Thuở nhỏ, tôi chưa hiểu vì sao người ta lại gọi một quốc gia, một lãnh thổ là “đất nước”. Người trong quốc nội gọi thế mà người ngoại bang cũng gọi thế. Khái niệm “tổ quốc” người ta chỉ dùng trong giới hạn của con người sống trong xứ xở ấy nhằm biểu hiện một tình cảm thiêng liêng mang tính chủ quan cá nhân. Hai tiếng “đất nước” mang ý nghĩa rộng hơn, khách quan hơn. Càng lớn lên, tôi càng nhận thấy gọi non sông bờ cõi bằng hai tiếng “đất nước” là ý nghĩa sâu sắc lắm. Sự tồn sinh của một xứ sở, một cộng đồng người còn gì quan thiết hơn là “đất” và “nước”? Suy cho cùng thì tất cả những thứ nuôi dưỡng sự sống con người đều từ “đất” và “nước” mà ra.
Gần đây, tôi có nghe người dân quê tôi truyền miệng một câu chuyện: Người ta hỏi một cậu bé thần đồng nào đó: “Chân tay bẩn thì phải làm gì?”. Thần đồng trả lời: “Lấy nước mà rửa”. Hỏi tiếp: “Nước bẩn thì làm thế nào?”. Thần đồng đáp: “Lấy máu mà rửa!”. Người hỏi ở đây có cách chơi chữ. Chữ “nước” mang nghĩa đen là chất lỏng, là thuỷ; nghĩa bóng là “tổ quốc”. Nhưng dù câu hỏi mang nghĩa đen hay nghĩa bóng thì câu trả lời “lấy máu mà rửa” đều rất đắc địa. Tổ quốc bẩn vì gót giày quân xâm lược, vì những quốc nạn làm sụp đổ một thể chế, chúng ta phải lấy máu ra mà đánh đổi, giành lại, hẳn nhiên rồi; còn cái thứ nước chất lỏng, là thuỷ cũng xin chớ ai coi rẻ. Nó cũng mệnh hệ chẳng khác mấy sự mệnh hệ của khái niệm “nước-tổ quốc”. Chẳng cần phải suy ngẫm nhiều, nhỡn tiền cũng thấy: hàng ngày nước ta cần bao nhiêu nước để trồng cấy, chăn nuôi, cho sự vận hành của máy móc; cần bao nhiêu nước sạch cho tắm giặt, ăn uống, chế biến? Thiếu nước hoặc nước bẩn thì con người sẽ đồng hành với sự thoái hoá, bệnh tật, dẫn đến tử vong, huỷ diệt, thì chẳng phải “lấy máu mà rửa” đó sao!
Thời Lê - Trịnh, nước Việt ta sinh ra một học giả lớn là Lê Quý Đôn; người ta hay gọi ông bằng danh hiệu bác học cũng chẳng có gì là sai. Lê Quý Đôn viết hàng chục bộ sách; ở thể loại nào, văn, sử, dư địa chí hay chính luận thì ông vẫn dành cái phần đáng kể nhất cho “đất” và “nước”. Riêng cuốn Vân đài loại ngữ, gồm 967 điều, thì tác giả dành hẳn 320 điều trong phần “Phẩm vật ngữ” để nói về những phẩm vật có từ “đất” và “nước” hoặc nhờ “đất” và “nước” mà được sinh ra. Chẳng hạn như nói về các loại gỗ, trong sách đã nêu và phân tích tới 38 loài gỗ quý. Ây là do hạn chế về lịch sử của cuốn sách, được biên soạn từ thế kỷ XVIII, nên còn thiếu một số loại gỗ siêu quý như gỗ hoàng đàn, gỗ sưa... Khi nói về lúa, vật phẩm trực tiếp nuôi sống thân xác con người, Lê Quý Đôn nêu ra tới ngót 200 giống. Dĩ nhiên, cũng có những giống chỉ có ở nước Tàu, ở nước ta không có. Và ngược lại.
Sinh sau Lê Quý Đôn 56 năm, một học giả lớn nữa là Phan Huy Chú (sinh năm 1726). Ngay từ khi mới ngoài ba mươi tuổi, Phan Huy Chú đã quyết định chôí bỏ chốn thi thố quan trường, danh lợi, trốn lên núi Sài Sơn dựng một ngôi lều nhỏ, tự nhốt mình vào sách vở bút nghiên để viết tác phẩm Lịch triều hiến chương loại chí. Cuốn sách đồ sộ này gồm 10 bộ môn, gọi là 10 chí có quan hệ với nhau và là những vấn đề cốt yếu của một quốc gia. Trong 10 bộ môn thì cái bộ môn nói về “đất” và “nước” được tác giả xếp hàng đầu, gọi là “Dư địa chí”. Trong phần này,khi khảo về đất đai,phong thổ trong lịch sử Việt Nam qua các đời, Phan Huy Chú có những nhận định, đánh giá, kết luận:
“... Muốn cho dân có tài sản, chủ yếu là việc quân điền. Bởi tai hoạ trong một nước do chỗ ruộng đất không quân bình. Nếu tài sản mọi người được bình thường thì nhân dân tất nhiên đầy đủ. Chế độ ruộng đất Bắc Hà từ trước đến nay sổ sách thiếu sót không thể tra cứu được. Nhưng đại thể, ruộng đất của nhân dân để mặc cho bọn cường hào chiếm đoạt. Hơn một ngàn năm nay, những người làm vua, làm chúa trong nước không ai khôi phục lại chế độ ruộng đất của đời cổ để từ bỏ tai vạ cho dân...”.
“Của báu của một nước, không gì quý bằng đất đai. Nhân dân và của cải do đấy mà sinh ra...”.
Vì sao Phan Huy Chú lại khẳng định như vậy? Ngoài việc dày công nghiên cứu tư liệu lịch sử,thì cái thời Phan sống,trải qua các triều vua Gia Long, Minh Mệnh cũng đã có những dữ kiện chứng minh: Minh Mệnh lên ngôi vua trong 20 năm(1820-1840) mà đã phải đương đầu với 234 cuộc khởi nghĩa nông dân; mà cuộc khởi nghĩa nông dân nào thì cũng xuất phát từ sự bất công trong chuyện điền thổ. Điền thổ mà bất công thì tránh sao được chuyện đói khát, loạn li?
Bây giờ, trong câu chuyện của giới nghiên cứu, tôi thường hay được nghe người ta so sánh giữa triều Minh Trị bên Nhật Bản với triều Nguyễn bên nước Việt ta. Nhiều người cho rằng, sở dĩ triều Minh Trị công nghiệp hoá, canh tân đất nước thành công, còn triều Nguyễn bên ta, cùng một thời điểm,lại bỏ lỡ cơ hội là bởi các vua quan nhà Nguyễn có tư tưởng bế quan toả cảng, yếm thế, lại thiếu cái tinh thần quả cảm, quyết liệt được hun đúc từ truyền thống võ sĩ đạo ngàn năm của đất nước hoa anh đào. Điều so sánh ấy đâu có sai. Nhưng theo thiển nghĩ của tôi, triều Nguyễn bỏ lỡ cơ hội còn bởi một nguyên nhân vô cùng hệ trọng, căn cốt mà chưa ai nói, đó là sự trì níu từ vấn đề điền thổ đối với nông dân. Minh Mệnh trị vì 20 năm, với 234 cuộc khởi nghĩa; Thiệu Trị 7 năm với 58 cuộc; triều Tự Đức, chỉ tính từ 1848-1862 cũng đã nổ ra hơn 40 cuộc, mà lại toàn những cuộc lớn, như cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương của Lê Duy Cự, Nguyễn Kim Thanh, Cao Bá Quát vào năm1854 là một điển hình. Các ông vua ấy chỉ lo đối phó, đánh dẹp những cuộc khởi nghĩa và lo chăm nuôi các phi tần, mĩ nữ đã đủ mệt rồi, còn đâu hơi sức mà tính chuyện đổi mới, canh tân đất nước!
Những nhân sĩ lớn như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ... từng ra nước ngoài,học được vô khối điều hay mang về nước cũng đều bị xếp xó. Hay như chuyện học giả Phan Huy Chú mà tôi đang nói đến: Khi hoàn tất bộ Lịch triều hiến chương loại chí, dâng vào triều, được vua Minh Mệnh ban thưởng cho 30 lạng bạc, một chiếc áo sa, 30 cái bút, 30 thỏi mực cùng với những lời khen có cánh. Sau đó, còn được vua vời vào triều phong cho chức Biên tu trường Quốc Tử Giám. Sang năm Quý Mùi (1823), ông được thăng tiếp lên chức Lang Trung bộ lại. Cứ như số đông quan lại thời ấy, được ân sủng như thế thì cứ ngồi vểnh râu, rung đùi, ăn nói nửa lạc nửa mỡ mà hưởng lộc vua, mặc kệ dân; đằng này, vào một ngày xấu trời, nhân cách kẻ sĩ lại trỗi dậy trong con người Phan Huy Chú; giục giã ông làm một bản điều trần, gồm bốn việc:
Một: Hãy xem dân là gốc của nước. Gốc có vững xã tắc mới yên. Muốn vậy,triều đình phải thư sức cho dân; bớt thuế, bớt lính, bớt những phiền hà khác.
Hai: Thực hiện chế độ quân điền. Làm thế nào để mỗi tấc đất của lãnh thổ phải được khai khẩn, mọi người đều có ruộng để trồng cấy, dập tắt nạn áp bức, chiếm đất của bọn cường hào, lý dịch. Khi dân có ruộng để cày cấy thì làng xã mới yên ổn, từ đó mà hướng dẫn dân xây dựng phong tục, kỷ cương.
Ba: Hãy bãi bỏ ngay lập tức những cuộc hành binh dẹp loạn. Phan lập luận rằng, dân nổi loạn là vì đói rét. Nếu không giúp họ được no đủ thì mầm loạn diệt chỗ này sẽ mọc lên chỗ khác.
Bốn: Hãy nghiêm trị bọn quan lại tham nhũng. Phan lập luận rằng, thượng bất chính hạ tắc loạn. Các quan phải tự mình tu nhân tích đức thì mới giáo hoá được dân. Dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật. Pháp luật sở dĩ không nghiêm, không thi hành được là do người trên phạm.
Thảo xong bản điều trần, Phan Huy Chú dâng vào triều, với tinh thần phấn chấn mà nghĩ rằng, nếu vua nghe và làm theo thì vận nước sẽ thay đổi,tiến đến an hoà, thịnh trị. Nhưng thật trớ trêu, vua Minh Mệnh vừa đọc xong, ngài liền phán những câu xanh rờn:
“Phan Huy Chú là con một đại thần của Tây nguỵ(tức ám chỉ Phan Huy Ích, phụ thân Phan Huy Chú, từng làm Lễ bộ Thượng thư dưới triều Tây Sơn. Các vua nhà Nguyễn coi nhà Tây Sơn là nguỵ triều - LHN chú thích). Nhờ có chút học vấn mà trẫm không nỡ hẹp lượng, mà trọng dụng hắn. Ai dè hắn không biết mình biết người, muốn trèo cao bay xa, ăn nói như kẻ mất trí. Hãy xem, trong lúc giặc cỏ nổi lên làm loạn, hắn khuyên trẫm bãi binh dẹp loạn? Trong lúc trẫm ban thưởng ruộng đất cho kẻ có công, hắn khuyên trẫm chia ruộng cho dân đen? Nếu trẫm không muốn mang tiếng ác, riêng những việc sàm tấu này cũng đủ giao hắn cho hình quan xét xử!”
Kể từ hôm đó, Phan Huy Chú vẫn làm trong triều mà như câm như điếc. Một thời gian sau, Phan kiếm cớ đau yếu, viết đơn xin từ quan, về quê mở trường dạy học cho đến tận lúc ông trở về với cát bụi vào mùa thu năm Canh Tý(1840), hưởng thọ 58 tuổi.
Rất may là bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan chưa bị đốt nên hôm nay tôi mới còn được đọc. Tôi không rõ người Việt ta hôm nay có bao nhiêu công dân quan tâm đến bộ sách này, nhưng tôi dám quả quyết rằng, rất nhiều quan chức đang gánh những trọng trách liên quan đến “đất” và “nước” chưa hề đọc một dòng nào. Cứ quan sát cung cách họ ứng xử với dân là biết!
Mấy năm nay, người viết bài bút ký này được điều động sang làm công tác chữ thập đỏ, rất hay cùng với anh chị em trong cơ quan về nông thôn làm công tác từ thiện nhân đạo, thực hiện những dự án trồng rừng ngập mặn, dự án trồng tre chống bão lũ, phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch HIV-AIDS. Mỗi lần đi trên những con đường về huyện, tôi lại thấy ngày càng có thêm những thửa ruộng chân vàn, sa bồi màu mỡ bị lấp đầy cát biển. Có đoạn chỉ dài hơn hai mươi cây số mà nhìn hai bên đường tôi đếm được tới hơn chục chỗ lấp cát biển như thế. Chỗ hẹp cũng một vài héc-ta. Chỗ rộng tới hàng chục héc-ta. Nhiều chỗ lấp cát dăm bảy năm rồi mà vẫn bỏ hoang cho cỏ mọc. Có chỗ người ta dựng lên một cái lán, trong đó xếp ngổn ngang mấy cây gỗ rẻ tiền, như để mách bảo với mọi người rằng, nơi đây sắp sửa mọc lên một xí nghiệp chế biến gỗ. Có chỗ người ta dựng lên một tấm pa-nô khổng lồ, vẽ mô hình một cái nhà máy gì đó xanh xanh đỏ đỏ,rất choáng lộn. Nhưng thời gian và mưa nắng đã làm mục nát cái pa-nô ấy từ lâu rồi mà chẳng thấy ai đến khai móng xây dựng. Cát biển vẫn trắng đến rợn người,trơ ra cùng tuế nguyệt! Cũng có chỗ thấy đặt mấy cỗ máy, nhưng nhìn tinh thì hoá ra là máy thải bãi rác của những nước công nghiệp phát triển!
Những nông dân được thương lượng trả đất ruộng ra cho nhà nước thì lòng dạ vô cùng phấn chấn vì nghĩ mình sắp được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới đến nơi rồi. Họ vui vẻ chia lẻ gia đình, chồng cầm số tiền được đền bù mua cái xe Dream, xe Wave Tàu lên thành phố chạy xe ôm; vợ đáp xe bus tới chợ việc làm dưới gầm cầu Long Biên - Hà Nội, cầu Đò Quan - Nam Định, ai gọi thuê mướn gì cũng vui vẻ nhận lời. Thậm chí làm cái việc tắm táp, lau chùi, đổ bô cho những người bệnh lây nhiễm, sắp giã từ thế giới, cũng không thể từ nan! Nếu ai có chút vốn thì đăng ký một suất sang Hàn Quốc, Đài Loan làm “ôsin” cũng được coi là may mắn.
Một số nông dân ra thành phố hay sang nước ngoài mà gặp chuyện rủi ro, không cạnh tranh được,thì lại trở về làng. Về làng mà không tìm được mánh sinh nhai, nhìn thấy cái thửa ruộng của mình hiến cho công nghiệp hoá chỉ thấy cỏ mọc, lòng sinh nghi, mang máng nhận ra một điều gì đó thiếu minh bạch, thế là có chuyện!
Cách đây ít ngày, tôi có gặp một gia đình bị rơi vào hoàn cảnh như thế. Chị tên B., khoảng ngoài 40 tuổi, trông gày mòn nhưng vẫn còn vẻ kháu gái. Chồng chị lên Hà Nội chạy xe ôm ở một bến xe, chẳng hiểu tranh giành khách thế nào mà những người cùng làm chơi trò xã hội đen với anh. Anh bị chúng đánh đòn âm. Chẳng xây xát gì mà đau lục phủ ngũ tạng. Bây giờ chỉ còn biết nằm thẳng đuỗn trên giường mà thở. Dạo chồng chưa gặp nạn, có bao nhiêu đồ đạc bán hết, vay chạy thêm để chị B. làm chuyến xuất ngoại. Đến ngày ra sân bay, chị B. mới biết mình bị lừa. Trở về, nhìn người chồng nằm liệt trên giường, ruồi đậu vào mép không thèm đuổi, đàn con nheo nhóc, rách rưới, nhìn chỗ thửa ruộng của mình hiến cho khu công nghiệp thì giờ đây lại mọc lên một quán ẩm thực, có những cái “lều câu cá” xung quanh. Không cầm lòng được, chị đành bấm bụng cầm bút viết đơn xin đòi lại đất. Lá đơn của chị lượn nhiều vòng xã - huyện - tỉnh - Hà Nội, Hà Nội, tỉnh - huyện - xã hàng năm rồi mà chưa thấy tín hiệu nào để có thể hy vọng. Lần gần đây nhất, không nhịn nhục được nữa, chị nói toẹt vào mặt cái ông có chức vụ tầm tầm những câu không mấy nhã nhặn thì ngay tối ấy, có mấy ông lạ mặt xông đến nhà doạ: nếu chị còn nghe theo bọn phản động nước ngoài xúi giục đi khiếu kiện, làm mất thể diện quốc gia trên trường quốc tế, họ sẽ bắt chị đi cải tạo. Chị B. chẳng phải tay vừa, nghe thế thì đốp ngay:
“Tôi xem trên ti vi thì thấy bây giờ nhà nước mình chơi thân với nước ngoài lắm, hết nước này vào đến nước kia ra. Tay bắt mặt mừng! Ôm hôn thắm thiết! Còn tôi, một con mẹ sề nhà quê ít học, ngu dốt, hôi hám, nếu có kẻ nước ngoài nào về đây chơi với tôi thì phúc đức nhà tôi đã to bằng cái đình! Các ông chỉ giỏi làm cái việc bốc lửa bỏ tay người!”
Tôi tìm đến gặp H., chủ tịch UBND xã, cái xã đã hiến cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá khá nhiều đất, trong đó có thửa ruộng nhà chị B. Tôi chỉ tay về những chỗ đất lấp cát biển, hỏi H.:
“Anh nghĩ sao khi đất ruộng màu mỡ bị lấp cát biển mặn ,trắng xoá như sa mạc thế kia, trong khi nông dân xã này nhiều người bây giờ không một tấc đất cắm dùi?”
“Khó nghĩ quá, anh ạ” - chủ tịch H. gãi đầu, vò tai – “Khi người ta vận động chúng tôi hiến đất, bằng những lời hứa, thì ai cũng tưởng mình sắp đổi đời đến nơi, chứ đâu ngờ... Chậc! Nhưng mà lao động nông nghiệp bây giờ rẻ mạt lắm. Người thèm khát ruộng đi khiếu kiện cũng có.Nhưng không thiếu những người bỏ ruộng, nhượng ruộng cho người khác. Họ ra thành phố, chỉ một cuốc xe ôm, kiếm dăm ba chục, thậm chí hàng trăm, bằng làm ruộng cả tuần cả tháng! Đấy, anh xem, đa số họ hiến đất cho khu công nghiệp mà có nuối tiếc gì đâu! Nói thẳng ra là họ chán ruộng. Còn mấy người mang đơn thư đi kiện cáo, chẳng qua là ra thành thị gặp rủi ro, quay về, lại vụng đường làm dịch vụ...”
“Làm con dân của một nước hãy còn hơn bảy mươi phần trăm nông dân mà lại khinh rẻ đồng ruộng, quả là một hiện tượng bất bình thường, lịch sử nước ta chưa hề có chuyện tương tự!” - Tôi nói thẳng với chủ tịch H. – “Ngay như nước Mỹ, công nghiệp - đô thị của họ phát triển hiện đại thế mà họ đâu có coi thường đồng ruộng! Sản phẩm nông nghiệp của họ hiện nay có chất lượng tốt nhất thế giới; tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm ấy ra nước ngoài cũng cao nhất thế giới. Hay là hàng xóm với ta, như Thái Lan, công nghiệp họ phát triển hơn ta nhiều, nhưng nông nghiệp của họ đâu có bị rẻ rúng! Ông chủ tịch đã ăn quả dưa, quả nho của Mỹ, hay quả xoài, quả táo của Thái Lan chưa?”
“Ăn rồi! Các chợ trên thành phố bán nhiều lắm. Các chợ huyện cũng đã bắt đầu xuất hiện” - chủ tịch H. nói – “Phải công nhận là ngon!”
“Và giá cả của những sản phẩm ấy thường đắt hơn những sản phẩm cùng loại của ta từ 3 đến 5 lần, đúng không?” - tôi nói – “Trong khi đó đồng đất của họ đâu phải màu mỡ hơn đồng đất của ta! Vấn đề là ở những cái đầu! Trừ số ruồng đã hiến cho công nghiệp,số còn lại, đã bao giờ anh tính đến việc phải biến thành nơi thâm canh những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, từa tựa như dưa, nho Mỹ, táo, xoài Thái... để người nông dân quê anh có thể sống và làm giàu trên chính thửa ruộng của mình chưa?”
“Tôi cũng đã tính đến.” - chủ tịch H. nói – “Nhưng để làm được điều đó là cả một quá trình gian lao. Phải tháo cởi nhiều thứ. Vất bỏ nhiều thứ. Trả giá cũng sẽ nhiều. Trong khi ở Việt Nam mình bây giờ tôi có cảm nhận rằng, người ta ham hưởng thụ, sống gấp, chứ không hề muốn trả giá để thay đổi...”
Chủ tịch H. nói chuyện rất kín cạnh. Nói chung, hàng cán bộ xã bây giờ họ đều tập ăn nói kín cạnh như thế. Có ý định phê phán điều gì của nội bộ thì cũng chỉ bóng gió xa xôi, chung chung chi sự, không dám nhằm vào một người cụ thể. Bởi vì họ đã được hưởng chế độ lương nhà nước chứ không còn phải hưởng đồng lương còm từ ngân sách xã như xưa. Không học hành trường lớp, bằng cấp gì mà mỗi tháng trên dưới triệu đồng tiền lương, là cái lộc nước đâu phải nhỏ! Lại làm việc trong thế cạnh tranh âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt, vụng đường ăn nói là anh khác nó vin vào đó, quy thành điều nọ điều kia, lấy mất ghế như bỡn! Nhưng dù H. nói năng kín cạnh thế, chúng ta cũng có thể cảm nhận được thông điệp của những câu anh nói hàm chứa nội dung gì!
Đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, ngoài nguyên nhân bành trướng vô lối của công nghiệp, còn biết bao sự xâm lấn khác, như vượt thổ làm nhà, mở rộng và làm thêm đường mới, dựng cột điện, xây lăng mộ... trong khi dân số nước Việt tăng trên dưới một triệu người mỗi năm. Quan sát hiện thực, có lúc tôi giật mình tự hỏi: xã hội cứ diễn tiến với hình thái, nhịp điệu như hiện nay thì mười năm sau sẽ có bao nhiêu cái gọi là khu công nghiệp ở tỉnh, huyện lãnh trách nhiệm làm bãi thải của công nghiệp nước ngoài? Bao nhiêu gia đình nông dân bị phá sản? Trong số đó thì bao nhiêu phần trăm dạt về thành thị kiếm được việc làm,còn bao nhiêu sẽ phải vật vạ nơi bãi rác, gầm cầu? Bao nhiêu nam thanh nữ tú nước Việt tìm sang các nước lân bang bán sức lao động, làm nô lệ tình dục? Bao nhiêu thiếu nữ trinh tiết nước Việt sẽ chịu làm vợ bé, vợ lẽ, vợ của các ông già tàn tật, bất thành nhân dạng ở nước ngoài?
Đấy là chuyện về “đất”. Thực ra trong “đất” cũng đã có “nước” rồi. Nhưng nếu tách bạch riêng ra để bàn thì “nước” cũng có khối chuyện. Như ở phần đầu bài ký, tôi đã nói đến cái chuyện cậu bé thần đồng trả lời một câu bất hủ, có thể mang đi ứng cử giải Nobel được: “Nước bẩn thì lấy máu mà rửa”. Bị ám ảnh về câu nói ấy mà bấy nay, tôi rất hay để ý đến chuyện nước nôi, theo nghĩa đen và cả nghĩa bóng. Chẳng phải đi đâu xa, chỉ mang những điều cảm nhận từ nơi chôn nhau cắt rốn của mình cũng dư thừa những dẫn chứng.
Chẳng hạn, những dòng sông, với những cái tên quê kiểng, đáng yêu, như Đại Tám, Sách Cộc, Gốc Bàng... mà tuổi thơ tôi dường như không có mấy ngày là không dầm mình tắm táp dưới dòng nước của một trong những dòng sông ấy. Đăng đó, thả câu, giăng lưới, vãi chài... đến nỗi da tôi nhuộm màu phù sa, tóc đỏ như lông bò. Chẳng độc hại, ốm đau gì. Những cánh đồng thì từ đận cây lúa ôm đòng cho đến lúc gặt hái cứ toả hương nồng nàn. Hương lúa hoà với hương cỏ gừng, cỏ mật. Trưa đến, đi học về qua cánh đồng, nghe tiếng cá quẫy tũng toẵng, tiếng tôm rảo bật tanh tách trên mặt nước ruộng; bỏ cặp sách trên bờ, lội xuống mò bằng tay một lát cũng đủ bữa ăn tươi cho cả nhà, không tôm cá thì cua, rạm...
Bây giờ, sau mấy chục năm, vẫn những dòng sông ấy, nhưng chẳng còn đứa trẻ nào còn dám nhảy xuống tắm táp. Tôi đã làm một phép tính thống kê rằng,thiếu niên làng tôi thời tôi còn nhỏ có tới 95% biết bơi; còn bây giờ thì ngược lại, 95% các cháu không biết bơi. Con số 5% còn lại là thuộc con em những gia đình khá giả, thỉnh thoảng được bố mẹ cho đi nghỉ mát tắm biển mà biết bơi. Cá tôm dưới sông cũng đã cạn kiệt nên chẳng còn ai vó chài, đăng đó. Trừ những tháng có phù sa, còn thì lúc nào mặt nước sông cũng xam xám, cái màu của ao tù, cống rãnh. Không hiểu hoá chất và chất thải ở đâu ra mà nhiều đến vậy!
Cánh đồng thì chỉ còn những con vật chịu được hoá chất như ốc bươu vàng, ốc nhồi. Những con vật từng là biểu trưng cho đồng quê như cua, ốc, lươn, trạch, ếch... bây giờ chỉ còn tìm thấy trong bể nuôi...
Cách đây chưa lâu, tôi về làng chơi với gia đình anh trai. Thấy chị dâu lội ruộng haí rau muống, tôi toan lội xuống giúp thì chị tôi vội lấy một đôi găng chân bằng cao su màu nâu bắt tôi phải xỏ chân vào. Thật ngỡ ngàng, xưa kia, người nông dân quê tôi có ai đi găng tay găng chân bao giờ. Chị dâu tôi giải thích rằng, ruộng đồng ngày nay khác xưa lắm rồi, nếu không đi găng chân, lội xuống, tối về sẽ bị mẩn ngứa, thậm chí bị nhiễm trùng máu nếu không may giẫm phải mảnh sành chai lọ (chai lọ thuốc trừ sâu hoặc hoá chất) thì xem như oan gia, đại hạn!
Thuở tôi còn nhỏ,ở quê tôi thường dùng nước giếng khơi ăn uống. Cách đây khoảng hơn mười năm thì nước giếng khơi đã bị nhiễm bẩn, người ta phải dùng nước giếng khoan. Những cái giếng UNICEF khoan sâu xuống lòng đất hàng trăm mét. Dạo mới khoan, bơm nước lên là thứ nước trong vắt, vô trùng, không cần đun sôi vẫn uống được. Bây giờ thì nhà nào cũng khoan một cái giếng như thế. Nguồn nước cũng đã có những dấu hiệu cạn kiệt. Về mùa khô, nhiều giếng bơm đã không lên nước. Nguồn nước bẩn cũng đã có những ngả đường riêng xâm nhập giếng khoan. Dùng thiết bị y tế kiểm nghiệm đã thấy có những chất gây bệnh. Chả trách làng tôi bây giờ lúc nào cũng thường xuyên có dăm bảy người nằm bệnh viện K điều trị bệnh ung bướu. Cái bệnh ung thư bây giờ cũng lạ lắm, rất đa dạng. Có người ung thư ở ngay đầu lưỡi. Có người lại ung thư ở một ngón chân...
Rồi sẽ đến một ngày những cái giếng khoan sâu hơn trăm mét này cũng không còn dùng nước được nữa chăng? Đành phải quay lộn trở về thời tự cung tự cấp,học tập ông cha, xây bể hấng nước mưa mà dùng chăng? Bây giờ khí trời dường như cũng đã ô nhiễm, biết đâu nước mưa của trời cũng không còn trong lành nữa?
Liệu chúng ta có phải “lấy máu mà rửa” không? Cầu trời, điều ấy xin đừng xảy ra!
Đại Lải - Nghĩa Hưng
tháng 11 năm 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment