Thursday, August 14, 2008

XIN CỨ THẲNG ĐƯỜNG MÀ BƯỚC XIN CỨ CHÍNH LỘ MÀ ĐI

Thư Hà Tây 7 (Thư Hà Tây cuối cùng)



PHẦN I:

Kết thúc năm học 2005 - 2006 không hẹn nhau mà ba giáo viên dạy Địa lý PTTH gồm Nguyễn Thượng Long, Đỗ Việt Khoa của Hà Tây, EDU 2 Lê Đình Hoàng của Nghệ An đã làm vỡ tung cái "Ung nhọt giả dối" trong thi cử ở các địa phương này. Liên tiếp sau đó Đài truyền hình Trung ương đã giành cho sự kiện này những quan tâm đặc biệt. Chương trình Giờ Cao Điểm tối mùng 5/7/2006 phát hình trực tiếp cuộc tranh luận giữa tôi và một quan chức phụ trách công tác giáo dục, thanh niên của Quốc hội. Cuộc tranh luận này do các MC nổi tiếng Diệp Anh và Thanh Phượng thực hiện. Bốn ngày sau mùng 9/7/2006, Tiến sĩ Tạ Bích Loan MC nổi tiếng của chương trình Người Đương Thời tổ chức cuộc đối thoại giữa tôi, Đỗ Việt Khoa và Phó chánh thanh tra Trần Bá Giao của Bộ GD & ĐT về những nhức nhối trong thi cử. Cùng thời kỳ đó hàng ngàn bài báo viết, báo điện tử, báo hình, báo tiếng đã giành cho GD & ĐT một sự quan tâm chưa từng thấy. Một thời gian sau Đỗ Việt Khoa được Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Thiện Nhân thăm nhà và tặng quà, EDU 2 Lê Đình Hoàng từ lúc suýt bị kỷ luật nay lại được UBND tỉnh Nghệ An gửi giấy khen. Cuối năm đó Đỗ Việt Khoa được bạn xem truyền hình cả nước vinh danh là Người Đương Thời được nhiều người ưa thích nhất 2006. Những chuyển động này đã làm phá sản hoàn toàn mưu toan bôi nhọ, trả đũa 3 chúng tôi của những lực lượng xấu trong GD & ĐT.

Tất cả những chuyển động trên đã góp sức làm bùng cháy lên ngọn lửa hai không trong ngành GD & ĐT (Không gian dối trong thi cử và không vị thành tích trong thi đua).

Giữa lúc toàn ngành đang vật vã để tìm lại những giá trị đích thực của mình… Tháng 9/2007, tôi chính thức chia tay với GD & ĐT để trở về sống cuộc sống của một công dân đã hoàn thành nghĩa vụ lao động đối với xã hội. Dù cho đời sống kinh tế của tôi ngày một khó khăn hơn vì thu nhập hàng tháng giảm mất già nửa, dù sức khoẻ vẫn chưa có gì đáng lo ngại… thì mãi mãi trong tôi, bục giảng chỉ còn là những kỷ niệm. Tôi lặng lẽ từ chối tất cả những mời chào của nhiều trường tư thục, nhiều trung tâm GD & ĐT với những mức thu nhập hậu hĩnh để trí thú vào việc lý giải cho một câu hỏi đã ám ảnh tôi từ rất lâu: Trí thức là ai? Một thầy giáo suốt đời đứng trên bục giảng đã được gọi là trí thức chưa? Đất nước, dân tộc đang đứng trước những khủng hoảng và bế tắc! Người trí thức sẽ nghĩ gì? Sẽ nói gì? Sẽ làm gì?.

***

Người quân tử men tường mà đi!

Năm ngoái, cũng vào dịp này, bất ngờ tôi được đọc một bài tuỳ bút thật đặc sắc "NGƯỜI QUÂN TỬ MEN TƯỜNG MÀ ĐI" của nhà văn tài hoa và uyên bác Đỗ Chu đăng trên tờ Tiền phong số 26 (Từ 25 - 6/1 - 7 - 2007). Đỗ Chu viết:

"Trong những bức tranh phố cổ của hoạ sỹ Bùi Xuân Phái có một bức vẽ một người đàn ông áo the khăn xếp mang ô đen đang nép mình bên những bức tường gạch loang lổ, hoang phế vào một chiều đông vắng lặng. Hà Nội hiện ra trong tranh của ông buồn một cách sang trọng".

Sau này cũng nhờ có Đỗ Chu mà tôi mới được tường tận về người đàn ông trong trang phục áo the khăn xếp xuất hiện trong tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái là ai. Đỗ Chu viết:

"Sông Hồng hạ về nước lên thu qua nước rút, bơ vơ bờ bãi, bơ vơ đám người, Hà Nội vẫn thế, lam lũ mà yêu dấu. Cuối năm 1945, cả nước gấp rút chuẩn bị cho Tổng tuyển cử. Những ngày đó, cụ Hồ thường cho một thư ký riêng của mình xuống liên lạc với cụ Nguyễn Văn Tố để trao đổi công việc. Nhà riêng cụ Tố ở phố Hàng Bạc. Cụ vốn đỗ cử nhân Hán học lúc mới ngoài 20 tuổi, qua Paris học tiếp 4 năm rồi về nước làm việc trong Viện Viễn Đông Bác Cổ. Là một trí thức yêu nước, cụ đã từng đứng ra tổ chức phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ được cả nước hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều năm cụ đi đi về về trên những con đường quanh co của khu phố cổ, bất kể mưa hay nắng bước ra khỏi nhà là cụ mang ô. Bóng một người đàn ông thấp nhỏ áo the khăn đóng đi men dưới mái hiên những ngôi nhà già nua đã thành một ấn tượng khó phai mờ trong đầu người dân Hà Nội, họ yêu quý gọi cụ là cụ Phán men.

Mỗi lần tới nhà cụ bàn việc khi đứng dậy để ra về bao giờ người thư ký cũng không quên rút từ trong cặp ra một chai rượu ngon và nói, thưa cụ, Bác cho tôi mang chai rượu xuống biếu cụ. Cụ Tố nhận rượu và cảm ơn.

Đến lần tặng rượu thứ ba, vừa đưa tay ra nhận rượu, cụ Tố vừa nhỏ nhẹ nói, nhờ anh về thưa lại là cụ hiểu lầm tôi rồi đấy. Người thư ký vội về thưa lại, Bác ngồi yên lặng hút thuốc. Rồi Bác quay ra hỏi ông cụ trách như vậy ý chú thì sao? Người thư ký nói: thưa Bác hình như cụ Tố không uống rượu. Bác Hồ bật cười, phải, chúng ta đã nhầm. Phán men không phải là Phán rượu, đây là người men tường mà đi. Quân tử nép tường mà đi, chú có biết ai đã nói thế không, là Khổng Tử nói đấy".


Câu chuyện trên do Đỗ Chu kể đã giúp cho thế hệ tôi một loại chất liệu rất rất lạ để nhìn nhận một cách toàn diện hơn về giới trí thức.

***

Trí thức là những ai? Những ai là trí thức?

Tôi nghĩ rằng không còn định nghĩa nào về trí thức có thể đầy đủ hơn định nghĩa của hai tiến sĩ khoa học Phan Đình Diệu và Hà Sĩ Phu.

Trên Bán nguyệt san Tổ Quốc số 45, tiến sĩ Phan Đình Diệu định nghĩa về giới trí thức. Theo ông trí thức có 4 thuộc tính sau:

· “Trí thức trước hết là những người lao động trí óc nhưng không phải tất cả những người lao động trí óc đều được gọi là trí thức.

· Trí thức là những người có học vấn cao, người trí thức có thể chịu chết chứ không bao giờ chịu nhục.

· Tiến sĩ Phan Đình Diệu trích dẫn lời J.P.Sartre học giả lỗi lạc Pháp: Người trí thức họ thường "Xớ rớ" vào những chuyện không liên quan gì đến họ. Chuyện không phải của họ mà họ thấy là của họ.

· Vì luôn coi mọi việc trong trời đất là việc của chính mình nên người trí thức luôn tìm đến sự thật, nói lên sự thật. Qua phản ánh sự thật, người trí thức luôn nhìn thấy khiếm khuyết của hiện hữu. Không chấp nhận những gì là nguỵ lý, người trí thức thường đưa ra những phản biện mang nội dung phê phán và dự báo. Họ làm việc đó một cách bình thản và can đảm dù cho vì thế mà họ gặp phải nhiều hệ luỵ” (Hết trích).

Trên bán nguyệt san Tổ Quốc số 46, tiến sĩ sinh vật học Hà Sĩ Phu cũng đưa ra định nghĩa về giới trí thức. Theo tiến sĩ, trí thức cũng có 4 thuộc tính:

· “Do luôn hướng tới sự hoàn thiện về những chuẩn mực CHÂN - THIỆN - MỸ, người trí thức thường là những người thầy tốt, nhưng lại là những tên đầy tớ tồi.

· Trong quá trình tự khẳng định mình, người trí thức luôn ở tư thế tiên phong và phát hiện.

· Người trí thức luôn khát khao tự do, tư duy minh triết của họ có tính không biên giới, không giới hạn. (Chính vì vậy mà những nhà khoa học đầu ngành về Địa vật lý, về Sinh vật học, về Toán học, về Văn học hay Luật học, họ có thể ở trong nước hay ở nước ngoài họ vẫn có những nhãn quan thấu thị, những lời tiên tri vượt thời gian về thời cuộc, về đời sống chính trị xã hội đương đại).(NTL)

· Chất xám của người trí thức là bất khả đào tạo, bất khả nhân bản. Theo Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, người ta có thể dạy nhau những thao tác lao động trí óc. Người ta không thể dạy cho nhau cách làm trí thức. Người ta có thể dạy nhau cách viết một bài văn, một câu văn sao cho đúng cú pháp, đúng niêm luật, người ta không thể dạy nhau cách để trở thành một nhà văn, một nhà thơ” (Hết trích).

Thế thì trí thức xem ra không quá nhiều và thân phận người trí thức ở thời đại nào cũng thế thôi họ có một đời sống thường nhật, một tương lai chính trị chẳng ra gì vì họ luôn luôn là cái gai trong con mắt của quyền lực chính trị và luôn bị coi là đối tượng đe doạ cho khuynh hướng muốn được ổn định vĩnh hằng của quyền lực chính trị. Lịch sử cận đại và đương đại Việt Nam không thiếu những trang thê thảm giành cho trí thức. Cao Bá Quát đâu có phải là một kẻ thô lậu mà tình cảnh của ông lại đến nỗi.

"Nhà trống ba gian một thầy, một cô, một chó cái

Học trò dăm đứa nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi"


Chu Văn An là ai mà cuối đời phải dâng Thất trảm sớ rồi từ quan về quê dạy học!

Nguyễn Trãi là ai mà tam phen tứ phen bị thất sủng để rồi cuối đời cũng chết thảm trong án oan Lệ Chi Viên!

Ngô Thì Nhậm là ai mà đến nông nỗi 70 tuổi đời rồi còn bị Đặng Trần Thường lôi ra trước cửa Văn Miếu nọc ra đánh đòn!.

Thời kỳ phụ thuộc Pháp, những trí thức bậc thầy cả về Hán học lẫn Tây học như các vĩ nhân Phan Bội Châu, Phan Chu Chinh, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, học giả Phạm Quỳnh, muộn hơn là học giả Phan Khôi, triết gia Trương Tửu, học giả Đào Duy Anh, nhà ái quốc Nguyễn Hữu Đang, các văn sĩ "Cộm cán" của phong trào Nhân văn Giai phẩm…sau này trừ một vài văn nghệ sĩ tốt số, đa số còn lại đã có một kết cục chẳng lấy gì là có hậu trên bước đường hiện hữu của mình. Đó là tình cảnh của những vĩ nhân, những trí tuệ siêu việt, họ đã từng có lúc không có tiếng nói chung với những người cộng sản. Với những Trí thức một lòng một dạ đi với Đảng cộng sản ngay từ đầu như các ông Võ Nguyên Giáp, Trần Đức Thảo muộn hơn là các vị Trần Xuân Bách, Trần Độ, Hoàng Minh Chính… con đường dấn thân của họ đâu có thiếu những chông gai, những xót xa không đáng có.

Hoàn toàn không thể là vô lý mà trong buổi gặp mặt văn nghệ sĩ trí thức để ông Nguyễn Văn Linh - Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố cởi trói cho họ năm 1987, giáo sư văn học Nguyễn Đăng Mạnh đã phải thốt lên: "Văn nghệ sỹ bị Đảng khinh bỉ một cách sâu sắc".

Những trải nghiệm sống của tôi, nhiều lắm những dẫn chứng cho sự thê thảm, cho sự bị khinh bỉ một cách sâu sắc là như thế nào. Tôi xin dừng lại ở hai bậc đại trí thức mà trong lịch sử đương đại của chúng ta, họ là những bậc đại khai quốc công thần. Đó là đại tướng Võ Nguyên Giáp và triết gia Trần Đức Thảo.

Kháng chiến chống Pháp thành công còn ai xứng đáng tôn vinh hơn đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người nước ngoài còn vinh danh ông ngang tầm những danh tướng quốc tế thế mà trong kháng chiến chống Mỹ ai đã vì đố kỵ, vì ganh ghét mà nại tên ông thành Võ Nguyên Giáp (Người ta chê ông là nhút nhát, sợ Mỹ). Quân đội viễn chinh Pháp bị đánh bại công lớn thuộc về ai mà họ vu cho ông là con nuôi mật thám Pháp! Sau này là con nuôi của trùm xét lại Khơ rút xốp và gần đây còn vu vạ cho ông đã có những tiếp xúc ngầm với CIA! Đúng dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ những hung thần nào, mưu sỹ nào đứng đằng sau cú điều động hạ nhục con người khi giao cho ông nhiệm vụ phụ trách sinh đẻ có kế hoạch! Gần đây ai đứng đằng sau vụ "Sáu xứ" và vụ điệp viên T4 nhằm bôi nhọ ông, chặn đứng ông trước thềm của đại hội! Ai đã cạn tình cạn nghĩa với ông mà tung ra tin đồn về một kế hoạch lưu đầy ông ra hoang đảo! Ai đây? Chắc chắn nhân dân lao động Việt Nam không bao giờ đối xử với vị đại tướng thân yêu của mình như thế.

Ai đã đoạ đầy triết gia Trần Đức Thảo "Người được đánh giá là một trong những triết gia hàng đầu của thế kỷ 20" (Báo văn nghệ tháng 5/1993). Xin nhớ rằng khi còn ở Pháp, Trần Đức Thảo đã từng làm lu mờ tiếng tăm của J - P. Sartre cây đại thụ triết học, văn học, chủ nghĩa Mác và hiện sinh của nước Pháp. Trần Đức Thảo là người mà năm 1993 đã quay lại Pháp để trút hơi thở cuối cùng ở sứ người. Cái chết của ông là một sự kiện làm "Chạnh lòng non nước". Xin cùng đọc lại những gì mà Phùng Quán đã viết về cuộc đưa di hài của ông từ Pháp về cố quốc trong bài viết "Hành trình cuối cùng của một triết gia" (NXB ĐH quốc gia Hà Nội - 2006).

"Về đến Hà Nội, vì không gia đình vợ con và không có cơ quan nào, trường đại học nào trước đây triết gia đã từng công tác và giảng dạy nhận về để thờ hoặc quản, nên triết gia phải tạm trú dưới gầm cầu thang của nhà tang lễ thành phố 125 Phùng Hưng - Hà Nội".

Một đoạn khác:

Sau 50 ngày chờ đợi tốn mất 250.000 đồng tiền phòng (thực ra là tiền gậm cầu thang - NTL) triết gia đã được trên quyết định đưa về mai táng tại khu A Văn Điển, khu vĩnh viễn, hưởng thụ theo đúng tiêu chuẩn quy định".(Tức là người ta coi Trần Đức Thảo không đủ tiêu chuẩn để được nằm ở Mai Dịch - NTL)

Đến năm 2000, cũng là nhờ cú cởi trói cho trí thức văn nghệ sỹ của ông Nguyễn Văn Linh mà ông Trần Đức Thảo được vinh danh bằng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học. Ai đã đoạ đày nhà khoa học lỗi lạc Trần Đức Thảo? Chắc chắn lỗi lầm không thuộc về những người trí thức Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.

***

Đảng với trí thức!

Vừa qua vào trung tuần tháng 7 năm 2008 Đảng cộng sản Việt Nam họp hội nghị TW VII tôi cứ bâng khuâng mãi trước quyết tâm "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế". Thử hỏi vì sao phải 22 năm sau đổi mới, Đảng mới ý thức được vai trò của trí thức? Thử hỏi: Đảng đã nhìn xa trông rộng như thế nào! mối quan hệ giữa Đảng và trí thức thực chất là thế nào? Đảng có đối xử với trí thức như đối xử với những múi chanh hay không? Người ta không thiếu những dẫn chứng không lấy gì là vui vẻ để chứng minh rằng, chỉ khi nào Đảng đối mặt với những khó khăn Đảng mới cần đến trí thức. Khi Đảng vững ghế độc tôn rồi, Đảng đã gạt bỏ trí thức một cách không thương tiếc. Nhiều thế hệ người Việt Nam hôm nay chưa dễ mà quên được những ám ảnh ghê rợn về những ngày "Trí - Phú - Địa - Hào đào tận gốc trốc tận rễ" (Trần Phú). Tư tưởng này có ngay từ ngày Đảng còn như "Đứa trẻ sinh nằm trên cỏ". Vụ giải tán êm ru hai đảng của nhân sỹ và trí thức, Đảng xã hội và Đảng dân chủ sau khi hệ thống Cộng sản Đông Âu sụp đổ, cú thanh lý thẳng thừng các trí thức lớn trong chính phủ CMLT CHMNVN và mặt trận giải phóng sau 1975, những gì đã đến với hàng loạt các nhân sỹ, trí thức lớn như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Huỳnh Tấn Phát, bộ trưởng Trương Như Tảng, bộ trưởng Dương Quỳnh Hoa … chẳng lẽ không nói lên được một điều gì?

Trí thức Việt Nam hôm nay quá đủ kinh nghiệm để đón nhận những gì mà ông Nông Đức Mạnh mới phát biểu trong hội nghị TW VII vừa qua:

"Trước sự chuyển biến nhanh chóng của tình hình quốc tế và trong nước, trí thức ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Đất nước và đang đứng trước những đòi hỏi cao và yêu cầu mới, cả thời cơ lớn và những thách thức gay gắt. Đảng cần tiếp tục đổi mới nâng cao năng lực lãnh đạo đối với trí thức. Chúng ta phấn đấu để đến năm 2020 xây dựng đội ngũ trí thức có chất lượng cao, số lượng đông đảo, cơ cấu hợp lý, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức trong khu vực và thế giới. Gắn bó vững chắc giữa Đảng với trí thức, giữa trí thức với Đảng, bồi đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng Công, Nông, Trí".

Tại sao ông Nông Đức Mạnh không thể tế nhị hơn mà viết câu cuối như thế này: "…, bồi đắp khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên thế kiềng ba chân: Công - Nông - Trí". Trong bối cảnh thế giới người ta đã nói tới một nền kinh tế trí thức thì viết một cách dễ dãi theo trật tự hàng ngang như thế, trí thức vốn tự trọng như cụ Phán men rất dễ sa vào mặc cảm là mình bị coi rẻ không bằng công nhân, không bằng nông dân.

Có thể cũng vì thái độ như thế mà chúng ta bị "Chảy máu chất xám", chúng ta mất người hiền tài. Sinh viên du học rồi cũng "Du" luôn chẳng đoái hoài gì đến sứ sở, phải chăng điều vô tình đó cũng tạo điều kiện để dù treo giải cao bằng lương ưu đãi, rải thảm đỏ mời sinh viên trí thức giỏi mà họ vẫn chẳng mặn mà, vẫn ngoảnh mặt đi. Ngay trong những doanh nghiệp nhà nước nhiều người giỏi vẫn kiên quyết chia tay để đi làm cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp của tư bản nước ngoài để có một thu nhập xứng đáng hơn và để tránh xa những tiêu cực, những xấu xa, những vị thủ trưởng, Giám đốc, những ông sếp, bà sếp ít học hành nhưng quá nhiều mánh khoé và thủ đoạn. Theo báo cáo của ông Phó chủ tịch thường trực thành phố Hồ Chí Minh gửi Bộ nội vụ: "Từ tháng 7/2003 đến 12/2007 thành phố Hồ Chí Minh đã có 6422 cán bộ công chức thôi việc". Theo tôi đây là con số chưa đầy đủ. Không hiếm những trí thức thật tài, những sinh viên thật giỏi nhưng vì không thần, không thế, không tiền bạc mà đành phải làm những công việc không phù hợp với thực tài của họ. Hãn hữu cũng có những người giỏi được đặt đúng chỗ nhưng vì cái khó bó cái khôn, vì cơ sở vật chất kỹ thuật yếu kém, guồng máy nhiêu khê rườm rà, tình trạng băng nhóm đấu đá kèn cựa… cũng đã làm mệt mỏi, thoái trí không ít những con người tâm huyết. Trong một giai đoạn xã hội bất lợi như thế, không ít trí thức văn nghệ sỹ đành chọn cách sống yếm thế, an phận thủ thường, mũ ni che tai và tự ru mình trong những triết thuyết nhẹ thì mang tính trung dung 50/50, nặng thì sặc mùi cơ hội và cũng rất tầm thường về mặt nhân cách kiểu

"Đấu tranh thì tránh đâu"

Hoặc:

"Cả gan cầm đuốc đốt trời

Trời cao không cháy lửa rơi cháy mình"

Tự tìm đến những phản xạ mang thuộc tính thích nghi kiểu như thế đã biến không ít những người lao động trí óc thành một thứ "Trí thức hạng hai".

(Đón đọc phần hai: "Cái hèn của kẻ sĩ" ).



Người viết: Nguyễn Thượng Long

Nhà giáo thôn Văn La - Phường Phú La

Thành phố Hà Đông - Hà Tây.

ĐTNR : 0343.521 066 - DĐ: 0953298198

No comments: