Sunday, August 10, 2008

Xứ Lạng : Vịt quay “tắm”... hóa chất

Xứ Lạng : Vịt quay “tắm”... hóa chất

Thứ sáu, 18/01/2008, 16:08 (GMT+7)

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.

Ai lên xứ Lạng ...



Từ thành phố Lạng Sơn lên tới thị trấn Đồng Đăng, cửa khẩu Tân Thanh, vào tận các bản làng của huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn), đâu đâu cũng xuất hiện món vịt quay vàng rộm. Vịt được chất cao trong ki-ốt, trên xe tự chế. Vịt buộc thành xâu, quảy thong dong trên vai người bán hàng rong. Vào nhà hàng, món đầu tiên được tiếp thị cũng là vịt quay. Ăn tại chỗ vẫn chưa đủ, từng con vịt quay còn theo khách du lịch về tận xuôi. Theo ước tính, mỗi ngày cả xứ Lạng “xử tử” hàng vạn con vịt. Nhưng ít du khách biết rõ vịt quay có nguồn gốc từ đâu và chúng đã được chế biến như thế nào?

Công nghệ vặt lông “siêu tốc”

Vặt lông vịt xong lại ngâm vịt trong chậu hóa chất


Để rõ sự thực, phóng viên Báo SGGP 12 Giờ đã cùng đồng nghiệp đột nhập vào một số “lò” chuyên thu gom và chế biến vịt quay nằm ở khối 10, thị trấn Đồng Đăng, nơi chỉ cách đường biên giới có vài phút đi bộ là đã “ra nước ngoài”.

Cơ sở đầu tiên chúng tôi đột nhập là của bà T., hơn 50 tuổi. Từ khoảng 5-6 năm nay, cơ sở này chuyên vặt lông vịt thuê cho hàng chục nhà hàng và chủ lò quay nằm ở TP Lạng Sơn. Trung bình mỗi ngày “lò” của bà T. “xử tư”û khoảng 400-500 con vịt mà chỉ cần có 2 người và chỉ trong một buổi chiều là xong tất. Để làm lông được vài trăm con vịt, hai người sẽ phải trằn lưng từ sáng đến chiều. Thế nhưng, bằng việc sử dụng “công nghệ vặt lông siêu tốc”, cơ sở của bà T. có thể đạt công suất tới 1.000 con vịt/ngày.

Đầu tiên, một thanh niên lo việc bắt từng con vịt trong lồng ra, trói lại rồi quẳng sang phía góc sân. Ở đó, một cô gái tiếp tục nhặt từng con vịt để cắt cổ. Tiết vịt chảy xuống một cái xô lớn, bên trong lẫn cả lông vịt, ruồi nhặng. Vịt cắt tiết xong được quăng trở lại bãi gần... nhà vệ sinh. Cứ xong 40-50 con, cả hai người lại chuyển sang công đoạn vặt lông vịt.


Trên sân, một cái chảo to ngập nước đang sôi. Thứ nước rất lạ, đen kịt như nhựa đường và tỏa ra mùi vừa hôi vừa khét, rất lợm cổ họng. Để nhúng từng con vịt vào trong chảo, anh thanh niên phải đeo khẩu trang, bịt mũi. Vịt cứ nhúng vào chậu nước vài giây là được ném ra cho cô gái ngồi “suột” lông. Loại nước nhúng thật “đặc biệt”. Bởi cô gái chỉ cần lấy tay cào nhẹ một cái là toàn bộ mớ lông vịt bị tuột khỏi da, chỉ còn lại đám lông măng. Anh thanh niên lại cầm từng con nhúng vào chảo nước đen.

Đám lông măng tự nhiên rụng sạch, không cần phải dùng nhíp nhổ từng cái một như kiểu làm lông truyền thống. Sau một lúc, toàn bộ số vịt được làm lông bị chuyển sang màu xanh ngăm, trông rất khiếp! Thế nhưng, ngay lập tức, anh thanh niên lôi từ trong nhà ra một gói hóa chất có bột màu trắng, pha vào một xô nước lã. Sau đó, toàn bộ số vịt đã làm lông được ném vào ngâm để… tự nhiên trắng hồng trở lại!

Vịt quay hay thuốc độc?

Ngâm trong dung dịch nhựa thông để dễ nhổ lông

Hai người làm thuê từ chối tiết lộ quê quán, tên tuổi, chỉ nói rằng họ là người làm thuê. Mỗi một đầu vịt làm sạch, được chủ nhà trả 1.000 đồng. Toàn bộ thứ nước để nhúng vịt và bột màu trắng là hóa chất được nhập về từ Trung Quốc. Trong đó, thứ nước đun sôi trong chảo có chứa một chất gọi là nhựa thông. “Ở đây, cơ sở nào cũng phải sử dụng loại hóa chất này. Ngoài chợ Tân Thanh bán đầy. Có hóa chất đó, việc làm lông vịt rất dễ dàng”, người thanh niên nói.

Sau một hồi lâu lần mò, chúng tôi mới tìm được người đàn ông có tên là Hứa Văn Vỹ, khoảng 40 tuổi, ở thị trấn Na Sầm (huyện Cao Lộc).

Sau hồi e dè, anh ta mới dần tiết lộ về quy trình làm lông vịt siêu tốc, kỹ nghệ để cho ra lò một con vịt quay trông có vẻ đẹp đẽ, thơm ngon… Anh ta khẳng định, thứ nước đen mà các chủ lò giết mổ gia cầm ở Lạng Sơn đang dùng để nhúng và vặt lông gà, vịt là nước cực kỳ độc hại - đúng là nhựa thông, chưa kể đến thứ nước dùng để tẩy trắng con vịt trở lại. Mặc dù chỉ cần nhúng qua, nhưng da thịt vịt đã ngấm hóa chất. Chưa xong, đến khi đưa vịt vào quay, để con vịt trông “bắt mắt”, các chủ lò lại tiếp tục tẩm, trộn rất nhiều loại nước phẩm vàng và hóa chất khác.

Anh ta bảo: “Nếu ra chợ, càng gặp loại vịt bày bán trông vàng rộm, bắt mắt một cách bất thường thì càng phải tránh xa. Bởi ăn vào dù vẫn có cảm giác thơm ngon nhưng cực kỳ độc hại. Loại vịt như vậy được bày bán công khai ở khắp các chợ, từ chợ Đông Kinh, Giếng Vuông đến các nhà hàng ở khu Cầu Mới... Điều đáng lo là hiện nay, theo chúng tôi được biết, công nghệ làm vịt, gà kiểu này đã tràn về tận Hải Phòng, Hà Nội”.

Càng về cuối năm, lượng du khách đổ lên khu vực cửa khẩu Lạng Sơn càng đông nghẹt. Bởi vậy, mỗi ngày cả TP Lạng Sơn phải “hóa kiếp” hàng vạn con vịt mới đủ phục vụ nhu cầu của du khách. Ban đầu, chúng tôi nhầm rằng toàn bộ số vịt được tiêu thụ là do người dân Lạng Sơn tự chăn thả. Nhưng Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn thừa nhận, đa phần số vịt quay có nguồn gốc từ Trung Quốc và được nhập lậu vào nội địa qua cửa khẩu Chi Ma. Điều đáng tiếc là cho đến nay, việc sử dụng hóa chất để giết mổ vịt như đã mô tả ở trên đã lên tới mức báo động, nhưng Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa xử lý được bao nhiêu. Vậy thì hậu quả khôn lường vẫn treo lơ lửng trên đầu người tiêu dùng!.

Dùng nhựa thông để vặt lông gà - “phát minh” giết người

Cách đây chưa lâu, vào đầu tháng 11-2007, vụ sử dụng nhựa thông để vặt lông vịt, ngan siêu tốc đầu tiên bị cơ quan chức năng “lột vỏ” là ở “lò” chuyên giết mổ gia cầm của ông Nguyễn Văn Hưng, ở khu dân cư Phương Lưu, phường Đông Hải (Hải An - Hải Phòng). Khi lực lượng liên ngành của TP Hải Phòng gồm công an, quản lý thị trường, thanh tra y tế đột nhập vào thì phát hiện 40 con ngan trong nhà ông Hưng vừa được làm lông bằng thứ nước lạ. Ông Hưng khai nhận, đó là dung dịch nhựa thông pha sáp ong, được cho vào chảo nước đun sôi, có màu đen nâu.

Nhựa thông là loại hóa chất “đen” mà Bộ Y tế đã có lệnh cấm đưa vào chế biến thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Trong nhựa thông có đến 70% là chất colofan, chủ yếu để dùng trong công nghiệp làm xà phòng, làm keo trong và trong công nghiệp chế tạo vi mạch điện tử hoặc chất đốt. Nếu dùng trong chế biến thực phẩm sẽ vô cùng độc hại, gây ra các chứng bệnh nan y. Thế nhưng, theo lời khai của ông Hưng thì hầu như các cơ sở giết mổ gia cầm ở Hải Phòng hiện nay đều áp dụng “công nghệ” lạ lùng, độc hại này để đẩy nhanh tốc độ giết mổ.

http://anhduong.info/joomla/index.php?option=com_content&task=view&id=1901&Itemid=1




http://www.sggp.org.vn/SGGP12h/2008/1/140733/
Xứ Lạng : Vịt quay “tắm”... hóa chất - Diễn đàn Cà Mau
Thủy sản Việt Nam aquaculture agriculture seafood shrimp fish ...
quanlyduan .vn • Xem chủ đề - Xứ Lạng : Vịt quay “tắm”... hóa chất

Lien quan:
- Ô nhiễm sông Thị Vải: Công nhân cảng Gò Dầu kêu cứ...
- Động vật hoang dã VN cạn kiệt

- TQ Cho Người Mua Cây ‘Su Mạ’: Biến Đồi Núi VN Thành Sa Mạc

- Người VN nhậu 6.000 tỉ đồng/năm

No comments: