Wednesday, October 22, 2008

Nhu cầu soạn lại sử Việt

20/10/2008



Hội thảo về triều Nguyễn đã kết thúc nhưng câu hỏi về nhu cầu soạn lại sách giáo khoa trung học và giáo trình đại học cho sử Việt đang trở nên cấp bách sau nhiều năm nhìn thiên lệch.
Tác động của các nghiên cứu từ bên ngoài và sự thay đổi trong nhận thức của giới cầm quyền và các sử gia Việt Nam cũng được thể hiện qua hội thảo.

Giáo sư Chương Thâu, người đã dự hội thảo tại Thanh Hóa nói:

“Lần này là lần đặc biệt nhất kể từ hơn 20 hội thảo từ 1992 về các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn.”


Phỏng vấn GS Chương Thâu
http://www.bbc.co.uk/mediaselector/check/vietnamese/meta/dps/2008/10/081022_vnhistorychuonthau?size=au&bgc=003399&lang=vi&nbram=1&nbwm=1&bbram=1&bbwm=1

Báo chí trong nước và giới nghiên cứu đồng ý rằng giai đoạn trước các sử gia xã hội chủ nghĩa phải nói theo ý các nhà chính trị.

Chẳng hạn quan điểm của cố tổng bí thư Lê Duẩn rằng “nhà Nguyễn phản động toàn diện”.

Nay, trong hội thảo có chuyên gia người Nga còn so sánh vua Gia Long như Piere Đại đế của Việt Nam.

Xoay hẳn cách nhìn


Cảm tưởng của tôi là rất hay, hội thảo rất dân chủ, nói được nhiều vấn đề có tính học thuật. Nghĩ đến làm sử không bị chính trị hóa


GS Chương Thâu

Bởi vậy, không khí chung là “Phải đặt ngược lại 180 độ, đánh giá lại cho đúng Gia Long, Thiệu Trị, Minh Mạng,”

Theo Giáo sư Chương Thâu trong cuộc nói chuyện với BBC Tiếng Việt hôm 22/10, các học giả Trung Quốc dự hội thảo “quan tâm đến kinh tế đầu triều Nguyễn và các chính sách của vua Minh Mạng”.

Người ta cũng nhận ra, tuy muộn rằng không có chúa Nguyễn Hoàng mở cõi thì cũng không có nửa nước miền Nam và một Việt Nam diện tích như hôm nay.

Giới nghiên cứu sử học Việt Nam cũng nhận ra rằng không thể “phục vụ chính trị”. Theo đuôi chính trị mà phải trung thực, khách quan, công bằng

Các sử gia nước ngoài có tác động đến Việt Nam, từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Nga.

Các sử gia Trung Quốc như ông Vu Hướng Đông và Dương Đại Lâm né tránh không nói đến Hoàng Sa, Trường Sa.

"Họ tế nhị tránh đi dù giới học thuật Việt Nam muốn nghe họ nói trong lúc có thông tin Trung Quốc muốn làm gì Việt Nam,"


Nhu cầu sửa lại sách giáo khoa tại Việt Nam đã được nói đến từ lâu

"Họ không nói như các cuốn sử ở Trung Quốc về Việt Nam như một nước chư hầu, phụ thuộc."

Sách giáo khoa

Qua hội nghị trong hai ngày 18/19 tháng 10, người ta cũng nói nhiều về sách giáo khoa và giáo trình đại học.

Được biết lần này người ta quyết định rất rõ rằng cần phải viết lại sử Việt.

Giáo sư Chương Thâu ghi nhận sự có mặt của các nhân vật cao cấp như ông Lê Khả Phiêu, cựu tổng bí thư, gốc Thanh Hóa, đến nghe và ghi chép hai ngày liền tại hội thảo.

Bởi thế, có thể rằng việc soạn lại sách giáo khoa sẽ được chấp nhận.

Theo GS Phan Huy Lê nói với báo chí trước Hội thảo thì “Hội Khoa học lịch sử VN sẽ đề nghị Nhà nước sớm bổ sung, sửa đổi, biên soạn lại sách giáo khoa lịch sử giai đoạn này”.

Theo lời ông Phan Huy Lê được Tuổi Trẻ trích đăng, mục đích là “để thế hệ mai sau có cái nhìn khách quan, khoa học và công bằng hơn về những vấn đề của lịch sử dân tộc.”

Tuy nhiên, có vẻ như việc soạn lại sử Việt trước mắt chỉ giới hạn đến phần từ các triều đại phong kiến đến hết nhà Nguyễn.

Hiện chưa có dấu hiệu rằng giới sử học trong nước được cởi trói để viết "công bằng, trung thực" về lịch sử đảng cầm quyền ở Việt Nam và chế độ Việt Nam Cộng hòa trước 1975.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/story/2008/10/081022_vietnamhistoryreview.shtml

No comments: