Chu tất Tiến
Từ ngàn xưa, những kẻ mê sảng chạy theo quyền lợi, đều quên mất vị trí, thực lực của mình cũng như những nguy hiểm mà quyền lợi đem lại, nên thường nhận kết quả tang thương. Phàm là người có tri thức đều hiểu rằng vạn vật và xã hội có những quy luật tự nhiên, không một con người, một thế lực nào, một trí thông minh nào có thể cưỡng lại được. Thiên nhiên có sáng thì phải có tối, có ban ngày phải có ban đêm, có giống đực phải có giống cái, có tiêu hủy mới có sinh tồn. Trong sinh hoạt xã hội, không có chuyện gì ngẫu nhiên mà tới, ngẫu nhiên mà đi. Có khởi đầu phải có kết thúc, có cố gắng sẽ có thành công, cứ lười biếng thì tan xác. Muốn quyền lợi, phải chiến đấu; muốn thắng cuộc, phải tập luyện; muốn tiền bạc, giầu sang, phải làm việc cực khổ, học hành và suy nghĩ vượt bực. Nhưng nếu chỉ thích sang giầu mà không thích làm việc chính đáng thì phải chấp nhận sống chết. Những kẻ theo đóm ăn tàn, mê công danh, mà không cần chính nghĩa thì kết cục nhất định phải xấu xa. Những kẻ đón gió, trở cờ mong một bước nhẩy lên nấc thang quyền lực, phải chấp nhận bị cuộc đời nhổ bọt, và rồi chính những kẻ lợi dụng mình sẽ sa thải mình một khi mà mục đích của họ thành tựu.
Khi cuộc cách mạng đỏ xẩy ra tại Liên Xô, trong số có 10 triệu người bị giết, nhất định có cả triệu trí thức vội vã tung hô chủ mới, mong được một chút gia ân, nhưng rồi cũng bị thủ tiêu, hoặc chết tàn trong các trại trừng giới ở Sibêri. Lý do: bản chất của người Cộng sản là nghi hoặc, cực đoan. Thà bắn lầm hơn bỏ sót. Do đó, mà khi Ba chục ngàn (30,000) Sĩ Quan và quân lính Ba Lan đầu hàng, người Cộng Sản đã bao vây lại và dùng súng đại liên tiêu diệt sạch trơn, bất kể trong đó có hàng ngàn người trung thành thực sự với lý tưởng cộng sản. Sau khi cuộc cách mạng Trung Hoa đỏ thành công, cũng có tới vài triệu người trí thức, hủ nho, đầu hàng cộng sản, tâng công nịnh thần hầu sống sót qua ngày, nhưng rồi cũng bị thanh trừng lần lượt trong các cuộc xuống đường của Hồng Vệ Binh. Vì bản chất ngu muội, nên những người cộng sản Trung Hoa hồi đó, đã coi những kẻ trí thức không đáng "một cục phân" (lời Mao Tse Tung).
Trở lại Việt Nam chúng ta, nhìn lại lịch sử từ những năm 1930, sau khi đảng Cộng Sản lừa gạt được các người quốc gia, trí thức và không trí thức, thì họ đã ra tay thủ tiêu, cho đi mò tôm không biết bao nhiêu người, nhất là những người trí thức thành thị. Cũng với bản chất nghi ngờ và đối lập giai cấp trong xương tủy, nên tất cả những người có chút học vị, tiếng tăm mà đầu hàng và đi theo Việt Minh đều bị triệt tiêu nếu không nhanh chân chạy về thành. Trong số này có cả Phạm Duy, người nhạc sĩ sau này đã đổi lời một số bài đã viết cho Việt Minh trước đó thành các bài hát Quốc Gia. (Bây giờ chắc cũng đang tìm cách viết ngược lại cho hợp với khẩu vị của người Cộng Sản. Ông ta đang sống theo lời của Nguyễn Du viết cả trăm năm trước: "Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu" ). Một trong những tấm gương đau khổ của trí thức hợp tác với Xã Hội Chủ Nghĩa là Thạc sĩ Trần Ðức Thảo, đang là một nhân vật sáng chói trong thế giới trí thức Paris, đã trở thành một nhân vật lu mờ, từ lâu đã hát bài "Tiến thoái luỡng nan" mà mãi sau này Trịnh Công Sơn mới cầm micrô hát trong nồng độ của những chai ruợu-quên-sầu. Thạc sĩ Trần đức Thảo, người chiếm giải khôi nguyên Pháp Quốc, đã hăm hở về với Việt Minh để trở thành một ông thầy già, buồn hiu.
Còn họ Trịnh, ngay từ những ngày đầu tháng 5/1975, họ Trịnh ở trong tình trạng mà giới bình dân gọi là "cứ tưởng bở" hay "nghèo mà ham", vội vã xách đàn đi từ Nam ra Bắc để hát bài "Nối vòng tay lớn". Không biết hát được mấy lần thì đàn bị giật đứt giây, công an mời anh đi tham gia lao động sản xuất, họ muốn anh làm việc thực tế hơn là hát mấy bài ngớ ngẩn, chẳng ra đâu vào đâu. Mãi đến khoảng 8 năm sau, nhờ sự can thiệp tích cực của mấy người bạn nhậu, nghe nói là Nguyễn Quang Sáng, nên nhạc Trịnh công Sơn mới được hát lại và phải ở trong một giới hạn. Những bài "chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người..." hay "Tôi có người yêu, chết trận Pleime.." và những bài chiến tranh, cho dù có ý ca tụng cách mạng, vẫn hoàn toàn bị cấm chỉ. Từ đó, họ Trịnh chỉ còn viết thêm mấy bài đại loại như "em có ba làm công nhân, mẹ em làm thợ cấy.." để ca tụng thế hệ nhi đồng "khăn quàng đỏ". Có một lần, để lập công với cách mạng, anh đã viết bài mỉa mai những kẻ vượt biên "đi lanh quanh đâu cho lòng mỏi mệt..." và một bài xã luận ngắn, trong đó, anh tố cáo "có một người ca sĩ, nhờ những bài hát của tôi, mà tiếng hát cô được chắp cánh bay cao, giờ đã quay lưng lại Tổ Quốc" lúc ca sĩ Khánh Ly đang hát những bài hát "đi chôn dầu, vượt biển" tại Hoa Kỳ. Nhưng dù cho anh có cố lập công đến mấy, số phận của anh cũng không khá như lòng mong ước, nên anh đành mượn ruợu giải khuây. Thực tế, "sầu đong càng lắc, càng đầy", nên cuối cùng, anh run rẩy hát lời cuối "tôi ơi! đừng tuyệt vọng" và đi luôn.
Trong số những chính trị gia bỏ sáng vào tối, bỏ thành vô bưng, thành dân chuyên nghiệp "bưng", có Nguyễn Hữu Thọ, người học luật như húp cháo. Ông ta đã hy sinh cả cuộc sống tiện nghi thành phố để đi làm "tà lọt" cho cộng sản, được phong danh hiệu Chủ Tịch "Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, những tưởng công trạng cao hơn núi của mình sẽ được phần thưởng tối cao một khi cách mạng thành công. Ai dè đến khi công thành thiệt rồi, thì cái "chính phủ" đó trở thành "chú phỉnh", bị cho đi tầu suốt. Ông Chủ Tịch cái chính phủ ấy chỉ được giao cho một chức vụ vô thưởng vô phạt, ngồi đóng dấu, đóng triện, khai mạc, khai trương, đọc vài bài diễn văn vớ vẩn cho các người "đồng hướng" nhưng không "đồng chí" vỗ tay. Cứ hết một câu lại vỗ tay. Một bài ca tụng công ơn Ðảng có vài trăm chữ soạn trước cả tháng, sẽ được vỗ tay vài chục lần, nghe rôm rả, nhưng lòng đau như dao cắt. Vì tuy chức vụ là Chủ Tịch Nước, oai lắm, mà trong danh sách các lần mít tinh, họp mặt toàn Ðảng, toàn Dân, thì tên ông đứng mãi cuối hàng. Các "đồng chí" thứ thiệt đứng cả trên đầu ông cho đến khi ông "ra đi không mang va li".
Người kế tiếp ông là Phó Thủ Tướng Kỹ Sư Huỳnh Tấn Phát. Cũng trí thức, cũng nghe oai lắm, nhưng thực chất, hệ thống Ðảng có tới mấy Phó Thủ Tướng cơ, mà có cả Phó Thủ Tướng chuyên "đặt vòng xoắn, cai đẻ" nữa, thì ông cũng không quậy cọ được gì. Khi ông "theo về với Bác, với "chú Lê Nin", thi nghi lễ tiễn đưa ông cũng tàn tàn, buồn hiu.
Người Việt nổi tiếng nhất lại là một bà, người đã thay mặt cho Ðảng và Nhà Nước ký văn kiện lịch sử chấm dứt chiến tranh với siêu cường Mỹ, bà Nguyễn thị Bình. Ðể trả công cho bà, người ta đặt bà làm Bộ Trưởng một cái bộ coi về Văn Hóa, Giáo dục. Mục đích là để cho bà thoải mái, khỏi nhức đầu, mọi chuyện đã có Bí Thư Ðảng chỉ đạo, bà chỉ việc ngồi ngủ gật trong văn phòng một ngày vài tiếng rồi chuồn. Chẳng ai mời bà phát biểu trong các Ðại Hội Ðảng cả. Ðã có các đồng chí cấp trên lo rồi. Cho nên Bà hay đi sang thăm hỏi Phó Tổng Tư Lệnh lực lượng giải phóng Miền Nam, Nguyễn Thị Ðịnh, nguời nổi tiếng thế giới với câu: "đánh cho đến khi chỉ còn cái lai quần, cũng đánh." Sau khi bà Ðịnh thắng trận mà không mất cái lai quần, bà được mời làm Chủ Tịch một cái hội gồm toàn người biết giữ của: Hội Phụ Nữ. Lính tráng của bà đã được điều đi làm công tác bảo vệ anh em nước ngoài cả rồi. Rồi bà cũng ra đi và không mang theo cái va li huy chương nào cả.
Những chiến tướng của bà cũng từ từ ra đi, cách này cách khác. Vị Tư Lệnh của bà, Tướng Trần văn Trà, Tổng chỉ huy lực lượng nổi dậy, chiếm đóng Sàigon, chẳng biết vì sao mà lại chết trong thang máy. Vài ngày sau mới được thông tin. Có lẽ vì đụng chạm tới mấy cuốn sách tranh công, cuốn thì cho là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mới chiếm công đầu, cuốn thì cho là do Lãnh Ðạo miền Bắc. Cãi qua cãi lại, thôi thì cho người vô tù, người đi tầu suốt, người bị quản chế, người tước huân chương, thế là hết tranh công, cãi cọ.
Ngoài mấy nhân vật kiệt hiệt này, còn hai vị dân biểu đa tài là Ngô Công Ðức và Hồ Ngọc Nhuận. Sau khi vô "bưng", học nghề, chờ ngày giải phóng, Ngô Công Ðức làm báo một cách thoải mái. Tờ Tin Sáng của ông phát triển một mình một chợ, không có đối thủ tư nhân cạnh tranh, tha hồ viết ca tụng Hồ Chủ Tịch Vĩ Ðại. Những tưởng con đường báo chí cứ thế mà lên, ai dè, lên đâu được chừng một hai năm gì đó thì ông Chủ Nhiệm nhận được lá thư của thành ủy, viết rằng: "nhiệm vụ chính trị của tờ Tin Sáng tới đây đã hoàn thành, nay đóng cửa, chấm dứt hoạt động." Ông họ Ngô Công này tá hỏa tam tinh, nhưng cũng đành rưng rưng lệ mà giao chìa khóa, để đổi lại, ông được một tấm bằng khen về treo ngay trong phòng khách, mai mốt có ai lại xét hộ khẩu thì đưa ra. Buồn quá, ông không muốn sống thọ nữa. Còn ông Hồ Ngọc Nhuận, thì lại được Mặt Trận Tổ Quốc đề cử ông ra ứng cử hội đồng nhân dân thành phố, sau khi ông đã phải tập xử dụng cánh tay phải, để mỗi lần chủ tọa đoàn hô hoán cái gì đó, thì giơ tay lên không bị mỏi. Nhưng nói thế không phải là không dân chủ đâu. Trước ngày bầu phiếu, ông được về các đơn vị, tập họp các đồng chí lại, cho phỏng vấn lấy hên. Xui xẻo cho ông là trong nhóm đồng chí tập họp hôm đó ở quận Phú Nhuận, có lẫn vài người dân tiên tiến cũng được mời đi dự họp phỏng vấn ứng cử viên. Một ông tửng tửng hỏi ứng cử viên Hồ Ngọc Nhuận là: "Lâu nay mua gạo khó quá. Muốn mua gạo, phải được Ủy Ban Phường chứng nhận, và cũng chỉ được mua mỗi người năm kí lô, không đủ ăn, nên phải mua gạo chui, mắc quá xá là mắc. Ðồng chí ứng cử viên có kế hoạch gì cho dân mua đủ gạo ăn không?" Ðồng chí ứng cử viên bí, ú ớ mãi mới ngập ngừng trả lời: "Việc này, để tôi về báo cáo lại cấp trên rồi trả lời sau."
Cuộc đời về sau của ông Hồ Ngọc Nhuận (cũng cùng họ với Chủ Tịch) rồi cũng như những người trí thức mê sảng khác, chỉ toàn báo cáo và chờ kết quả cho đến khi ra đi mà thôi. Những Dương Quỳnh Hoa, Tạ Bá Tòng, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Lý quý Chung rồi mãi núp sau lưng của các đồng chí và tàn dần. Huỳnh Tấn Mẫm, nghe nói còn bị rắc rối vì vợ đi buôn thuốc phiện, mất chức. Còn nhân vật Ngô Bá Thành, thủ lãnh xuống đường, một thời tung hoành trên đường phố Sàigòn, giật mũ Cảnh sát, chọc lính gác đường, hô hoán như con nặc nô bán cá chợ Trần quốc Toản, ngay sau 30 tháng 4, lật đật mang đồ nghề lên chiếm một văn phòng của Nguyễn Ngọc Linh, tại công ty Mekong Ford, ngay cạnh Tòa Ðô Chánh. Mừng vui hớn hở chưa được mấy ngày, thì có hai ba anh công anh thường phục đi lên, gõ cửa: "Nhà chị này, ai cho chị dán bảng hiệu lên vậy?" Thủ lãnh xuống đường, luật sư Ngô bá Thành ú ớ: "Tôi... tôi... các đồng chí..." Một anh công an cao giọng: "Không đồng chí gì với nhà chị. Yêu cầu chị gỡ bảng xuống, nếu không tôi xử lý ngay." Thế là cuộc đời của "nhà chị" cũng cứ thế mà đi xuống, cho dù thời gian sau, đảng cho "nhà chị này" được ứng cử và giữ ghế làm luật cho dzui cửa dzui nhà, chứ còn luật thiệt thì đảng đã chế xong từ khuya rồi.
Ðời, "c'est la vie!" Số phận của các vị trí thức mê sảng này đi đâu cũng giống nhau, cũng hăm hở mạt sát, chống đối chế độ Tự Do, Dân Chủ, để theo Xã Hội Chủ Nghĩa, Cộng Sản Chủ Nghĩa, mong có ngày "mọi người làm cho mọi người ăn", hay "một người làm cho mọi người ăn", hoặc "mọi người làm cho một người ăn", và rồi thân tàn, ma dại, chết không nhắm mắt vì lòng còn bực bội, chưa thấy ngày đó, đã toi mạng.
Vậy mà hiện nay, thế kỷ 21 rồi, mà vẫn còn những trí thức mê sảng, tiếp tục theo phò một chế độ đã lỗi thời, lạc hậu này. Không ai nhìn gương người trước, nhìn bánh xe đổ mà tránh đi. Kỳ quá! Một vị bác sĩ, phó chủ tịch một đảng chính trị lại đem thân về nước, nhận lời dậy học gì đó, chỉ trong ba ngày, đã bị lôi lên kiểm điểm rồi bị tống về Mỹ cho quê xệ. May mà không bị gài đụng xe, hay bị gài ăn cướp, chúng nó lụi cho một dao là đời hai năm mươi trong nháy mắt. Một ông bác sĩ khác cũng hô hoán là về nước dựng xây, nhưng hình như chỉ được lời hứa là cho làm công nhân xây dựng, nên chán quá, chuồn lại về Mỹ, im re.
Một số khác, sau khi đã đưa hết tiền hối lộ, thì bị bắt vì tội hối lộ. Vài vị lẳng lặng chuồn về Mỹ, ngậm hột thị không dám nói ra, vì sợ ném trứng thối. Do đó mà mấy anh trí thức mê sảng, không biết tin này, vẫn còn bon chen muốn về hợp tác, xây dựng đất nước (?). Tội nghiệp cho bao năm mài đũng quần trên ghế đại học mà khờ vẫn hoàn khờ. Ông Vua của nhóm người mê sảng, khờ khạo này lại là một ông Phó Tông Tông. Ông được nhóm "dân ngu khu đen" này bầu ông làm lãnh tụ vì mặt ông dầy như da trâu, không còn cảm xúc. Ông đang hí hởn với nguời vợ mới mà ông lượm được của đàn em, với số tiền còmmítxông nhờ tài bán nước, bán đất, nhưng rồi xem, ông sắp bị đá đít ra ngoài rồi, vì tên tuổi ông đã bị cháy tiêu, mà người chủ của ông chỉ thích xài những ai đang danh tiếng, chứ không ai xài cái kẻ thối tha. Ðứng gần kẻ thối, thì thối lây, nên ai cũng tránh.
Nói thế, thì lại có người cho rằng, tập thể những chuyên viên, chuyên gia, những người đã từng là tâm huyết của chế độ cũ không bao giờ muốn đất nước phát triển, không bao giờ về nước dựng xây sao? Có chứ! Về chứ! Ðất quê mình mà! Ai mà chả muốn đất nước giầu đẹp, nơi nơi thanh bình! Nhưng mà về mà không được nói, không được làm theo ý mình mà phải theo chỉ thị Ðảng thì về làm nô lệ à? Cắm đầu cắm cổ ăn nhậu, chia chác, trên nỗi đau của dân chúng?
Những nhân tài nhất định sẽ về, sau khi điều 4 hiến pháp của đảng bị dẹp đi, ai muốn phát biểu, ai muốn lập đảng thì cứ lập, ai có tài, có đức muốn cho dân giầu nước mạnh thì cứ tự nhiên, lúc đó, nhân tài sẽ về, về ào ạt. Còn như bây giờ, không người nào có trí thông minh mà về, dù cho Chủ Tịch Nước có tuyên bố: "Anh em một nhà, về đi mà dựng xây đất nước, về đi, quên hết hận thù xưa cũ..." Bởi vì họ biết, sau khi Chủ tịch tuyên bố trên phóng thanh như thế, thì Chủ Tịch lại nói nhỏ với bộ trưởng công an: "Ðồng chí nhớ đề cao cảnh giác nhé! Lần này tụi nó về, thể nào cũng có diễn tiến hòa bình, đồng chí cứ theo dõi, đứa nào léng phéng nói chuyện dân chủ, tự do, thì nhốt luôn cho khỏi bực bội!"
Chu tất Tiến.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment