NGUYỄN HỌC TẬP
Đọc các Hiến Pháp nhân bản Tây Âu, một trong những điều khoản quan trọng đầu tiên ai cũng phải chú ý đó là điều khoản đề cập đến Tự Do Cá Nhân.
Điều 2 Hiến Pháp Cộng Hoà Liên Bang Đức chẳng hạn đề cập đến tự do cá nhân bằng một mệnh đề ngắn ngủi như là một mệnh lệnh và là một điều khoản luật có giá trị bắt buộc:
- " Tự do cá nhân bất khả xâm phạm".( Điều 2, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).
Câu nói ngắn ngủi vừa kể là mệnh lệnh thứ 2, sau mệnh lệnh " Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm" ,được tuyên bố ở điều một.
Cả hai mệnh lệnh trên được xác định bằng một tiểu đoạn nói lên sự xác tín và niềm tin của dân tộc Đức:
- " Bởi vì dân tộc Đức nhìn nhận các quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng của con người là nền tảng của mọi cộng đồng nhân loại, của hoà bình và công chính trên thế giới" ( Điều 1, đoạn 2, id.).
Chúng ta vừa nói rằng tự do cá nhân là một yếu tố quan trọng trong quan niệm nhân bản của các Hiến Pháp Tây Âu, bởi lẽ tự do cá nhân được đặt ở những điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp.
Hiến Pháp 1949 CHLBĐ đặt yếu tố trên ở điều 2, ngay sau khi vừa tuyên bố nguyên tắc căn bản tối quan trọng về nhân phẩm con người ở điều 1.
Không những vậy, " Tự do cá nhân bất khả xâm phạm" là một điều khoản luật, có hiệu lực bắt buộc phải tuân hành đã được Hiến Pháp 1949 CHLBĐ đặt dưới quyền bảo trợ của lời tuyên bố điều luật về các quyền bất khả xâm phạm của con người:
- " Các quyền căn bản được kể sau đây có hiệu lực bắt buộc đối với lập pháp, hành pháp và tư pháp như là điều khoản luật bắt buộc trực tiếp" ( Điều 1, đoạn 3, id.).
Nhưng " tự do cá nhân" là gì?
Một câu hỏi đơn sơ, nhưng câu trả lời phức tạp.
Bởi lẽ " tự do cá nhân" là một quan niệm có từ ngàn xưa, từ lúc có con người, liên hệ trực tiếp với bản thể con người. Quan niệm về tự do cá nhân nói riêng và các quyền căn bản bất khả xâm phạm nói chung được viết thành văn bản và có hệ thống từ thế kỷ XVIII, trong
- Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776
- và Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân Cách Mạng Pháp 1789.
Nhưng dấu vết của ước vọng con người cho mình có được tự do, chúng ta có thể tìm thấy trong sắc lệnh của hoàng gia Anh Habeas Corpus , hoàng gia dành cho mình quyền giải thoát các thần dân Anh khỏi quyền xét xử của các lãnh chúa trong vương quốc để cứu họ.
Dấu vết được viết thành văn bản trong Habeas Corpus , nhưng ước vọng con người được tự do không phải chỉ mới phát xuất từ đó, mà là hiện hữu từ lúc có con người.
Hơn ai hết, người Anh đã xác tín điều đó, nên nền tảng dân chủ và nhân bản của Quốc Gia đối với họ không phải chỉ là những gì được ghi trên các văn bản viết ra, mà là những gì tiềm tàng trong tâm thức con người, được thể hiện trong niềm tin và lối hành xử của con người theo tập tục qua bao thế hệ. Người Anh gọi niềm tin và lối hành xử đó trong tập quán là "Common Laws" ( Luật lệ chung, của mọi người theo tập tục).
Bởi đó chúng ta không lạ gì những Tuyên Ngôn, Thỉnh Nguyện, Khế Ước về nhân quyền như Magna Charta Libertatum 1215, Petition of Rights 1628, Bill of Rights 1689 , trên thực tế là những văn bản Hiến Pháp liệt kê các quyền và tự do người dân đòi buộc giới đương quyền phải tôn trọng, chỉ được người Anh viết ra như là những gì họ nhắc lại, nhìn nhận và xác quyết những điều đã có sẳn trong " Common Laws".
Như vậy " tự do cá nhân" là gì?
Một câu hỏi không phải dễ trả lời, bởi lẽ tự do cá nhân hay các quyền bất khả xâm phạm của con người, cũng như thể chế dân chủ, tự do và nhân quyền là những sản phẩm của trí khôn con người, lược lọc, đúc kết qua bao nhiêu ước vọng và kinh nghiệm thực tế ( nhiều khi cả những kinh nghiệm đau buồn, tan tóc, bất hạnh) mới có được.
Những sản phẩm đó chắc chắn thế nào cũng còn mang dấu vết của những luồng tư tưởng, những phương thức sữa đổi quan niệm các thời đại đã qua và ước vọng hiện tại với những viễn kiến về tương lai.
Tự do cá nhân là gì?
Hegel đã trả lời một cách chí lý:
- " Không có một tư tưởng nào có tính cách phổ quát và bất định như vậy, đa nghĩa và đa dạng, thích hợp để dễ lầm lẫn nhất, như tư tưởng về tự do" ( G.W.F. Hegel, Enciclopedia delle Scienze Filosofiche ( 1817), trad.it., Bari, 1967, § 482-442).
Quan niệm tự do được gán cho nhiều ý nghĩa nhiều khi trái ngược nhau, tự do:
- sự khiếm diện hoàn toàn của quyền lực và mọi điều kiện ảnh hưởng đến ý muốn của cá nhân,
- sự ý thức và tự ý hoà hợp ý muốn cá nhân vào trật tự của vũ trụ hoặc là vào nguyên lý thiết yếu của vũ trụ,
- không lệ thuộc bất cứ một luật lệ nào,
- tuân phục vào lề luật chính đáng và hợp lý,
- tham dự vào đời sống cộng đồng và chính trị,
- rút lui khỏi thế giới bên ngoài và ẩn mình vào chính bản ngã của mình,
- hành động theo khuynh hướng tự nhiên, bản năng tự nhiên của mình,
- kềm chế theo lẽ phải bản năng và khuynh hướng tự nhiên?
1 - Tự do theo quan niệm luật tự nhiên.
Một trong những ý thức mà ai trong chúng ta cũng cảm thấy là quan niệm tự do được định nghĩa trùng hợp với không bị cản trở, ảnh hưởng bất cứ từ đâu đến, tự do là " khoảng trống không" ( vacuum ): không bị vướng líu với bất cứ một vật gì ( J.G. Gill, The Definition of Freedom, Ethics, 1971, vol.82, 1).
Quan niệm của định nghĩa vừa kể là quan niệm siêu hình học về tự do. Tự do cá nhân được quan niệm như là một phần nguyên lý thiết yếu điều hành vũ trụ, là tự do theo quan niệm luật tự nhiên.
Với định nghĩa vừa rồi, tự do được trình bày dưới hình thức tiêu cực: tự do là không bị áp bức, bắt buộc, không lệ thuộc quyền lực ngoại tại, là từ chối quyền lực Quốc Gia và hiệu lực của luật lệ.
Tự do cá nhân được coi là thành phần của một tổng thể tự do trong vũ trụ. Trong triết học và thần học, tổng thể tự do đó có thể là thiên nhiên hay bản tính cuả Thiên Chúa.
Tư tưởng vừa kể là tư tưởng định hướng cho cách quan niệm về tự do qua nhiều thế hệ.
Hậu quả của tư tưởng vừa kể là tự do đuợc quan niệm như là trạng thái vắng thiếu uy quyền của cộng đồng Quốc Gia và không bị luật lệ áp đặt ( rechtsleer Raum) : môi trường trong đó không ai có thể thiết lập thể chế, pháp luật không thể ra lệnh bắt buộc và không có cả liên hệ pháp luật ( res adiaphorae).
Áp dụng vào con người, đó là tự do của con người như cá nhân biệt lập và tự tại, của con người trừu tượng không liên hệ với xã hội cũng như luật pháp, là thành phần của vũ trụ thiên nhiên.
Con người đó chỉ được quan niệm theo bản tính nội tại của mình, chỉ liên hệ với chính lương tâm và ý chí của mình và chỉ có mối tương giao duy nhất là thành phần của tổng thể vũ trụ thiên nhiên hay nói như H. Kelsen:
- " die Frage der Willensfreiheit sei ( ist) lediglich eine Angelegenheit des Selbsbewusstein": vấn đề về ý chí tự do chỉ là vấn đề tự ý thức lương tâm của chính mình ( H. Kelsen, Kausalitaet und Zurechnung, in OezoeR, 1955. 133s, 137).
Qua câu nói vừa kể của H. Kelsen, chúng ta thấy rằng tự do cá nhân như là một thứ tự do hoàn toàn bất định hay tự do của một chủ thể tự là nguyên cớ tự do của chính mình:
- một chủ thể không chấp nhận ( và không thể chấp nhận) một mệnh lệnh của ai khác hơn là của chính mình.( N. Abbagnano, Dizionario di Filosofia, Torino, 1960, 511, 514).
Quan niệm tự do là khả năng của chính ý chí mình, có thể ra lệnh điều khiển các hoạt động của mình, đã có một ảnh hưởng rộng lớn đến các hoạt động kinh tế trong kinh tế tư bản và kiện toàn thể chế hiến định ở Hoa Kỳ và Anh Quốc trong thế kỷ XIX: tự do - tư hữu là viên đá nền tảng cho toà nhà luật pháp và xã hội.
Trong khi đó thì ở các quốc gia còn lại của Âu Châu, khoảng thời gian vừa kể là thời gian của độc tài chuyên chính, khó ai có thể định nghĩa được tự do cá nhân là tự do của một chủ thể tự lập, tự quyết định và chính lương tâm của mình điều khiển hành động của chính mình, nên tự do cá nhân được định nghĩa như là ý chí của cá nhân có chiều hướng đồng thuận với ý chí thượng đẳng của Quốc Gia. Quốc Gia được như là một nhân vật có ý chí lãnh đạo cho tất cả ( État-persone).
Một quan niệm khác phát xuất từ Cách Mạng Pháp 1789, thay vì quan niệm Quốc Gia như một chủ thể nhân vị như vừa kể, cho rằng Cộng Đồng Quốc Gia có ý muốn chung ( volonté générale du peuple), không biết có khác với " tinh thần dân tộc" của chúng ta không, làm ý hướng chỉ đạo và quyết định cho mọi vấn đề của đất nước. Cá nhân chỉ có thể thật sự tự do, nếu ý muốn của cá nhân phù hợp với ý muốn chung đó.
Và rồi từ " Quốc Gia Nhân Vị" ( État-persone) và " ý muốn chung của dân chúng" (volonté générale du peuple) vừa kể, chúng ta sẽ không thấy khó khăn nào tổ chức Quốc Gia được tổ chức theo " Quốc Gia Ban Hành Luật Pháp" ( État de legislation).
Trong " Quốc Gia Ban Hành Luật Pháp" tự do cá nhân chỉ có chỗ đứng ở
- những khoản trống ( vacuum), nơi mà quyền hành của Quốc Gia không muốn can dự vào ( trong các lãnh vực riêng tư),
- hoặc tự do cá nhân phải phù hợp với chủ trương của " Quốc Gia nhân Vị " hoặc " ý muốn chung của dân chúng".
Những từ ngữ chúng ta còn gặp được: " theo luật lệ hiện hành, theo thể thức luật pháp ấn định" là những thành ngữ vết tích của tổ chức " Quốc Gia Ban Hành Luật Pháp".
Lằn ranh giới giữa những lãnh vực thuộc quyền lực công cộng của Quốc Gia và lãnh vực riêng tư hay khoản trống ( vacuum) rất bấp bênh.
Hơn nữa các tự do và quyền bất khả xâm phạm của con người được các Hiến Pháp lúc đó nêu lên ở Tiền Đề ( Préambule). Và do đó các cơ quan lập pháp ( Hội Đồng Lập Hiến cũng như Quốc Hội ) có quan niệm rằng những điều tuyên bố đó chỉ có tính cách tuyên bố để tuyên bố, tuyên bố như chương trình hành động, tuyên bố như những lời hứa đơn thuần chớ không phải là những chỉ thị có tính cách bắt buộc ( A. Esmein, Élement de droit constitutionel francais e comparé, V ed., Paris, 1909, 492s).
Hiểu được tình trạng bấp bênh đó của việc bảo vệ tự do cá nhân, chúng sẽ hiểu được tại sao tự do được tuyên bố dưới hình thức tiêu cực như là tình trạng cá nhân không bị cản trở, bị ảnh hưởng bất cứ từ đâu đến, tự do là khoản trống không bị vướng líu đối với bất cứ vật gì
( J.G. Gill, cit., id.).
2 - Tự do trong quan niệm khế ước.
Ngoài ra quan niệm luật tự nhiên vừa kể, ở Hoa Kỳ các quyền tự do bất khả xâm phạm của con người nói chung và tự do cá nhân nói riêng là một tập hợp hoà lẫn giữa hai luồng tư tưởng luật thiên nhiên và quan niệm theo khế ước ( contractualisme).
Việc tập hợp hòa lẫn giữa hai quan niệm trên bắt đầu từ Anh Quốc, kết quả của những cuộc tranh chấp về tôn giáo ở Anh, để biến thành một hệ thống duy nhất ( J.W. Allen, A History of Political Thought in the Sixteen Century, London, 1928, 210).
Hệ thống suy tư đó đã được các cộng đồng di cư từ Anh Quốc sang lập nghiệp ở Hoa Kỳ gìn giữ, mang theo và canh tân hóa để giải thích trong cuộc chung sống hợp chủng với nhiều niềm tin dị biệt.
Theo quan niêm khế ước thì
- nền tảng của các luật lệ chung sống với nhau trong một Quốc Gia là kết quả của một khế ước xã hội, một sự trao đổi long trọng vì lợi ích hổ tương cho nhau, được ký kết giữa những con người tự do như nhau.
Tuy nhiên khi giao ước với nhau, có những giá trị cá nhân hay những quyền căn bản bất khả nhượng không thể được đem ra để thương lượng để đi đến những luật lệ cá biệt cho cuộc chung sống văn minh, bởi vì đó là những quyền trên đó nền tảng cho cuộc sống xã hội có trật tự phải được xây dựng.
Và nền tảng cho các quyền bất khả vi phạm và bất khả thương lượng đó được phần lớn các Hiến Pháp Hoa Kỳ đặt trên nền tảng của một luật lệ siêu việt, được Thiên Chúa viết vào tâm khảm mỗi người khi sinh ra ( các quyền bẩm sinh).
Một đôi khi một vài quan niệm khác với đặc tính khế ước vừa kể cũng thể hiện ở một vài đoàn thể tôn giáo di cư đến đất Hoa Kỳ. Theo họ thì
- Quốc Gia như một cộng đồng hợp nhất liên kết thiêng liêng với nhau có mục đích thực hiện và tôn trọng những điều Chúa dạy, bảo đảm các quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo như là những quyền tối thượng và bất khả xâm phạm.
Dù sao đi nữa thì quan niệm tự do ở Anh Quốc là những điều khoản được viết trong các Charters of Rights như là
- những điều tuyên bố long trọng về các đặc ân và miển nhiểm của những con người tự do,
kết quả của những thoả ước giữa các quyền lực chính trị có thế giá trong lãnh thổ Quốc Gia ( nhà vua, các quân tước).
Nhưng những thoả ước vừa kể chính danh hoá các tự do cá nhân trong lãnh vực chính trị và luật pháp được người dân Anh xem như là những điều khoản công nhận các quyền của con người vẫn có trong tập tục cỗ xưa ( Common Laws)( E. Burke, Works, III. London, 1893, 321s).
3 - Tự do hiện thực trong pháp luật.
Chúng tôi vừa trình bày sơ qua những quan niệm chính về tự do trong quá khứ. Chắc chắn những giòng trình bày của chúng tôi còn nhiều thiếu sót. Nhưng mục đích của chúng tôi không phải là trình bày đầy đủ tiến trình lịch sữ của các quan niệm về tự do, cho bằng lược xét qua những tư tưởng đã qua để đánh giá đúng đắn hơn quan niệm tự do trong các nền dân chủ đa nguyên hiện đại.
Mục đích của quan niệm tự do hiện thực trong luật pháp của các quốc gia dân chủ đa nguyên hiện tại không phải là phê bình để chấp nhận hay đả phá
- các quan niệm tự do dựa trên luật thiên nhiên ( jusnaturalisme)
- hay tự do của của quan niệm khế ước
cho bằng biến quan niệm trừ tượng về con người thành con người với những giá trị của nhân phẩm mình, chủ thể trong hệ thống luật pháp hiện thực ( lois positives).
Con người trong quan niệm luật thiên nhiên là con người biệt lập, đứng riêng rẻ. Là con người của quan niệm tiền luật pháp, trước khi có tổ chức chính trị.
Địa vị cao thượng của con người đó phát xuất từ đâu,
- từ nguồn gốc cao cả được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, được tham dự vào bản tính thần linh của Thiên Chúa, là con Thiên Chúa
- hay là thành phần của một thực thể vũ trụ hoàn hảo, tham dự vào lý trí siêu việt ( Raison) cai quản vũ trụ hay không,
tiến trình hội nhập con người đó vào hệ thống luật pháp hiện thực không đặt thành vần đề.
Bởi lẽ những ý niệm vừa kể thuộc lãnh vực tôn giáo hay siêu hình học trong triết học.
Mối quan tâm về tự do của con người trong các thể chế dân chủ đa nguyên là
- làm thế nào sắp xếp cho con người có được chổ đứng, có tự do trong cộng đồng xã hội, giữa những chủ thể khác, cũng có cùng điạ vị và tự do như anh ta.
Nói cách khác, tự do của con người trong thể chế dân chủ là tự do xã hội,
- tự do được luật pháp thực định ( lois postives) xác nhận,
- được đặt nền tảng trên luật pháp
- và liên hệ với tự do của những chủ thể khác hay tự do tương đối ( V.H. Kelsen, La democrazia, trad.it., Bologna, 1966, 8.150s).
Việc biến đổi quan niệm tự do từ thể chế tiền dân chủ thành dân chủ, bắt buộc chúng ta phải định nghĩa lại những vấn đề then chốt ( Hautprobleme) như bản chất của Quốc Gia, thế nào là
- chủ thể pháp lý
- và tự do cá nhân là gì.
Không phải thế chế dân chủ chối bỏ tính cách tôn giáo của con người, nhưng vì là một thể chế có mục đích tổ chức và xếp đặt cho cuộc sống chung của con người trong xã hội được suôi chảy và thuận lợi, nên
- không thể đặt nền tảng của thể chế trên luật lệ siêu đẳng ( luật Thiên Chúa)
- hay trên luật tự nhiên ( Raison, lý trí siêu việt),
- mà trên một nền tảng luật thực định ( lois positive) cao đẳng, tức là Hiến Pháp.
Nói một cách đơn sơ
- Hiến Pháp là một khế ước ( Actum associationis) gồm những giá trị và những nguyên tắc căn bản xác định cuộc sống chung của một cộng đồng dân chúng được tổ chức theo một thể chế, đã được dân chúng đồng thuận phê chuẩn hay ký kết.
Trong Hiến Pháp thể chế dân chủ đa nguyên, con người với nhân phẩm của mình
- là chủ thể của các giá trị, được thiên phú cho các giá trị bất khả xâm phạm và bất khả nhượng do bản tính nhân loại của mình,
- để bảo đảm cho mình có một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm của mình.
Nhưng trong cuộc sống xã hội, con người với địa vị và giá trị của mình không phải chỉ là con người đơn độc, hoàn hảo, tròn trịa như một trái banh billard, không liên hệ, không ảnh hưởng và không chịu ảnh hưởng từ bất cứ ai, bất cứ từ đâu đến.
Con người trong Hiến Pháp dân chủ đa nguyên là con người với những giá trị thiên phú của mình, được đặt vào trong môi trường xã hội, chung sống với các chủ thể khác đồng đẳng với mình.
Nói cách khác, Hiến Pháp dân chủ đa nguyên là một văn bản ghi lại
- con người với địa vị và giá trị tối thượng của mình, được xếp đặt theo một bậc thang giá trị cùng với những chủ thể đồng đẳng khác thành hệ thống giá trị tối thượng, làm nền tảng cho thể chế tổ chức Quốc Gia.
Nếu con người
- của quan niệm luật tự nhiên là con người với nhân phẩm và giá trị tối thượng của mình, là con người hoàn hảo, tuyệt đối, nhưng đứng biệt lập,
- thì con người trong Hiến Pháp dân chủ đa nguyên là con người sống trong cộng đồng xã hội, chung sống với những con người khác, cũng là những chủ thể có nhân phẩm và giá trị tối thượng như mình.
Do đó, mặc dầu không có bất cứ điều kiện nào có thể làm tổn thương đến nhân phẩm của mình được Hiến Pháp chấp thuận, tự do cá nhân của con người phải được đặt trong một hệ thống giá trị liên hệ với tự do của các chủ thể khác, liên hệ với các giá trị tối thượng khác trong cuộc sống chung.
Nói cách khác, trong Hiến Pháp dân chủ đa nguyên, tự do cá nhân là tự do có giới hạn và tương đối.
Và hệ thống giá trị vừa kể của thể chế dân chủ đa nguyên được viết thành văn bản pháp luật trong các điều khoản luật thực định( lois positives) và được ghi trong Hiến Pháp.
So với các văn bản tuyên ngôn về quyền hạn của người dân , Bill of Rights hay với các Hiến Pháp các quốc gia tự do trước đệ II thế chiến ( Hiến Pháp Weimar 1919 Đức Quốc chẳng hạn), chúng ta sẽ thấy rằng các văn bản trên tuyên bố tự do và các quyền bất khả xâm phạm của con người như
- là những nguyên tắc tổng quát
- và nhường quyền lại cho cơ quan lập pháp thường nhiệm ( Quốc Hội) nhiệm vụ soạn thảo ra các đạo luật áp dụng.
Đọc các văn bản trên, chúng ta thấy các thành ngữ như
- " quyền được bảo đảm" hoặc
- " trong giới mức luật lệ hiện hành",
- " quyền là quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm, không ai có thể bị truất hữu, nếu không do luật pháp ấn định".
Những thành ngữ vừa kể đã trở thành những cơ hội cho Hitler, Mussolini và nhiều nhân vật và chế độ độc tài khác " ?hiện hành và ấn định" tùy hỷ cho cách cai trị khát máu của họ với hàng chục triệu người bị hành huyết và xử tử trong các lò sát sinh.
Hiến Pháp hiện hành của các quốc gia dân chủ đa nguyên là những Hiến Pháp được viết ra trong máu và nước mắt của những kinh nghiệm vừa qua, nên không thể nào chỉ giới hạn tuyên bố suôn tự do và các quyền bất khả xâm phạm của con người, như là những nguyên tắc tổng quát và để cho ai muốn " hiện hành và ấn định " cách nào tùy hỷ.
Trước hết Hiến Pháp hiện hành của các quốc gia dân chủ đa nguyên là những Hiến Pháp
- dài và cứng rắn, chứa đựng những điều kiện gia trọng khó khăn đối những ai muốn sữa đổi và tu chính,
* " Một đạo luật như vừa kể ( về tu chính Hiến Pháp), cần có sự chấp thuận của 2/3 thành viên Hạ Viện và 2/3 thành viên Thượng Viện" ( Điều 79, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Một điều kiện như vừa kể không phải là điều kiện có thể dễ dàng hội đủ để có thể thực hiện.
- Ngoài ra còn có những nguyên tắc bất di dịch, không chấp nhận bị tu chính sữa đổi đối với bất cứ điều kiện nào:
* " Không thể chấp nhận bất cứ một sự sữa đổi nào đối với Hiến Pháp nầy, liên quan đến mối tương quan giữa Liên Bang và các Tiểu Bang, đến việc tham dự của các Tiểu Bang vào tiến trình lập pháp hay đến các nguyên tắc đã được tuyên bố ở điều 1 và điều 20" ( Điều 79, đoạn 3, id.).
- cũng như cách tuyên bố các điều khoản Hiến Pháp thành những đạo luật có giá trị bắt buộc ( cfr. Nguyễn Học Tập, Con Người Trong Hiến Pháp Nhân Bản Tây Âu).
Nhưng điều nổi bật liên quan đến đề tài tự do cá nhân chúng ta đang bàn là tự do được đặt trong hoàn cảnh tương đối hoá, để có thể tổ chức cuộc sống chung xã hội.
Điều chúng tôi vừa nói được nêu lên một cách rỏ ràng, như:
- " Mọi người có quyền phát triển con người của mình, miễn là không vi phạm đến quyền của người khác và vi phạm đối với thể chế hiến định và lề luật luân lý" ( Điều 2, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).
- " Quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng được xác định bằng những luật lệ tổng quát và theo các chỉ thị có mục đích bảo vệ thanh thiếu niên và quyền của con người được tôn trọng trong danh dự của mình" ( Điều 5, đoạn 2, id.).
- " Sáng kiến cá nhân trong lãnh vực kinh tế không thể được thực hiện ngược lại với xã hội hoặc có thể phương hại đến an ninh, tự do và nhân phẩm con người"
( Điều 41, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Những câu văn vừa kể cho thấy rằng tự do cá nhân là giá trị tối thượng trong tổ chức Quốc Gia dân chủ, được tương đối hoá đối với những giá trị tối thượng khác.
Tự do cá nhân không phải chỉ là không bị ảnh hưởng, không bị áp lực cưởng chế, không bị giới hạn bởi quyền lực tư nhân cũng như công cộng, theo quan niệm tự do tiêu cực.
Tự do trong thể chế dân chủ đa nguyên còn gồm cả
- tự do hành động một cách chính danh và hợp pháp với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, để đạt đến một mục đích gì, hay tự do tích cực,
* trong đó người ngoại cuộc, một cá nhân khác, một tổ chức xã hội trung gian hay cơ chế Quốc Gia không những không được vi phạm " Chính quyền không được..., không ai được...",
* mà Quốc Gia còn có bổn phận phải can thiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân có thể thực hiện được ước muốn chính đáng của mình:
- " Bổn phận của Nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại trong khi thật sự giới hạn tự do và bình đẳng của người dân, không cho phép mỗi cá nhân triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của Xứ Sở" ( Điều 3, đoạn 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Tự do cá nhân trong thể chế dân chủ đa nguyên không phải là tự do của một cá nhân biệt lập, mà là
- quyền tự do của con người đối với chính mình,
- đối với anh em mình cùng chung sống trong xã hội con người với mình,
- đối với các hoạt động của mình để mưu ích cho mình và cho cộng đồng xã hội anh em mình
- đối với Đấng Tối Cao, Đấng đã ban cho mình có thân xác, lý trí, lòng yêu chuộng tự do và ước vọng hạnh phúc vô tận, động lực làm cho mình vui tươi để sống và hăng say dồn tất cả khả năng để tìm hạnh phúc.
Con người trong ý thức hệ dân chủ đa nguyên là một nhân vị, con người hoàn hảo ( personne intégrale) có ba chiều hướng để triển nở :
- triển nở nội tâm cho chính mình,
- triển nở chiều cao liên hệ với Đấng Tối Cao
- và triển nở chiều rộng trong liên hệ với anh em ( J. Maritain, Umanesimo Integrale, trad.it., Torino, 1962, cap.IV.
http://thongtin.brinkster.net/diendan/tudocanhanhomquavahomnay.htm
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment