Việt Báo Thứ Hai, 8/11/2008, 12:02:00 AM
Trung Quốc đang sử dụng một độc chiêu để phá rừng thượng nguồn phía bắc Việt Nam, một chiến lược độc ác sẽ gây ra lũ lụt lớn hơn trong tương lai khi núi rừng VN trở thành đồi trọc và không cản nổi mưa lụt.
Bản tin nhan đề “Cả làng đi chặt tai ngựa!” của tác giả Đỗ Doãn Hoàng trên báo Lao Động trong số ngày 8-8-2008 cho thấy hiểm họa lớn này.
Bản thân nhà báo họ Đỗ đã giả làm du khách lạc đường để lên xem xét các rừng núi Lạng Sơn để chứng kiến hiện tượng mới naỳ. Bản tin viết trích như sau.
“Một toán đàn ông vạm vỡ. Mồ hôi sũng sĩnh, họ vác quắm miệt mài sục sạo trên các triền rừng, dốc núi xứ Lạng. Tiếng cây đổ rin rít, ầm ào như trời đất đang nổi giận.
Tôi giả đò là khách du lịch lạc đường, hỏi vu vơ: "Đi đâu thế?". "Em đi chặt tai ngựa, cả làng em đi cắt tai ngựa để sống" - tiếng cười ha hả của nhóm lâm tặc trong các cánh rừng đang bị chọc tiết bập bùng dội lại.
Dân thôn, cán bộ xã, kiểm lâm tỉnh, chỗ nào cũng thấy ồn ào nói về nghề đi chặt tai ngựa. Cả làng, cả xã bỏ bê mọi thứ đồng áng để kìn kìn kéo nhau lên rừng chặt tai ngựa kiếm ăn. Ở thị trấn Cao Lộc, ở xã Gia Cát, có những đống tai ngựa trị giá hàng tỉ đồng được bảo vệ cẩn mật chờ ngày xuất biên...
Dấu hỏi về loài su mạ đang tiệt giống
Cơ quan chức năng vào cuộc, họ cứ ngồi ngơ ngác hỏi nhau: "Cây tai ngựa" là cây gì, "nó" thu mua ráo riết để làm gì, phải làm gì để cứu rừng Việt Nam? Một thảm hoạ rồi những thảm hoạ sinh thái nhãn tiền đã và đang đón chờ chúng ta.
Xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn nằm ven quốc lộ 4B. Trong mưa, đường ngập và hang hốc như rộng cày. Nam phụ lão ấu tuốt tuột bỏ cửa bỏ nhà lên rừng tìm cây su mạ, ai đó rỉ vào tai tôi "Su mạ là cây xóa đói giảm nghèo của chúng tôi đấy, "chúng nó" thu mua những 800 đến 1.000 đồng/kg gỗ su mạ tươi cơ mà. Chặt được một cây có vòng gốc to bằng cái phích, là đại gia đình "ấm bụng" cả tháng giời rồi vớ".
Theo tiếng của người Nùng bản địa, "su" là cái tai, "mạ" là con ngựa. Cây tai ngựa là loài thân gỗ, lá to bản, lúc ở trên cây, lá vểnh lên như tai con chiến mã, nhân thế mới đặt thành tên. Loài cây này thường mọc dưới các tán rừng rậm, cây to nhất chỉ bằng cái cột nhà, thường chỉ bằng bắp tay bắp chân, nhưng rễ của nó ăn rất sâu trong lòng đất. Lâu nay, cây tai ngựa vẫn được bà con đẵn về làm củi, thảng hoặc có người xếp nó vào một vị thuốc chữa đau lưng hay ngứa ngáy gì đó.
Cây có rất nhiều nhựa, sau khi chặt và cả quá trình phơi khô để ải, nhựa tứa ra tràn trề như dầu luyn, tỏa mùi thơm nhẹ nhẹ, cho nên có nhiều ý kiến cho rằng: Người ta thu mua về bên kia biên giới để làm giấy bản đốt trong lễ lạt, làm nguyên liệu sản xuất hương (nhang) thơm. Không ít người trực tiếp thu mua và đi cắt tai ngựa trong rừng lại còn tin rằng, người ta mua cây su mạ về sản xuất... dầu nhờn (nhiên liệu).
Su mạ sẽ sống vĩnh viễn với người xứ Lạng ở hầu khắp các huyện, nếu như trong vòng khoảng một năm nay, không có chiến dịch thu mua "tàn nhẫn", quyết liệt của người phía bên kia biên giới. Với giá gần 1.000 đồng/kg gỗ tươi, bán cả cây lớn, cả bó, cả xe công nông, thì đúng là người đi rừng dễ dàng làm giàu nhờ... phá rừng thật sự.
Ông Hoàng Văn Đồng - Bí thư Đảng uỷ xã Gia Cát - thở dài: Người ta đem các loại phương tiện, kể cả vác, bế, cõng cây tai ngựa ra các điểm thu mua bán cho tư thương. Dòng người đi kìn kìn, nhìn mà phát hãi. Xã tôi có 10 thôn bản, thì có 8 thôn bản, bà con thi nhau đi đẵn tai ngựa về bán. Có người đàn bà đi kiếm "lộc rừng" ở trên đỉnh Mẫu Sơn, mải mê tìm lá tìm cây đã rơi tõm xuống cái hố sâu cả trăm mét mà người Pháp để lại, chết thê thảm.
Xã Gia Cát có hơn 4.500 dân, gồm 3 dân tộc Nùng, Tày, Kinh, bà con có truyền thống bảo vệ rừng, với diện tích rừng phủ tới 68% địa bàn. 900 hộ dân ở Gia Cát, thì có tới 800 hộ nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng, nhiều gia đình quản lý tới 20ha rừng đã được cấp "bìa đỏ" hẳn hoi. Tuy nhiên, từ khi có phong trào cả làng đi chặt tai ngựa, thì rừng bị tàn phá thảm khốc, thảm trạng cháy rừng, suy thoái môi trường, đa dạng sinh học đã diễn ra.
Phó Chủ tịch UBND xã Gia Cát rất "đến đầu đến đũa", khi cho rằng: Đến giờ, cây su mạ đã coi như sắp biến mất khỏi địa bàn xã. Đồng tiền đã làm người ta mờ mắt, ùn ùn kéo đi đào bới xới lộn tất cả những gì có thể để "cắt" hết tai ngựa đi bán. Muốn chỉ cho nhà báo một cây su mạ để mục sở thị, cán bộ xã cũng thất vọng, lắc đầu: "lâu rồi không nhìn thấy "nó" nữa".
"Lâm tặc" đi rất sâu vào các cánh rừng, leo lên tận khu du lịch Mẫu Sơn để tìm cách cắt tai ngựa, khi tai ngựa tràn về các xưởng cưa của "đại gia" (chế biến rồi xuất biên), nó chỉ là cành và thân cây trơ trụi. Một chân lý đau đớn: Muốn tận diệt một loài cây gì đó ở núi rừng xứ Lạng, thì tốt nhất, bạn hãy bỏ tiền ra thu mua với giá thật cao.
Bí thư Hoàng Văn Đồng ngậm ngùi về cái lý lớn hơn chuyện cắt tai ngựa ở Gia Cát. Bởi nhiều xã trong và ngoài huyện Cao Lộc (như Đình Lập, Lộc Bình) cùng có phong trào cả làng đi cắt tai ngựa. Bởi ở ở huyện lỵ Cao Lộc, có "ông chủ" Tuấn còn sở hữu một cái "xưởng" thu mua lâm sản (trong đó có tai ngựa) khổng lồ, với nhiều cưa máy hoạt động, "dụ dỗ" được ùn ùn người cõng "rừng" đi bán. Xã Gia Cát, có ông Thương làm chủ một "vựa" thu mua tai ngựa, đống gỗ chất cao như núi, trị giá cả tỉ đồng chờ xuất biên.
Khi tai ngựa sắp hết, chúng ta cùng nhớ lại những loài cây đã bị chiến dịch thu mua của tư thương làm cho đã hoặc đang bên bờ vực bị tiệt giống. Ví dụ như cây khải chuông; cây mạy thé, cây sau sau (như một thứ đặc sản để ăn... lẩu).
Mạy thé xù xì như cây thế bonsai, mọc trên đất cằn nhiều năm mới lớn, "chúng nó" càn quét thu mua hàng trăm tấn trong những năm qua, khiến địa bàn xã không còn một nhánh, một mầm mạy thé nữa. "Cán bộ xã đang bàn nhau đi kiếm hạt cây mạy thé về gieo giống, nhân nuôi nó lên để tiếp tục... làm kinh tế. Bởi họ vẫn thu mua với giá 1.500 đồng/kg gỗ tươi. Nhưng, đi tìm mãi mà không thấy một cây nào!" - ông Đồng bùi ngùi.
Tương tự như vậy, ở Mẫu Sơn, theo cán bộ địa phương, mỗi ngày có dăm bảy chục người cơm đùm cơm nắm luồn rừng đi đẵn cây bùng bay (một loại dược liệu quý) bán sang bên kia biên giới. Các biện pháp quản lý rừng của ngành kiểm lâm - trước nạn khai thác những cây nhỏ, gỗ tạp - là... hầu như bất lực. Bởi lâm tặc đi xe máy, cầm dao lội rừng như khách du lịch, đon "củi" (cây bán ra nước ngoài) rất bé, bị đuổi là ném bỏ, vẫy tay chào cán bộ. Cán bộ vừa quay lưng, là họ lại thản nhiên đẵn rừng cõng đi bán.
Cần nhìn nhận rõ hơn về một thảm hoạ
Ai đó hơi cảnh giác quá, nhưng họ nói cũng rất có lý: "Người ta" từng thu mua sừng trâu, móng trâu rồi đợi "ta" hết trâu họ tràn sang bán máy cày; "người ta" thu mua hết rắn (thiên địch của chuột) rồi lừa lừa thời cơ tung bả chuột, bẫy chuột sang bán. Giờ họ lần lượt mua hết bùng bay, mạy thé, tai ngựa. Muốn tìm hạt giống các loài cây không hiểu người ta mua để làm gì kia, cán bộ cơ sở cũng đành bó tay! Đó là một thảm hoạ sinh thái, một bài toán "rợn người" ở góc độ bảo tồn đa dạng sinh học. Rồi đây, loài cây, loài con nào sẽ tiếp tục bị những người kiếm tiền bằng mọi nhẽ của chúng ta "chém giết" cho... tận diệt?
Theo ông Hoàng Quang Chinh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn - việc bà con ồ ạt đi khai thác cây tai ngựa, ngành kiểm lâm có biết "rất rõ"...”
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=4&nid=132733
"Mê Kông Dòng Sông Nghẽn Mạch” của nhà văn Ngô Thế Vinh
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment