Thursday, August 14, 2008

Trác Tuân: Đằng sau vở kịch “Hậu PMU18”

Đằng sau vở kịch “Hậu PMU18”
Trác Tuân


Thế là đã rõ! Trước khi màn 2 của vở hài kich Hậu PMU18 được trình diễn, khúc dạo đầu có tính chất vừa là liều thuốc thử, lại vừa là bước chuẩn bị dọn đường cho màn hai hậu PMU18 được trình diễn. Cuộc họp liên ngành giữa đại diện bô công an và đại diện các toà soạn do trưởng ban tư tưởng văn hoá TW chủ trì đã được diễn ra ngày 26/6 vừa qua...


Trong nội dung cuộc họp, các vị đại diện cho báo giới tuy chiếm tỉ lệ đa số, tuy có vẻ hăng hái trong việc chất vấn vị đại diện cơ quan an ninh điều tra -bộ công an, trong việc bắt giữ hai nhà báo nhưng rốt cuộc họ đều bị khuất phục trước lý lẽ hết sức "cùn" của kẻ cường quyền, được gọi dưới cái tên là "cơ quan an ninh điều tra", một bộ phận quan trọng, công cụ đăc lực của đảng CSVN.

Điển hình là khi một quan chức báo chí đứng lên chất vấn việc bắt các nhà báo đã có bằng chứng, chứng cứ để kết tội họ chưa, thì vị đại diện này trả lời là "không thể tiết lộ bí mật được" rằng "đang trong quá trình điều tra""muốn biết phải chờ khi ra toà xét xử và khi toà tuyên án mới biết được tội trạng của họ" v.v. Khi bị phe báo chí dồn vào chân tường ông ta quay lại "cắn" lại với cai điệp khúc quen thuộc: “Tôi không biết, việc này không phải do tôi phụ trách". Điều đó cũng có nghĩa là tôi đến đây không có nghĩa vụ phải trả lời quí vị những điều đó, mà chỉ vỗ về trấn an quí vị là cứ "yên tâm tin tưỏng vào cơ quan điều tra, họ xử lý đúng người đúng tội". Và chủ yếu nắm bắt tâm lý, sự phản ứng của quí vi ra sao mà thôi! Hết phim!

Sau đó buổi họp đã được chốt hạ bằng bài giảng về "đạo đức cách mạng của người làm báo" của trùm bộ máy tuyên truyền tư tưởng Tô Huy Rứa, với lời kết được vạch ra hướng đi cho báo chí nhằm "định hướng dư luận" trong việc trấn an dư luận xã hội trong việc bắt hai nhà báo, đồng thời chấn chỉnh báo chí cách mạng phải luôn bám sát chủ trương đường lối của đảng đã vạch ra... Chớ sa ngã để bọn phản động lợi dụng thao túng vv.

Sau khi buổi họp kết thúc chưa đầy 10 ngày, màn 2 của vở kịch hậu PMU18 được trình diễn là câu trả lời xác đáng cho các quí vị đại diện báo chí trong buổi họp. Bảy nhà báo bị tước thẻ nghề nghiệp, trong đó có bốn vị tổng, phó tổng biên tập của hai tờ báo cứng đầu nhất. Việc này đã cho thấy kết cục của chống đối bất tuân của báo giới đối với đảng.

Cơn địa chấn của màn hai vở Hậu PMU18 này cũng gây sốc không kém phần màn dạo đầu. Nhưng nó được giao huấn và có chuẩn bị kỹ càng hơn, nên tuy các xếp của báo bị "trảm" nhưng hai cái "tàu ngựa" Tuổi Trẻ và Thanh Niên không hề thấy dấu hiệu "bỏ cỏ". Trên hai mặt báo không hề thấy tin tức, hay sự chia sẻ đối với hai chú "ngựa nòi" bị đau. Cả hai đàn ngựa vẫn hồn nhiên "gặm cỏ", vẫn những tin tức được cập nhật đều đặn, duy những bài báo "xé rào" gây hưng phấn cho thượng đế xưa kia ngày càng trở nên thưa thớt trên mặt báo.

Nhưng dù vở kich được biện soạn, đạo diễn tài tình đến mấy cũng không qua khỏi sự quan sát của những ai có đầc nhạy bén và giỏi quan sát tình hình thời cuộc. Liệu những nạn nhận kia có phải là những tội đồ trong vụ PMU18 hay không, hay "Hậu MU18" chỉ là tấm bình phong để che đậy cho việc triệt hạ vô hiệu hoá những kẻ cứng đầu cứng cổ, dám có ý định xé rào, vựot ra khỏi tầm kiểm soát của bàn tay độc tài lông lá có tên là đảng CSVN?

Giới bình loạn xã hội của câu lạc bộ "Viahe" thì nhạy cảm cho rằng hai nhà báo kia bị bắt là do phe phái đấu đá, tranh giành quyền lực trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết". Mấy con tép kia chỉ là vật tế thần cho màn gỡ tội ngoạn mục của hàng "khủng"mà thôi! Nhưng khi nghe cái tin bảy nhà báo bị "trảm" thì mới té ngửa ra, biết là sự phán đoán "hơi bị sai". Ván bài bây giờ mới ngửa. Chung quy là tại quí vị đã đi quá đà, lạc vào cái sân chơi "nhạy cảm" bị cấm kỵ nhiều nhất. Cái sân chơi chính trị này chỉ duy nhất có một diễn viên có tên là đảng CSVN được độc diễn, các vị dám mó vào dái ngựa, chết là phải"!

Tâm tư của một thẩm phán già

Sau khi hai nhà báo bị bắt, nghe thiên hạ bàn tán ầm ĩ ngước xuôi chẳng biết đâu mà lần. Người bảo bắt như vậy là sai, kẻ cho là đúng, có người còn phẫn uất cho như vậy là quá dã man. Tò mò kẻ viết bài này đã đến hỏi chuyện một vị thẩm phán già đã về hưu được gần chục năm. Sau khi đọc xong bài báo, ông tỏ vẻ ngạc nhiên thốt ra câu: "Thật là kỳ lạ".

Tôi tò mò hỏi: Sao lại kỳ hả bác?

Ông trả lời: Kỳ quá đi chứ! Họ có tham gia vào vụ án đâu! Họ chỉ là người đưa tin, phản ánh sự kiện đã xảy ra! Cơ quan điều tra phải điều tra độc lập, chỉ căn cứ vào những tình tiết liên quan đến vụ án như lơi khai nhân chứng, chứng cứ và bằng chứng để điều tra. Nhà báo họ biết cóc khô gì về PMU18 mà lạị băt họ? Họ có được ăn chia đánh bạc đâu!"

Không hiểu, tôi cãi lại: Nhưng họ đưa tin sai sự thật.

Ông giảng giải: Cho dù họ có đưa tin sai sự thật thì cũng không ảnh hưởng gì đến quá trình điều tra cũng như tính chất vụ án. Vì công an có phải dựa vào việc đăng tin của báo chí để điều tra đâu?

Bức xúc, ông nói tiếp: Cho dù họ có tội thì cũng không phải là tội họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân. Có nghĩa tội của họ là "lợi dụng chức vụ quyền hạn xâm phạm lợi ích cá nhân" thì phải định rõ người bị hại là ai. Ai là người bị xâm hại quyền lợi do những bài báo đăng tin sai sự thật? Nếu người bị hại ở đây là Bùi Tiến Dũng hay Nguyễn Việt Tiến bị bôi nhọ uy tín ảnh hưởng đến quyền lợi, thì họ có quyền kiện báo chí ra toà đòi bồi thường danh dự hay vật chất theo hướng dân sự, chứ tuyệt nhiên không thể hình sự hoá được.

Tôi thắc mắc: Có thể họ gây hậu quả nghiêm trong trong quá trình điều tra, làm lạc hướng điều tra của công an, anh hưởng lớn đến dư luận thì sao?

Ông hơi gắt: Quái cậu này! Tôi nói thế mà cậu không hiểu. Quá trình điều tra của công an phải hoàn toàn độc lập, chỉ dựa vào những chứng cứ có liên quan trước và sau khi vụ án diễn ra. Công an không thể và không được dựa vào những lời nói của người không có liên quan. Chẳng lẽ tôi với cậu đang nói chuyện và bình phẩm vụ án ở đây, tự nhiên có ông công an nào đi qua nghe thấy, bèn vào lấy lời khai và dựa vào câu chuyện của tôi với cậu để điều tra hay sao?

Báo chí cũng vậy thôi! Họ lấy tin và đăng tin tức đó lên, nếu gây hại đến lợi ích của ai, họ phải chụi trách nhiệm với người đó, với tổ chức đó! Làm sao công an lại dựa vào tin tức đó để điều tra được! Cậu thấy có vô lý không? Thấy ông nói có lý tôi im lặng.

Ông nói tiếp: Hơn nữa trong luật tố tụng cũng quy định các bên tham gia tố tụng, thì phải xác định vai trò chủ thể là bên bị, bên nguyên, chỉ trừ những vụ an liên quan đến an ninh quốc gia.Vậy ở đây "bên bị" là nhà báo còn "bên nguyên" là ai? Là công an hay viện kiểm sát? Vậy ông vừa điều tra, ông lại vừa là "bên nguyên" sao? Ông vừa đá bóng ông vừa thổi còi, thật là hết chỗ nói! Còn bảo rằng “gây hậu quả nghiêm trọng” thì anh phải xác định rõ thế nào là gây hậu quả nghiệm trọng.

Tôi vẫn chưa yên tâm: Nhưng chẳng lẽ công an bộ mà họ làm sai? Trình độ họ siêu lắm cơ mà.

Càng "siêu" càng sai! Đôi khi ở dưới lại còn làm siêu hơn trên, vì họ còn sợ trên, chứ trên thì làm sai có ai xử họ, nên họ cóc sợ! Hơn nữa đã thành luật rồi, bắt dễ thả khó, khi đã thả ông Tiến ra rồi thì có nghĩa là ông bị oan, vậy đã bắt oan thì có người phải làm sai, bởi vậy tạo ra cái cớ để bắt có gì là khó!

Vậy họ thích bắt ai cũng được sao? Thế còn pháp luật thì sao, phải đúng chứ! Tôi ngây ngô hỏi.

Ông cười chua chát, rồi nói: Cậu thấy cái vụ Hoàng Hải nó còn vô lý hơn nhiều. Pháp luật trong tay họ làm gì chẳng được! Cái tội cho thuê nhà rồi "trốn thuế" này có mà hàng chục nghìn ông trốn thuế trong cả nước, chứ đâu phải mình ông Điếu Cày! Chủ yếu mấy ông quan chức to, có nhiều nhà cửa cho thuê, có thấy ma nào đóng thuế, hoặc giả có đóng chỉ là tượng trưng cho phải phép, chứ đã có quy định nào cho việc thuê nhà phải đóng bao nhiêu, hay đóng mức như thế nào đâu!ông cho thuê 10 ông chỉ đóng 1 ai biết đấy là đâu!

Vậy bác cũng biết vụ đó sao? Tôi ngạc nhiên hỏi.

Ông giơ tay chỉ sang nhà bên: Đây, đây! Ông cục trưởng cục thuế thành phố hàng xóm nhà tôi đây! Ông hạ giọng nói khẽ.

Ông ta cũng bức xúc lắm, sau hôm báo đăng, nhân ngồi chơi uống nước bên tôi ổng kêu: "Mấy cha nội làm bậy quá, bển thuế chưa có ý kiến gì đã đè cổ người ta ra bắt, rồi cứ thế sang ép bên thuế làm công văn đề nghị khởi tố. Đâu có được! Nó kiện cho thấy bà, chứ đâu có dễ, phải làm tuần tự như thông báo rồi truy thu, rôi phạt, nếu nó hổng chịu thì mới truy tố tội hình sự chứ đâu phải đùa. Thời buổi này bắt người dễ quá ta!

Rôi ông tự bình luận: Ông ta nói đúng!Việc này của bên cơ quan thuế chứ đâu phải bên công an!

Nếu anh ta có trốn thuế thật, sau khi dùng nhiều biện pháp hành chính mà vẫn còn ngoan cố, thì bên thuế phải có công văn sang bên công an đề nghị điều tra truy tố và bên cơ quan thuế sẽ là bên nguyên, đại diện cho nhà nước, bảo vệ quyền lợi bị xâm phạm theo luật thuế. Vì vậy, cái lý do anh ta bị bắt chung quy cũng chỉ tại vì "cái mồm" dám cả gan chọc vào chuyện chính trị chính em cho rách việc!

Ra thế! Cứ bảo người dân không biết gì, họ là những nhà quan sát rất tinh vi và nhạy bén. Họ không thơ ơ với thời cuộc như ta tưởng.

Làng báo hoảng loạn, bối rối và bừng tỉnh

Tin hai nhà báo bị bắt loang đi nhanh chóng, đúng như cái nghiệp làm báo khi có tin nống hổi. Chỉ chưa đầy 24h đồng hồ, trên các mặt báo đã được đang tải tin đồng nghiệp gặp nạn. Nhưng lệnh của đảng đưa ra cũng có phần nhanh không kém, cũng chỉ chưa đầy ba ngày sau, mọi tin tức liên quan đến vụ án được lệnh "cấm khẩu". Báo giấy thì cấm được đưa tin. Các báo điện tử thì gỡ xuống các tin đã trót. Các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng chỉ giỏi về cầm bút, nhưng lại kém chịu đựng về tinh thần và thể xác, đã cung cúc nhũn như con chi chi, không dám ho he, xanh mặt "tuân chỉ".

Sự kiện tiếp theo của màn 2 hậu PMU18 là việc bảy nhà báo bị tước thẻ, làm những cư dân của làng báo khộng khỏi bị chùn tay, trước việc dám có định chống đảng khi mà họ thừa biết rằng cái nguyên nhân sâu xa của sự trừng phạt này không phải là PMU18. PMU18 chỉ là màn kịch dựng lên, là cái cớ để "vặt lông" những kẻ dám chống đối đảng. Những người có chút lương tri, và lương tâm của người làm báo, vì dám vựot qua mặt đảng để viết những bài báo gây hại cho sự an nguy của đảng. Chẳng hạn Phó tổng biên tập báo Thanh Niên Bùi Thanh đã dám cả gan viết bài ca tụng gương hy sinh anh dũng của 58 binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà trong việc bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Sự kiện này làm cho đảng bầm gan tím ruột, vừa tức tối vừa lo sợ. Tức vì có kẻ dám lên tiếng bênh vực cựu thù, để chia phần tranh công với đảng trong việc bao vệ tổ quốc. Lo sợ vì sự quở trách của các đồng chí lãnh đạo TW ở Trung Nam Hải đối với các đồng chí thuộc đảng bộ Giao Chỉ đã không hoàn thành nhiệm vụ quản lý báo chí.

Chứ cái mặt trái thối tha của nghề báo như việc viết bài vòi vĩnh làm tiền, hay dùng thủ đoạn câu kéo mồi chài để trục lợi những con mồi của cánh báo chí, nó là "chuyện thường ngày ở huyện". Gần như đã thành thông lệ luật bất thành văn "Thợ may ăn giẻ thợ vẽ ăn hồ". Nghề nào nghiệp đó, Các ông ăn thì chúng tôi cũng phải được ăn để cùng tồn tại. Ông bí thư, chủ tịch màu đầy màu vơi, ngay cả đến ông công an cũng vậy, các ông bóp nặn trên đường một cách công khai, thì báo chí các ông cũng phải tạo cho chúng tôi có một sân chơi riêng chứ. Việc đó đảng hoàn toàn thông cảm với các đồng chí, nên đảng có bao giờ quan tâm đến chuyện đó, thậm chí còn tạo điều kiện cho các đồng chí tác nghiệp đằng khác.

Chứ nếu đảng ta công minh trong sạch thì những tệ nạn, những ngón nghề đó bị đi "tàu suốt" từ lâu rồi. Luật của đảng cũng rất kiên quyết như luật Mafia, kẻ nào không tuân thủ luật chơi thì kẻ đó sẽ bị loại khỏi cuộc chơi một cách không khoan nhượng. Mi hãy làm đúng bổn phận BỒI BÚT của mi đi và đừng có nhúng mũi vào chuyện đại sự! Đó là thông điệp đảng muốn nhắn gửi tới cho kẻ nào dám chơi ngông. Đồng thời đảng cũng muốn nhắn gửi tới những kẻ nào muốn sống trong sạch nhờ tiền của "thượng đế" để thoát khỏi vòng tay nuôi dưỡng bằng "chậu cám tăng trọng" của đảng, như Tuổi Trẻ, sẽ coi chừng và lấy đó làm gương.

Giờ đây màn hai của vở kịch hậu PMU18 đã hạ, chúng ta đã thấy rõ ý nghĩa và bản chất của vở kịch: nó chỉ là tấm bình phong che đậy cho việc triệt hạ những tư tưởng cấp tiến trong xã hội, nhằm đảm bảo an toàn cho quyền lực của đảng độc tài được vững vàng trong dông tố đang ngày một dâng cao mà thôi. Họ không từ bất cứ thủ đoạn đê hèn nào, không chỉ có các nhà báo quốc doanh bị đàn áp khống chế, mà ngay cả sự kiện họ tìm cách dựng chuyện vu khống để bắt giam nhà báo Hoàng Hải (Điếu Cày), hòng dập tắt mọi tiếng nói tự do phản kháng trong nước.

Qua đó ta cũng thấy bản chất ngoan cố không chịu từ bỏ con đường phản lại dân tộc của họ. Cấm đoán và quản lý báo chí theo lệnh của quan thầy Bắc Kinh, họ đã tước đi tiếng nói quan trọng và căn bản của một xã hội phát triển, cũng có nghĩa là họ bắt nhân dân lại cúi đầu nín lặng cam chịu trước một chế độ độc tài bạo ngược.
với sự phát triển không ngừng của các phương tiện truyền thông, của mạng điện tử Intenet toàn cầu, sẽ nói lên tiếng nói tự do, noi lên sự thật về sự dối trá bịp bợm của họ trong suốt 60 năm qua, họ đã cố tình bưng bít che đậy nhân dân.

Đặc biệt những nhà báo chân chính trong nước, giờ đây đã nhận rõ đươc chân tướng của kẻ độc tài, cũng như họ đã thức tỉnh bao năm qua đã đem công sức trí tuệ, tâm huyết của mình làm "nhân nô" làm "bồi bút" cho kẻ độc tài tàn bạo, bằng việc ngày càng có tiếng nói thức tỉnh, có lương tâm và trách nhiệm của họ đối với nhân dân, đối với đất nước. Nổi bật là hai tờ báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Tuy bị áp chế quản lý gắt gao họ vẫn có những bài báo thực sự tâm huyết, thuyết phục được bạn đọc, họ đã nhận được sự mến mộ của đông đảo khán giả trong cả nước, điều đó cũng nói lên sự khát vọng và nhạy cảm của nhân dân về tự do chính nghĩa mà họ hằng khao khát.

Rồi màn kết của vở kich lớn sẽ đến

Thấy trước những nguy cơ tiềm ẩn đó, chế độ độc tài đã tìm mọi cách ngăn cản khống chế những nhà báo có lương tâm chân chính, bằng cách thay thế, cách chức, rồi truy bức bắt giam họ, tước thẻ nghề nghiệp của họ, nhằm lung lạc ý chí cũng như bắt họ khuất phục trước cường quyền. Nhưng họ đã nhầm tưởng điều đó, cho dù màn ba của vở kịch và cũng là biện pháp nhơ bẩn cuối cùng là đóng cửa hai tờ báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Nhưng họ cũng không dập tắt được ngọn lửa cách mạng đang bùng cháy khắp nơi trong cả nước. Cho dù họ có giở trò khủng bố giam cầm nhà báo tư do Hoàng Hải thì sẽ có nhiều người khác đứng lên.

Những nhà báo chân chính sẽ không chùn bước, trái lại càng tiếp thêm sức mạnh cho họ trên con đường tìm đến tự do. Bằng nghị lực và tiếng nói tự trái tim, họ sẽ tiếp tục đem tiếng nói của mình đến cho đồng bào một cách mãnh liệt hơn nữa! Rồi không chỉ có những nhà báo, mà sẽ còn vô vàn những "nhà báo nhân dân" sẽ nối tiếp tư tưởng của các anh, cất lên tiếng nói tư do..tiếng nói khát vọng ngàn đời của người dân nước Việt.

Phần kết của vở kịch lớn có tên là "Đảng độc tài cộng sản Việt Nam" đã và đang đến hồi kết thúc! Những nhà báo chân chính sẽ thoả sức nói lên tiếng nói tự do công bằng và bác ái, trong một chế độ thực sự dân chủ và tự do. Cách mạng dân chủ nhân dân nhất định thành công! Tôi tin là như thế.

Hà Nội, ngày 4/8/2006
Trác Tuân
http://tiengnoitudodanchu.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=6274

No comments: