CHỐNG CỘNG NHƯ THẾ NÀO
Kinh Thánh có câu : “ Nó tự ru ngủ bằng những lý luận đơn giản, sai lầm và ảo tưởng. Nó tự khóac vào người nó một bộ áo đạo đức giả ; nhưng bản chất thật của nó, thì vô cùng gian manh, quỷ quyệt, ác ôn và côn đồ. Nó đã hạ thấp hình ảnh tốt đẹp, cao thượng của con người xuống hàng xúc vật, rắn rết và bò sát. » Ngẫm câu nói trên, mặc dầu đã cách đây hàng ngàn năm, áp dụng nó vào lý thuyết của K. Marx và bản chất thật của người cộng sản ; có người cho rằng để chống cộng sản ; chúng ta chỉ cần thi hành câu nói trên. Tại sao vậy ?
Chống cộng có cả ngàn cách suy nghĩ, việc làm khác nhau ; nhưng tổng quát, có 2 việc làm chính : chống cộng trên phương diện lý thuyết và chống cộng trên phương diện thực hành. Trên phương diện lý thuyết, đó là phản bác sự đơn giản, sai lầm, ảo tưởng của lý thuyết Marx, nhất là phản bác sự kiện nó đã hạ thấp hình ảnh tốt đẹp, cao thượng của con người xuống hàng súc vật, rắn và bò sát. Trên phương diện thực tiễn, đó là chống lại bản chất đạo đức giả, gian manh, giảo quyệt, ác ôn, côn đồ của người cộng sản.
I ) Lý thuyết của Marx đã hạ thấp hình ảnh tốt đẹp và cao thượng của con người xuống hàng súc vật, rắn rết và bò sát.
Engels viết : « Thiên nhiên là viên đá thử vàng của biện chứng pháp và phải nói rằng những khoa học hiện đại của thiên nhiên đã cung cấp cho vấn đề này những nhiên liệu vô cùng quí giá và nó tăng lên mỗi ngày ; khoa học hiện đại đã chứng minh rằng thiên nhiên, cuối cùng ( en dernière instance), đã biến chuyển một cách biện chứng pháp ( dialectiquement), chứ không phải một cách siêu hình ( non métaphysiquement) , rằng thiên nhiên không biến chuyển trong một chu kỳ giống nhau mãi mãi, lập lại hoài hoài ; mà thiên nhiên có một lịch sử thật sự. Về điểm này, chúng ta cần phải nhắc tới Darwin, người đã giáng một quả búa nặng nề cho quan niệm siêu hình về thiên nhiên, bằng cách chứng minh rằng toàn thể thế giới hữu cơ, như nó hiện hữu ngày hôm nay, những cây cỏ, xúc vật, và tất nhiên trong đó có con người , đều là sản phẩm của một tiến trình phát triển đã kéo dài hàng bao triệu năm nay . « ( Engels, dẫn bởi Staline – trong Histoire du Parti communiste/ Bolchévik de l’ U.R.S.S. – trang 118 – Editions Norman Béthune – Paris – 1971).
Ở đây tôi không đi sâu vào việc phê bình lý thuyết của Marx và Engels, xin quí vị xem những bài của tôi như Phê bình lý thuyết của Marx trên phương diện triết học, Sự không tưởng của lý thuyết Marx, v.v.., trên các báo việt ngữ hải ngoại, tôi chỉ nói về sự liên hệ giữa Marx và Darwin ở ngoài đời và trên phương diện tư tưởng.
Charles Darwin ( 1809-1882), Karl Marx ( 1818-1883), người ta có thể nói 2 người này sống cùng thời, Darwin sinh trước Marx 9 năm, chết trước một năm ; hai người cùng ở tại Anh, cư ngụ cách nhau độ vài chục cây số. Năm 1859, Darwin cho xuất bản quyển « De l’Origine des Espèces et des Moyens de la Sélection naturelle », Nguồn gốc chủng loại và những phương tiện lựa chọn tự nhiên ; cũng là năm Marx cho xuất bản bằng tiếng Đức quyển « Le Capital », Tư bản Luận. Người đọc sách trước tiên của Darwin giữa Marx và Engels là Engels ; ông đã say mê và tìm thấy ý nghĩa tiến hóa. Ông đã nói hăng say với Marx rằng Darwin là người cùng phía với chúng ta, vì ông đã tin như chúng ta rằng có một lịch sử thế tục của nhân loại và có một sự đấu tranh sống còn cho cuộc sống. ( Theo J. Attali – Karl Marx ou l’esprit du monde – trang 248 – nhà xuất bản Fayard – 2005 – Paris). Engels đề nghị là phải gặp Darwin, việc mà Marx đã thử ; bằng cách viết cho ông ta một cái thư và gửi biếu sách Tư Bản Luận ; nhưng không nhận được hồi âm của Darwin. Một vài năm sau, khi quyển Tư Bản Luận được dịch ra tiếng Anh, Marx lại viết một bức thư và viết đề tặng Darwin quyển Tư Bản Luận bằng tiếng Anh. Lần này Darwin trả lời một cách lễ phép ; nhưng dè dặt và lạnh nhạt. Ông cho rằng lý thuyết của ông chỉ áp dụng cho khoa học thiên nhiên, chứ không phải cho khoa học nhân văn, ; chỉ áp dụng cho loài vật chứ không phải cho loài người ; và sự lựa chọn tự nhiên giữa loài vật nó xẩy ra một cách tự nhiên, tình cờ ; chứ không phải theo một tiến trình nào cả ; nhất là không theo tiến trình biện chứng pháp như Marx nghĩ. Ông còn thêm rằng những tư tưởng cuả Marx có tính cách tuyên truyền vô thần, chống thiên chúa, có hại cho việc giải phóng trí tuệ ( Sách đã dẫn – trang 403). Những sự kiện này, Marx và Engels hiểu rõ hơn ai hết, thế mà vẫn phớt tỉnh, và thản nhiên viết : « Về điểm này, chúng ta cần phải nhắc tới Darwin, người đã giáng một đòn nặng nề cho quan niệm siêu hình về thiên nhiên, bằng cách chứng minh rằng toàn thể thế giới hữu cơ, như nó hiện hữu ngày hôm nay, những cây cỏ, xúc vật, và tất nhiên trong đó có con người , đều là sản phẩm của một tiến trình phát triển đã kéo dài hàng bao triệu năm nay « ( Engels – Đã dẫn ở trên ) . Sau này, những người theo lý thuyết của Marx như Lénine, Staline và những trí thức cộng sản hoặc không biết, hoặc biết, nhưng cố tình dấu nhẹm đi, vẫn rao rác rằng lý thuyết của Darwin là những đòn búa giáng nặng nề cho quan niệm siêu hình về thiên nhiên. Điều đau buồn là cho tới ngày hôm nay, giới trí thức cộng sản Việt Nam vẫn u mê, rao rác như vậy.
I I) Lý thuyết của Marx đơn giản, sai lầm và ảo tưởng.
Ở đây tôi không đi vào chi tiết, tôi chỉ nói sơ qua về sự đơn giản, sai lầm và ảo tưởng của Marx, trên phương diện lịch sử, kinh tế.
Mở đầu Tuyên Ngôn Thư Đảng Cộng Sản, Marx viết lúc mới có 29 tuổi : « Lịch sử nhân loại cho tới ngày hôm nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp. » Chắc chắn với tuổi này, Marx chưa đọc hết lịch sử của nhân loại. Hơn thế nữa quan niệm lịch sử bạo động và đấu tranh giai cấp của Marx là đơn giản và sai lầm. Marx đã lấy cái gì bất bình thường làm cái bình thường và đưa lên hàng qui luật. Bình thường, lịch sử một con người, một xã hội, một quốc gia, dân tộc là hòa bình, không bạo động, chiến tranh. Con người chỉ bạo động khi bắt buộc. Một quốc gia dân tộc cũng vậy. Có thể nói hai dân tộc Đức Pháp là hai dân tộc đã đánh nhau nhiều lần, đã là nguyên nhân và tác nhân chính của 2 trận Thế Chiến. Nhưng đây cũng chỉ là trường hợp bất bình thường. Hơn thế nữa lịch sử là gì, nếu không là những hành động của con người, của một xã hội, dân tộc được ghi chép lại, trong đó thường là những biến cố quan trọng. Nếu như vậy, thì trong lịch sử nhân loại không thiếu gì sự kiện nước này đánh nước kia, ông lãnh chúa này đánh ông lãnh chúa kia, nhiều khi người trong cùng một gia đình hay 2 anh em tranh ngôi nhau, đánh nhau, như thời Trịnh Nguyễn phân tranh hay Tây sơn ở Việt Nam. Nếu nhìn theo quan niệm của Marx, thì những người này đâu có ở giai cấp khác nhau. Hay phải chăng Marx cho rằng những sự kiện này không phải là sự kiện lịch sử ?
Marx chủ trương bãi bõ quyền tư hữu ; nhưng đây là một lầm lẫn to lớn của Marx ; vì quyền tư hữu không thể bãi bõ, mà chỉ có thể chuyển nhượng. Hơn thế nữa, quyền tư hữu là một động lực khiến con người làm việc. Cảnh cha chung không ai khóc, ruộng chung không ai cày, nhà chung không người chăm sóc, khiến kinh tế cộng sản đình trệ, tụt hậu là vậy. Hơn thế nữa, sau những vụ cộng sản cướp chính quyền, đánh tư bản mại sản, chuyển nhượng quyền tư hữu đang ở trong tay phần lớn nhân dân, nay vào tay một thiểu số đảng đoàn cán bộ, làm cho xã hội trở thành vô cùng bất công : đại đa số dân thì vô cùng nghèo đói ; trong khi thiểu số đảng đoàn cán bộ thì vô cùng giàu có. Xã hội không thành xã hội cộng sản, công bằng như Marx ảo tưởng quan niệm ; mà trở thành một xã hội vô cùng phẩm trật và bất công như hiện thực cộng sản đã chứng minh trong vòng gần một thế kỷ qua đã áp dụng lý thuyết của Marx, tại những nước cộng sản.
Marx cho rằng phương pháp nghiên cứu, tư tưởng của mình là khoa học, thực nghiệm, đi từ cái gì cụ thể đến cái gì trừu tượng, đi từ những sự kiện hiện thực, cá thể đến cái gì tổng quát, phương pháp quy nạp ( l’induction). Nhưng thực tế Marx đi hoàn toàn ngược lại, đi từ cái gì trừu tượng nhất, từ một lời tiên tri cho rằng xã hội loài người sẽ đi đến chế độ cộng sản, không quyền tư hữu, không giai cấp, xã hội « làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. » ; và từ đó Marx cố gắng bẻ cong tất cả những công trình nghiên cứu của mình để phù hợp với lời tiên tri này. Chính vì vậy mà Marx bỏ ra suốt cả cuộc đời vẫn không thể hoàn thành công cuộc nghiên cứu cuả mình vì hiện thực không đi theo lời tiên tri, không thể biến khoa học nhân văn như kinh tế, lịch sử, chính trị thành khoa học thiên nhiên, chính xác Marx đã bỏ dở, không thể hoàn tất quyển Tư Bản Luận cũng là vì vậy.
Chúng ta nên nhớ Marx là người gốc Do Thái, gia đình của ông trải qua bao đời làm mục sư Do thái giáo ở vùng Trèves, vùng Nam nước Đức sát với Pháp, Marx bị ảnh hưởng sâu đậm bởi tư tưởng Do Thái giáo, theo đó con người đang sống trên thiên đàng ; nhưng rồi con người ăn trái cấm, bị đày xuống trần gian, phải sống khổ sở. Tuy nhiên khổ sở đến cùng cực, thì sẽ có một vị cứu tinh, Đức chúa Trời giáng thế, cứu rỗi con người. Marx đã lấy tư tưởng này áp dụng cho tư tưởng của mình ; nhưng hiện đại hóa. Thay vì là thiên đàng, thì Marx thay thế bằng chế độ cộng sản nguyên thủy ; thay vì là trái cấm, thì marx thay thế bằng đầu óc tư hữu. Theo Marx, con người đang sống ở thiên đàng xã hội cộng sản nguyên thủy, không quyền tư hữu. Nay con người ăn vào trái cấm là nhiễm đầu óc tư hữu, nên xã hội chia thành giai cấp, con người bị đọa đày, lâm vào cảnh đấu tranh giai cấp, vì giai cấp là do quyền tư hữu mà ra. Cuộc đấu tranh giai cấp trở nên khốc liệt, hố ngăn cách giầu nghèo quá cao, đưa đến cách mạng tất yếu ; người vô sản, thay vì là Đức Chúa trời , đứng ra cứu con người, làm cách mạng vô sản, bãi bỏ quyền tư hữu, bãi bỏ giai cấp, đưa xã hội loài người trở lại xã hội cộng sản. Đi từ một lời tiên tri, sau này được lập lại khi Marx viết Tuyên Ngôn Thư Đảng Cộng sản lúc 29 tuổi, với tuổi này Marx chưa có thể có những suy nghĩ chín chắn, khoa học, sau này Marx muốn viết quyển Tư Bản Luận, mà ông nghĩ như là một phương tiện khoa học, giúp giai cấp vô sản đấu tranh khoa học. Ông muốn biến lịch sử, kinh tế, khoa học nhân văn, không chính xác, thành khoa học thiên nhiên, chính xác, như toán học, vật lý, hóa học. Đây là một việc làm không thể được. Chính vì vậy mà Marx đã bỏ 40 năm để viết quyển Tư Bản Luận gồm 3 quyển, nhưng chỉ hoàn thành quyển đầu, còn 2 quyển sau bị dang dở, do Engels xắp xếp rồi cho xuất bản sau khi Marx chết. Tuy nhiên có một số trí thức Tây phương cũng như Đông phương, không biết sự kiện này, hay biết nhưng không nói ra, và nhìn sự kiện ngược lại, như ông Phạm như Cương, một trí thức Việt Nam viết : « Bộ Tư Bản luận là công sức của 40 năm lao động, bắt đầu từ năm 1843 cho đến những tháng cuối của cuộc đời Mác. Mỗi bước tiến lên trong nhận thức quy luật của sự tiến bộ xã hội đều là kết quả của một sự tập trung cao độ tinh lực trí tuệ. Đằng sau mỗi phát hiện lý luận, sau mỗi trang bản thảo được viết để làm sáng tỏ cho bản thân mình ( như Mác thường hay nói), là một khối lớn các cuốn sách được đọc đi đọc lại, được nghiên cứu kỹ lưỡng với những đoạn trích, tóm tắt, trải qua hàng giờ, hàng này, hàng tháng và có khi là hàng năm suy tư bền bỉ để hiểu sự vật đến tận cùng « ( Phạm như Cương – Bài học về lao động của C. Mác - Tạp chí Cộng sản – Cơ quan lý luận và chính trị của đảng cộng sản Việt Nam - số 6 năm 1983 - Hanội). Thưa, K. Marx bỏ ra hơn 40 năm mà không hoàn thành quyển Tư Bản Luận, vì ông đi từ những cái gì không khoa học, từ những tiên tri, những ngẫu hứng tuổi trẻ khi viết Tuyên ngôn thư ; nhưng sau đó ông lại muốn biến những thứ này thành khoa học chính xác. Một việc làm không thể làm được.
I I I ) Bản chất của người cộng sản là đạo đức giả, gian manh, quỷ quyệt, ác ôn và côn đồ.
Ở đây tôi xin dẫn chứng những người cựu cộng sản nói về bản chất người cộng sản vì họ là những người hiểu rõ cộng sản hơn ai hết.
Ông M. Gorbatchev, cựu Tổng bí Thư Đảng Cộng sản Liên Sô : « Tôi đã bỏ hơn nửa cuộc đời đấu tranh cho lý tưởng cộng sản ; nhưng ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói láo. » Ông Yakolek, Ủy viên Bộ Chính trị cũng cuả Đảng Cộng sản Liên Sô : « Cộng sản là một loài sâu bọ ; con mới đẻ nằm lên xác con già, con già nằm lên xác con trẻ. Trong đó có con khỏe nhất, leo lên được chỗ cao nhất. Nhưng để leo lên chỗ cao nhất thì nó dẵm lên xác không biết bao con khác !" Ông Phạm quế Dương, cựu đại tá cộng sản, cựu Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Quân đội nhân dân : « Cộng sản vừa bất tài, vừa bất lực lại vừa bất lương. » Ông Lê xuân Tá, trí thức, cựu Phó trưởng ban khoa học và kỹ thuật Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam : « Sự ngu dốt và sự thấp hèn tự nó không đáng trách và không làm nên tội ác. Nhưng sự ngu dốt và sự thấp hèn mà được trao quyền lực và được cấy vào vi trùng ghen tỵ, thì nó trở thành quỉ nhập tràng. Và con quỉ này nó ý thức rất rõ và mau lẹ rằng cái đe dọa quyền và lợi của nó chính là sự hiểu biết, trí thức, văn hóa và văn minh ; nên nó đã đánh những thứ này một cách tàn bạo, dã man, không thương tiếc. Vụ Nhân văn giai phẩm ở Việt Nam là vậy. Cách mạng Hồng vệ binh ở bên Tàu là thế. Tuy nhiên, vì là ngu dốt và thấp hèn, nên những thứ này đã trở nên sỏi thận, sỏi mật, sơ gan cổ chướng trong lục phủ, ngũ tạng của chế độ cộng sản, làm cho chế độ này không ai đánh mà tự chết "
Thực vậy, nếu chúng ta đọc cuộc đời và tư tưởng của K. Marx, chúng ta đều biết quan niệm cách mạng tất yếu của ông và ông đã bỏ ra cả cuộc đời chờ đợi cách mạng tất yếu xẩy ra ở những nước kỹ nghệ ; lúc đầu ông hy vọng ở Anh ; sau đó ở Đức ; nhưng cách mạng tất yếu không xẩy ra ; vì nhiều nguyên do ; trong đó có một nguyên do chính đó là giới trí thức ở các nước Tây Âu đã nhìn rõ từ lúc đầu tính chất đơn giản, sai lầm và ảo tưởng trong lý thuyết của Marx. Ferdinand Lassalle ( 1825-1864), bạn của Marx, cùng đấu tranh với Marx ; Edouard Bernstein ( 1850-1932) cùng với Karl Kautsky ( 1854-1938), được coi là đồ đệ của Marx và Engels, vì nhìn thấy những sai lầm của tư tưởng Marx, nên đã bỏ thầy ; và cùng Lassalle lập ra đảng Dân chủ xã hội Đức bây giờ. Ông Pierre -Joseph Proudhon ( 1809-1865), người cùng thời và đã từng bút chiến với Marx. Ông viết quyển Triết lý của sự nghèo đói (Philosophie de la Misère). Marx trả lời lại bằng cách viết thẳng bằng tiếng Pháp quyển Sự Nghèo nàn của Triết lý ( Misère de la Philosophie ). Theo Proudhon, thì lý thuyết của Marx là một con sán lải ( le tania ), xã hội nào mắc vào nó thì trở nên bệnh hoạn, không thể phát triển được. Kinh nghiệm gần 100 năm qua áp dụng tại các nước cộng sản quả thực đã chứng minh như vậy. Dân tộc các nước Liên Sô, Đông Âu đã can đảm đứng lên vứt bỏ con sán lải cộng sản. Dân tộc Việt Nam, bắt đầu bằng giới trí thức cộng sản như ông Phạm như Cương, hãy can đảm, sáng suốt, nhìn rõ tính chất đơn giản, sai lầm và ảo tưởng của tư tưởng Marx, đứng lên vứt bỏ nó đi. Làm như vậy thì dân tộc, đất nước Việt Nam mới có thể phát triển được.
Paris ngày 02/06/2007
Chu chi Nam
http://pagesperso-orange.fr/chuchinam/
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment