Friday, August 8, 2008

'Phía VN đòi 15% tiền dự án'

08 Tháng 8 2008

Đại lộ Đông Tây xây dựng bằng vốn ODA của Nhật Bản


Một cựu quản lý của công ty tư vấn Nhật Bản Pacific Consultants International (PCI) nói quan chức Việt Nam đòi hoa hồng tới 15% tiền dự án.
Tờ nhật báo Yomiuri Shimbun trích lời ông này cáo buộc ban Quản lý dự án PMU tại TP Hồ Chí Minh đã vòi số tiền trên để đổi lấy việc trao thầu tư vấn cho PCI trong hai dự án vào tám năm trước đây.

PCI đã thắng thầu lần đầu vào tháng 10/2001 sau khi dự thầu khá cạnh tranh với các công ty khác trong dự án xây dựng đường cao tốc trị giá 1,1 tỷ yen bằng tiền viện trợ của chính phủ Nhật Bản.

Tháng 3/2003, PCI lại được PMU trao thầu trong một dự án liên quan trị giá hai tỷ yen, lần này một cách 'bí mật'.

Yomiuri cho hay, vẫn theo lời viên quản lý trên của PCI, PMU hứa với PCI rằng trong khoảng năm 2000 sẽ quyết định cho công ty này thắng thầu trong hai dự án nếu chịu chia tiền hoa hồng 15%.

Lúc đó PCI xin hạ tỷ lệ này xuống 10% vì lẽ giá trị hai dự án quá lớn, tới ba tỷ yen Nhật.

Giám đốc điều hành PCI Haruo Sakashita, 62 tuổi, là người đã thương lượng với PMU. Cuối cùng ông ta đã đạt được thỏa thuận 10%, tương đương 300 triệu yen, trả thành nhiều lần. PCI bắt đầu trả tiền cho phía VN năm 2001.


QUAN CHỨC PCI BỊ BẮT
Masayoshi Taga, cựu chủ tịch PCI
Haruo Sakashita
Kunio Takasu
Tsuneo Sakano

Ông Sakashita đã bị bắt hôm thứ Hai cùng ba người khác, trong có cựu chủ tịch PCI Masayoshi Taga vì hối lộ quan chức VN.

Một chuyên gia kinh tế tại Hà Nội, đề nghị dấu tên, nói với BBC rằng hiện tượng đòi tiền 'lại quả' là thực tế tương đối phổ biến trong các dự án sử dụng vốn nhà nước, hoặc viện trợ nước ngoài thông qua ngân sách nhà nước:

"Khi tổ chức đấu thầu, các bên tham gia đấu thầu để đạt được hợp đồng thì phải có vận động hành lang. Thực ra việc này xảy ra ở nhiều nước, nhưng tại VN nó khá phổ biến và tương đối nặng nề."

"Việc lại quả đã thành một luật bất thành văn, còn tỷ lệ hoa hồng bao nhiêu thì đã có người bàn tới con số 30%. Tuy nhiên theo đánh giá của chúng tôi thì từ 7%-8% hoặc trên dưới 10% là hiện thực."


Vòi vĩnh

Theo viên quản lý mà tờ Yomiuri phỏng vấn, PMU nhiều lần chỉ trích PCI là không chuyển tiền đúng hẹn và vào năm 2005 đã đòi phải trả hết số tiền, nếu không sẽ không chi trả các khoản tài chính cho dự án.

Tin từ cơ quan điều tra của Công tố viện quận Tokyo, cựu quản lý PCI Kunio Takasu, 65 tuổi, và các quan chức cấp cao khác của công ty này, đã đưa hơn 200 triệu yen cho người đứng đầu ban Quản lý dự án PMU trong thời gian từ 2001 tới 2006.

Ông Takasu cũng nằm trong số người bị bắt hôm thứ Hai. Người thứ tư là ông Tsuneo Sakano, 58 tuổi, cựu giám đốc văn phòng Hà Nội của PCI.

Báo Nhật đã nêu danh tính vị quan chức VN bị cáo buộc là đứng đầu đường dây ăn hối lộ. Đó là ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính TP HCM, kiêm Giám đốc Ban Quản lý PMU Đông-Tây.


Việc lại quả đã thành một luật bất thành văn, còn tỷ lệ hoa hồng bao nhiêu thì đã có người bàn tới con số 30%. Tuy nhiên theo đánh giá của chúng tôi thì từ 7%-8% hoặc trên dưới 10% là hiện thực.


Chuyên gia kinh tế tại Hà Nội

Chưa thấy phía Việt Nam có phản hồi gì về các cáo giác trên.

Trong một bản tin đăng hôm thứ Ba, báo Người Lao động có dẫn lời quan chức thành phố nói ông Huỳnh Ngọc Sỹ đã gửi đơn giải trình sự việc và cơ quan chức năng đang xem xét, giải quyết.

Báo Người Lao động cũng trích lời ông ông Trương Văn Lắm, Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết, cho đến thời điểm này UBND TPHCM vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin hay phản ánh nào từ phía cơ quan chức năng liên quan của Nhật Bản về vi phạm của quan chức thuộc dự án Đại lộ Đông-Tây.

Bản tin này sau đó đã bị lấy xuống.

Chuyên gia kinh tế giấu tên tại Hà Nội nói muốn giải quyết tình trạng cắt xén ngân quỹ cần phải có cam kết từ các cấp cao nhất:

"Phải có cơ chế pháp quyền hiệu lực, bao gồm thiết kế chính sách đấu thầu thực chất và giám sát đấu thầu; cũng như cơ chế chống tham nhũng từ trên xuống, liên quan tới toàn bộ hệ thống chính trị."

"Nếu có lãnh đạo anh minh, có hệ thống luật pháp rõ ràng và đội ngũ công vụ tận tâm thì sẽ chống được tham nhũng."

--------------------------------------------------------------------------------

Long
Để giải quyết được vấn đề nghèo đói của Việt Nam. Quan trọng nhất là phải tạo ra sự đồng thuận ở cấp cao nhất. Từ đó sẽ xây dựng các cơ chế phù hợp để thúc đẩy con tàu kinh tế đi lên.

Beo Beo, Hà Nội
Tôi rất không ủng hộ cách làm việc của các quan chức GT Việt Nam, tôi tin là Nhật Bản không bắt nhầm, vụ khống cho công dân của họ.

Nguyen Duc Thuan, VN
Thật là đau lòng khi quan chức VN làm chuyện như vậy, một xã hội thối nát chỉ có ở Đảng cộng sản lãnh đạo. Vốn ODA sau này con cái chúng ta phải còng lưng ra mà trả nợ.

Hanoi
Nếu là tư vấn ở Việt Nam thì bạn hãy thoả thuận trước với chủ đầu tư nhé, và nếu như Ông Haruo Sakashita mặc cả được 10% là quá tốt rồi, bình thường phải phong bì, thuốc nước, ăn nhậu ... thì không dưới 30% đâu. Tất cả các dự án đều phải thế cả, họ còn phải nuôi người cao hơn, to hơn chứ.

AND, TP HCM
Tôi mong muốn chính phủ Nhật nên mở rộng điều tra những dự án mà phía Nhật viện trợ xây dựng ở Việt Nam để đánh giá tính hiểu quả của nguồn vốn tránh thất thoát, lãng phí qua đó giúp người dân Việt Nam chúng tôi giảm bớt gánh nặng trả nợ cho Quí quốc.

Khoqua, TP HCM
Theo tôi biết với những dự án giá trị lớn (như dự án Đông Tây) sẽ được phân cấp như sau: Chủ quản (Nơi ra các QĐ đầu tư) là UBND TP, Điều hành dự án là Sở GTCC TP HCM. Sở GTCC TP có thể lập một ban điều hành dự án và cử 1 phó GĐ Sở làm trưởng ban QLDA để triển khai dự án ( Ban này có thể bị giải thể khi hoàn thành dự án). Do đó chúng ta cũng đã rõ tại sau lãnh đạo Thành phố HCM đến nay vẫn im hơi lặng tiếng. Vì không thể nào Ông Huỳnh Ngọc Sỹ (GĐ Ban QLDA Đông Tây) có thể quyết định cho Công ty Tư vấn PCI trúng thầu vì Ông Sỹ cũng không dám múa rìu qua mắt thợ . Phải có sự đồng ý của cấp trên như GĐ Sở GTCC TP và người đứng đầu UBND TP ( ở thời điểm này).

Nếu là dự án cấp quốc gia thì cũng chẳng khác gì từ Văn phòng Chính phủ - Bộ - PMU (Như Vụ PMU 18). Vậy vụ này Ban chống tham nhũng của Chính phủ có dám thẳng tay loại trừ những đám ăn cướp của nhân dân này không hay chỉ bắt những con chốt thí (như Phó GĐ sở GTCC Huỳnh ngọc Sỹ) là xong chuyện. Nếu vụ này không giải quyết tới nơi tới chốn e rằng sẽ ngày càng mất lòng tin của các nhà tài trợ và nhà đầu tư nước ngoài. Thôi xin đừng hô hào và mổ xẻ "Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ" nữa mà hãy làm những việc cần làm cho dân giàu nước mạnh.

Conan, SG
Chuyện cty Nhật bị chính phủ Nhật điều tra đưa hối lộ cho quan chức nước ngoài nằm ngoài dự đóan của quan chức VN và đảng CS VN. Ông Huỳnh Ngọc Sỹ cứ nghĩ chung chi đồng đều cho mấy sếp trên & có người bao che rồi thì yên tâm 100% là không ai dám đụng tới. Nào ngờ lại bị chính phủ Nhật khui ra, lộ hết. Đúng là đảng ta bất ngờ, không lường trước được việc này cho nên bây giờ lung túng không biết phải xử lý thằng "lính ruột" của mình sao đây?

Pham Anh
Có lẽ động thái chậm trễ này của chính quyền Việt Nam trong khi Nhật Bản đã bắt 4 quan chức của mình chính là bằng chứng rõ ràng nhất về "quyết tâm" chống tham nhũng của chính quyền Cộng sản Việt Nam.

Bikini
Các bác nhà báo ơi! các đồng chí UV BCT ơi! Sao lại im hơi lặng tiếng vậy. Những chổ cần cải tổ, chấn chỉnh sao các bác lại lặng yên thế? Hay là chuyện bên nước Nhật chẳng liên quan gì đến VN?

Bill,VN
Quá sốc, khủng khiếp, không có lời nào để mô tả. Không biết vụ này ĐCS làm đến đâu!? chắc nhiều như vậy thì Ông Sỹ không liều đến nỗi dám ăn một mình? Nếu làm đến nơi đến chốn thì sao nhỉ? Hy vọng phía Nhật làm rõ trắng đen vụ này.

Cu Meo, Sai Gon
Vòi vĩnh hối lộ là điều mà ai cũng thấy rõ ở VN. Nhưng nhà nước vẫn cứ che che, giấu giấu thế này thì hỏng cả 1 đất nước!

Jack Ng, Cần Thơ
Biết đây là hành động vòi vĩnh tiền tại sao phía PCI Nhật không tố cáo ngay từ đầu mà lại hợp tác với PMU TP HCM? Người Nhật đã mất đi 1 điểm về sự tôn trọng trong tôi vốn từng coi họ như là những người cương trực, ngay thẳng và ít ra cũng không có lý lịch "dính dán" đến chuyện hối lộ, tham nhũng xấu xa vốn xảy ra "rất phổ biến" trong "một bộ phận không nhỏ" các quan chức thối nát của CS CN. Qua vụ này, tôi lại muốn nghi vấn về tai nạn cầu Cần Thơ? Có thể có tiêu cực (đến từ 2 phía VN và Nhật) trong quá trình đấu thầu và thi công phần công trình thảm họa này?

Tran Hoa, Hanoi
Qua sự việc này mới hiểu được tại sao nước ta "giàu và đẹp". 300 triệu JPY đối với ta chỉ như "muối bỏ biển", đặt vào tay PMU là "chìm xuồng" ngay.

Mrs Tam, VN
Tại người Nhật không biết "thông lệ" đó của VN thôi. Phía VN xem chuyện này là bình thường: trúng thầu thì phải biết "lại quả" cho BQL Dự Án, thế thôi. Cũng vì phải "biết điều" như thế nên đa số công trình giao thông vận tải, cầu đường của ta đều xuống cấp nhanh chóng. Tuy nhiên trong việc nhận hối lộ số tiền kếch xù 820.000 đô Mỹ này (# 14 tỉ đồng VN), thật tội nghiệp cho thân ông Phó GĐ Sở GTCC Huỳnh ngọc Sỹ (không biết ông GĐ Sở có biết?), vì chắc chắn sẽ chỉ có mình ông chịu trách nhiệm mà thôi. Ông sẽ là con chốt thí như những vụ việc khác.

Xin hỏi thật các bác có nghĩ rằng ông Sỹ ăn một mình không? Không hiểu rằng phía Nhật có bằng chứng rõ ràng trong việc hối lộ cho ông Sỹ hay không ( như biên nhận, chụp ảnh, thu băng, người làm chứng...?), chớ về phía VN giả sử như ông Sỹ có nhận hối lộ đi, thì việc ông muốn chứng minh đã chia chác cho sếp lớn nào coi bộ "hơi bị khó" đấy (bây giờ các sếp đề phòng dữ lắm!). Ngoài ra ông Sỹ còn phải rút kinh nghiệm rằng : hãy suy nghĩ kỹ khi khai ra tên sếp lớn nhận chia chác nếu có, và dù có bằng cớ hay không, nếu tiết lộ thì ông cũng sẽ "..." sớm.

Khat
Thật là quá quắt, chuyện "lại quả" đã lây lan từ VN sang tới Nhật. Khi vụ việc bị phanh phui cứ nghĩ mấy ông Nhật tự nguyện nên cũng "thông cảm" cho các quan chức VN lương "ba cọc, ba đồng" khó cưỡng lại được vì số tiền quá lớn (ai mà không ham). Nay vụ việc đang bị "rò rỉ" từ...nước Nhật mới thấy rõ mặt chuột của các quan ta "vì nước, vì dân" như vậy đó.

Minh Ngoc, Brisbane
Ai sống và lớn ở VN sau 1975, nhất là làm cho nhà nước thì đều hiểu "vòi vĩnh" là chuyện thường ngày. Ngay mức vòi vĩnh không giống nhau phụ thuộc vào cái ghế quyền lực đã mở thêm trận tuyến không kém quyết liệt khác là tệ bè phái, tranh dành quyền lực. Đất nước hèn yếu, tụt hậu có gì phải băn khoăn chứ? Nếu PCI nhất định không chịu chi thì chắc chắn gói thầu sẽ được giao cho người nào khác chịu chi. Nếu phía Nhật không làm bổ sung điều luật cấm hối lộ để bảo vệ luật cạnh tranh lành mạnh, hẳn ông Huỳnh Ngọc Sỹ và vây cánh của ông vẫn còn bình yên vô sự.

Nhưng mà nhân vụ này, làng báo VN cũng nên giải nghệ hết để cho báo blog làm ăn còn có lý hơn. Không có quyền đưa tin độc lập tới độc giả của mình, cắn răng chịu đựng ơn mưa móc của đảng ban phát mãi mà không chán, không thấy thẹn với lòng sao? Muốn đưa tin Võ Văn Kiệt chết cũng phải ngoan ngoãn chờ đảng cho... Còn gì buồn hơn?

H D Cam, Tokyo
Hôm qua báo Tiền Phong cũng đã có một bài trích dịch từ báo chí Nhật về vụ này, nhưng cũng chỉ đưa tin rất nhẹ nhàng. Báo chí Nhật rất nóng với vụ việc này nhưng toàn bộ hệ thống báo chí Việt Nam vẫn im lìm. Vụ việc này có vẻ đã "chìm" xuống rồi.

Song Long, TP HCM
Tham những tại VN không đơn thuần cá nhân mà cái nguy hiểm là tham nhũng có tính chất dây chuyền và có hệ thống và những người không cùng êkíp sẽ bị loại bỏ không thương tiếc. Một mình ông Huỳnh Ngọc Sỹ chắc chắn không dám vòi tiền hoa hồng của PCI vậy phía sau ông Huỳnh Ngọc Sỹ còn những ai nữa? Câu hỏi dành cho các cơ quan điều tra của cả VN và Nhật Bản.

Pinochio
Nhật ngu thì cứ xử phạt viên chức của mình, còn VN thì làm gì có chuyện vòi vĩnh, tham nhũng động trời như vậy (!) nên không có ai bị xử phạt đâu. Nói theo kiểu VN là tại PCI làm hư quan chức của PMU chớ không phải quan chức PMU làm khó dễ để vòi vĩnh tiền. Kết luận PCI là kẻ có tội và PMU là nạn nhân. Nhiều lắm là thêm một vụ Việt Tiến mới, không biết sẽ có bao nhiêu nhà báo và ông tướng nào sẽ bị bắt nữa đây!!!

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/08/080808_pci_bribe.shtml

No comments: