Monday, August 11, 2008

Đầu Tư Trực Tiếp của Ngoại Quốc Lợi hay Hại?

Những năm gần đây chúng ta nghe nói nhiều đến đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, với những con số khổng lồ đưa ra lên đến nhiều chục tỷ mỗi năm, những con số này ngày càng gia tăng, và nhiều người coi đó là một điềm tốt đáng cho chúng ta “hồ hởi phấn khởi” – danh từ dùng trong nước -. Nhưng có phải cứ có tiền của ngoại quốc đổ vào trong nước mình nhiều là tốt hay không? Tiền ngoại quốc đổ vào để làm gì? Lợi nhiều cho ta hay cho những nước mang tiền vào đầu tư? Lợi cho ta về những mặt nào và hại về mặt nào? Cái lợi có hơn cái hại hay không? Chính sách tiếp nhận đầu tư của ta có bảo vệ quyền lợi của đất nước và dân tộc hay không? Ai là người được tận hưởng việc tiếp nhận đầu tư ngoại quốc, toàn dân hay chỉ một thiểu số nhỏ những kẻ lợi dụng thời cơ? Làm sao để bảo vệ được quyền lợi của người dân và đất nước? Đó là một số câu hỏi đặt ra khi tìm hiểu vấn đề phức tạp này.

Nhưng trước tiên, chúng ta cần hiểu thế nào là đầu tư trực tiếp - một khái niệm dễ bị lầm lẫn với cổ phần đầu tư (portfolio investment) tức là đầu tư gián tiếp khi ngoại quốc bỏ tiền mua cổ phiếu của một công ty trong nước để đầu tư sinh lợi.


Đầu Tư Trực Tiếp Ngoại Quốc là Gì?

Đây là trường hợp một công ty từ một nước khác bỏ tiền ra xây dựng một nhà máy hay công xưởng tại nước ta. Loại đầu tư này là một đầu vật thể (physical investment) chứ không phải chỉ bỏ vốn ra chung như trường hợp cổ phần đầu tư. Công ty nước ngoài bỏ tiền ra xây nhà, đem máy móc và thiết bị thành lập nhà máy và sau đó hoàn toàn chỉ huy công việc sản xuất của nhà máy mà họ làm chủ và chịu trách nhiệm về kết quà làm ăn, lời được lỗ chịu.


Đầu tư trực tiếp là một hình thức đầu tư mới mẻ của những nước giầu có muốn lợi dụng công cuộc toàn cầu hóa thương mại và tài chính. Chính Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) đã là công cụ giúp phát triển khái niệm đầu tư trực tiếp, một hình thức bóc lột mà những nước tiên tiến áp đạt lên đầu cổ những nước kém mở mang. Nói cách khách đó là một hình thức thực dân mới (neo-colonialism), một hình thức đô hộ về mặt kinh tế mà không cần đến quyền lực chính trị và quân sự. Hơn nữa lối đô hộ và bóc lột tinh vi này dấu diếm dưới hình thức nhân đạo là trợ giúp nước được đầu tư phát triển và tân tiến hóa xã hội. Nhưng kỳ thực những nước mang tiền vào đầu tư là những con điả đói hút máu đất nước và dân nước được đầu tư – máu đây là sức lao động, trí tuệ cùa con người, và tài nguyên của đất nước.


Một điều đáng chú ý là hình thức đầu tư trực tiếp đã phát triển nhanh chóng trên thế giới: vào những năm 1970 tổng số đầu tư ngoại quốc trực tiếp hàng năm dưới 10 tỷ, sang đến những năm 1980 vẫn còn dưới 20 tỷ, để bộc phát vào những năm 1990 từ con số $26.7 tỷ vào năm 1990 vọt lên $179 tỷ vào năm 1998, và $208 tỷ vào năm 1999. Với những phát triển của kỹ thuật giao thông qua Internet và với vai trò ngày càng quan trọng của kiến thức thực dụng (technology), đầu tư trực tiếp đang và sẽ thay hình đổi dạng và thay vì bóc lột lạo động thể xác, bọn đế quốc mới (neo-capitalists) xoay qua bóc lột sức lao động trí óc và chúng nay chủ tâm đầu tư thêm vào ngành dịch vụ cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên phương thức đầu tư trực tiếp cổ điển - bỏ tiền ra xây nhà, đem máy móc và trang bị vào - vẫn là phương thức căn bản cho đến nay.


Tại Sao Ngoại Quốc đổ tiền vào Đầu Tư Tại Việt Nam?

Trong hai năm gần đây, những quốc gia đổ tiền vào đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhiều nhất theo thứ tự là Singapore, Nam Hàn, Đài Loan, Malaysia, Hồng Kông và Nhật Bản - số đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ và những nước phương Tây không thể so sánh bằng số tiền đầu tư của những nước vừa nói. Chỉ trong vòng bảy tháng đầu của năm nay, số đầu tư trực tiếp của ngoại quốc đã lên tới US$45.3 tỷ, so với cùng thời gian năm trước tăng 373% và qua mặt con số US$21.3 tỷ cho cả năm 2007. Khoảng hơn 650 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư lên tới US $44.5 tỷ đã được chính phủ CS Việt Nam cấp giấy phép. Đài Loan đứng đầu sổ với số vốn đầu tư US$8.4 tỷ, Nhật Bản đứng hàng thứ hai với US$7.2 tỷ, Malaysia hàng thứ ba với US$5.1 tỷ. Trong khu vực kỹ nghệ có 381 dự án với tổng số tiền đầu tư là US$ 21.5 tỷ và số còn lại US$22.8 tỷ bao gồm 243 dự án trong khu vực dịch vụ. Trong khu vực kỹ nghệ, dự án lớn nhất là thiết lập một nhà máy lọc Thép của Đài Loan trị giá US$7.9 tỷ, sau đó là một liên doanh đầu tư giữa Việt Nam, Nhật Bản và Kuwait để xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá US$ 6.2 tỷ và thứ ba dự án đầu tư US$ 4.3 tỷ của Brunei nhằm xây dựng một thành phố mới ở miền trung nước ta.


Vì những lý do gì mà ngoại quốc lại đầu tư trức tiếp vào Việt Nam những số tiền to lớn như vậy? Lý do thứ nhất là vì nước ta có nhiều tài nguyên thiên nhiên, thứ nhì là vì nhân công tại nước ta rẻ, thứ ba là vì nước ta có một tỷ lệ lớn dân số trẻ, thứ tư nước ta mới tự do hoá hai khu vực sản xuất và dịch vụ, và sau chót là vị trí nước ta ngay sát Trung Quốc.


Những nước ở Đông Nam Á 35 năm trước đây không hơn gì Miền Nam Việtnam – như Đài Loan, Nam Hàn, Mã Lai, … – ngày nay coi nước ta như là một “bán thuộc địa” nơi đây làm ăn dễ dàng, kiếm lời ngon lành vì cái gì cũng rẻ, tiền trả nhân công thấp, khả năng lợi dụng thời cơ còn lâu dài vì theo ước tính của họ còn vài chục năm nữa những điều kiện thuận lợi cho họ làm ăn mới hết. Mặc dù những trở ngại do một tình trạng tài chánh hỗn độn như hiện nay - lạm phát phi mã, đồng tiền mất giá, cán cân ngoại thương bất quân bình thiếu hụt tới 14.8 tỷ Mỹ Kim cho nửa năm đầu - tình trạng lao động bất ổn, mức độ kỹ thuật và chuyên môn thấp kém của nhân công, và sự kém cỏi của hạ tầng cơ sở kiến trúc của nước ta, bọn tài phiệt quốc tế vẫn tin tưởng rằng Việt Nam trong tương lai dài vẫn là miếng mồi ngon và chúng vẫn tiếp tục đổ tiền vào để “thừa nước đục thả câu.”


Một chuyên gia ở Tân Gia Ba cho rằng Việt Nam có tiềm năng tích cực tốt nhất thế giới về những mặt nguồn xuất cảng, phát triển dịch vụ, phát triển xây cất và mở rộng vùng ăn chơi bài bạc. Theo sự phân tích của những tên tài phiệt ở vùng Đông Á thì dân chúng Việt Nam có nhiều cảm tình với bọn chúng, dân chúng Việt trẻ trung thích tiêu dùng và có khuynh hướng ăn xài ngày càng cao, đồng thời ngày càng kiếm ra nhiều tiền hơn để tiêu xài. Những hàng hóa mà bọn ngoại quốc sản xuất tại Việtnam có sẵn ngay tại địa phương một thị trường tiêu thụ tốt mặc dù những sản phẩm đó không mang những nhãn hiệu nổi tiếng và phẩm chất chưa cao. Còn nhiều sản phẩm thị trường tiêu thụ này đang mong đợi và theo ước tính của chúng thì chúng còn có thể cho ra nhiều thứ “ăn khách” khác và thu về những món lời kếch sù. Một cuộc nghiên cứu về những thị trường phôi thai (emerging markets) hấp dẫn nhất trên thế giới để đầu tư sản xuất hàng tiêu thụ đã kết luận rằng sau ba năm liên tiếp đứng hàng thứ nhất, Ấn Độ nay đã phải nhường ngôi thứ này cho Việtnam. Trong số 30 thị trường thuộc loại ngon lành này, Việt Nam đang đứng hạng tư nay đã lên đứng hàng đầu (năm 2007). Một trong những yếu tố được coi là thuận lợi nhất cho bọn đầu nậu tư bản quốc tế là cơ cấu luật lệ làm ăn thoải mái của nước ta, cộng với tình trạng thiếu tổ chức – giúp chúng dẽ lợi dụng - của thị trường phôi thai Việt Nam. Mặc dù thị trường này nhỏ bé hơn nhiều thị trường khác nhưng nó “hấp dẫn” hơn vì có cơ đồ phát triển trong tương lai, ít ganh đua (competition), và mức háo hức tiêu xài của người dân gia tăng rất nhanh – hơn 75% trong vòng những năm từ 2000 đến 2007


Kết Quả Đầu Tư Trực Tiếp Ngoại Quốc

Tất yếu là tiền vào trong lúc nước ta nghèo đói thì như là một cơn mưa đổ xuống sau những năm tháng dài hạn hán. Không có tiền thì làm sao mà làm nên cơm cháo? Cho nên vào những năm cuối của thập niên 80 với chính sách đổi mới, và những năm đầu của thập niên 90, việc mở cửa biên giới cho ngoại quốc xâm nhập nước ta, bọn đế quốc mới lợi dụng tình trạng phôi thai của nền kinh tế nước ta bắt đầu từ từ mang tiền vào làm ăn kinh doanh để trục lợi. Nhưng phải chờ cho đến khi Việt Nam được chấp thuận cho vào Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) thì ngoại quốc mới chắc ăn ùn ùn kéo nhau, tranh đua đổ tiền vào đầu tư. Chỉ trong vòng có chục năm, bộ mặt nước ta đã thay đổi hoàn toàn nhất là ở thành thị. Nhà cửa đường xá được xây dựng lại, nhà chọc trời được xây cất, những cửa hàng của ngoại quốc mọc lên như nấm, xe hơi bắt đầu chạy đầy đường, hàng nhập cảng bùa phứa, khách sạn tiệm ăn và những nơi ăn chơi hoạt động rầm rộ - chẳng hạn như hơn 140 sân đánh golf để phục vụ những tên trưởng giả học làm sang đã chiếm khoảng 50,000 hecta ruộng, và giữa năm 2000 và 2006 tổng số đất ruộng lúa đã đã bị chiếm để xây cất nhà máy và cư xá đã lên tới 400,000 hec ta - , dân chúng kiếm được ra tiền tha hồ ăn chơi thoả thích. Khi thương nghiệp tự do được khuyếch trương, một giai cấp trung lưu mới bắt đầu nẩy nở, chưa đến kể một thiểu số những kẻ có quyền hành trở nên giàu sụ vì ăn cắp và ăn hối lộ. Riêng đối với một số nhỏ dân đen, đây cũng là cơ hội cho họ được hưởng chút mưa móc. Xã hội mới đã tạo ra một thị trường dịch vu lớn giúp họ kiếm được công ăn việc làm sống tương đối khá hơn xưa. Công nhân tìm được việc tại cách nhà máy do ngoại quốc xây lên, tuy không được trả lương cao nhưng ít ra cũng có được công ăn việc làm, không chết đói. Đó là một trong những mối lợi trước mắt, giống như xưa kia khi thực dân Pháp và quân đội Mỹ đổ vào Việt Nam thì cũng đã có phát triển về kỹ nghệ sản xuất và dịch vụ tuy ở trên một tầm múc giới hạn hơn bây giờ, đời sống cũng thay đỗi vì có sự du nhập của nền văn minh phương Tây cũng như lối sống mới của một xã hội ăn chơi tiêu thụ của Mỹ (hình thức xa đọa là một bộ phận của loại xã hội ngày nay cũng như xưa kia trong thời chiến).


Một điểm khác được bọn đầu tư tư bản trực tiếp nêu ra để dụ dỗ mê hoặc chúng ta là phát triển kỹ thuật. Quả thật chúng ta được cái mối lợi này khi chúng ta chấp nhận để bọn tư bản mang thiết bị máy móc tân kỳ vào đất nước ta. Chúng ta được va chạm với những kỹ thuật máy móc tiên tiến, được học hỏi huấn luyện, được vun đắp kinh nghiệm thực hành, v..v.. nhưng, tuy rất quan trọng, những hiểu biết và kinh nghiệm thu thập được chỉ ở mức tầm thường, không ở mức độ nghiên cứu và phát triển (R&D) qui mô để tự phát tự đề xuất những chương trình sản xuất hay kỹ thuật khoa học của nước mình. Lệ thuộc vào ngoại quốc về phát triển kỹ thuật và khoa học không giúp nước ta tự phát triển đũ để đạt được tiến bộ đúng mức.


Không thể chối cãi được rằng ngày nay nước ta nay có một bộ mặt bề ngoài tân tiến, ngon lành không thua những nước khác trong vùng bao nhiêu. Nếu so với bộ mặt của nước ta vào những năm sau 1975 cho đến khi có chính sách đổi mới, chấp nhận phương hướng phát triển kinh tế thị trường tự do, thì quả là một trời một vực. Đang giẫy chết, nền kinh tế nước nhà được bọn đầu nậu quốc tề vực dậy, bơm sức cho chúng ta hồi tỉnh và sống lại. Nhưng tất cả chỉ là bề ngoài, thực lực chúng ta không có. Thử tưởng tượng nếu một ngày nào bọn đầu nậu quốc tế kéo đi thì chúng ta chới với như thế nào? Có giống Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1975 khi Mỹ bỏ rơi hay không?

Về phương diện kinh tế, chúng ta tự hào là nay chúng ta có những hãng xưởng nhà máy to lớn, chúng ta có những công trình xây cất khổng lồ, có những những kế hoạch làm ăn với quốc tế, v.. v.. nhưng tiền ở đâu ra mà có thể làm như thế? Nhà máy có phải của chúng ta hay không? Những kế hoạch làm ăn có phải là của Việt Nam hay là của Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bàn, Malaysia…và một số nước khác? Chúng thu hút hết tiền lời mang về xứ chúng, giống như xưa kia bọn thực dân Pháp đã làm vậy, có gì khác đâu? Không có lý gì mà bọn đầu nậu quốc tế lại thương yêu dân tộc Việt Nam trong khi chính chúng ta không thương yêu chúng ta.


Hậu Quả Đầu Tư Trực Tiếp Ngoại Quốc

Những người dân ở vùng thôn quê không có cách kiếm sống ùn ùn đổ ra thành thị để tìm công ăn việc làm. Những thành phố lớn lên nhanh chóng, dân số tăng vọt một cách khủng khiếp, gây nên nhiều vấn đề nan giải về mặt xã hội và môi sinh. Họ sống chui rúc, kiếm miếng ăn từng ngày, lo cho thân phận khốn nạn của mình. Những kẻ may mắn và có chút khả năng thì đi làm nô lệ cho bọn ngoại quốc: công nhân trong những hãng xưởng nhà máy, phục dịch về thể xác và tinh thần, bán chôn nuôi miệng, v..v... Không tìm được chỗ sống trong nước, họ sẵn sàng bỏ nước đi tới những quốc gia khác để bán sức lao động. Không bán chôn nuôi miệng được trong nước thì họ đi ra ngoại quốc để kiếm sống bằng thân xác họ. Thật là nhục nhã cho dân tộc Việt Nam! Nhưng có bao nhiêu người quan tâm? Người Mỹ có câu “Who cares?” áp dụng vào trường hợp nước ta trong cái giai đoạn lịch sử rối rắm này thật là thấm thía.


Trong những năm gần đây, công nhân đã nhận thức được rằng họ bị bóc lột sức lao động và đã mạnh dạn vùng lên đấu tranh đòi công bằng và quyền sống của họ. Họ đã biết dùng quyền đình công lãn công để phản đối bọn chủ nhân ngoại quốc bất nhân thất đức. Hàng chục hàng trăm ngàn công nhân nổi dạy tại khắp những nhà máy do bọn thực dân kinh tế Á châu làm chủ, cứ hết nhà máy này lại sang tới những nhà máy khác. Họ đòi tăng lương để có thể sống sót trong môi trường khó sống hiện nay vì lạm phát, giá cả gia tăng vùn vụt. Lương của công nhân trung bình là US$60 tức 1 triệu đồng một tháng thì chẳng phải họ sống kiếp của kẻ bị bóc lột là gì? Khác gì những phu đồn điền cao su xưa kia? Họ phải tranh đấu để được ăn một bữa cơm trưa “nuốt cho trôi” tại nhà ăn tập thể của nhà máy. Khí thế của công nhân nay bắt đầu làm cho nhưng tên tư bản đầu nậu Singapore, Hông Kông, Đài Loan, Đại Hàn và Mã Lai phải suy nghĩ lại. Báo chí tại những nước này trơ trẽn đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải có những biện pháp kiểm soát lao động, không cho công nhân dùng quyền đình công nổi dạy chống đối. Có khác nào bọn thực dân Pháp xưa kia đưa roi cho những tên tay sai quất đánh dân ta?


Tài nguyên nước ta dồi dào làm cho bọn tư bản ngoại quốc đổ xô vào khai thác. Những nguồn nguyên liệu và nhiên liệu của nước ta làm cho chúng rỏ rãi, chúng hăm hở nhảy vào khai thác để trục lợi. Vì cần tiền, chúng ta để cho bọn tư bản hết lợi dụng nguồn lao động trẻ có khả năng của đất nước cho đến những tài nguyên phong phú! Rồi sau này khi chúng ta có thể tự khai thác lấy thì thị trường lao động đã cỗi và nguồn tài nguyên đã cạn. Một thí dụ điển hình là dầu khí: Nhiều mỏ dầu đã cạn dần – như mỏ Bạch Hổ trước đây sản xuất 240,000 thùng mỗi ngày nay chỉ còn sản xuất được 150,000 thùng và tổng sản xuất dầu thô của Việt nam đã xút giảm 12% trong năm 2007- , những mõ khác nằm xa hơn trên thêm lục địa đang bị tranh chấp và Trung Cộng đang đe dọa cho chúng ta thêm một “bài học” vì để Công Ty Exxon vào khai thác.


Sống trong sự phồn vinh giả tạo, một số dân thành thị nay đã quen lối sống ăn chơi đàng điếm, phè phỡn ăn nhậu suốt ngày, tiêu xài phung phí. Chính bọn tư bản quốc tế đã muốn nô lệ hóa tinh thần lớp thanh niên ta, chúng đầu độc họ bằng lối sống văn minh nửa mùa, giả dối, biến lớp trẻ thành một lớp người thích ăn chơi đua đòi, ích kỷ, chỉ thích sống bằng vật chất, sống cho ngày nay không cần biết đến tương lai, sống cho thỏa bản năng thú tính tức là thích ăn ngon mặc đẹp, thích du hí chơi bời, thích hưởng đời. Lối sống của lớp người này nói lên một xã hội băng hoại trong đó ai ai cũng bịp bợm giả dối, tham lam ích kỷ, bất nhân. Họ được rèn luyện trong một môi trường xấu xa nên không thấy xấu xa, trái lại coi xấu xa là một sự bình thường. Sống trong một môi trường thối nát, họ không có được ý thức tốt xấu, phải trái. Thật đáng tội nghiệp.


Nhưng không phải ai cũng có thể lợi dụng thời thế, cũng có thể ăn cắp, ăn hối lộ, kiếm tiền dễ dàng. Đó chỉ là một thiểu số ăn trên ngồi chóc, vinh thân phì gia, tạo nên một giai cấp mới giầu có mà người ta gọi là tư bản đỏ. Chúng tham quyền cố vị, dùng bạo lực để củng cố chỗ đứng, bằng mọi giá chúng bảo vệ quyền lợi của chúng. Chỉ bằng đổ máu thì mới tiêu diệt được chúng. Bên cạnh là một giai cấp trung lưu sống bám vào bọn có quyền thế để được hưởng ké, trong đám này phải kể đến bọn tiểu tư sản. Còn lại là đại đa số người dân đen, sống nghèo khổ, chiụ sự bất công, chịu đựng số phận khốn nạn của con người. Cái hố giàu nghèo ngày càng lớn, xã hội ta dần dần đi đến một sự đối đầu giữa bọn giàu có cố nắm quyền trị vì và đại đa số bị trị khốn khổ, khốn nạn.


Kết Luận:

Những nhà nghiên cứu xã hội cho rằng sự cách biệt giàu nghèo mang bất an đến cho xã hội và sẽ gây ra một cuộc bùng nổ sô sát giữa hai bên - việc nông dân tranh đấu đòi lại đất hiện nay là một dâu hiệu bất an chớm nở - . Người dân không thể chịu đựng mãi sự bất công nhất là trong một xã hội đang biến chuyển nhanh chóng. Hai thập niên trước đây toàn dân cùng nghèo cùng khổ, mọi người cùng chung một số phận bất hạnh. Ngày nay bỗng dưng có một số người lợi dụng thời thế bỗng trở nên giầu có quá sức tưởng tượng và họ sống bất kể đến những kể khốn cùng sống bên họ. Đã đến lúc trật tự xã hội phải được tái lập, quyền sống bình yên hạnh phúc phải được san sẽ đồng đều, mọi người dân phải cùng được hưởng những mối lợi do phát triền kinh tế xã hội mang đến.


Đồng thời, toàn dân cần ý thức rằng quyền lợi của đất nước phải được đặt trên quyền lợi của cá nhân hay phe nhóm. Quyền lợi của đất nước, của dân tộc phải được triệt để bảo vệ, không thể để mất vào tay một số thực dân mới mang tiền đầu tư vào lũng đoạn nước ta. Kinh tế nước ta phải do chính dân Việt Nam xây dựng bằng sức lực xương máu và nước mắt của chính mình, để rồi thành quả hoàn toàn do toàn dân Việt Nam thụ hưởng.


Huớng Dương

ngày 9 tháng Tám 2008

No comments: