Wednesday, October 29, 2008

Phạm Quế Dương: Gian nan một hội chưa thành

Phạm Quế Dương



Ông Phạm Quế Dương

Đầu năm 1990, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo về đa nguyên, đa đảng do ông Trần Xuân Bách, lúc ấy làm thường trực Ban bí thư trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trì. Cuộc hội thảo có sự tham dự đông đảo của các nhà khoa học, chính trị tham gia.

Khi ấy, tôi làm Ủy viên thường trực của tờ Tạp chí Khoa học và Tổ Quốc, cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, tôi cho đăng tin về cuộc hội thảo này, bản tin do văn phòng của Liên hiệp gửi, số tháng 03/1990.

Chuẩn bị ra số tháng 4/1990, tôi nhận được bài: Bàn về dân chủ đa nguyên của ông Đỗ Đức Dục vốn là Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam viết cho. Do sự hiểu biết về dân chủ đa nguyên của tôi kém, nên tôi đưa bài ấy nhờ Giáo sư Trần Văn Giàu, lúc ấy là Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam xem hộ. Giáo sư Trần Văn Giàu đọc xong đưa cho tôi và khen bài rất hay. Tôi cho đăng trong số 4/1990.

Ngay sau khi số báo ra đời, thì tôi được công an đến giao cho quyết định thu hồi cả 2 số báo 3/1990 và 4/1990 và khởi tố Tạp chí Khoa học và Tổ Quốc. Liên tiếp sau đó, tôi và ông Tổng biên tập phải đến công an thẩm vấn nhiều lần. Tuy nhiên, sau họ hủy bỏ vụ án.

Còn ông Trần Xuân Bách thì sau vụ việc này bị mất chức tất cả, trở về làm đảng viên thường và nhà vốn ở phố Phan Đình Phùng cũng không được ở nữa mà phải về Trung Tự-ngoại ô của Hà Nội.

Năm 2001, Nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Khuê cùng bà Nguyễn Thị Thanh Xuân đã viết xong cuốn “Đối thoại năm 2000” theo đề nghị của ông Nguyễn Minh Triết, khi ấy là Bí thư thành ủy của Sài Gòn, ra Hà Nội viết “Đối thoại 2001”. Ngày 2/9/2001, tôi mời ông Trần Khuê, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, cùng một số người quí mến ông Trần Khuê, trong đó có cả ông Hoàng Minh Chính, nhà văn Hoàng Tiến, v.v…đến nhà ăn cơm trưa.

Mọi người đến từ sớm, chuyện trò rôm rả. Hôm ấy, các báo lại đăng bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh 2/9 của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Phan Văn Khải. Các ông ấy kêu tham nhũng đã trở thành quốc nạn và kêu gọi nhân dân phải tham gia chống tham nhũng. Cùng nhau đọc những bài báo ấy, mọi người bảo nhau nên làm đơn xin thành lập “Hội Nhân dân Việt Nam ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng”, gọi gọn là “Hội chống tham nhũng”. Tất cả đều tán thành. Tôi làm ngay đơn, mọi người thông qua, tôi đánh máy ngay và đề nghị 2 người ký tên. Đại diện miền Nam là ông Trần Khuê, đại diện miền Bắc là ông Hoàng Tiến. Khi Hội được phép thành lập thì tôi sẽ xin ra báo Chống tham nhũng và phụ trách tổ báo ấy. Nhưng mọi người bảo, tôi là đại diện miền Bắc, ông Trần Khuê đại diện miền Nam. Nghe theo đa số, tôi cùng ông Trần Khuê ký tên ngay và tôi ra bưu điện gửi ngay thư bảo đảm lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Vậy mà ngày 5/9/2001, tôi bị triệu tập liên tục ra công an phường để thẩm vấn về vụ việc này trong mấy ngày liền. Và những hôm đó, bất cứ ai đến nhà tôi chơi đều bị bắt ra công an phường. Ông Trần Khuê có việc sang Gia Lâm thì bị bắt và trục xuất ngay không được quay về Hà Nội và buộc phải vào ngay Sài Gòn.

Ngày 22/12/2002, tôi vào Sài Gòn theo yêu cầu của ông Đạo sư Duy Tuệ là Chủ tịch danh dự của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và ứng dụng đạo Phật bàn về việc đòi Tử Dương Vọng Đình ở số 8 phố Hàng Buồm, Hà Nội, là nơi thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Trung, anh cả của Đức Thánh Trần – Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người đã cùng vua Trần Nhân Tông thành lập phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ngôi đình này bị một cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam chiếm từ 1955. Mấy chục năm dân làng Tử Dương ở Hà Nội đi đòi đều không được giải quyết. Ủy ban Nhân dân bảo phải qua Tòa án Nhân dân. Tòa án Nhân dân bảo phải do Ủy ban Nhân dân giải quyết. Trung tâm UNESCO Nghiên cứu ứng dụng đạo Phật tham gia giúp nhân dân đòi đình cũng không xong. Cùng đi với tôi có bà xã nhà tôi và ông Bùi Thu, Biên tập viê Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, người đã giúp xuất bản cuốn sách “ Làng Tử Dương qua di sản văn hóa Hán Nôm”. Cuốn sách này in xong cũng bị thu hồi vì liên quan đến đòi Tử Dương Vọng Đình .

Vào Sài Gòn, sau khi làm việc với Đạo sư Duy Tuệ, tôi đến thăm ông Trần Khuê hai lần. Lần đầu thì không có vướng mắc gì, ông Trần Khuê đưa cho tôi danh sách 16 người ủng hộ việc đề nghị Đảng và Nhà nước cho thành lập “Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và Nhà nước chống Tham nhũng”. Lần thứ hai, tôi cùng bà xã nhà tôi và ông Bùi Thu đến thăm thì công an giữ ngay ở cổng nhà ông Trần Khuê vì hóa ra là ông Trần Khuê đang bị quản chế theo nghị định 31/CP. Một buổi chiều chúng tôi bị thẩm vấn và làm biên bản. Bà xã nhà tôi, cô ấy bảo công an là nếu ai bị quản chế thì phải có giấy dán ở cửa và cấm không cho người đến thăm, nếu như thế này thì đất nước có gì là luật pháp.

Chiều 28/12/2002, tôi cùng bà xã nhà tôi và ông Bùi Thu ra ga Sài Gòn để về Hà Nội. Đến cổng ga thì chúng tôi bị công an giữ lại kiểm tra hành lý. Họ lục lọi mọi đồ vật. Tất cả không có gì chỉ có bản danh sách 16 người ủng hộ việc đề nghị Đảng và Nhà nước cho thành lập “ Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và Nhà nước chống Tham nhũng”. Họ nói tài liệu phản động đây rồi (!?). Và cả ba người chúng tôi đều bị đưa về giữ qua đêm ở đồn công an quận. Ngày hôm sau thì bị đưa vào trại tạm giam. Bà xã nhà tôi thì bị 11 ngày. Ông Bùi Thu bị 9 ngày. Còn tôi thì bị đưa ra trại giam Hà Nội ngày 12/1/2003, ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, gọi là trại giam B14. Phòng giam là một căn buồng khép kín, không biết ánh sáng mặt trời ra sao, suốt ngày đêm sống dưới ánh sáng đèn nê-ông, không được mang đồng hồ, nên không biết giờ giấc là gì. Sau 18 tháng rưỡi giam cầm và tra cứu thẩm vấn, ngày 14/7/2004, tôi ra Tòa xử với tội danh “ Lợi dụng dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Tại phiên tòa, tôi phản bác hoàn toàn Cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân. Hai lần tôi thách Công tố viên tranh luận những nội dung kết tội tôi trước ống kính máy quay truyền hình. Vậy mà Tòa vẫn xử tôi 19 tháng tù giam và khi về nhà đọc báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thấy báo đăng bài viết là tại tòa tôi nhận hết tội.

Ngay sau ngày tôi bị bắt thì hôm sau ông Trần Khuê cũng bị bắt và bị kết án 19 tháng như tôi.

Tôi viết lại những sự việc trên đây để các bạn có thể phần nào thông cảm được với Đảng Cộng Sản Việt Nam, họ rất sợ Đa nguyên Đa Đảng và rất sợ các Hội do nhân dân tổ chức ra mặc dầu có xin phép đầy đủ theo như Công ước Nhân quyền Quốc tế mà họ đã ký kết, cũng như Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng ghi nhận. Nhưng tôi tin rằng, trước sau, dù họ có còn sợ hay không, Việt Nam cũng sẽ có Đa nguyên, Đa Đảng và các Hội của nhân dân cũng sẽ được tự do thành lập vì tất cả những điều đó chỉ có lợi cho toàn thể nhân dân, trong đó có cả chính những người Cộng sản và con cháu của họ.


Phạm Quế Dương (*)

(Bài viết nhân kỷ niệm hai năm thành lập Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam 27/10/2006-27/10/2008)

(*) Cựu đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, cựu đảng viên Đảng cộng Sản Việt Nam, cựu Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử quân đội, hiện là cố vấn của Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam.


Nguồn: Hội Ái hữu Cựu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam
http://vprpfa.org/modules.php?name=News&op=viewst&sid=802

No comments: