Chương trình chuyển đổi 51.000ha rừng nghèo sang trồng caosu tại Gia Lai:
Không có rừng vàng!
Lao Động số 182 Ngày 09/08/2008 Cập nhật: 7:28 AM, 09/08/2008
http://www.laodong.com.vn/Home/phapluat/2008/8/101352.laodong
(LĐ) - "Gương mặt rừng" Gia Lai (GL) đã lộ ra một cách thảm hại khi triển khai chương trình 51.000ha chuyển rừng nghèo sang trồng caosu, vì trữ lượng thực tế thấp đáng ngờ so với tính toán.
Và rằng, các bên hữu quan chỉ chăm chắm lấy cho được đất mà phủ định triệt để giá trị tiềm ẩn của rừng.
Lý thuyết... màu gì?
Được giao nhiệm vụ cùng với các tỉnh Tây Nguyên triển khai dự án này, ngày 3.3.2008, Bộ NNPTNT ban hành Thông tư 39/TT- BNN quy định việc chuyển đất rừng sang trồng caosu. Theo đó, các loại rừng lá rộng thường xanh có trữ lượng gỗ dưới 130m3/ha, rừng khộp dưới 100m3/ha, rừng hỗn giao dưới 70m3/ha thì đều có quyền... "trảm", lấy đất trồng caosu.
Và với áp lực tiến độ phải trồng mới 10.000ha tại GL ngay trong năm 2008, một quan chức hàng đầu của ngành kiểm lâm GL đã tính toán rằng, chỉ với mức bình quân thấp theo "tiêu chí rừng nghèo", chừng 50m3/ha đất rừng chuyển đổi, chỉ trong vài tháng "mùa khai hoang" năm 2008, tỉnh GL đã phải lấy ra khỏi rừng đến... nửa triệu mét khối gỗ, bằng chỉ tiêu khai thác gỗ của... 20 năm (?) - một tính toán hoàn toàn hợp lý... thuyết; và "nhờ đó", bắt đầu cho một cuộc... phá rừng lịch sử, và hợp pháp (?!).
Kiệt đến cùng?
Vào cuối tháng 7.2008, diện tích rừng đã khai hoang tại GL là 8.748ha. Từ đây, thay vì có gần nửa triệu mét khối gỗ như trữ lượng bình quân cho rừng nghèo tại GL (50m3/ha), người ta chỉ lấy ra có 23.300m3 gỗ lớn, 2.256m3 gỗ nhỏ, và gần 8.000 ster củi - chỉ thực thu có... 5,4m3 gỗ/ha, bằng một phần mười trữ lượng bình quân "phải có".
Nguỵ biện không thuyết phục trước HĐND tỉnh trong kỳ họp mới đây, Phó GĐ Sở NNPTNT GL - ông Nguyễn Văn Phong, cho rằng "việc tận thu gỗ chính phẩm các đơn vị đã làm tốt, không có việc ủi lấp lãng phí" mà "quên" mất rằng, chính sở này đã cấp phép khai hoang kết hợp tận thu gỗ cho 12 DN (thời điểm 30.6.2008) với khối lượng lên tới gần 100.000m3 gỗ, tận dụng thêm 14.300m3 gỗ khác...
Kết quả kiểm tra thực địa của HĐND tỉnh đã chỉ ra một thực tế khác: "Việc tận thu gỗ (khai hoang) quản lý chưa chặt chẽ, số liệu báo cáo không đồng nhất giữa UBND các huyện, chủ rừng, DN và kiểm lâm; số lượng gỗ thống kê chênh lệch quá lớn so với khảo sát của ngành chức năng".
Ngoài ra, kết luận của đoàn công tác liên ngành của Chính phủ (triển khai từ 28.7-1.8.2008) còn cho rằng: Quy chuẩn rừng nghèo dưới 130m3 gỗ/ha (để chuyển trồng caosu) của Bộ NNPTNT chỉ chú trọng trữ lượng mà "quên" chất lượng rừng. Điều này đã khiến trên thực tế còn quá nhiều vùng rừng có khả năng tái sinh tốt đã và sẽ bị "trảm" không thương tiếc; điều này nguy hại lớn đến môi trường sinh thái.
Điều dư luận hết sức quan ngại rằng: Nếu trữ lượng gỗ thấp xứng đáng để "trảm" đến thế thì bao năm qua, ngân sách nhà nước, công sức nhân dân đã đổ vào đâu khi miệt mài đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ vùng rừng này? Và ngành nông - lâm nghiệp GL phải chịu trách nhiệm gì trước thảm trạng mất rừng?
Thương vụ đất - rừng của Cty Hoàn Mỹ
Trên thực tế, thị trường đất sản xuất, đặc biệt là đất trồng caosu ở Tây Nguyên là có thật và mức giá đã ở "đỉnh": 70 - 150 triệu đồng/ha. Tại một xã phên dậu của GL, giáp ranh với Đắc Lắc, người dân đã tự mua bán với giá đất trống lên tới 100 triệu đồng/ha, nếu đã có "bìa đỏ" còn lên tới 150 triệu đồng/ha...
Ngày 23.6.2008, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên đã ra Văn bản 1724/ UBND- NL chỉ đạo Giám đốc Công an tỉnh "lập chuyên án điều tra đường dây câu móc, cò mồi mua - bán đất trồng caosu". CA đã lần ra một "công ty ma" - Cty CP tư vấn đầu tư và xây dựng Hoàn Mỹ, "mẹ" của Cty TNHH Hoàn Mỹ mới được lập ra năm 2007 có trụ sở tại GL để nhận một suất ưu đãi gần 500ha đất rừng.
Theo nội dung đã được báo cáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Công ty Hoàn Mỹ "mẹ" có trụ sở tại phường Linh Xuân, Thủ Đức, TPHCM do ông Nguyễn Tử Tú làm Tổng GĐ. Cái "trụ sở" này được thuê và chỉ tồn tại 2 tháng (tháng 10 - 12.2005). Cục Thuế Thủ Đức xác nhận: "Hoàn Mỹ do nợ thuế nên từ tháng 10.2006 đã bị "thu hồi mã số thuế và gửi thông báo đến các cơ quan chức năng về việc chấm dứt hoạt động của DN này theo luật định".
Thế nhưng ngày 8.1.2007, Hoàn Mỹ "mẹ" vẫn... họp HĐQT để lập ra Hoàn Mỹ "con" do ông Bùi Văn Khanh làm GĐ, có trụ sở tại 283 Nguyễn Viết Xuân, TP.Pleiku, GL. Và, sau khi cấp phép thành lập Hoàn Mỹ "con" tại GL, ngày 28.4.2008, UBND tỉnh ký liên tiếp 2 quyết định cấp 499,2ha đất cho DN này tại huyện Đắc Đoa và Mang Yang - hiện DN này đã khai hoang được gần 100ha.
Oái oăm hơn, tại khu vực 78,5ha đất ở xã Trang (Đắc Đoa), người dân xã này đã nhiều lần xin được nhận để trồng caosu tiểu điền nhưng cả huyện, tỉnh đều không chấp thuận, sau lại cấp cho Hoàn Mỹ "con". Sau khi được tỉnh GL cấp gần 500ha đất, Hoàn Mỹ "con" bất ngờ nhận văn bản... "đòi" 792ha đất của... Cty đầu tư xây dựng giao thông Bà Rịa - Vũng Tàu (?!). Hoá ra, Hoàn Mỹ "con" chỉ là cái vỏ bọc "chạy dự án" để 16 cá nhân thuộc công ty trên núp bóng góp tiền chia chác đất đai.
Hiện tại, cùng với kiến nghị thu hồi gần 500ha của DN "trời ơi" nói trên, ngành chức năng GL còn phát văn bản đến CA tất cả các tỉnh thành có DN "đầu tư" vào chương trình "đổi rừng lấy caosu" tại GL, đề nghị phối hợp điều tra "nhân thân" các DN này, cũng đồng thời kiến nghị kiểm toán toàn diện đối với các "nhà đầu tư" ngoài tỉnh, một điều lẽ ra đã được triển khai từ trước dưới cây gậy chỉ huy của UBND tỉnh GL. Bởi, có nhiều dấu hiệu tiệm cận với sự bất ổn từ những DN này khi phần lớn chỉ hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại... nhưng vẫn mặc nhiên được cấp đất trồng caosu; và, dư luận tại GL vẫn không thôi bàn về việc "góp vốn làm dự án".
Nguyễn Thịnh
>> Có nguy cơ thành "thương vụ lịch sử"?
Nguyễn Thịnh
---------------------
2008:
- Ô nhiễm sông Thị Vải: Công nhân cảng Gò Dầu kêu cứ...
- Cả làng đi chặt tai ngựa!
- Thuốc giả của Trung Quốc Không phải là Chuyện đùa
- Không có rừng vàng!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment