Wednesday, August 13, 2008

NGA XÂM LĂNG GEORGIA Y NHƯ HITLER XÂM LĂNG CZECHOSLOVAKIA

Trương Sỹ Lương -

Ngày 3 tháng 10 năm 1938, nhà độc tài Adolf Hitler đưa quân tiến chiếm Sudetenland - một phần đất nằm trong lãnh thổ của quốc gia Czecholovakia - viện cớ một số lớn người dân gốc Đức ở nơi này có tâm nguyện muốn sáp nhập vào mẫu quốc Đức. Thế rồi xe tăng của Hitler dẫm nát phần đất của quốc gia độc lập này, một đồng minh của tây Phương trước mắt thế giới. Các nước Anh, Pháp và cả Hoa Kỳ chẳng có một biện pháp nào để chận đứng hành động ngang ngược của Hitler, Đức quốc Xã.

Đúng 70 năm sau, ngày 3 tháng 8 năm 2008, Vladimir Putin của Nga cũng đưa đại quân vào Nam Ossetia, một phần đất nằm trong lãnh thổ của Cộng Hòa Georgia, cũng với lập luận là một số lớn người gốc Nga tại nơi này muốn sáp nhập với mẫu quốc Nga. Thế rồi xe tăng của Putin cũng tiến vào Nam Ossetia và đang lăm le nuốt sống cả tiểu quốc Georgia, một đồng minh của Tây Phương. Anh, Pháp và Hoa Kỳ cũng chẳng làm gì để chận đứng Putin!


Sau khi chiếm được phần lãnh thổ Sudetenland, nhà độc tài Hitler được trớn nuốt luôn lãnh thổ Czechoslovakia vài tháng sau đó. vấn nạn này chính là bài học mà Thủ Tướng Anh, Nevelle Chamberlain, đã phải trả một giá quá đắt vào đầu thập niên 1930 là sự xâm lăng của Hitler. Có phải đây là biến cố trùng hợp, hay lịch sử tái diễn.

Cuộc chiến bùng nổ dữ dội giữa Nga và Georgia trong tuần qua đã làm lu mờ mọi sinh hoạt chính trị trên thế giới, kể cả thế Vận Hội Bắc Kinh. Dường như tất cả các hệ thống truyền thanh, truyền hình và báo chí khắp thế giới đang xoáy vào chiến trường Georgia, nơi mà hải, lục, không quân Nga đang làm mưa làm gió trên lãnh thổ tiểu quốc Georgia.

Georgia trước đây là một trong 15 cộng hòa của Liên bang Sô Viết. Khi Liên Bang này sụp đổ vào đầu thập niên 1990, Georgia giành được nền độc lập và theo thể chế dân chủ tự do. Thế nhưng oái ăm thay, người dân gốc Nga ở trong 2 vùng Nam Ossetia và một thành phố nhỏ có tên là Abkhazia nhất định đòi ly khai, chống lại chính quyền Georgia. Cuộc chiến bùng nổ vào năm 1991-1992, hai phe được giàn xếp ngưng chiến dưới sự can thiệp và giám sát của Nga với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình như vai trò của Liên Hiệp quốc.
Giao tranh giữa Georgia và Nga bùng nổ sau khi quân đội Georgia tiến vào Nam Ossetia để chiếm lại chủ quyền tỉnh này vào đêm 7-8-2008. Thế nhưng Nga đã phản công, đưa quân cấp tốc đánh bật quân Georgia ra khỏi Nam Ossetia và hôm sau tiến chiếm một tỉnh ly khai khác là Abkhazia nằm gần biên giới Nga. Tổn thất về nhân mạng và tài sản của quân dân Georgia rất trầm trọng.

Từ sáng ngày 10-8, máy bay Nga đã làm chủ vùng trời Georgia, oanh tạc sân bay dân sự ở thủ đô Tbilisi. Đồng thời cũng tấn công nhiều căn cứ không quân và đánh phá thành phố Poti nằm bên bờ Hắc Hải. Vẫn luận điệu của kẻ mạnh, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay các cuộc không kích nằm ngoài khu vực Nam Ossestia này là để đánh thẳng vào hậu cứ các vụ tấn công nhắm vào dân thường và lực lượng gìn giữ hoà bình.

Khi bài này tới tay độc giả thì Nga vẫn tiếp tục tăng cường lực lượng quân sự vào Nam Ossestia. Theo ước tính khoảng 10.000 bộ binh đã đổ vào hai vùng đất ly khai của nước này, gồm 6.000 lính ở Nam Ossestia và 4.000 lính ở Abkhazia. Trong khi đó, các tàu chiến thuộc Hạm đội Hắc Hải của Nga đã vào hải phận Georgia. Sự hiện diện của Hải Quân Nga cũng được lấy cớ là hỗ trợ người tị nạn đang lánh cư khỏi vùng chiến sự.

Phản ứng nhanh chóng và quyết liệt của Nga đối với Georgia cho thấy Ông Putin đang cố gắng thiết lập lại ảnh hưởng của thời Lien-Sô trong vùng. Có lẽ đối với giới lãnh đạo Nga, như Putin, thời vàng son của Liên bang Sô-viết vẫn còn là một dấu ấn tiếc nuối trong đầu họ. Do đó, những tiểu quốc trong vùng mà ngày xưa thuộc Sô-viết vẫn là đàn em không hơn không kém. Muốn tách rời và liên kết với Tây Phương, nhất là Hoa kỳ, đàn em (!) vẫn là cái gai trước mắt họ và phải trả giá.

Chính giới cho rằng quyết định của Mỹ và Âu châu công nhận Kosovo có lẽ đã mở đường cho quyết định của Nga đưa thêm tới hỗ trợ lực lượng ly khai ở Nam Ossetia. Trong một cuộc họp về Kosovo tại Brussels, Ngoại trưởng Nga Lavrov từng cảnh cáo Hoa kỳ rằng nếu công nhận tỉnh ly khai Kosovo là một quốc gia, họ sẽ đặt ra tiền lệ cho Nam Ossetia và các tỉnh ly khai khác. Nay rõ ràng Hoa kỳ và Tây Phương nói chung đang ở thế kẹt.

Phản ứng mạnh mẽ nhất của Hoa kỳ là TT Bush đã lên án hành động xâm lăng của Nga "Điều không thể chấp nhận được trước thế kỷ 21". Trong khi đó Âu châu lên án Nga cũng chỉ là lời nói, mà sẽ không có hành động thiết thực. Liên Hiệp Quốc đang họp liên miên, nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp ngưng bắn ngay tức khắc.

Cuộc chiến này nếu không giải quyết một cách ổn thỏa, nói chung là Hoa kỳ và khối NATO không cứng rắn, Nga không chịu nhượng bộ, tất sẽ đưa tới những nguy hiểm khó lường vì chiến tranh sẽ lan rộng, và sẽ đưa tới chiến tranh thế giới. Phải chăng lịch sử đang tái diễn thật như tiêu đề của nó: Nga xâm lăng Georgia giống như Hitler xâm lăng Czechoslovakia cách đây 70 năm?


Viết theo ý của bình luận gia Dick Morris qua bài "Russia's Invasion Same as Hitler's".
Trương Sĩ Lương

(TinBaLe)

No comments: