Thursday, August 14, 2008

Xung đột Nga–Gruzia chưa thể chấm dứt

12/8

Bridget Kendall
Phóng viên ngoại giao BBC


Tổng thống Nga nói mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố chấm dứt hoạt động quân sự ở Gruzia.
Theo lời ông, mục tiêu đã đạt được, hòa bình được lập lại, còn kẻ xâm lược đã bị trừng phạt.

Nhưng căng thẳng đã thực sự chấm dứt hay chưa?

Quân Nga chưa rút đi, trong khi còn chưa rõ về một lệnh ngừng bắn.

Dường như lính Nga đã nhận được chỉ thị phải cố thủ ở vị trí hiện tại, và không được bắn trả trừ khi bị tấn công.

Trong khi đó, ông Medvedev bật đèn xanh sẽ tiếp tục hoạt động quân sự nếu cần thiết, để tiễu trừ cái mà ông gọi là “hang ổ kháng chiến”.

Đúng thời điểm

Nhưng vì sao Nga lại đưa ra tuyên bố như vậy vào lúc này?

Đây là vấn đề mang tính thời điểm. Tuyên bố của ông Medvedev được đưa ra ngay trước cuộc gặp với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Ông Sarkozy tới Moscow để ứng cứu phái đoàn của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), vốn nỗ lực vì một lệnh ngừng bắn giữa Gruzia và Nga suốt hai ngày qua.

Nhưng rồi người Nga đã lên tiếng trước. Trước cả khi ông Sarkozy phát biểu ý kiến, tổng thống Nga đã nói rằng theo quan điểm của ông, mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát.


Nếu Nga quan tâm tới mối quan hệ của nước này với Mỹ và châu Âu, có lẽ Moscow đã phải ngừng lại để suy nghĩ

Người ta cho rằng đó dường như là một bước đi có tính toán nhằm giành thế ưu tiên trước vị khách châu Âu, và vì thế không ai có thể nói rằng Nga đã hạ mình trước yêu cầu của phương Tây.

Và cũng vì lẽ đó sẽ không ai nhầm lẫn rằng đây là chiến thắng quân sự của Nga và xung đột chấm dứt không thông qua các nhượng bộ của Moscow, mà bởi vì điều đó diễn ra theo lịch trình của Nga.

Nhưng cuộc xung đột này không chỉ xoay quanh mối quan hệ căng thẳng giữa Moscow và Tbilisi và một vùng đất bị kẹp giữa hai nước, nơi tranh chấp lãnh thổ đã bùng nổ thành một cuộc chiến quy mô nhỏ. Mà đó còn là quan hệ căng thẳng Đông – Tây.

Bởi thế nên có lẽ Nga đã lắng nghe cảnh báo cứng rắn từ Tổng thống Mỹ Bush trước đó, vốn ít hay nhiều đặt Nga vào tình huống về một cuộc đối đầu Đông – Tây mới nếu Moscow không nhượng bộ.

Phát biểu từ Vườn Hồng ở Nhà Trắng, ngôn ngữ của ông Bush mạnh mẽ một cách hiếm thấy.

"Nga đã xâm lược một quốc gia láng giềng có chủ quyền, đe dọa một chính phủ có chủ quyền do dân bầu lên, và hành động đó không thể chấp nhận được trong thế kỷ 21”.

Tổng thống Mỹ sau đó tiếp tục cáo buộc Nga muốn lật đổ Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili.

Thật kỳ lạ khi lắng nghe nguyên thủ một siêu cường cáo buộc một siêu cường khác những điều như vậy.

Đánh giá sai khủng hoảng?

Nếu Nga quan tâm tới mối quan hệ của nước này với Mỹ và châu Âu, có lẽ Moscow đã phải ngừng lại để suy nghĩ.

Dĩ nhiên Nga không dễ dàng gì khi giải thích vai trò của họ trong cuộc xung đột cũng như bác bỏ chuyện nước này tìm cách lật đổ bất cứ ai, dù Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng nước này cảm thấy giờ không thể hợp tác với lãnh đạo Gruzia.

"Quan điểm của chúng tôi là ông Saakashivili giờ không còn là đối tác của chúng tôi, và sẽ tốt hơn nếu ông ra đi”.

Ông Lavrov cũng cáo buộc phương Tây, cụ thể là Mỹ, rằng không nên đánh giá sai cuộc khủng hoảng bằng việc lên án Nga và đứng về phía Gruzia, mà hãy vì tinh thần chung.

Ông nói: “Những gì xảy ra ở Nam Ossetia đã đánh vào lương tâm họ”.

“Chúng tôi đã cảnh báo sự nguy hại về chuyện vũ trang cho lãnh đạo Gruzia nhiều năm nay, cũng như đánh động Mỹ cũng như các nước khác rằng chuyện họ trang bị vũ trang và huấn luyện quân đội Gruzia sẽ dẫn tới tình huống như thế này”.

Với những gì được công bố hôm 12/8, dường như cuộc xung đột đã chuyển sang một hướng khác, nhưng các nhà đàm phán quốc tế cảnh báo rằng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.


Nga nói không còn coi Gruzia là đối tác

Nga vẫn tiếp tục yêu cầu Tbilisi tuân thủ hai điều kiện, rằng quân đội Gruzia phải rút toàn bộ, và chính phủ nước này phải ký vào thỏa thuận không có hành động bạo lực tại hai vùng lãnh thổ gây tranh cãi là Nam Ossetia và Abkhazia.

Ngoại trưởng Phần Lan Alexander Stubb nói với đài BBC hôm 12/8 rằng các cuộc đối thoại hòa bình phải diễn ra từng bước một, từ thỏa thuận ngừng bắn, tới một sự rút quân từng phần, tới sự tham gia của quốc tế, thì mới dẫn tới một cuộc đối thoại về tương lai Nam Ossetia.

Vậy giờ thì chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Căng thẳng phía trước

Nga nói không còn coi Gruzia là đối tác

Về kế hoạch rút quân từng phần, Tổng thống Medvedev đã khẳng định rằng Nga chuẩn bị rút về nơi đóng quân như một tuần trước, nếu Gruzia làm vậy.

Nhưng cho tới giờ Nga thậm chí còn chưa đề cập tới bất kỳ một sự rút quân nào, mà giờ đã lên tới hàng nghìn lính ở cả Nam Ossetia và Abkhazia, và đâu đó ở cả Gruzia.

Nga dường như có vẻ xuôi theo ý tưởng về sự hiện diện quốc tế ở Nam Ossetia chừng nào lực lượng đó không có quân Gruzia.

Tổng thống Pháp Sarkozy thậm chí còn nêu ý tưởng về sự tham gia của các nhà quan sát EU.

Sau các cuộc đàm phán, ông Sarkozy và Medvedev nói đã đồng ý về sự cần thiết phải có các cuộc đàm phán mang tính quốc tế về tương lai hai tỉnh ly khai của Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia.

Ông Medvedev thậm chí còn đi xa hơn, khi nhấn mạnh rõ rằng điều Nga muốn chứng kiến là một cuộc trưng cầu dân ý ở cả hai tỉnh trên, để người dân địa phương có thể tự quyết chuyện họ có muốn thuộc về Gruzia hay không.


Quan hệ giữa Nga và phương Tây khó mà cải thiện sau sự leo thang này.

Tổng thống Nga còn bày tỏ tin tưởng rằng phần đông sẽ không muốn.

Ý tưởng đó sẽ làm Gruzia mất tinh thần. Nhưng ít ra thì cũng không có sự sáp nhập với Nga – một sự chia cắt đe dọa tới sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia ngay lập tức, và cũng là một giải pháp mà các nhà quan sát lo ngại sẽ là điều kiện để đối thoại.

Về triển vọng lâu dài của mối quan hệ Nga – Gruzia, có lẽ cần thời gian để những cái đầu nóng nguội bớt.

Giờ cả Nga và Gruzia cáo buộc nhau hành xử kiểu tội phạm, diệt chủng và thanh trừng sắc tộc. Cả hai cùng đều muốn truy tố lẫn nhau.

Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và phương Tây khó mà cải thiện sau sự leo thang này.

Điện Kremlin luôn nhấn mạnh rằng họ cử quân gìn giữ hòa bình tới để bảo vệ dân thường cũng như lực lượng hòa bình ở Nam Ossetia. Nhưng ông Medvedev hôm 12/8 còn nói để ‘trừng phạt’ Gruzia.

Nếu Nga hy vọng rằng việc thể hiện sức mạnh quân sự sẽ chấm dứt hoàn toàn cơ hội gia nhập Nato của Gruzia, dường như những gì xảy ra lại cho thấy điều ngược lại.

Thông điệp từ trụ sở Nato ở Bussels hôm 12/8 là, Gruzia giờ không thể bị bỏ rơi, và cánh cửa đàm phán một ngày nào đó cần phải khép lại.

Lòng tin giữa hai bên đã được kiểm chứng một cách khó khăn. Một số quốc gia thành viên Nato thậm chí nói đến khả năng đánh giá lại mối quan hệ với Nga.

Trước mắt vẫn sẽ còn căng thẳng.
BBC

No comments: