Monday, October 27, 2008

Tìm hiểu Đảng Cộng Sản Việt Nam

Nguyễn Văn Huy
“… Với một tổ chức cồng kềnh như thế, yếu tố chuyên chính bao trùm lên khắp, ban Đảng Cộng Sản Việt Nam khó lấy được một quyết định nhanh chóng để thay đổi đất nước …”

Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày nay không còn xa lạ gì đối với một ai, nhưng sự hiểu biết về đảng này còn rất thiếu sót. Tùy theo sự tiếp cận của mình mà mỗi người nhìn hay hiểu đảng cộng sản mỗi cách khác nhau.

Đối với những đảng viên cơ sở, tức những người ở cương vị thấp nhất, đảng cộng sản là chỗ dựa để tiến thân, do đó phải triệt để trung thành với các cấp trên. Đối với những đảng viên cấp cao, đảng cộng sản là trung tâm quyền lực ban phát quyền lợi, do đó phải bằng mọi cách giữ gìn vai trò lãnh đạo của đảng. Đối với quần chúng bình dân, đảng cộng sản là những người cai trị đất nước, do đó phải phục tùng hay tránh né để được yên thân. Đối với những người đối lập, đảng cộng sản là guồng máy trấn áp những khát vọng dân chủ và tự do, do đó cần được thay thế để đất nước có một lối thoát khác.

Nói chung, mặc dù đã xuất hiện từ lâu đời tại Việt Nam và cầm quyền trong hơn 50 năm qua, sự hiểu biết về đảng cộng sản còn rất là mù mờ, mỗi người chỉ thấy một phần của sự thật. Tìm hiểu Đảng Cộng Sản Việt Nam chính vì thế là điều rất cần thiết. Trong "một phần của sự thật" còn lại này, tất cả những gì mà mọi người đã biết sẽ không được nhắc lại, chẳng hạn như công và tội của đảng cộng sản. Nội dung bài viết này tập trung vào việc tìm hiểu tổ chức của đảng cộng sản, có hiểu được bí quyết gìn giữ quyền lực này người ta sẽ thấy rõ hơn hướng đi của đảng cộng sản và tương lai của đất nước.

Chuyên chính vô sản

Theo điều 4 hiến pháp 1992 (đã sửa đổi), "Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tường Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội".

Định nghĩa này rất quan trọng, nó xác nhận vai trò độc tôn của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong việc lãnh đạo đất nước : đây là lực lượng chính trị duy nhất được phép hoạt động công khai, tất cả những đảng phái hay tổ chức chính trị khác, không do đảng cộng sản thành lập hay đỡ đầu, đều bất hợp pháp. Cũng theo định nghĩa này, chỉ giai cấp công nhân mới có vai trò lãnh đạo đất nước, những thành phần dân tộc còn lại chỉ có thể hợp tác với đảng cộng sản để được ban phát quyền lợi. Thêm vào đó hệ tư tưởng chỉ đạo là chủ nghĩa Mác-Lênin, tức chủ nghĩa chuyên chính vô sản, chứ không phải chủ nghĩa cộng sản. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được thêm vào năm 1992 để làm vừa lòng các cấp lãnh đạo lão thành lúc đó đang còn giữ nhiều vai trò lãnh đạo quan trọng. Ngày nay (năm 2008), không còn ai nhắc đến tư tưởng Hồ Chí Minh nữa vì ông không phải là một nhà tư tưởng, ông chỉ là biểu tượng của một cuộc đấu tranh, một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp.

Ngoài ra còn một yếu tố khác, rất quan trọng, đã đưa đảng cộng sản lên cầm quyền, đó là chuyên chính vô sản. Đây là lý thuyết xây dựng xã hội do Marx nghĩ ra và được Lênin nâng lên thành lý thuyết tổ chức để chiếm chính quyền và duy trì quyền lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản trên toàn xã hội. Từ khi ra đời đến nay, chuyên chính đã là sợi dây xuyên suốt chỉ đạo mọi chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Những hành động đàn áp, bắt bớ và đày đọa những người bất đồng chính kiến hay đối lập với đảng cộng sản chỉ là hậu quả của lý thuyết này mà thôi. Phải hiểu rõ bản chất chuyên chính của chế độ để không ngạc nhiên khi bị trù dập.

Chuyên chính vô sản không chỉ áp dụng cho những kẻ thù bên ngoài, nó còn được áp dụng một cách triệt để đối với kẽ thù bên trong đảng cộng sản. Những vụ thanh trừng, chỉnh lý trong nội bộ đôi khi còn tàn bạo và dã man hơn đối với kể thù bên ngoài. Từ sau 1990 đến nay, nhiều tài liệu bí mật của Đảng Cộng Sản Liên Xô cho biết số đảng viên cộng sản bị chính đảng cộng sản sát hại nhiều gần bằng số người Nga đã chết trên các chiến trường trong Thế chiến II. Tại Việt Nam, nếu quan sát kỹ, số đảng viên cộng sản bị chính đảng cộng sản thanh trừng rất cao, bắt đầu từ những người đầu tiên thành lập đảng cộng sản.

Trong hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản Đông Dương (Đông Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn), từ 3 đến 7-2-1930 tại Hongkong, những lãnh tụ Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh của Đông Dương Cộng Sản Đảng và Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm của An Nam Cộng Sản Đảng không biết sống chết ra sao và không bao giờ được nghe nhắc tới. Chỉ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) và Trần Phú thuộc Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn được nhắc tới với tất cả quí mến. Cũng nên biết, theo yêu cầu của Đệ Tam Quốc Tế do Stalin lãnh đạo, tháng 10-1930 Trần Phú được bầu làm bí thư đầu tiên tại Hongkong, không hiểu vì lý do nào lại bị bắt tại Sài Gòn tháng 4-1931 và chết trong nhà thương Chợ Quán tháng 9 cùng năm, thọ 27 tuổi. Lê Hồng Phong (1902-1942) và Hà Huy Tập được bầu làm tổng bí thư đảng cộng sản trong thời gian từ 1935 đến 1940, ông Nguyễn Văn Cừ, quyền tổng bí thư từ 1938 đến 1940, tất cả không hề được nhắc đến. Điều này chứng tỏ tranh chấp địa vị chóp bu trong nội bộ đảng cộng sản xảy ra thường xuyên và rất gay gắt, nhiều người đã chết âm thầm trong bóng tối. Hai ông Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập chỉ chính thức được công nhận năm từ 2000, tức hơn 60 năm sau.

Cho đến nay chưa có một thống kê chính xác về số đảng viên cộng sản bị chính đảng cộng sản sát hại, con số này chắc chắn sẽ rất cao. Chỉ riêng trong chiến dịch cải cách ruộng đất tại miền Bắc năm 1956 thôi, số đảng viên cộng sản và gia đình họ bị giết oan đã trên 30.000 người (1/3 tổng số người bị giết), phần lớn là do trả thù báo oán giữa những người cùng quê với nhau. Những năm sau đó, số đảng viên có lý lịch không rõ ràng (tiểu tư sản, gia đình ngụy quyền) bị thanh trừng càng đông hơn nữa, vì trong chiến tranh chống Pháp (1945-1954) bất cứ ai cũng có thể là đảng viên đảng cộng sản, nhưng khi xây dựng chính quyền chuyên chính vô sản chỉ những thành phần cơ bản (bần cố nông) mới được trọng dụng.

Các tên gọi và sơ đồ tổ chức

Trong suốt giai đoạn thành lập từ 1930 đến 1945, tất cả các tên gọi của đảng cộng sản đều dựa theo cách đặt tên của người Trung Hoa: Đông Dương Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng, Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn, Đệ Tam Quốc Tế.

Lịch sử đảng cộng sản được tóm tắt như sau: ngày 3-2-1930 Đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập tại Hongkong. Tháng 10-1930, tên đảng được đổi lại thành Đảng Cộng Sản Đông Dương theo yêu cầu của Đệ Tam Quốc Tế do Stalin lãnh đạo. Ngày 11-11-1945, đảng cộng sản đổi tên thành Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác Ở Đông Dương để dễ vận động quần chúng, tất cả mọi hoạt động của đảng cộng sản chuyển qua Phong Trào Việt Minh. Năm 1951, đảng cộng sản tự đặt cho mình một tên mới : Đảng Lao Động Việt Nam. Năm 1976, ban lãnh đạo đảng cộng sản lấy lại tên cũ thành Đảng Cộng Sản Việt Nam, trụ sở đặt tại Ba Đình, Hà Nội.

Trước trào lưu tiến hóa của thế giới, đảng cộng sản đang có kế hoạch đổi tên một lần nữa để được dư luận quốc tế nhìn nhận một đảng độc tài bình thường. Thật ra vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản đã được dư luận trong nước nhìn nhận từ lâu nhưng trong thụ động. Rất ít người phản ứng trước những cuộc đàn áp, bắt bớ người đối lập hay bất đồng chính kiến.

Là đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cải tổ đường lối theo kinh tế thị trường và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh. Ngoài ra đảng cộng sản còn trực tiếp lãnh đạo hai tổ chức thanh niên (Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh), để chuẩn bị sự thay thế trong tương lai. Nhiều kết hợp ngoại vi trực thuộc hai tổ chức này đã được thành hình, với những tên gọi khác nhau, và đang tích cực hoạt động.

Trái với suy tưởng của nhiều người, số người gia nhập Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày càng đông. Hiện nay tổng số đảng viên cộng sản trong nước khoảng 9% dân số, trên 7,5 triệu người. Con số này sát với sự thật vì vào những dịp đại hội của đảng, số đảng viên đảng viên đảng cộng sản và đại biểu tham dự được chính thức công bố.

- Đại hội lần thứ nhất (từ 27 đến 31-3-1935), nhóm họp tại Macao, có 13 đại biểu và 600 đảng viên.

- Đại hội lần thứ hai (từ 11 đến 19-1951), tổ chức tại Tuyên Quang, số đảng viên tăng lên 766.349 người, hơn 1.300%, với 158 đại biểu chính thức và 53 dự khuyết.

- Đại hội lần thứ ba nhóm họp tại Hà Nội, từ 5 đến 12-9-1960, với 525 đại biểu ; số đảng viên giảm xuống còn 500.000 người.

- Đại hội lần thứ tư (từ 14 đến 20-12-1976), tổ chức tại Hà Nội, số đại biểu tăng lên gấp đôi với 1.008 người và 1.550.000 đảng viên.

- Đại hội lần thứ năm (từ 27 đến 31-3-1982), số đảng viên tăng lên 2.127.000 người với 1033 đại biểu.

- Đại hội lần thứ sáu (từ 15 đến 18-12-1986), số đảng viên tiếp tục tăng với 2.909.613 người và 1129 đại biểu.

- Đại hội lần thứ bảy (từ 24 đến 27-6-1991), số đảng viên tăng lên gấp đôi, với 4.155.022 đảng viên, và 1176 đại biểu.

- Đại hội lần thứ tám (từ 28-6 đến 01-7-1996), tổng số đảng viên là 5.130.000 người với 1198 đại biểu.

- Đại hội lần thứ chín (từ 19 đến 22-4-2001) qui tụ 1.168 đại biểu, với 6.465.055 đảng viên.

- Đại hội lần thứ mười (từ 18 đến 25-4-2006) qui tụ 1176 đại biểu với 7.435.665 đảng viên.

Các cơ quan lãnh đạo đảng cộng sản

Đảng Cộng Sản Việt Nam là một đảng chính trị được tổ chức rất chặt chẽ và tinh vi.

Về mặt tổ chức, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản là Bộ chính trị, đứng đầu là tổng bí thư. Kế đến là Ban chấp hành trung ương, do đại hội đảng bầu ra từng khóa, sẽ bầu ra Bộ chính trị và Ban bí thư. Bộ chính trị bầu ra tổng bí thư.

Về số ủy viên, năm 1976, số đại biểu trong Ban chấp hành Trung ương Đảng đã tăng từ 77 đến 133 ủy viên và Bộ chính trị tăng từ 11 đến 17 ủy viên, Ban bí thư tăng từ 7 đến 9 ủy viên.

1. Bộ chính trịTheo Điều lệ của đảng cộng sản, Bộ chính trị ban chấp hành Đảng Cộng Sản Việt Nam, gọi tắt là Bộ chính trị, là cơ quan lãnh đạo đảng cộng sản trong thời gian giữa hai hội nghị Ban chấp hành trung ương. Trong thực tế, đây chính là cơ quan lãnh đạo tối cao của đảng cộng sản, tất cả nhân sự lãnh đạo cấp cao đều xuất phát từ cơ quan quyền lực này. Thành viên trong Bộ chính trị do Ban chấp hành trung ương bầu ra. Bộ chính trị gồm các ủy viên chính thức và có thể có các ủy viên dự khuyết.

Bộ chính trị có nhiệm vụ lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc, nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc, nghị quyết của ban chấp hành trung ương ; quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức, cán bộ ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của ban chấp hành trung ương báo cáo công việc đã làm trước hội nghị ban chấp hành trung ương hoặc theo yêu cầu của ban chấp hành trung ương.

Trong Bộ chính trị, chức vị chủ tịch ban chấp hành trung ương và tổng bí thư do các ủy viên trong bộ bầu ra. Một ủy viên trong Bộ chính trị được đề cử làm Thường trực Ban bí thư. Theo cơ cấu của đảng, các ủy viên trong Bộ chính trị giữ tất cả những cương vị chủ chốt trong bộ máy chính quyền : chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, phó thủ tướng thường trực, bộ trưởng bộ quốc phòng, bộ trưởng bộ bông an. Từ khóa VII (1991-1996) trở đi, bí thư thành ủy Hà Nội và bí thư thành ủy Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), bộ trưởng bộ ngoại giao cũng thường có mặt trong Bộ chính trị. Tuy nhiên cũng có một vài ngoại lệ nhưng không phải là phổ biến như trường hợp các ông Hoàng Minh Giám, Ung Văn Khiêm, Xuân Thủy, Nguyễn Dy Niên... là những người có công lao và uy tín, đã đảm nhiệm nhiều chức vụ cao cấp nhất trong xã hội nhưng không có mặt trong Bộ chính trị.

Các ủy viên khác trong Bộ chính trị thường đảm nhiệm nhiều chức vụ then chốt trong guồng máy đảng : trưởng tan tổ chức trung ương đảng (đảm nhiệm công tác cán bộ), chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trung ương đảng (kiểm tra tư cách đảng viên, chống tham nhũng). Tuy nhiên những người đứng đầu cơ quan tư pháp (viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chánh án tòa án nhân dân tối cao) không có mặt trong Bộ chính trị nhưng vẫn là những đảng viên cao cấp trong guồng máy đảng, ít nhất là trong Ban chấp hành trung ương đảng.

2. Ban thường vụ trung ương
Cơ cấu tổ chức Bộ chính trị xuất hiện từ Đại hội II của Đảng Cộng Sản Việt Nam (lúc đó là Đảng Lao Động Việt Nam) họp năm 1951. Tiền thân của nó là Ban thường vụ trung ương.

Ban thường vụ trung ương đầu tiên xuất hiện từ sau Hội nghị lần thứ 1 (tháng 10 năm 1930) gồm có các ông Trần Phú, Ngô Đức Trì, Nguyễn Trọng Nhã.

Ban thường vụ trung ương do Đại hội I (1935) bầu ra có 5 người.

Ban thường vụ trung ương được bầu ra tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8, khóa I (họp từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941), gồm các ông Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt, đứng đầu là tổng bí thư Trường Chinh.

Sau Cách Mạng Tháng Tám 1945, Ban thường vụ trung ương gồm các ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh,Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, sau bổ sung thêm Nguyễn Lương Bằng.

3. Thường vụ bộ chính trị
Đại hội VIII của Đảng Cộng Sản Việt Nam, họp năm 1996, bỏ cơ cấu Ban bí thư và tạo ra cơ cấu thường vụ bộ chính trị. Mô hình tổ chức này chỉ tồn tại trong 5 năm, đến Đại hội IX (năm 2001) thì bị bãi bỏ, trở lại mô hình Ban bí thư.

Bộ chính trị bầu ra số thành viên thường trực tạo thành Ban thường vụ bộ chính trị, ban này thay mặt bộ chính trị lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của đảng ; chuẩn bị các vấn đề trình Bộ chính trị xem xét, quyết định ; chỉ đạo thực hiện các chủ trương về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, công tác đảng, công tác cán bộ, công tác quần chúng ; giải quyết công việc hàng ngày của đảng.

Thường trực bộ chính trị (1 người) có vai trò tương tự thường trực ban bí thư ở các khóa khác, thay mặt tổng bí thư khi cần.

Ban thường vụ bộ chính trị được bầu ra trong Đại hội VIII gồm 5 người : Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Tấn Dũng. Thường trực bộ chính trị : Lê Khả Phiêu.

Hội nghị lần thứ 4 khóa VIII họp từ ngày 22 đến 29-12-1997 đã bầu ra Ban thường vụ bộ chính trị mới gồm : Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh, Phạm Thế Duyệt. Thường trực bộ chính trị : Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Phú Trọng (từ tháng 8 năm 1999).

4. Danh sách ủy viên bộ chính trị các khóa
Danh sách ủy viên bộ chính trị thường không xếp theo vần chữ cái (thể hiện sự ngang vai) mà được xếp theo thứ bậc, bắt đầu từ chủ tịch Ban chấp hành trung ương và tổng bí thư trở xuống. Tuy nhiên thứ bậc này có thể thay đổi ngay trong một khóa.

- Khóa I (1941-1951): Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương lần thứ 8, khóa I (họp từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941) bầu ra Ban thường vụ trung ương gồm có : Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt, đứng đầu là tổng bí thư Trường Chinh. Sau Cách Mạng Tháng Tám 1945, Ban thường vụ trung ương gồm Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, sau bổ sung thêm Nguyễn Lương Bằng.

- Khóa II (1951-1960) gồm có:

* 7 ủy viên chính thức: Hồ Chí Minh (chủ tịch đảng), Trường Chinh (tổng bí thư đến năm 1956), Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt (đến năm 1956), Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh. Từ năm 1955 bổ sung thêm Lê Đức Thọ, từ 1956 thêm Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan.

* 1 ủy viên dự khuyết: Lê Văn Lương (đến năm 1956)

- Khóa III (1960-1976) gồm:

* 11 ủy viên chính thức: Hồ Chí Minh (chủ tịch đảng đến khi mất năm 1969), Lê Duẩn (bí thư thứ nhất), Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh (mất năm 1967), Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan. Từ tháng 3-1972 bổ sung Văn Tiến Dũng, từ tháng 6-1972 thêm Trần Quốc Hoàn.

* 2 ủy viên dự khuyết : Trần Quốc Hoàn (đến tháng 6-1972), Văn Tiến Dũng (đến tháng 3-1972).

- Khóa IV (1976-1982) gồm:

* 14 ủy viên chính thức: Lê Duẩn (tổng bí thư), Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Chu Huy Mân.

* 3 ủy viên dự khuyết: Tố Hữu (từ 1980 là ủy viên chính thức), Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười.

* Thường trực ban bí thư: Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị (1980-1982).

- Khóa V (1982-1986) gồm:

* 13 ủy viên chính thức : Lê Duẩn (tổng Bí thư đến khi mất năm 1986), Trường Chinh (tổng bí thư sau khi Lê Duẩn mất), Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Tố Hữu, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Đức Tâm. Từ tháng 6 năm 1985 bổ sung Nguyễn Văn Linh.

* 2 ủy viên dự khuyết: Nguyễn Cơ Thạch, Đồng Sĩ Nguyên.

* Thường trực ban bí thư: Lê Đức Thọ (đến tháng 6-1986), Nguyễn Văn Linh (từ tháng 6-1986).

- Khóa VI (1986-1991):

* 13 ủy viên chính thức: Nguyễn Văn Linh (tổng bí thư), Phạm Hùng (mất năm 1988), Võ Chí Công, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Cơ Thạch, Đồng Sĩ Nguyên, Trần Xuân Bách (đến tháng 3-1990), Nguyễn Thanh Bình, Mai Chí Thọ.

* 1 ủy viên dự khuyết: Đào Duy Tùng (từ 1988 là ủy viên chính thức}.

* Thường trực ban bí thư: Đỗ Mười (đến 1988), Nguyễn Thanh Bình (từ 1988).

- Khóa VII (1991-1996) gồm:

* 13 ủy viên chính thức: Đỗ Mười (tổng bí thư), Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Đào Duy Tùng, Đoàn Khuê, Vũ Oanh, Lê Phước Thọ, Phan Văn Khải, Bùi Thiện Ngộ, Nông Đức Mạnh, Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Đức Bình, Võ Trần Chí. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 từ tháng 11 đến tháng 12 năm 1993 bầu bổ sung 4 ủy viên chính thức : Lê Khả Phiêu, Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Hà Phan (đến năm 1996), Đỗ Quang Thắng.

* Thường trực ban bí thư: Đào Duy Tùng

- Khóa VIII (1996-2001) gồm:

* 19 ủy viên chính thức: Đỗ Mười (tổng bí thư đến tháng 12-1997), Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu (tổng bí thư từ tháng 12-1997), Đoàn Khuê, Phan Văn Khải, Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Văn An, Phạm Văn Trà, Trần Đức Lương, Nguyễn Thị Xuân Mỹ (nữ), Trương Tấn Sang, Lê Xuân Tùng, Lê Minh Hương, Nguyễn Đình Tứ, Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Tấn Dũng.

* 5 ủy viên thường vụ: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Tấn Dũng.

* Thường trực bộ chính trị: Lê Khả Phiêu. Tháng 12 năm 1997, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt rút khỏi Bộ chính trị, làm cố vấn Ban chấp hành trung ương ; bầu bổ sung 4 ủy viên : Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Minh Triết, Phan Diễn, Nguyễn Phú Trọng.

* 5 ủy viên thường vụ mới: Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh, Phạm Thế Duyệt

* Thường trực bộ chính trị: Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Phú Trọng (từ tháng 8 năm 1999)

- Khóa IX (2001-2006) gồm:

* 15 ủy viên chính thức: Nông Đức Mạnh (tổng bí thư), Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Minh Hương (mất năm 2004), Nguyễn Phú Trọng, Phan Diễn, Lê Hồng Anh, Trương Tấn Sang, Phạm Văn Trà, Nguyễn Văn An, Trương Quang Được, Trần Đình Hoan, Nguyễn Khoa Điềm.

* Thường trực ban bí thư: Phan Diễn.

- Khóa X (2006-2011) gồm:

* 14 ủy viên chính thức: Nông Đức Mạnh (tổng bí thư), Lê Hồng Anh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, Phạm Gia Khiêm, Phùng Quang Thanh, Trương Vĩnh Trọng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Văn Chi, Hồ Đức Việt, Phạm Quang Nghị.

* Thường trực ban bí thư: Trương Tấn Sang

5. Ban bí thư trung ương
Đây là cơ quan do Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản lập ra để lãnh đạo các công việc hàng ngày của đảng cộng sản.

Ban Bí thư bắt đầu được thành lập từ nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (năm 1951) của đảng cộng sản và duy trì trong các nhiệm kỳ tiếp theo. Riêng nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII không thành lập Ban bí thư mà thành lập Thường vụ bộ chính trị. Nhiệm kỳ của Ban bí thư tương ứng với nhiệm kỳ của Ban chấp hành trung ương do các đại hội đại biểu toàn quốc bầu ra.

Ban bí thư là cơ quan lãnh đạo công việc hàng ngày của đảng cộng sản, thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Chỉ đạo công tác xây dựng đảng và công tác quần chúng.

- Kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của đảng cộng sản về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

- Chỉ đạo sự phối hợp hoạt động của giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị.

- Quyết định một số vấn đề tổ chức, cán bộ và một số vấn đề khác theo sự phân công của Ban chấp hành Trung ương.

- Chỉ đạo hoặc kiểm tra việc chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ chính trị thảo luận và quyết định.

Về cơ cấu tổ chức, Ban bí thư gồm có : tổng bí thư, một số ủy viên bộ chính trị do Bộ chính trị phân công và một số ủy viên ban bí thư do Ban chấp hành trung ương bầu trong số các ủy viên ban chấp hành trung ương. Số lượng các ủy viên ban bí thư do Ban chấp hành trung ương quyết định. Một số nhiệm kỳ đại hội đại biểu toàn quốc gần đây, có một thành viên trong Ban bí thư được chỉ định để phụ trách và chủ trì những công việc hàng ngày và được gọi với chức danh thường trực ban bí thư.

6. Danh sách ủy viên Ban bí thư các nhiệm kỳ
- Ban bí thư khóa II (1951-1960): Hồ Chí Minh (từ tháng 10-1956), Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương (đến 1956), Nguyễn Duy Trinh (bổ sung từ tháng 8 năm 1955), Võ Nguyên Giáp (bổ sung từ tháng 10-1956), Phạm Hùng (bổ sung từ tháng 11-1958), Tố Hữu (bổ sung từ tháng 11-1958), Hoàng Anh (bổ sung từ tháng 11-1958).

- Ban bí thứ khóa III (1960-1976): Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Tố Hữu, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Trân (bổ sung từ tháng 1 năm 1961), Xuân Thủy (bổ sung 1968).

- Ban bí thư khóa IV (1976-1982): Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Linh, Tố Hữu, Xuân Thủy, Nguyễn Lam, Song Hào, Lê Quang Đạo, Trần Quốc Hoàn (bổ sung từ năm 1980), Lê Thanh Nghị (bổ sung từ tháng 3-1980).

- Ban bí thư khóa V (1982-1986): Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Võ Chí Công, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Lam, Lê Quang Đạo, Hoàng Tùng, Nguyễn Thanh Bình, Trần Kiên, Trần Xuân Bách, Nguyễn Văn Linh (bổ sung từ tháng 6 năm 1986).

- Ban bí thư khóa VI (1986-1991): Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Tâm, Trần Xuân Bách, Đào Duy Tùng, Trần Kiên, Lê Phước Thọ, Nguyễn Quyết, Đàm Quang Trung, Vũ Oanh, Nguyễn Khánh, Trần Quyết, Trần Quốc Hương, Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Thanh Bình (bổ sung từ tháng 10 năm 1988).

- Ban bí thư khóa VII (1991-1996): Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Lê Phước Thọ, Nguyễn Hà Phan, Hồng Hà, Nguyễn Đình Tứ, Trương Mỹ Hoa, Đỗ Quang Thắng, Lê Khả Phiêu (bổ sung từ tháng 12-1993).

- Thường vụ bộ chính trị khóa VIII (1996-2001): Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt (đến 12-1997), Lê Khả Phiêu (ủÛy viên thường trực bộ chính trị, từ tháng 12-1997 là tổng bí thư), Nguyễn Tấn Dũng (đến 12-1997),Trần Đức Lương (từ tháng 12 năm 1997), Phan Văn Khải (từ tháng 12-1997) Nông Đức Mạnh (từ tháng 12-1997), Phạm Thế Duyệt (từ tháng 12-1997).

- Ban bí thư khóa IX (2000-2006): Nông Đức Mạnh, Phan Diễn (ủy viên thường trực), Trần Đình Hoan, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Văn Dũng, Tòng Thị Phóng, Trương Vĩnh Trọng, Vũ Khoan, Nguyễn Văn Chi (từ 1-2003).

- Ban bí thư khóa X (2006 đến nay): Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang (ủy viên thường trực), Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Văn Chi, Hồ Đức Việt (từ tháng 8-2006 thay cho Phạm Quang Nghị), Lê Văn Dũng, Tòng Thị Phóng, Tô Huy Rứa.

7. Tổng bí thư
Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, chức danh đầy đủ là tổng bí thư ban chấp hành trung ương đảng cộng Sản Việt Nam, gọi tắt là tổng bí thư, là người lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản sau khi bỏ chức chủ tịch Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản (chức vụ này duy nhất do Hồ Chí Minh nắm giữ từ năm 1951 đến khi qua đời năm 1969). Riêng thời kỳ 1960-1976 được gọi là «Bí thư thứ nhất ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam».

Theo thủ tục chính thức thì Đại hội đại biểu toàn quốc của đảng bầu ra Ban chấp hành trung ương, Ban chấp hành trung ương bầu ra Bộ chính trị, sau đó bầu ra tổng bí thư trong số ủy viên Bộ chính trị.

Danh sách các tổng bí thư qua các thời kỳ:

- Trần Phú (10/1930-1931), tổng bí thư đầu tiên được bầu tại Hội nghị lần thứ nhất tháng 10 năm 1930.

- Lê Hồng Phong (3/1935-1936), chỉ được công nhận gần đây, từ năm 2000 trở lại đây.

- Hà Huy Tập (26/7/1936-3/1938), chỉ được công nhận gần đây, từ năm 2000 trở lại đây.

- Nguyễn Văn Cừ (3/1938-1/1940).

- Trường Chinh (5/1941-10/1956) và (10/1940-5/1941) : quyền tổng bí thư. Ông chỉ thôi giữ chức vụ bí thư sau Hội nghị trung ương về vấn đề sửa sai cải cách ruộng đất.

- Hồ Chí Minh (10/1956-1960), kiêm chủ tịch nước.

- Lê Duẩn (10/9/1960-10/7/1986) và (10/9/1960-12/1976) : bí thư thứ nhất, (12/1976-10/7/1986) : tổng bí thư (đến lúc mất). Ông là người có những quyền hành nhất từ trước đến nay nhờ có sự hợp tác với Lê Đức Thọ trong suốt thời kỳ cầm quyền đảng cộng sản. Trong suốt thời gian cầm quyền điều khiển đảng, ông đã để lại nhiều hận thù đối với một số gia đình đảng viên bị ông sát hại hay đày đọa. Chính vì thế, sau khi qua đời mộ phần của ông Lê Duẩn, ông Lê Đức Thọ và Trường Chinh luôn luôn được canh gác vì những nạn nhân của các ông thường xuyên đến nguyển rũa và phóng uế. Bây giờ thì sự qyấy phá đã có phần giảm xuông nhưng sự canh gác vẫn còn nghiêm nhặt.

- Trường Chinh (14/7/1986-18/12/1986) tổng bí thư (được bầu lần thứ 2).

- Nguyễn Văn Linh (18/12/1986-28/6/1991) tổng bí thư.

- Đỗ Mười (28/6/1991-12/1997) tổng bí thư.

- Lê Khả Phiêu (12/1997-22/4/2001) tổng bí thư.

- Nông Đức Mạnh (22/4/2001-hiện nay) tổng bí thư.

8. Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản
Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản Việt Nam giữa hai nhiệm kỳ đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp giữa hai nhiệm kỳ đại hội là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy).

Ủy viên ban chấp hành trung ương do đại hội đại biểu toàn quốc bầu và số lượng ủy viên do đại hội quyết định.

Khác với quốc hội bù nhìn của nhà nước cộng sản, Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản là cơ quan thực sự có quyền hành và nhiệm vụ điều hành đảng :

- Tổ chức chỉ đạo thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ đảng, các nghị quyết của đại hội đại biểu toàn quốc ; quyết định những chủ trương, chính sách về đối nội, đối ngoại, công tác quần chúng và công tác xây dựng đảng ; chuẩn bị đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ tiếp theo, đại hội đại biểu toàn quốc bất thường (nếu có).

- Bầu Bộ chính trị; bầu tổng bí thư trong số ủy viên bộ chính trị ; bầu ủy ban kiểm tra trung ương ; bầu chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trung ương trong số ủy viên ủy ban kiểm tra trung ương. Quyết định số lượng ủy viên bộ chính trị và ủy viên ủy ban kiểm tra trung ương.

- Triệu tập đại hội đại biểu toàn quốc thường lệ 5 năm một lần; có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá một năm. Khi Ban chấp hành trung ương xét thấy cần hoặc khi có hơn một nửa số cấp ủy trực thuộc yêu cầu thì Ban chấp hành trung ương triệu tập đại hội đại biểu toàn quốc bất thường.

Các ban trực thuộc đảng

Hiện nay, đảng cộng sản là đảng cầm quyền duy nhất tại Việt Nam. Để duy trì vai trò độc tôn này, đảng cộng sản lập ra một số ban mà chức năng là tham mưu ban lãnh đạo đảng về chủ trương, đường lối, chính sách trên qui mô lớn. Nói chung đây là cơ quan quản lý tư tưởng của người dân. Quản lý các ban này là Ban chấp hành trung ương đảng.

Trên nguyên tắc tổng bí thư là người lãnh đạo đây quyền lực nhất trong đảng cộng sản. Điều này đứng với những tổng bí thư trước đó, từ Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh. Từ thời Nguyễn văn Linh, Đổ Mười, Lê Khả Phiêu, chức vụ tổng bí thư đã giảm phần quan trọng. Bù lại, lãnh đạo các ban trung ương thuộc của bộ chính trị đã có ảnh hưởng rất lớn các quyết định của bộ chính trị hay tổng bí thư đảng cộng sản. Hiện nay, tuy ông Nông Đức Mạnh là tổng bí thư nhưng chức vị này không có thực quyền, quyền hành thực sự nằm trong tay lãnh đạo các ban trung ương này. Vì đều quan trọng như nhau và không ai hơn hẳn ai, tất cả chấp nhận giữ y nguyên trạng (in statu quo ante) và để ông Nông Đức Mạnh tiếp tục làm tổng bí thư cho đến khi có một nhân vật thực sự nổi bật để nắm quyền lãnh đạo đảng cộng sản. Từ đây đến dó, lãnh đạo những ban trung ương này tiếp tục lãnh đạo lãnh vực được ủy nhiệm.

Hiện nay có tất cả trên 10 ban, mỗi ban phụ trách một lãnh vực, nhưng nếu cần thu tóm lại thì chỉ gồm hai hoặc ba ban, vì tất cả đều thuộc lãnh vực tư tưởng, chính trị và kiểm soát quần chúng. Số lượng các ban nhiều hay ít tùy theo sự chia chác quyền lợi trong nội bộ đảng. Nếu có nhiều ban thì phải hiểu là sự phân phát quyền lực và quyền lợi giữa các phe phái trong đảng chưa ngã ngũ. Cũng nên biết, bất cứ người nào lọt vào vòng đai lãnh đạo tối cao này đều phải ở trong một phe nhóm nào đó, và có rất nhiều phe nhóm.

- Đứng đầu là Ban tổ chức trung ương, đây là cơ quan quan trọng nhất trong hệ thống quyền lực của đảng cộng sản. Ban này có chức năng tham mưu của Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản, Bộ chính trị, Ban bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ của hệ thống chính trị ; đồng thời là cơ quan chuyên môn nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên của trung ương. Ban này quan trọng nhất nên đứng đầu là một ủy viên Bộ chính trị.

- Ban đối ngoại trung ương là cơ quan tham mưu về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực đối ngoại, đồng thời cũng là cơ quan tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của đảng cộng sản.

- Ban bảo vệ chính trị nội bộ là cơ quan tham mưu về lĩnh vực bảo vệ chính trị nội bộ, đồng thời là cơ quan nghiệp vụ về bảo vệ chính trị nội bộ.

- Ban tư tưởng-văn hóa trung ương là cơ quan tham mưu về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Ban này hình thành trên cơ sở hợp nhất Ban tuyên huấn trung ương và Ban văn hóa văn nghệ trung ương tồn tại trước đó. Tuy nhiên hiện nay ở cấp thấp hơn (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) thì lại có tên là Ban tuyên giáo.

- Ban nội chính trung ương là cơ quan tham mưu về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính.

- Ban kinh tế trung ương là cơ quan tham mưu về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội.

- Ban khoa giáo trung ương là cơ quan tham mưu về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực khoa giáo (bao gồm khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, sức khoẻ, giới trí thức).

- Ban dân vận trung ương là cơ quan tham mưu về chủ trương, chính sách và giải pháp lớn về công tác dân vận.

- Ban tài chính quản trị trung ương là cơ quan quản lý tài chính của đảng cộng sản cũng các đơn vị kinh tế trực thuộc.

- Ban cán sự đảng ngoài nước phụ trách công tác đảng đối với các tổ chức đảng và đảng viên ở ngoài nước.

Từ tháng 4-2007, Bộ chính trị hợp nhất các ban của đảng như sau:

- Ban kinh tế trung ương kết hợp với các Ban nội chính trung ương, Ban tài chính quản trị trung ương và Văn phòng trung ương đảng thành Văn phòng trung ương đảng.

- Ban bảo vệ chính trị nội bộ trung ương kết hợp với Ban tổ chức trung ương đảng thành Ban tổ chức trung ương.

- Ban khoa giáo trung ương kết hợp với Ban tư tưởng văn hóa trung ương thành Ban tuyên giáo trung ương.

Người ta thường đồn các chức vụ trong Bộ chính trị phải chia đều cho các miền, chẳng hạn như chủ tịch phải là người Bắc, thủ tướng người miền Nam, tổng bí thư người miền Trung, v.v. Thực tế không hẳn vậy, những nhân vật đảm nhiệm các chức vụ trên chỉ là tình cờ chứ không phải là một bắt buộc. Bằng chứng là trong Bộ chính trị khóa X, các chức vụ lãnh đạo thuộc về miền Nam nhưng không phải vì thế mà phe miền Nam thắng thế. Quyền hành thực sự nằm trong ba ban vừa được cải tổ hồi tháng 4-2007, mỗi ban là sự kết hợp của một số nhân vật lãnh đạo trong bộ chính trị. Mỗi phe đề cử người của mình vào một trong ba chức vụ tối cao, sau đó chia đều các chức vụ còn lại, kể cả trong quân đội và công an.

Ủy ban kiểm tra trung ương và ở các cấp

Ủy ban kiểm tra trung ương có nhiệm vụ xem xét tư cách đạo đức các đảng viên là cán bộ cao cấp, các vụ việc tiêu cực liên quan đến các đảng viên cao cấp và có quyền yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên báo cáo, cung cấp tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra.

Nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra các cấp như sau:

1. Kiểm tra đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.

2. Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành cương lĩnh chính trị, Điều lệ đảng, nghị quyết, chỉ thị của đảng, các nguyên tắc tổ chức của đảng ; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và thi hành kỷ luật trong đảng.

3. Xem xét, kết luận những trường hợp vi phạm kỷ luật, quyết định hoặc đề nghị cấp ủy thi hành kỷ luật.

4. Giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên ; giải quyết khiếu nại về kỷ luật đảng.

5. Kiểm tra tài chính của cấp ủy cấp dưới và của cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp.

Cơ quan báo chí, xuất bản

Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện có ba cơ quan báo chí, xuất bản. Về mặt tổ chức, các cơ quan này tương đương với các ban trực thuộc ban chấp hành trung ương đảng cộng sản:

- Báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức phát hành các loại ấn phẩm sau: Nhân Dân hàng ngày, Nhân Dân cuối tuần, Nhân Dân hàng tháng, Nhân Dân điện tử tiếng Việt và tiếng Anh.

- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật là cơ quan xuất bản chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ xuất bản các ấn phẩm chính trị, cơ quan này còn tham gia nghiên cứu các vấn đề lý luận chính trị, khoa học xã hội.

- Tạp Chí Cộng Sản là cơ quan lý luận và chính trị của trung ương đảng cộng sản Việt Nam, ấn phẩm là Tạp chí Cộng sản và trang Web Tạp chí Cộng sản điện tử.

Kết luận

Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tổ chức được thành lập từ lâu đời, có kinh nghiệm chiến đấu và cầm quyền. Vì là một tổ chức được chính trị hóa cao, mọi chủ trường và đường lối của đảng đều được quyết định bởi tập thể. Yếu tố này rất quan trọng vì trong sinh hoạt của đảng cộng sản, những hành động đơn phương hay ý kiến cá nhân không có chỗ đứng. Một đảng viên cộng sản bình thường có thể rất dễ thương và đầy nhân tính khi sống với gia đình và hàng xóm, nhưng khi kết hợp với nhau để đối phó với một đe dọ nào đối với đảng, họ có thể trở thành hung dữ và vô nhân tính. Do đó mọi khuyến khích, hay cổ võ những hành động đơn phương của những người còn đang ở trong guồng máy đảng cộng sản để làm những cải tổ thuận lợi cho dân chủ không thể diễn ra. Những hành động bị coi là phản bội đảng bị trừng trị nặng hơn đối với người ngoài đảng. Tất cả những sáng kiến cá nhân của những đảng viên cộng sản, nếu có, chỉ xuất hiện vào lúc cuối đời, khi về hưu. Đó là trường hợp của các ông Trần Độ, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt.

Trong quân đội, tất cả những sĩ quan đều là đảng viên đảng cộng sản. Vì được chính trị hóa cao, những sáng kiến hay hành động đơn phương lại càng không thể có. Chính vì thế trong suốt hai cuộc chiến Đông Dương, không hề có một anh hùng cá nhân nào xuất hiện mặc dù rất nhiều người đã chiến đấu rất dũng cảm và lập nhiều chiến công. Trường hợp ông Võ Nguyên Giáp là một thí dụ, ông được dư luận thế giới coi như là anh hùng đánh thắng Pháp và Mỹ, nhưng trong nội bộ đảng cộng sản ông chỉ là một cấp tướng bình thường như bao cấp tướng khác. Trong thời gian bị thất sũng (1983), ông bị hạ nhục bằng cách giao cho giữ chức vụ chủ tịch ủy ban sinh đẻ có kế hoạch, công lao cuộc tiến chiếm miền Nam năm 1975 được dành cho Văn Tiến Dũng, nhưng ông này sau đó cũng chìm vào quên lãng vì để lộ ước muốn được nổi tiếng một mình.

Với một tổ chức cồng kềnh như thế, yếu tố chuyên chính bao trùm, ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam khó lấy được một quyết định nhanh chóng để thay đổi đất nước. Thay thế một lực lượng cầm quyền gần 8 triệu người đòi nhiều sáng kiến, và nhất là phải có một tổ chức đối lập mạnh.
Nguyễn Văn Huy

BGTM 006 - TÌM HIỂU ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (Nguyễn văn Huy)

No comments: