Thursday, August 14, 2008

10 mối đe dọa của Trung Quốc

10 mối đe dọa của đế chế mới
(Doan Bui, Bruno Birolli, Ursula Gauthier, Vincent Jauvert)

Giữa lúc đang bành trướng, nước Cộng hòa Nhân dân Trung quốc chiếm lĩnh toàn bộ các thị trường, gom góp những nguồn dự trữ tài chính khổng lồ và tăng thêm chi phí quân sự; nhằm mục đích gì?


1. Cái bẫy của di chuyển

Đã trở thành nhà máy của thế giới. Với những thành phố hoàn toàn được dành cho một hoạt động duy nhất - sản xuất tất ngắn, cravat, áo phông, đồ chơi… Nhờ có nguồn nhân công giá rẻ vô tận, Trung Quốc thực sự trở thành miền đất hứa cho các cuộc di chuyển. Trung Quốc có phải là nước chịu trách nhiệm về việc phi công nghiệp hóa không? Françoise Lemoine, nhà kinh tế học thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng và Điều tra Quốc tế (Cepii), chuyên gia về Trung Quốc, nhắc lại: "Phong trào ở Pháp đã được khởi đầu từ rất lâu. Chẳng hạn trong ngành dệt, người lao động đã di sang các nước gần gũi về địa lý, ở Maghreb (Bắc Phi) hay Thổ Nhĩ Kỳ". Tóm lại, chính những nước này đã trực tiếp cạnh tranh với Trung Quốc do việc chấm dứt cấp quota. Trái với Pháp, vẫn giữ hướng sản xuất sản phẩm hạng sang. Trong bao lâu nữa? Trong lúc này Trung Quốc vẫn chuyên sản xuất hàng loạt với giá trị gia tăng thấp. Và bản thân họ cũng bị cạnh tranh bởi các nước trở nên cạnh tranh hơn về mặt tiền lương: theo một nghiên cứu mới đây của văn phòng Booz Allen Hamilton, 20% các xí nghiệp nghĩ đến việc chuyển sang các nước còn rẻ hơn như Việt Nam. Kết quả là: Trung Quốc tìm cách lên hạng bằng chất lượng. Nhưng họ phải đương đầu với cuộc cạnh tranh của một nước khổng lồ khác, Ấn Độ, nguồn cung ứng lớn các kỹ sư giá rẻ.


2. Các sản phẩm nguy hiểm

Đó là mùa hè này. 20 triệu đồ chơi Fisher Price (tập đoàn Mattel) lại gặp rủi ro lớn: những "Polly Pocket" với những chiếc nam châm có nguy cơ "nuốt" những đứa trẻ, những đồ chơi Dora được phủ sơn độc có chì, những đoàn tàu bằng gỗ tồi… 60 triệu chiếc can đựng thức ăn cho chó và mèo bị nhiễm khuẩn. Những tuýp thuốc đánh răng chứa chất độc chống đông máu. Năm 2007 là năm của mọi vụ tai tiếng đối với những sản phẩm có nhãn hiệu "made in China", điều đã làm tổn thương nghiêm trọng đến lòng tin của người tiêu dùng. Ở Mỹ, tâm lý tăng lên đến mức một hãng chế biến nông sản thậm chí đã quyết định đưa ra một nhãn hiệu "China Free" để làm yên lòng các khách hàng của họ. Meglena Kuneva, thuộc Uỷ ban châu Âu, nói: "Đã có những vụ chết người ở Mỹ. May sao không phải ở châu Âu: chúng tôi đã thiết lập một hệ thống cảnh báo đối với những sản phẩm nguy hiểm và những sản phẩm của Trung Quốc là đối tượng phải cảnh giác đặc biệt". Con số thông báo về những sản phẩm nguy hiểm, tăng từ 468 năm 2004 lên tới 1605 năm 2007, 60% trong số đó có xuất xứ từ Trung Quốc, đã chứng minh điều đó! Chính quyền Bắc Kinh hiểu rằng để chậm thêm sẽ nguy hại. Vì lẽ rằng người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu chống lại do vô số những vụ tai tiếng xảy ra trong những tháng qua. Còn các biện pháp thì sao? 80 nhà máy đáng ngờ đã bị đóng cửa. Và đầu đã rơi: Giám đốc Cơ quan An toàn Thực phẩm bị xử tử mùa Hè này…


3. Những kẻ bị nhà máy đọa đày

Người ta gọi họ là "những kẻ bị lãng quên của phép màu Trung Quốc": 200 triệu thanh niên di cư lao động khổ sai, đến từ những vùng nông thôn quá đông dân, làm ăn vất vả trong những nhà máy ở "miền đất hứa" Trung Quốc hay ở tận cùng những khu mỏ nguy hiểm nhất thế giới. Luc Richard khẳng định trong tác phẩm đầu tay Bắc Kinh 2008 (Nhà xuất bản Mille et Une Nuits) của mình rằng: "Họ luôn bị coi như những ‘của bỏ đi’ của sự tăng trưởng, nhưng việc bóc lột họ trên thực tế là nền tảng của chính sự tăng trưởng này. Thực tế, chính ‘mồ hôi rẻ tiền’ của những người lao động trẻ cho phép đưa ra các mặt hàng giá rẻ mang nhãn hiệu ‘made in China’ tràn ra tất cả các thị trường trên thế giới. Những nữ công nhân vẫn còn ở tuổi thiếu niên, được đánh giá cao vì dễ sai khiến và sức chịu đựng dẻo dai của các em, được trả công từ 30 đến 50 euro một tháng để làm việc 12 giờ mỗi ngày, không được bảo vệ đối với những sản phẩm hóa học mà các em làm bằng tay, cũng như những lạm dụng mà các em phải gánh chịu.”

Việc ký một hợp đồng lao động là bắt buộc kể từ… ngày 1/1/2008! Nhưng việc thông qua pháp chế này không hề làm cho mọi việc thay đổi: 80% số người lao động chưa bao giờ ký hợp đồng và luật của kẻ mạnh nhất luôn được chấp nhận. Những kẻ thuê nhân công lúc nào cũng có thể cho thôi việc, hầu như không bao giờ trả lương cho giờ làm thêm cũng như chi phí chữa bệnh trong trường hợp xảy ra tai nạn. Benoit Vermander nói rõ trong cuốn sách Trung Quốc nâu hay Trung Quốc xanh? (Presses de Sciences-Po) rằng: "Họ thường lợi dụng tính dễ bị tổn thương của những người di cư để giữ lại hàng tỷ nhân dân tệ (hàng triệu euro) tiền công không trả."

Mùa Hè năm ngoái, sự tăng lên đáng sợ của sự bóc lột này đã lộ ra với việc phát hiện ra hàng trăm trẻ em nô lệ làm việc trong những nhà máy gạch thuộc quyền sở hữu của các quan chức địa phương thuộc Đảng Cộng sản. Cũng vào thời điểm đó, một tổ chức phi chính phủ tiết lộ rằng những xí nghiệp sản xuất đồ dùng cho Đại hội Thể thao Olympic đã sử dụng lao động cưỡng bức đối với trẻ em.


4. Một chủ nghĩa thực dân mới chăng?

Từ lâu đã là một nước láng giềng đáng lo ngại, chỉ chực đưa ra tranh cãi về các đường biên giới của họ (với Nga hay Ấn Độ) và tranh giành các quần đảo và vùng biển rộng lớn với tất cả các nước ven biển (từ Nhật Bản tới Việt Nam, qua Philippines và Malaysia), Trung Quốc dường như đã thay đổi phong cách. Ngoại trừ vấn đề Đài Loan có thể gợi lên những động thái quân sự đáng sợ, nói chung họ đã chuyển đổi theo lô gích "quyền lực mềm". Các quan lại cộng sản không chỉ nói đến thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu, những trao đổi "hai bên đều có lợi". Không phải là Trung Quốc đang cần nguyên liệu cũng như các thị trường tiêu thụ hay sao? Liệu họ có thể xây dựng cơ sở hạ tầng một cách nhanh chóng và với giá không đắt, nếu không có đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật và kỹ sư kiên định với công việc và tiết kiệm không? Đối với các nước nhỏ trong và ngoài khu vực, Trung Quốc cho tất cả và cũng nhận được tất cả.

Thể thức này gặp một thắng lợi thực sự, bắt đầu trước hết từ láng giềng. Các thương gia Trung Quốc đã đầu tư rộng rãi vào những không gian quá thưa dân cư ở châu Á - Siberi, các nước cộng hòa Trung Á… Họ trở thành những đối tác không thể thiếu ở Đông Dương. Từ vài năm nay, bộ máy kinh tế tuyệt vời lao vào cuộc chinh phục châu Phi. Năm 2007, Trung Quốc đã đoạt vị trí của Pháp, trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Lục địa Đen. Đối với các tác giả cuốn Chinafrique sắp ấn hành của Nhà xuất bản Grasset, "hòa bình giữa Trung Quốc và châu Phi" và "cú đại nhảy vọt của Trung Quốc ở châu Phi" ngay từ bây giờ đang được bắt đầu thực hiện với những kết quả tương đối tốt đẹp. Nhưng sự đột nhập này của Trung Quốc không từ bỏ những đường lối của quan hệ Pháp - châu Phi: ủng hộ các chế độ chuyên chế, bán vũ khí, tham nhũng, v.v… Đáng lo ngại hơn sự ủng hộ liên tục mà Bắc Kinh mang lại cho những nước chấp nhận có quan hệ đối tác với họ: Sudan, bất chấp nạn diệt chủng ở Darfour, Zimbabwe của Mugabe - cũng như chế độ của các tướng lĩnh Mianma - là những nước được nhiều nhất từ chính sách thương mại của Trung Quốc, chính sách không quan tâm đến những cẩn trọng về con người.


5. Một chế độ quá tàn nhẫn

Trung Quốc siêu tư bản chủ nghĩa nhờ vào điều gì của đại bạo chúa đã lập nên chế độ? Federico Rampini trả lời: "Đảng, và nguyên tắc theo đó Đảng có thể tự dối mình, nhưng duy nhất chỉ có Đảng mới có thể sửa chữa những sai lầm của mình". (Hình bóng Mao, Robert-Laffont, 2008). Hậu quả: tất cả các quyền tự do (tôn giáo, dân sự, tư duy, ngôn luận, hội họp, v.v…) luôn có thể đảo ngược. Ngay khi phải đối mặt với một sự chống đối có tổ chức, các quan lại cộng sản đã làm như Mao: họ nghiêm trị. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, năm 2007, đã có 470 vụ xử tử hình dựa vào tư liệu. Theo nhà Trung Quốc học Jean-Luc Domenach, con số thực đã lên tới 7.000 hay 8.000.


6. Các dân tộc thiểu số cùng cực

Tấn thảm kịch của Tây Tạng, bi kịch của những người Uyghur [Duy Ngô Nhĩ] ở Tân Cương, bi kịch - hỗn loạn nhưng không thể đảo ngược của những người dân Nội Mông - chứng tỏ bộ mặt "thực dân" của chế độ Trung Quốc. Tuy nhiên, Mao đã hứa hẹn với các dân tộc thiểu số việc thành lập một nhà nước liên bang dựa theo mô hình của các nước cộng hòa Xô-viết. Nhưng với việc lên nắm quyền năm 1949, ông chỉ sáp nhập các vùng lãnh thổ của họ - rộng hơn toàn bộ khu vực của người Hán (dân tộc chiếm ưu thế). Trở thành thiểu số ngay trên chính quê hương họ, các dân tộc thiểu số này không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cấp tiến hóa.


7. Chiến thuật về đồng Nhân dân Tệ

Và "đồng Nhân dân Tệ" có phải là "đường kiếm kín" của Trung Quốc không? Không thể chuyển đổi được, đồng Nhân dân Tệ trực tiếp sinh ra từ nền kinh tế cộng sản được quản lý, cho phép các nhà cầm quyền Trung Quốc điều chỉnh giá trị đồng tiền của họ để đưa những hàng hóa mang nhãn hiệu "made in China" vốn đã được ưu đãi bởi những chi phí nhân công thấp tràn ngập trên khắp hành tinh. Không thể tránh được. Nhờ có chiến lược "đồng Nhân dân Tệ thấp" này, số dư ngoại thương của Trung Quốc đã đạt tới 1.680 tỷ US$. Theo biệt ngữ tài chính, đó là một cái giỏ mà ngân hàng trung ương Trung Quốc cố gắng "làm vô sinh": những "khoản có" (tài sản) khổng lồ bằng US$ được doanh nghiệp Trung Quốc cất giữ không được chuyển đổi sang đồng Nhân dân Tệ nhưng được chuyển thành những trái phiếu mà các ngân hàng địa phương được mời ký nhận. Điều đó nhằm tránh làm tăng quá đột ngột khối lượng tiền lớn và duy trì tình trạng lạm phát có xu hướng tăng lên. "Nạn nhân" chính của chính sách thắt chặt tiền tệ này tất nhiên là những đối tác thương mại chủ yếu của Trung Quốc đã từng mong thấy đồng Nhân dân Tệ được định giá cao để cân bằng lại những trao đổi của họ với người khổng lồ mới. Như vậy Mỹ và nhóm G7 không bao giờ bỏ lỡ cơ hội khuyến khích Bắc Kinh định giá lại đồng tiền của họ. Từ vài tuần nay đối mặt với những biến động tài chính thế giới, chính phủ Hồ Cẩm Đào đã nhượng bộ: từ nay, một US$ có giá trị bằng 7 Nhân dân Tệ, một mức lịch sử.


8. Quỹ không đáy

Trung Quốc mua hàng. Sau khi đã cuỗm 1,3% của Total, gom góp một cách kín đáo từ tháng 11/2007, một quỹ mới của nhà nước Trung Quốc vừa nhập vào vốn của BP (1%). Nhưng để hình dung ra một cơn sóng thần Trung Quốc cuốn theo trên đường đi của nó những công ty đa quốc gia nước ngoài, các nhà phân tích còn rất thận trọng. Hoạt động tài chính chủ yếu của Trung Quốc tập trung vào một lĩnh vực: nguyên liệu, đặc biệt là dầu lửa. Trên thực tế, Trung Quốc cũng gặp tình hình giống như Pháp và Italia thời hậu chiến: vàng đen rơi vào tay các sĩ quan Anglo-Saxon. Để bảo đảm sự độc lập về năng lượng của mình, Trung Quốc đã phản ứng giống như Paris khi thành lập Elf hay Roma với Eni, thậm chí như Tokyo với việc thành lập những công ty liên doanh với sự tham gia của Nhật Bản…

Nhưng cuộc tấn công này đã được phân nhỏ. Bắc Kinh kiểm soát một quỹ cao nhất: China Investment Corp. (CIC), được trang bị 200 tỷ US$ vay từ dự trữ hối đoái của nước này (1.600 tỷ US$!). Lẽ ra phải giữ tài sản này dưới dạng trái phiếu Kho bạc Mỹ, CIC lại đi tìm những nguồn đầu tư sinh lợi hơn. Tuy nhiên, các giao dịch đầu tiên này còn lâu mới được xác nhận. Tháng 5/2007, CIC đã đầu tư 3 tỷ US$ vào quỹ Blackstone của Mỹ. 9 tháng sau, số tiền này đã "tan ra như tuyết dưới ánh nắng mặt trời" (-40%) do sự sụp đổ của Wall Street. Nhưng thất bại này có lợi cho Safe, một biểu lộ khác của chính phủ Trung Quốc. Được thành lập cách đây khoảng ba chục năm để mua trái phiếu Kho bạc Mỹ, công ty này được sáp nhập ở Hongkong đang mơ ước "tự lực cánh sinh". Chính họ vừa mới ghi điểm bằng cách phô ra tấm vé tham gia góp vốn vào hãng Total và BP.


9. Một người không lồ được siêu trang bị

Khi gợi lên tham vọng đối với đất nước họ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn nói đến một "sự tăng lên về sức mạnh vì mục đích hòa bình". Vì hòa bình ư? Tại Washington, Tokyo và ở khắp nơi trên thế giới, người ta tự hỏi về những mục đích thực sự của đế chế Trung Quốc. Ở Lầu Năm góc, người ta đặt câu hỏi tại sao ngân sách quốc phòng Trung Quốc phát triển gần 20% trong tất cả các năm kể từ 15 năm nay? Tại sao lại cần thiết duy trì một lực lượng quân đội gồm 2,5 triệu quân, quân đội lớn nhất thế giới và từ xa? Tại sao lại tập trung 1.000 tên lửa tầm ngắn và tầm trung và gần 500 máy bay ném bom suốt dọc bờ biển đối diện với đảo Đài Loan? Toàn bộ điều đó có thực sự là vì mục đích hòa bình hay không?

Người Trung Quốc khẳng định rằng đó chỉ là một sự điều chỉnh cho đúng mức độ vì công tác phòng thủ của họ có quá nhiều lạc hậu về công nghệ trong khi Mỹ và các cường quốc lớn khác luôn đổi mới thiết bị quân sự của họ. Và rằng đất nước họ có hàng chục nghìn kilômét đường biên giới phải bảo vệ và ngân sách quốc phòng của Mỹ cao hơn gần gấp 10 lần ngân sách của họ.

Dù sao, người Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc đã thay thế Nga và nước này sắp trở thành đối thủ chiến lược chính của họ, thậm chí trở thành kẻ thù quân sự của họ. Ngoài ra, Lầu Năm góc cam đoan, không phải ngẫu nhiên ngân sách quốc phòng Trung Quốc bằng với ngân sách của Nhật Bản, Hàn Quốc và... Nga. Cũng cần phải tính đến mạng lưới gián điệp rộng lớn của Bắc Kinh, Guoanbu [Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc]. Về vấn đề này, chuyên gia nổi tiếng người Pháp, Roger Faligot, đã viết trong cuốn sách (Nhà xuất bản Nouveau Monde) mới ấn hành rằng: "Vào đầu thế kỷ 21, các cơ quan đặc biệt của Trung Quốc đã trở thành những cơ quan quan trọng nhất trên thế giới." Và ông nói rõ rằng: "Cay đắng thay, mạng lưới Guoanbu cũng sắp nổi tiếng như KGB. Còn phải xem liệu cuộc chạm trán bao lần được báo trước có giống với cuộc Chiến tranh Lạnh hay sẽ trở thành một cuộc xung đột nóng hơn…"


10. Hiểm họa về môi trường

Nữ quán quân quần vọt Justine Henin hay vận động viên đua xe đạp Hailé Gebreselassié dự định tuyên bố bỏ cuộc ở Đại hội Thể thao Olympic vì "những lý do vệ sinh". Những người này đã quyết định rút sang Singapore hay Hàn Quốc, chỉ cách Bắc Kinh vài giờ bay, để luyện tập. Dù thế nào đi nữa, những người khác cũng muốn càng ít lưu lại ở Bắc Kinh càng tốt hoặc chí ít với một chiếc mặt nạ bảo vệ đặc biệt. Đó phải chăng là một chứng bệnh cuồng ám? Ở Bắc Kinh, một trong những thủ đô bị ô nhiễm nhất trên thế giới, bầu trời sẫm lại bởi những lớp sương mù dày đặc hiếm khi nhìn thấy mặt trời…

Lo lắng về hình ảnh của mình, chính phủ thử đưa ra một kế hoạch chống ô nhiễm khẩn cấp đề chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Olympic, với việc đóng cửa tạm thời các nhà máy thép và những nhà máy ô nhiễm nhất trong khu vực. Chỉ để biến thành phố thành một nơi dễ thở hơn một chút trong vài tuần lễ…

Trung Quốc có phải là một cơn ác mộng về môi trường sinh thái? Những con số khiến người ta lo sợ. Theo một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới, được Bắc Kinh kiểm duyệt, mỗi năm có 750.000 người chết, nguyên nhân trực tiếp là do ô nhiễm. Một phần ba các dòng sông chứa đầy các chất gây ô nhiễm đến mức nước không thể sử dụng để tưới tiêu được nữa. 300 triệu người Trung Quốc uống nước bị ô nhiễm, trong số đó có 190 triệu người mắc bệnh mỗi năm. Năm 2009, tức là 10 năm trước điều các chuyên gia đã dự kiến, Trung Quốc sẽ trở thành máy phát C02 lớn nhất thế giới, tranh vị trí hàng đầu của Mỹ. Trong số 30 thành phố bị ô nhiễm nhất trên hành tinh có 20 thành phố ở Trung Quốc. David Dollar thuộc Ngân hàng Thế giới cho rằng: "Trong tất cả những vấn đề của Trung Quốc thì ô nhiễm là vấn đề khẩn cấp nhất". Một tình trạng đáng báo động ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế: ô nhiễm có thể làm cho nước này phải trả giá từ 6 đến 10 điểm của GDP. Chính phủ lo lắng điều gì khi chính họ đã biến môi trường trở thành một trong những đề tài muôn thuở. Nhà kinh tế học Francoise Lemoine nói rằng: "Có nhận thức ở cấp cao. Nhưng thật là phức tạp khi đưa điều đó tới các cấp chính quyền địa phương".



Nguồn: Bản tiếng Pháp "Les dix menaces du nouvel empire" ( http://hebdo.nouvelobs.com/hebdo/parution/p2268/dossier/a373173-les_dix_menaces_du_nouvel_empire.html ) đăng trên Le Nouvel Observateur n° 2268, du 24 au 30 avril, 2008. Bản tiếng Việt của Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo chủ nhật số: 26-TTX, ngày 29/6/2008, tr. 20-26.

@talawas

No comments: