Friday, October 31, 2008

Xã Hội Vn: Từ Phân Tầng Đến Phân Rã - Cần Một Hướng Đi

Kinh Trực

Trong vài năm trở lại đây, khi mà các phương tiện thông tin của chính phủ cộng sản liên tục đưa ra những con số hấp dẫn và lạc quan về đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân Việt Nam thì cũng chính là lúc mỗi người buộc phải nhìn lại đời sống của chính mình, nhìn lại những người chung quanh mình. Thực ra, những con số, những thông tin mà người dân nhận được trong mỗi chương trình thời sự từ các phương tiện truyền thông của chính phủ không đủ sức thuyết phục họ, bởi chính cuộc sống cơm áo gạo tiền và những gì họ phải nếm trải hằng ngày đã cho họ một cái nhìn khác. Một cái nhìn về sự phân tầng mỗi lúc một rõ rệt đang đe dọa đến số phận của họ và mang lại một linh cảm không an lành về vận mệnh đất nước. Báo hiệu một sự phân rã…

Sở dĩ tôi không dùng những chữ nào khác ít trầm trọng hơn hai chữ “phân tầng” vì hiện trạng Việt Nam bây giờ cũng chẳng có chữ nào chính xác hơn để diễn tả. Sự phân tầng hiện ra rõ rệt, từ chuyện nhỏ nhất cho đến những hiện tượng mang tầm vóc vĩ mô, từ những đơn vị địa lý nhỏ cho đến những khu vực rộng lớn, từ giới lao động phổ thông cho đến giới lao động tri thức… Tất cả đều biểu hiện một bộ mặt rạn rách[1] và phân chia tầng bậc một cách thiếu lương tri, khoa học.

Những phân tích trên sẽ được công nhận sau những con số đủ sức thuyết phục để chứng minh và chỉ rõ nguyên nhân cũng như hậu quả của nó.

1.

Hiện trạng và những con số (đương nhiên đây là số liệu tham khảo từ những tổ chức có uy tín và đã được người viết đi xác minh thực tế thông qua những cuộc điều tra, dã ngoại, du lịch và tìm hiểu):

- Dân số Việt Nam xấp xỉ 85 triệu người, trong đó có 60% làm nông (con số này được lấy từ Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Việt Nam, trên thực tế không dừng ở con số này, có thể lên đến 70%) và thu nhập không quá 1.300.000đồng/người/năm.

- Số người lao động chất xám chiếm 20% (con số này cũng được lấy từ nguồn trên, thực tế số phần trăm đạt đủ chất lượng để xếp vào hàng trí thức rất ít, bởi những cán bộ cộng sản cũng chen vào danh sách, họ đang công tác lẫn lộn trong đội ngũ này với nhiều mục đích khác do cấp trên chỉ đạo).

- Số tư thương chiếm 15% dân số.

- Số người thất nghiệp chiếm 25% dân số (con số này cũng được lấy từ nguồn BLĐTBXH)

- Số người đang ở độ tuổi đi học, chưa thể lao động được chiếm 35% dân số.

- Số người làm nhiều nghề, lao động thời vụ chiếm 40% dân số

Nếu cộng tất cả những thành phần vừa kể trên lại ta sẽ có được con số 205%. Điều này chứng tỏ rằng sự phân bố lao động còn rất mờ nhạt và chưa có trật tự nào, đã xảy ra sự chồng chéo trong các thành phần, lĩnh vực kinh tế tại Việt nam.

2.

Sự phân tầng trong đời sống Việt Nam:

- 70% tổng số nông dân có thu nhập về nông nghiệp dưới mức tối thiểu, không quá 700.000đồng/người/năm bởi giá lúa gạo tăng (15 - 55%) không kịp bù cho giá phân bón và thuốc trừ sâu (tăng 80 - 100%). Cuối cùng nợ vẫn hoàn nợ, nguy cơ mất đất, mất nhà, chuyển sang nghề khác, làm thuê làm mướn là khó tránh.

- 30% tổng số nông dân từ bỏ ruộng đồng lên thành phố bán vé số hoặc đi làm thuê, lao động phổ thông, được chăng hay chớ…

- 50% tư thương luôn khai thác nguồn lao động phổ thông một cách rẻ mạt.

- 30% tư thương có mức thu nhập khá cao (không thể kiểm soát) chuyên bóc lột sức lao động từ thành phần nghèo khó, không còn chỗ dung thân, bị nợ nần rượt đuổi…

- 18% tư thương có tinh thần chia sẻ, thông cảm nhưng vẫn chỉ dừng ở mức nhằm phổ biến thương hiệu của họ với đại chúng.

- 2% tư thương là những nhà hảo tâm. Tuy nhiên thành phần này có nguy cơ phá sản…

Trong khi đó:

- Mức thu nhập thực của phần lớn cán bộ nhà nước (là đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản) luôn cao gấp vài chục lần các thương gia hạng trung và thậm chí có người còn có mức thu cao đến vài ngàn, vài trăm ngàn lần người bình thường. Cho dù sức lao động (xét trên cả hai mặt: cơ bắp và chất xám) họ bỏ ra còn kém xa những người kia.

- Những vụ tham nhũng gây chấn động dư luận trong nước và thế giới thường là do những cán bộ uy tín của Đảng gây nên và có con số rất cao, đủ làm cho người ta liên tưởng đến sự kiệt quệ của nền kinh tế quốc gia và sự lũng đoạn của ngân hàng (vụ PMU 18, Đông tây…).

- Thái độ cửa quyền, hách dịch và thô lỗ của các cán bộ nhà nước xảy ra thường xuyên đối với nhân dân.

- Khoản nợ chính phủ vay nước ngoài (bằng cách thế chấp danh dự quốc gia) lên quá cao, tỉ lệ với sự hư hỏng, tiêu xài trác táng của các cán bộ cao cấp cùng gia đình (mà trong đó con cái họ là nổi cộm).

- Những khoản tiền nhân dân phải đóng ngày càng phình to ra như thuế dịch vụ, thuế giao thông (đây là khoản gây nhức nhối và bất bình nhiều nhất, có trung bình 3 trạm thu phí giao thông/100km đường/toàn quốc. Có nơi lên đến 4 - 5 trạm như đoạn đường Bình Phước - Bình Dương - Sài Gòn dài chưa đến 100km đã có 5 trạm thu phí.) và nhiều thứ thuế khác khiến những người có thu nhập thấp trở nên khốn đốn, sống co cụm…

Về phía người dân:

- Những nông dân nghèo, hoặc không đủ sức lao động tìm lên thành phố làm thuê, làm ôsin, bán vé số… Mức thu nhập ròng của họ khoảng 700.000đồng/tháng. Đời sống vật chất thấp, đời sống tinh thần gần như zero.

- Những sinh viên tốt nghiệp, ra trường không có môi trường làm việc đàng hoàng, không có cơ hội cống hiến. Chuyển sang làm việc cho tư nhân với mức lương tương đối cao (so với lương nhà nước mà trước khi làm việc họ phải bỏ ra một khoản tiền lót đường…) nhưng phần lớn đây lại là những doanh nghiệp làm ăn bất chính, có động cơ móc nối với các quan chức cao cấp để thu lợi 1 cách không rõ ràng. Đó cũng chính là hành vi gián tiếp gây khủng hoảng kinh tế cục bộ vì phần lớn công việc họ làm tiếp tay cho những thủ đoạn thao túng, độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh và tiếp tay cho nhà nước độc tài.

- Những trí thức có quan điểm tiến bộ thường bị nhà nước chèn ép, đùn đẩy vào những công việc, trách nhiệm trái với khả năng của họ.

- Lực lượng công nhân (lực lượng nòng cốt, tiên phong của Đảng Cộng sản, của giai cấp vô sản) là những người có thu nhập và đời sống tinh thần thấp vào bậc nhất trong xã hội. Ngoài ra, họ còn chịu những khốn khổ, áp chế từ phía chủ doanh nghiệp nên họ thường bất mãn và tổ chức đình công, biểu tình… Nhưng kết quả vẫn không mấy tốt đẹp cho họ.

Những tổ chức, hội đoàn:

- Tổ chức Công Đoàn là một tổ chức lớn và duy nhất của giai cấp công nhân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam bảo trợ thành lập nhưng lại đứng về phía Nhà nước Việt Nam và các chủ doanh nghiệp. Họ không nói lên được những bức xúc của giai cấp công nhân và thường thì toa rập với chủ doanh nghiệp để thương lượng, dập tắt các cuộc đình công, biểu tình nhằm đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của công nhân. Công đoàn không đứng về phía công nhân.

- Các tổ chức, hội đoàn khác như Hội Liện hiệp Văn học nghệ thuật, Hội nhà văn, Hội nhà báo, Hội nhạc sĩ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Bảo thọ… đều được thành lập dưới sự bảo trợ của Nhà nước Cộng sản và hoạt động theo những tiêu chí Nhà nước đề ra nên không mang lại hiệu quả thiết thực nào cho người dân, nhà báo, văn nghệ sĩ… một cách đáng kể và phần lớn là hoạt động trì trệ, thu phí mờ ám, gây bất bình trong nhân dân.

- Các tổ chức tôn giáo hoạt động chịu sức ép từ phía Nhà nước Cộng sản. Mọi hoạt động của họ chịu sự khống chế của Nhà nước. Trong một số trường hợp, những thành viên cấp cao của ác tổ chức Tôn giáo là người của công an. Và những hoạt động tâm linh của tôn giáo chịu sự quan sát, điều hành của Bộ Công an, trở nên giả tạo, mị dân. Những tổ chức Tôn giáo có tính độc lập thường bị nhà nước chèn ép, khủng bố (điển hình như các trường hợp: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Phật giáo Hòa hảo, Tin lành Đê ga…).

3.

Nguyên nhân:

- Pháp luật Việt Nam được soạn thảo nhằm bảo vệ những quyền lợi, củng cố sức mạnh cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Nhà nước Việt nam là một nhà nước phi Pháp quyền.

- Nền giáo dục một chiều, nặng tính tuyên truyền của Nhà nước Cộng sản đã bóp méo suy nghĩ của người dân, nhồi sọ và tẩy não họ, biến họ thành một cộng đồng động vật tuân thủ, ít có cơ hội để nhận chân đời sống, phản tỉnh bản thân.

- Tâm lý hậu thuộc địa là căn bệnh trầm kha của dân tộc. Nó khiến con người tự thấy mình thấp cổ bé họng, không dám lên tiếng đòi hỏi những quyền lợi tối thiểu của mình. Trong một số trường hợp, người dân chưa nhận thức được đâu là quyền lợi của mình.

- Để bảo vệ quyền lợi và củng cố sức mạnh của mình, Nhà nước Cộng sản Việt Nam sẵn sàng thực hiện chính sách ngu dân, bán đứng danh dự dân tộc, bán đứng lãnh thổ quốc gia (Trường Sa, Hoàng Sa, biên giới Việt - Trung phía Bắc đất nước, cột mốc Ải Nam Quan…) cho Trung Quốc để được Nhà nước Cộng sản Trung Quốc che chở, bảo hộ…

4.

Hậu quả:

- Những cán bộ nắm quyền lực nhà nước trong tay tha hồ hạch sách, vơ vét của nhân dân. Trên mọi phương diện, lĩnh vực.

- Nạn tham nhũng xuất hiện với tầng suất, mật độ ngày càng dày đặc.

- Cơ hội cho những trí thức yêu nước và có tinh thần độc lập bị triệt tiêu hoàn toàn.

- Nạn phe nhóm trong nội bộ Nhà nước Cộng sản mỗi lúc một tăng cao.

- Đời sống nhân dân bị tụt hậu.

- Những người nghèo bị đẩy vào một góc khuất của xã hội. Họ không có cơ hội vượt thắng số phận bởi vì khoản thu nhập của họ không đủ trang trải cho chuyện ăn, mặc, ở.. hằng ngày.

- Những người lao động nghèo khom lưng làm giàu cho Nhà nước, mà nhà nước cộng sản thì không phải của dân, do dân và vì dân mà chỉ là sở hữu của 1 số ông, bà chủ mà thôi.

- Những công nhân không đủ sống. Nhiều sinh viên bỏ học, nếu là nữ tham gia dịch vụ gái gọi, là nam thì lao động phổ thông như phụ hồ, làm thợ xây, tham gia các hoạt động phi pháp, các tổ chức xã hội đen... Ngoài ra, một số sinh viên khác ban ngày đi học, buổi tối làm ở quán bia ôm…

- Nông dân bỏ ruộng vì giá lúa tăng không kịp những vật giá khác, sinh nợ nần.

Điều này dẫn đến hiện tượng:

- Nhân dân mất niềm tin vào chính phủ.

- Những kẻ cơ hội có chút quyền lực nhà nước trong tay tha hồ tác oai tác quái và cố gắng vơ càng nhiều càng tốt để xây dựng cơ ngơi, ra nước ngoài mua đất, mở tài khoản ở ngân hàng nước ngoài phòng khi có biến cố…

- Thành phần trí thức bất bình Nhà nước.

- Giới báo chí bị bịt miệng từ trứng nước hòng che lấp những khuyết điểm của Nhà nước, của Đảng. Phiên tòa xét xử hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải cùng hai sĩ quan cấp cao thuộc Bộ Công an Việt Nam là những ví dụ điển hình vấn đề này.

- Sự phân tầng xã hội mỗi lúc một sâu sắc,những người dân nghèo chịu một đời sống u tối, thành phần có dây mơ rễ má, có quan hệ tốt với Đảng Cộng sản Việt Nam được hưởng một đời sống dư thừa, trác táng.

- Nhân dân trông chờ vào một phép màu làm thay đổi cuộc đời họ theo chiều hướng tốt hơn.

Và, khi mọi hiện tượng, mọi biến chứng của xã hội phát triển theo chiều xấu đi, đương nhiên kéo theo hệ quả lịch sử của nó. Những biến động về chính trị, thái độ chính trị của Nhà nước Cộng sản đối với kẻ xâm hại lãnh thổ, đối với nhân dân giống như giọt nước cuối cùng làm tràn vỡ chiếc ly vốn mong manh và được làm từ thứ vật liệu dễ vỡ, thứ vật liệu độc tài, giả nhân đạo và phi nhân tính. Sự phân tầng trong xã hội Việt Nam không dừng lại ở mức vạch ra ranh giới kẻ giàu người nghèo, kẻ sang người hèn, kẻ quyền lực người thấp cổ bé họng mà còn tạo ra những vết rạn nứt tâm lý xã hội, khiến cho mâu thuẫn xã hội ngày càng thêm căng thẳng. Đòi hỏi một hướng giải quyết.

5. Phương hướng:

- Những người trí thức yêu nước, có tinh thần tự do, tôn trọng nền dân chủ, pháp trị nên bắt tay nhau, tùy vào tình hình thực tiễn, tùy vào khả năng hiện tại mà vận động, kêu gọi những người cùng chí hướng cùng bắt tay xây dựng kế hoạch cho một nền dân chủ tương lai.

- Phải nhận thức rõ mức độ quan trọng của việc thay đổi chế độ độc tài Cộng sản thành một nhà nước mở - đa nguyên, đa đảng, lấy tinh thần tự do, dân chủ và pháp lý làm định hướng hoạt động.

- Kêu gọi những người tài, vận động những nhà hảo tâm yêu nước cùng chung tay xây dựng đất nước vững mạnh.

- Lấy tinh thần bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ những gì ông cha để lại cho con cháu làm đầu, tuyệt đối không tuân phục Đảng Cộng sản Trung Quốc.

- Điều hòa tất cả các mối quan hệ từ kinh tế, chính trị, quân sự đến văn hóa với Mĩ và các nước phương Tây nhằm tạo ra thế mạnh đối ngoại cho Việt Nam để xác lập một Nhà nước có chủ quyền, lãnh thổ và biên giới, hải đảo trước những nước có tham vọng xâm lăng Việt Nam.

- Xây dựng một nền giáo dục mở, tuyệt đối không lấy tuyên truyền, nhồi sọ làm chủ trương, làm “kim chỉ Nam” như nhà nước độc tài Cộng sản đang làm. Giảm bớt độ căng giờ học cho học sinh, sinh viên, lấy tinh thần khoa học sinh động và sáng tạo làm tiêu chí giáo dục.

- Nâng cao mức an sinh xã hội, giảm thuế nông nghiệp & tăng cường hỗ trợ các lĩnh vực liên quan đến Nông nghiệp.

- Xây dựng một kế hoạch cụ thể cho vấn đề thay đổi và tiếp quản Nhà nước, phục vụ dân sinh. (…).

Trên đây là những ý kiến chưa đầy đủ, chờ sự đồng thuận, góp ý và cùng hành động từ phía những người bạn cùng có chung tinh thần yêu nước, yêu tự do, yêu sự thật, yêu một nền dân chủ và yêu dòng máu Việt đã có hơn mấy ngàn năm chịu cảnh lầm than, tủi nhục vẫn đang tiếp tục nếm trải những bất công từ chế độ Cộng sản độc tài. Tôi tin rằng một người không làm gì được, nhưng khi có hai người sẽ có bốn người, tám người, nhiều người… sẽ cùng chúng ta làm nên vận hội, thay đổi số phận cho chính mình và cho dân tộc, cho cộng đồng, cho tương lai con cháu mai sau.

Chú thích:

[1] ý nói đã vượt quá sự rạn nứt

(Nguồn: Vietnam Freedom Institute)

No comments: