyền và người dân bao giờ cũng có khuynh hướng thoái hóa thành quan hệ thống trị và bị trị. Xã hội dân sự là đối lực tự nhiên của nhà cầm quyền các loại, nó có tác dụng vô hiêụ hóa các khuynh hướng thoái hóa kia. Đoàn luật sư Saigon do bộ tư pháp của CSVN nắm quyền sinh sát. Sự việc 2000 luật sư Saigon đồng loạt đứng lên chống Trung Quố ngày 05/01/2008 là chỉ dấu cho thấy đoàn luật sư Saigon đang nổ lực từ giả nhà nước CSVN để chạy về phía xã hội dân sự
Nói chung, lương tâm làm người hối thúc cá nhân người luật sư hành nghề dưới chế độ CSVN chỉ nghe theo tiếng nói của lương tâm, từ chối tuân hành mọi mệnh lệnh của bộ tư pháp Hà Nội. Mặt khác, kiến thức và kinh nghiệm của nghề luật sư đã chỉ ra rằng: đoàn luật sư phải là một tổ chức thực sự độc lập, phải là một xã hội dân sự thì người luật sư mới có thể phục vụ thân chủ một cách thích nghi. Trào lưu luật sư bênh vực người dân chống lại nhà cầm quyền, cộng với trào lưu đoàn luật sư tìm đường thoát khỏi vòng tay khống chế của bộ tư pháp CS đã buộc CSVN phải đi tìm giải pháp mới. Giải pháp mới chính là ngày 16 tháng 01/2008 thủ tướng CSVN ký quyết định thành lập Hội Đồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc. Đồng thời ông Lê Thúc Anh, cựu phó chánh án tòa án tối cao, được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng lâm thời. Phụ tá ông Lê Thúc Anh là hai ông:
1)Ông Trần Đại Hưng, cựu phó ban nội chính, ban chấp hành trung ương.
2)Ông Nguyễn Văn Thảo, cựu vụ trưởng vụ bổ trợ, bộ tư pháp.
Cả ba ông chủ tịch và hai phó chủ tịch đều chưa hề hành nghề luật sư. Dưới sự điều hành của ba ông lãnh đạo kia là 12 ủy viên, trong đó có luật sư Phạm Hồng Hải, chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội và luật sư Nguyễn Đăng Trừng, chủ nhiệm đoàn luật sư Saigon. Như vậy hội đồng luật sư toàn quốc chính là Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam.
Ngày 18/06/2008 LS Nguyễn Đăng Trừng , chủ nhiệm đoàn Luật Sư Saigon công bố quyết định rút tên ra khỏi Hội Đồng Lâm Thời LS Toàn Quốc. Lý do rút tên: Đoàn Luật Sư Saigon không đồng ý với sự việc đưa một người không phải là luật sư lên làm chủ tịch hội đồng lâm thời luật sư. Quyết định này hiện đang là đề tài tranh cãi giữa ban chỉ đạo đại hội đại biểu luật sư toàn quốc và đoàn luật sư Saigon
Câu chuyện chế độ Hà Nội tìm cách mang đoàn luật sư Saigon nối kết với đoàn luật sư Hà Nội để tạo thành liên đoàn luật sư Việt Nam đã hàm chứa các ẩn ý sau đây:
Thứ nhất: luật hiện hành của CSVN xác định: luật sư cũng như đoàn luật sư, tất cả đều nằm gọn trong tay của bộ tư pháp CSVN. Tuy nhiên theo nhận định của ông Hà Hùng Cường, bộ trưởng bộ Tư Pháp CSVN, mỗi đoàn luật sư có khuynh hướng trở thành một sứ quân. Sứ quân ở đây là sứ quân chống độc tài Hà Nội, chống bành trướng Bắc Kinh. Làm thế nào Hà Nội có thể vừa dẹp được loạn luật sư sứ quân vừa tránh được tai tiếng phá hoại tính chất độc lập của nghề luật sư? CSVN đã trả lời câu hỏi vừa nêu bằng cách thành lập liên đoàn luật sư Việt Nam. Liên đoàn này có nhiệm vụ thay thế bộ tư pháp trong công tác dẹp loạn luật sư sứ quân. Nói rõ hơn, CSVN dẹp loạn luật sư sứ quân thông qua xảo thuật dùng luật sư đánh luật sư.
Thứ hai: kiến thức nghề nghiệp cộng với kinh nghiệm nghề nghiệp đã khắc sâu vào tâm trí mỗi người luật sư hai yếu tố tinh thần quan trọng. Đó là lòng tự trọng nghề nghiệp và tình đồng nghiệp. Hai yếu tố tinh thần kia đã làm cho hiện tượng luật sư đánh luật sư rất khó lòng xảy ra. Nhất là đánh luật sư để bảo vệ chế độ độc tài tham ô. Vì vậy muốn tạo ra trận đồ luật sư đánh luật sư CSVN đã bổ nhiệm ba người , một chủ tịch và hai phó chủ tịch, vào ban lãnh đạo tối cao liên đoàn luật sư Việt Nam. Ba người này là Lê Thúc Anh, chủ tịch; Trần Đại Hưng và Nguyễn Văn Thảo phó chủ tịch. Cả ba không phải là luật sư thực sự, cả ba chưa hề hành nghề luật sư, không có kiến thức và tâm lý luật sư. Như vậy, cả ba sẳn sàng khoác áo luật sư để đánh luật sư theo lệnh của Hà Nội.
Theo dõi những lời qua tiếng lại giữa Đoàn Luật Sư Saigon và Hội Đồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc công luận mới hiểu được lý do thầm kín dẫn tới sự việc Đoàn Luật Sư Saigon ly khai với Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam. Ly khai trong trường hợp này chính là nổ lực biến Đoàn Luật Sư Saigon thành một đơn vị mẫu mực của xã hội dân sự. Mặt khác không riêng gì Đoàn Luật Sư Saigon mà còn rất nhiều tổ chức xã hội khác: báo chí, tôn giáo, văn nghệ, thể dục thể thao , hướng đạo, võ thuật v.v…tất cả đều mong muốn được thành hình và phát triển theo đúng phẩm chất của xã hội dân sự. Xã hội dân sự là xã hội do người dân tự quản. Xã hội dân sự vừa là môi trường của tự do dân chủ, vừa là công cụ có năng lực tước bỏ một cách nhẹ nhàng nhưng rất hữu hiệu mọi dự mưu bành trướng của các phe phái độc tài áp bức./.
Đỗ Thái Nhiên
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment