Wednesday, August 13, 2008

VIỆT NAM: HẾT BỊT MIỆNG DÂN ĐẾN BÓP CỔ BÁO CHÍ

Cấm Thông Tin Không Chống Nổi Tham Nhũng ?

Phạm Trần



Hoa Thịnh Đốn.- Đảng Cộng sản Việt Nam đã bịt miệng người dân bây giờ lại bóp cổ nhà báo thì nhà nước này có còn là “của dân, do dân và vì dân” không ?

Vết bẩn của của chế độ đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng viết trong Chỉ thị số 25-CT/TW về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí”, công bố ngày 3/8 (2008).

Chỉ thị này nói rằng mục đích của quyết định là “ nhằm khắc phục những biểu hiện lệch lạc về chính trị, tư tưởng, xa rời tôn chỉ, mục đích của báo chí.”

Việc nhiều người làm báo và nhiều tờ báo “đi chệch hướng đảng” không có gì mới, nhưng đáng chú ý là Chỉ thị này được đưa ra hai ngày sau khi Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ký Quyết định thu hồi Thẻ Nhà báo của 7 cán bộ, phóng viên bị nhà nước quy kết “có vi phạm nghiêm trọng” hay “tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Thông tấn Xã Việt Nam cho biết những nhà báo bị thu thẻ hành nghề trong quyết định ngày 1/8 gồm : Nguyễn Quốc Phong, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên; Bùi Văn Thanh, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ TP.HCM; Huỳnh Kim Sánh, Tổng thư ký Toà soạn Báo Thanh Niên; Dương Đức Đà Trang, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ TP.HCM tại Hà Nội và Trần Đình Dũng (Việt Dũng), Phóng viên Báo Khoa học và Đời sống vì “đã vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động và thông tin trên báo chí.”
Hai trường hợp khác là Nguyễn Thị Thanh Thuý, Phó Tổng biên tập Báo Người cao tuổi, Hoàng Tuyết Oanh, cán bộ Báo Người cao tuổi bị cơ quan điều tra khởi tố bị can về tội “tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Trừ trường hợp những người của Báo Người cao tuổi, các nhà báo bị thu thẻ hành nghề của các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên và Khoa học và Đời sống có liên hệ đến các bài báo họ viết hay điều hành phóng viên viết về vụ tham nhũng PMU 18, trong đó có hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Báo Thanh Niên, và Nguyễn Văn Hải, Báo Tuổi Trẻ TP.HCM đã bị bắt ngày 12/5 (08)

Vụ án Ban Quản lý dự án 18 (PMU 18) mà Bùi Tiến Dũng làm Tổng Giám đốc cùng đồng bọn đã bị nhà nước truy tố phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ; Đưa nhận hối lộ, tham ô tài sản tại PMU 18.

Nhưng câu chuyện tham nhũng của các viên chức nhà nước không dừng ở bị cáo Bùi Tiến Dũng và những cán bộ tép riu mà đã lan sang nhiều viên chức cao cấp khác, kể cả Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải. Tiến bị bắt ngày 4/4/2006, sau khi bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ''(điều 165 Bộ luật Hình sự) và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (điều 281 Bộ luật Hình sự).

Nhưng đùng một cái, ngày 28-3- (08), Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) đã ký quyết định đình chỉ điều tra đối với hai tội danh này. Sau đó, Tiến được khôi phục sinh hoạt đảng và đương sự đòi được phục hồi cả chức vụ.
Nhiều Đại biểu Quốc hội và dư luận phản ứng nghi ngờ có chuyện sai quấy trong quyềt định miễn tố khiến Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, phải yêu cầu các cơ quan tố tụng và các cơ quan chức năng rút kinh nghiệm trong việc chưa phối hợp xử lý đồng bộ đối với Tiến.

Nhiều Đại biểu Quốc hội còn đòi Chính phủ phải làm sáng tỏ vụ Tiến được miễn tố và muốn Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trả lời công khai, nhưng viện này lại chọn lối trả lời bằng thư khiến nhiều ĐạI biểu bất bình vì họ không thỏa mãn với các câu trả lời.

Trong khi vụ Tiến được miễn tố chưa nguội thì ngày 12/5 (08) xẩy ra vụ nhà nước bắt hai ký gỉa Nguyễn Việt Chiến, Báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải, Báo Tuổi Trẻ TP.HCM. Hai Nhà báo này được coi là những người tích cực nhất trong cuộc phanh phui vụ tham nhũng tại Ban quản lý các dự án 18 (PMU 18). Cả hai cùng bị tố cáo "lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (điều 281 Bộ luật Hình sự)

Cùng bị bắt với hai nhà báo còn có thượng tá Đinh Văn Huynh - Nguyên trưởng Phòng 9, C14, Bộ Công an về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cơ quan An ninh điều tra cũng khởi tố thiếu tướng Phạm Xuân Quắc Nguyên Cục trưởng Cục Cảnh Sát Điều Tra tội phạm về trật tự xã hội (C14), trưởng ban chuyên án vụ PMU18 về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tướng Quắc bị Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, ép về hưu vào tháng 12 năm ngoái trong khi cuộc điều tra tham nhũng tại PMU 18 đi vào giai đọan gay gắt.
Tóm lại, 4 người được coi là hăng hái nhất trong công tác chống tham nhũng trong vụ PMU 18, theo chủ trương của đảng, đã bị nhà nước bắt giam và khởi tố.

Trước sự thể ngược đời này, Báo Thanh Niên nêu thắc mắc với đảng: “Hai năm sau khi những kẻ đánh bạc, tham nhũng bị khởi tố và đưa vào nhà giam, tháng 5.2008 hai phóng viên (thuộc hàng những nhà báo giỏi nhất trong làng phóng viên nội chính phía Bắc) đã bị bắt. Họ bị bắt với tội danh: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

“Tổng số đã có hơn 1.000 bài báo viết về vụ PMU 18 đăng trên gần 100 tờ báo, trong đó có một số bài có thông tin không chính xác đăng trên khoảng hơn chục tờ báo, thậm chí có cả bài báo sai sự thật. Trong năm 2007 và đầu năm 2008, đã có hàng chục phóng viên bị gọi lên lấy lời khai tại cơ quan an ninh điều tra (trong đó có cả phóng viên trong ngành công an). Nhưng cuối cùng, cho đến nay chỉ có 2 phóng viên bị khởi tố, trớ trêu thay, đó lại là hai phóng viên của hai tờ báo luôn đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực - Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ. Điều này có công bằng không? Có đúng đường lối, quan điểm và quyết tâm chống tham nhũng, chống tiêu cực của Đảng và Nhà nước không?”

Có lẽ vì nói thẳng như thế mà 4 Nhà báo cấp lãnh đạo của Thanh Niên và Tuổi Trẻ đã bị rút thẻ hành nghề trong quyết định của Đỗ Qúy Doãn. Nhưng hành động rút thẻ hành nghề của những người đã bầy tỏ thái độ ngược chiều với nhà nước có giúp thu hẹp hố ngăn cách giữa đảng và báo chí trong công tác chống tham nhũng hay chỉ làm cho người dân nghi ngờ thêm ? Và sự ra đời của Chỉ thị 25 để xiết chặt thêm Báo chí có giúp đảng mạnh hơn không ?

Ai cũng thấy hậu qủa nhãn tiền của các vụ bắt giam và tịch thu thẻ nhà báo là từ nay sẽ không còn phóng viên nào dám ngo ngoe cắm đầu viết bài chống tham nhũng nữa. Có lẽ đây cũng là mụch đích của đảng khi đưa ra Chỉ thị 25 để củng cố và bảo đảm tuyệt đối quyền kiểm soát Báo chí từ đào tạo đến huấn luyện, hành nghề và qủan lý.

CHI TIẾT CHỈ THỊ 25

Điều quan trọng đầu tiên của Chỉ thị viết : “ Cần làm cho các cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vai trò quan trọng của báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí.”

Về tổ chức, đảng ra lệnh phải: “Xây dựng đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các cơ quan báo chí vững mạnh, thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo, tổ chức cho cán bộ, đảng viên, biên tập viên, phóng viên thực hiện đúng và nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, đường lối, Điều lệ, các quy chế quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tôn chỉ, mục đích của báo chí; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan, xây dựng, rèn luyện đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức trong sáng, góp phần tích cực xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam.”

Nhằm đề phòng tình trạng “phá rào” của báo chí như không tích cực tuyên truyền theo lệnh đảng, không muốn thổi phồng cái mới, người tốt theo tiêu chuẩn đảng đặt ra để che đi những thói hư tật xấu cho cán bộ, đảng viên, Chỉ thị ra lệnh cho các cấp trong đảng phải : “Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức đối với các cơ quan báo chí nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, khắc phục những biểu hiện lệch lạc về chính trị, tư tưởng, xa rời tôn chỉ, mục đích của báo chí.”

Chỉ thị cũng ra lệnh cho các Báo phải: “Cần chú trọng nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao trách nhiệm đảng viên, trách nhiệm nghề nghiệp của người làm báo trước pháp luật, xã hội và trước sự nghiệp chung của đất nước; việc thực hiện 9 điều "Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam"; quy định của pháp luật về nội dung các trang web, các blog…”

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII ngày 13/8/2005, Hội Nhà báo Việt Nam đã thông qua 9 điểm Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam như sau:

1. Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.
3. Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật.
4. Sống lành mạnh, trong sáng, không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật.
5. Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội.
6. Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin.
7. Tôn trọng, đoàn kết, hợp tác giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp.
8. Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn cầu tiến bộ.
9. Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa khác.


Nhìn chung ít có người làm báo nào ở Việt Nam đã vi phạm 9 “điều răn” này cho đến khi xẩy ra các hệ lụy quanh vụ PMU 18. Tuy nhiên hai Nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải, Báo Tuổi Trẻ chưa bị đem ra xét xử nên không ai biết họ đã phạm tội gì.

Trong khi chờ đơiI công lý, đảng vẫn cứ xiết cổ báo chí qua công tác qủan lý gắt gao người làm báo . Chỉ thị 25 yêu cầu đảng phải : “ Kết hợp chặt chẽ công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, quần chúng với công tác kiểm tra, giám sát đảng viên trong các cơ quan báo chí. Bên cạnh việc quản lý đảng viên trong chi bộ, cần kết hợp với việc lấy ý kiến nhận xét, đánh giá về đảng viên của quần chúng trong cơ quan báo chí, của cấp uỷ nơi gia đình cư trú, nơi đến cư trú hoặc ở cơ sở đào tạo . . . Giáo dục đảng viên kết hợp với công tác giáo dục đoàn viên, hội viên, quần chúng (công đoàn, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội nhà báo...) trong các cơ quan báo chí. Nội dung giáo dục cần hướng vào việc nâng cao kiến thức chính trị - xã hội, pháp luật, trách nhiệm xã hội, tác phong công tác, cách thức ứng xử tình huống...”

ĐẢNG VIÊN TRƯỚC-LÀM BÁO SAU

Ngoài ra Chỉ thị cũng quy định các Báo phải : “ Có kế hoạch giáo dục, rèn luyện phóng viên, biên tập viên trẻ tuổi để họ sớm đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tăng cường công tác phát triển đảng viên trong các cơ quan báo chí… Thống nhất mô hình tổ chức cơ sở đảng và bố trí bí thư cấp uỷ. Tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí cần được tổ chức đồng bộ, thống nhất với tổ chức hành chính của cơ quan; bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ và lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội ….. Coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và phát triển Đảng tại các cơ sở đào tạo về báo chí. Các cơ sở đào tạo về báo chí phải thực sự coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; bố trí nội dung, chương trình học tập, nhất là về chính trị sát hợp với các định hưởng của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước. Tăng cường công tác phát triển Đảng trong đội ngũ sinh viên nhằm tạo nguồn cung cấp đảng viên cho các cơ quan báo chí.”

Chỉ thị 25 còn ra lệnh “nắm đầu” các cơ quan Chủ qủan, tức các Chủ báo, để quy trách nhiệm khi báo vi phạm kỷ luật đảng, theo đó đảng phải : “ Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng và cơ quan quản lý cấp trên của các cơ quan báo chí. Tổ chức đảng ở cơ quan chủ quản báo chí phải phân công một đồng chí lãnh đạo có bản lĩnh chính trị, am hiểu về báo chí, có kinh nghiệm công tác đảng để theo dõi thường xuyên việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí; thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức về Đảng cho các đồng chí được giao nhiệm vụ giúp cấp uỷ cơ quan báo chí về công tác đảng; chịu trách nhiệm về chất lượng chính trị của tổ chức đảng trong cơ quan báo chí; phổ biến kịp thời, thực hiện nghiêm túc Quy chế về bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí.”

MỘT CỔ MẤY TRÒNG ?

Cũng nên biết trước Chỉ thị 25 , vào ngày 21/4/2006, Ban Bí thư đảng khóa IX đã có Quyết định (165-QĐ/TW) nói về “chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan báo chí”.

Văn kiện do Phan Diễn ký tên phổ biến đã đề ra trách nhiệm của Ban lãnh đạo và nhiệm vụ nghề nghiệp của phóng viên tại mỗi cơ quan báo chí là phải tuyên truyển và thường xuyên học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Quyết định 165 có nội dung : “ Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan báo chí là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, biên tập viên, phóng viên và những người lao động khác trong cơ quan thực hiện đúng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… xây dựng, rèn luyện đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức trong sáng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...”

“…Lãnh đạo xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nuớc, theo đúng Luật báo chí và tôn chỉ, mục đích của báo, đài, tạp chí, xứng đáng là tiếng nói của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn dàn của nhân dân; hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước…”

“… Lãnh đạo cán bộ, đảng viên, biên tập viên, phóng viên và những người lao động khác trong cơ quan tích cực tuyên truyền, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội, gương người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến; đấu tranh chống những quan điểm, tư tưởng sai trái, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.”

“…. Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã nội trong cơ quan nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hoà bình” và các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu, chống đối Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ xã hội chủ nghĩa của các thế lực thù địch, giữ gìn bí mật của Đảng, Nhà nước, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của cơ quan….”

Ngoài nhiệm vụ “phổ biến, quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, các báo phải “nói và làm theo nghị quyết của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, những hành vi nói, viết và làm trái với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng cơ hội, thực dụng, sự suy thoái về phẩm chất, đạo dức, lối sống.”

Nhìn chung thì những gì đã nói trong Quyết định 165 năm 2005 , cũng được lập lại trong Chỉ thị 25 năm 2008. Nội dung ngôn từ tuy có khác nhưng tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ vẫn như cũ.

Khỏang cách thời gian 3 năm từ 2005 đến 2008 đối với Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nhưng xem ra sự khác biệt giữa báo chí và đảng trong công tác chống tham nhũng không xích lại mà đã dãn ra rộng hơn. Nhiều báo được sự đồng tình ủng hộ, cổ võ của người đọc và môt số Đại biểu Quốc hội muốn chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội quyết liệt và nhanh hơn. Nhưng các cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao lại chậm như rùa như đã diễn ra trong vụ PMU 18 nên nhiều vụ án Con Voi đã biến thành Con Chuột hay để cho rơi vào quên lãng mà không ai biết !

Vậy Chỉ thị 25 có ý nghĩa gì hơn Quyết định 165 không, hay cũng chỉ có cùng một mục đích là cho phép đảng tiêu diệt quyền tự do được thông tin của người dân để cho đảng độc quyền hơn và độc tài hơn ? -/-

Phạm Trần

(08/08)




CHỈ THỊ SỐ 25-CT/TW NGÀY 31-7-2008 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ

Trong những năm qua, báo chí nước ta ngày càng thể hiện tốt vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí tiếp tục phát triển nhanh về số lượng, loại hình, ấn phẩm, đội ngũ làm báo, số lượng người đọc; cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính được tăng cường; tác động, ảnh hưởng của báo chí được mở rộng. Phần lớn báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biểu dương phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội, chống "diễn biến hoà bình"... góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, trong hoạt động báo chí đã bộc lộ một số yếu kém, khuyết điểm mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng chậm được khắc phục; có mặt, có lúc, có nơi còn trầm trọng hơn. Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hoá; có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích; thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt…

Nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm nêu trên là do công tác quản lý bị buông lỏng, chỉ đạo bị động, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng, đa dạng, phức tạp của báo chí; công tác xây dựng đảng trong các cơ quan báo chí chưa được coi trọng đúng mức; vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, trách nhiệm, tính chiến đấu của đội ngũ đảng viên và người đứng đầu cơ quan báo chí chưa được đề cao.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) "Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới" đã xác định: “Coi trọng, chăm lo công rác xây dựng đảng trong các cơ quan báo chí. Đề cao trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên ở các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí về thi hành Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động báo chí”.

Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X), công tác xây dựng đảng trong các cơ quan báo chí phải được tăng cường mạnh mẽ nhằm đảm bảo mục đích, yêu cầu và thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1- Làm cho các cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vai trò quan trọng của báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí.

2- Xây dựng đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các cơ quan báo chí vững mạnh, thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo, tổ chức cho cán bộ, đảng viên, biên tập viên, phóng viên thực hiện đúng và nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, đường lối, điều lệ, các quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tôn chỉ, mục đích của báo chí; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan, xây dựng, rèn luyện đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ có đạo đức trong sáng, góp phần tích cực xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam.

3- Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức đối với các cơ quan báo chí nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, khắc phục những biểu hiện lệch lạc về chính trị, tư tưởng, xa rời tôn chỉ, mục đích của báo chí.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1- Duy trì có nền nếp, đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp uỷ trong các cơ quan báo chí.

- Cần phân công công việc, sắp xếp lịch công tác của đảng viên trong cơ quan báo chí một cách hợp lý để duy trì có nền nếp lịch sinh hoạt chi bộ, cấp uỷ; đảm bảo thực hiện tốt nội dung sinh hoạt theo Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW, ngày 25-5-2007 của Ban Tổ chức Trung ương; khắc phục sự trùng lặp nội dung sinh hoạt đảng với nội dung sinh hoạt chuyên môn; tăng cường sinh hoạt theo chuyên đề trong sinh hoạt đảng, cần chú trọng nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao trách nhiệm đảng viên, trách nhiệm nghề nghiệp của người làm báo trước pháp luật, xã hội và trước sự nghiệp chung của đất nước; việc thực hiện 9 điều "Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam"; quy định của pháp luật về nội dung các trang web, các blog; về những điều đảng viên không được làm...

- Cấp uỷ cơ quan báo chí cần nghiên cứu, phổ biến đầy đủ đến mọi đảng viên và thực hiện nghiêm Quy định số 165-QĐ/TW, ngày 21-4-2006 của Ban Bí thư (khoá IX) về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan báo chí; xây dựng quy chế hoạt động cụ thể để thực hiện.

2- Kết hợp chặt chẽ công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, quần chúng với công tác kiểm tra, giám sát đảng viên trong các cơ quan báo chí.

- Bên cạnh việc quản lý đảng viên trong chi bộ, cần kết hợp với việc lấy ý kiến nhận xét, đánh giá về đảng viên của quần chúng trong cơ quan báo chí, của cấp uỷ nơi gia đình cư trú, nơi đến cư trú hoặc ở cơ sở đào tạo...

- Giáo dục đảng viên kết hợp với công tác giáo dục đoàn viên, hội viên, quần chúng (công đoàn, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội nhà báo...) trong các cơ quan báo chí. Nội dung giáo dục cần hướng vào việc nâng cao kiến thức chính trị - xã hội, pháp luật, trách nhiệm xã hội, tác phong công tác, cách thức ứng xử tình huống...

- Có kế hoạch giáo dục, rèn luyện phóng viên, biên tập viên trẻ tuổi để họ sớm đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tăng cường công tác phát triển đảng viên trong các cơ quan báo chí.

- Trong công tác tuyển chọn phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên và trong quy trình bố trí cấp uỷ, bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí, phải đảm bảo tiêu chuẩn, thực hiện đúng Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị về một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, nhất là vấn đề chính trị hiện nay.

- Xây dựng tiêu chuẩn và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn nhà báo về phẩm chất đạo đức, nghiệp vụ, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành luật pháp, kiến thức xã hội, kiến thức chuyên môn và quy tắc ứng xử của nhà báo đối với các vấn đề xã hội nhạy cảm.

- Phóng viên, biên tập viên trước khi được giao việc, nhất thiết phải được bồi dưỡng một số kiến thức cơ bản về đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kinh nghiệm xử lý những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, hệ trọng, những nội dung thông tin liên quan đến bí mật quốc gia…

3- Thống nhất mô hình tổ chức cơ sở đảng và bố trí bí thư cấp uỷ.

Tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí cần được tổ chức đồng bộ, thống nhất với tổ chức hành chính của cơ quan; bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ và lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội như Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) đã đề ra.

- Thực hiện chủ trương người đứng đầu cơ quan báo chí trực tiếp làm bí thư cấp uỷ; trong trường hợp không thể bố trí được thì bí thư cấp uỷ phải là một đồng chí trong ban lãnh đạo cơ quan báo chí. Người được lựa chọn làm bí thư cấp uỷ phải là người có năng lực, nhiệt tình với công tác đảng, nhạy bén về chính trị. nắm chắc công tác đảng, có sức tập hợp, thuyết phục đảng viên và quần chúng. Kết hợp chặt chẽ công tác chuẩn bị nhân sự cấp uỷ với công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo ở cơ quan báo chí để thực hiện chủ trương này .

- Cần bố trí một cán bộ giúp bí thư cấp uỷ về công tác đảng và có chế độ chính sách phù hợp đối với cán bộ này.

4- Coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và phát triển đảng tại các cơ sở đào tạo về báo chí.

- Các cơ sở đào tạo về báo chí phải thực sự coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; bố trí nội dung, chương trình học tập, nhất là về chính trị sát hợp với các định hướng của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước. Tăng cường công tác phát triển đảng trong đội ngũ sinh viên nhằm tạo nguồn cung cấp đảng viên cho các cơ quan báo chí.

- Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các học viện trực thuộc; trung tâm bồi dưỡng chính trị của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương; trường chính trị các tỉnh, thành phố; các cơ sở đào tạo về báo chí; cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo cần xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị riêng cho lãnh đạo và những người làm báo; hằng năm mở các lớp chuyên đề cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên theo phân cấp quản lý cán bộ.

- Để phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, việc cử cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí đi học tại chức về lý luận chính trị - hành chính có thể trẻ hơn 5 tuổi so với độ tuổi đang áp dụng cho các đối tượng khác. Sớm nghiên cứu hình thức học tập lý luận chính trị - hành chính qua mạng đối với cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo chí không có điều kiện trực tiếp học tập tại cơ sở đào tạo.

5- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng và cơ quan quản lý cấp trên của các cơ quan báo chí.

Tổ chức đảng ở cơ quan chủ quản báo chí phải phân công một đồng chí lãnh đạo có bản lĩnh chính trị, am hiểu về báo chí, có kinh nghiệm công tác đảng để theo dõi thường xuyên việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí; thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức về Đảng cho các đồng chí được giao nhiệm vụ giúp cấp uỷ cơ quan báo chí về công tác đảng; chịu trách nhiệm về chất lượng chính trị của tổ chức đảng trong cơ quan báo chí; phổ biến kịp thời, thực hiện nghiêm túc Quy chế về bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí: Thực hiện nghiêm quy trình bổ nhiệm lại đối với cán bộ báo chí đã đến hoặc quá thời hạn giữ chức vụ.

Tổ chức đảng ở cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chỉ đạo báo chí cần phổ biến đầy đủ, kịp thời và thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước về báo chí; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động của báo chí; làm tốt việc chỉ đạo định hướng và chỉ đạo cung cấp thông tin cho báo chí. Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý, cơ quan chỉ đạo báo chí để đảm bảo chỉ đạo thông tin nhanh nhạy, đúng định hướng.

- Cấp uỷ cấp trên trực tiếp của cơ quan báo chí có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng cơ quan báo chí, nhất là kiểm tra, giám sát về chế độ, nội dung sinh hoạt đảng, việc học tập các nghị quyết, phổ biến và thực hiện các quy chế, quy định của Đảng ở cơ quan báo chí; kịp thời khen thưởng, kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng cơ quan báo chí theo quy định của Đảng trên cơ sở nắm chắc tình hình, đánh giá đúng đảng viên và tổ chức đảng cơ quan báo chí.

6- Phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể trong công tác lãnh đạo, quản lý báo chí. Thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của Đảng đối với báo chí.

- Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo báo chí của Đảng, cơ quan quản lý báo chí của Nhà nước, Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản báo chí về cung cấp thông tin cho báo chí; về định hướng chính trị, tư tưởng trong nội dung thông tin của báo chí, nhất là đối với các vấn đề quan trọng phức tạp, nhạy cảm về đối nội, đối ngoại để đảm bảo tính thống nhất và tính kịp thời của các thông tin trên báo chí. Xây dựng quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan đảng, đoàn thể; xây dựng chế tài đủ mạnh, xử lý dứt điểm, kịp thời, nghiêm minh các sai phạm.

- Nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp giữa tổ chức đảng cơ quan báo chí với cấp uỷ xã, phường nơi có cơ quan và phóng viên thường trú trong việc quản lý phóng viên.

- Phát huy vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp hội trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục thực hiện 9 điều “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam".

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt và chỉ đạo thực hiện chỉ thị này.

- Ban cán sự đảng, đảng đoàn, cấp uỷ cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản báo chí và cấp uỷ cơ quan báo chí tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện Chỉ thị.

- Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.

T/M BAN BÍ THƯ

Trương Tấn Sang (đã ký)

No comments: