Sông Thị Vải ô nhiễm: Tàu Singapore "chê”, công nhân đổ bệnh
Thứ Năm, 07/08/2008, 08:07 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=272379&ChannelID=17
Sông Thị Vải ô nhiễm nặng, bọt hóa chất trắng xóa trên mặt sông - Ảnh: Hà Mi
TT - Lời kêu cứu của các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Gò Dầu B (Đồng Nai) về việc tàu Nhật "chê” sông Thị Vải ô nhiễm đã qua gần ba tháng, thế nhưng đến nay các cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa có kết luận rõ ràng. Trong khi đó những diễn tiến xấu lại xuất hiện
Thêm đơn "kêu cứu"
Sông Thị Vải ô nhiễm nặng, bọt hóa chất trắng xóa trên mặt sông - Ảnh: Hà Mi
Trong khi các cơ quan chưa có hướng xử lý, chưa có kết luận cuối cùng thì các doanh nghiệp tiếp tục lao đao. Đến nay, không chỉ tàu Nhật mà đến lượt các tàu Singapore cũng "chê” sông Thị Vải ô nhiễm, không chịu vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp.
Dù mới chỉ có một số hãng tàu của hai nước này "chê” sông ô nhiễm, nhưng vụ việc đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động và mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp tại đây. Câu hỏi đặt ra là sau tàu Nhật và Singapore, liệu sẽ còn tàu của những nước nào "chê” sông Thị Vải không vào?
Mới đây, một "người nhà” khác của Đồng Nai là Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai (gọi tắt là Cảng Đồng Nai) tiếp tục có đơn "kêu cứu" về tình trạng này. Theo đó, Cảng Đồng Nai khẳng định do tình trạng ô nhiễm tại khu vực sông Thị Vải, các cầu cảng và tài sản do công ty xây dựng bị hao mòn rất nhanh do ô nhiễm xâm nhập vào bêtông, sắt thép làm giảm tuổi thọ cầu cảng. Công ty phải liên tục sửa chữa, sơn sửa thường xuyên gây nhiều tốn kém.
Không chỉ ảnh hưởng đến tài sản, tổng giám đốc Cảng Đồng Nai Nguyễn Mạnh Tiến còn cho rằng nước sông Thị Vải ô nhiễm làm sức khỏe của hầu hết cán bộ, công nhân viên làm việc tại khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ thường xuyên mắc các chứng bệnh như viêm xoang, nhức đầu, sức khỏe giảm sút dẫn đến đau ốm liên tục vì mùi hôi thối của nước sông. Cũng theo ông Tiến, các hãng tàu nước ngoài không chỉ sợ vỏ tàu bị ăn mòn mà còn khẳng định nước ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của thủy thủ, thuyền viên của họ.
"Họp nhiều quá rồi!"
Đầu tháng 7-2008, Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai đã có buổi họp khẩn để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của buổi họp này vẫn là soạn văn bản báo cáo lên trên và chờ chỉ đạo của Bộ Tài nguyên - môi trường.
Ngày 6-8, Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai cùng các cơ quan chuyên môn tỉnh Đồng Nai lại tiếp tục họp bàn tìm giải pháp, nhưng mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Tiến bức xúc: "Tôi muốn các cơ quan chuyên môn xác định cho rõ mức độ ô nhiễm ra sao, nước có ăn mòn vỏ tàu hay không, để tôi trả lời cho các chủ tàu".
Nhưng mong mỏi này của ông Tiến đã không thành hiện thực bởi kết thúc cuộc họp, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai Hoàng Văn Thống vẫn lặp lại điệp khúc: "Việc nước sông Thị Vải có ăn mòn vỏ tàu vẫn chưa có cơ sở đánh giá, cần có thời gian và phải có các nhà khoa học chuyên sâu. Mức độ ô nhiễm, ăn mòn vỏ tàu ra sao phải kiến nghị lên Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Công nghiệp để có kết quả nghiên cứu chứ địa phương chưa đủ khả năng". Hơn một tháng trước, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai Phan Văn Hết cũng có câu trả lời tương tự!
Trước kết luận này, ông Phạm Văn Quyền - phó tổng giám đốc Cảng Đồng Nai - chưa thể hài lòng: "Sông Thị Vải ô nhiễm nhất Đông Nam bộ. Chúng ta họp nhiều quá rồi, nhưng sau đó vẫn chưa làm mạnh với các doanh nghiệp thải nước chưa qua xử lý ra sông. Sinh vật chết hết, còn con người sống quanh sông đang chịu mùi hôi thối, đến bao giờ mới giải quyết được? Cuộc họp nào tôi cũng đề nghị giải quyết chuyện này nhưng đến nay vẫn thế".
Theo ông Quyền, công nhân, thủy thủ kêu cứu có lý do chính đáng nên Sở Y tế Đồng Nai phải quan tâm tìm hiểu. Hiện các giếng khoan tại khu vực cảng Gò Dầu khoan lên nước đen kịt, sử dụng không được. Công nhân vào làm ngửi mùi hôi từ khu vực cảng bốc lên khiến họ đau đầu, chóng mặt. Vào làm việc ít ngày thì không chịu nổi, họ phải rút lui.
HÀ MI - MINH LUẬN
Ô nhiễm sông Thị Vải: Công nhân cảng Gò Dầu kêu cứ...
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment