Tuesday, October 21, 2008

NHỮNG ĐÒN PHÉP CHÍNH TRỊ TRONG CUỘC CHẠY ĐUA VÀO TÒA BẠCH ỐC 4-11-2008.

TRƯƠNG MINH HÒA.

Cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc vào ngày 4 tháng 11 năm 2008 được ghi nhận là có nhiều diễn biến khác thường từ hai chánh đảng lớn ở đệ nhất siêu cường Hiệp Chủng Quốc trong việc đưa ra các ứng viên khác lạ hơn bất cứ cuộc bầu cử tổng thống nào trong suốt lịch sử lập quốc của nền dân chủ Hoa Kỳ. Đảng Dân Chủ với sự xuất hiện khá ồn ào, nổi bật, thu hút được giới truyền thông qua khả năng hùng biện của thượng nghị sĩ Barack Obama, người da đen đầu tiên, là thượng nghị sĩ mới đắc cử nhiệm kỳ đầu, nhưng lại được bầu làm ứng viên đảng Dân Chủ, đánh bại cả đối thủ lợi hại Hillary Cliton và bên đảng Cộng Hòa thì thượng nghị sĩ John Mc Cain, sau nhiều tháng im lặng, bất thần lựa bà thống đốc tiểu bang Alaska Sarah Palin, làm ứng cử viên phó tổng thống. Nếu như ông John Mc Cain đắc cử, thì trong nhiệm kỳ tới, chắc chắn bà Sarah Palin sẽ cầm chắc chiếc vé ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, tương lai sẽ là vị nữ tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Cuộc lựa chọn ứng viên của đảng Dân Chủ có nhiều phức tạp hơn, khi bà thượng nghị sĩ Hillary Clinton, cựu đệ nhất phu nhân, từng" xuất giá tòng phu" và thường trú" ở Tòa Bạch Ốc trong 8 năm, với 2 nhiệm kỳ, bà cũng là chánh khách có thâm niên, danh tiếng trên chính trường, đơn vị New York. Đó là sự bất thường của đảng Dân Chủ, bất cứ ai làm ứng viên tổng thống cũng là điều khác thường: nếu không là phụ nữ, cũng là da màu. Sự tranh giành quyền đại diện cho đảng Dân Chủ trong cuộc chạy đưa vào Tòa Bạch Ốc khá gam go, hai bên tung ra nhiều đòn phép chính trị, không từ chối chơi bẩn, bôi nhọ cá nhân, chủng tộc...làm cho hàng ngũ của đảng Dân Chủ bị phân hóa, nhất là sau khi bà Hillary thua cuộc, thì hơn 18 triệu ủng hộ cho bà cũng không mấy thiện cảm với Obama, đó là điều gây nhiều lo ngại cho sự đoàn kết nội bộ, khiến cho vợ chồng Bill Clinton, sau đó phải lên tiếng ủng hộ Obama để tranh tài với John Mc Cain. Có thể nói là ông Barack Obama là người gặp cơ may, trong nội bộ đảng Dân Chủng không còn tín nhiệm ông chồng " dê xồm" Bill Clinton của bà ứng cử viên; là cựu tổng thống, ngoài thành tích lăng nhăng với cô thư ký tập sự Monica Lewinsky và nhiều phụ nữ khác như bà Paola... gây nhiều tai tiếng xấu; ông ta còn mở cửa trước Tòa Bạch Ốc để rước gián điệp Trung Cộng là John Huang vào tận bộ chỉ huy đầu não, phong chức phụ tá thứ trưởng thương mại và có làm tới chức phó chủ tịch đảng Dân Chủ, gây nhiều thiệt hại cho quyền lợi Hoa Kỳ, nên trong thời kỳ 8 năm cầm quyền của ông Clinton, Trung Cộng càng mạnh hơn là nhờ thế  " nội công ngoại kích" và từ đó ông Bill Clinton ban nhiều đặc quyền đặc lợi cho Trung Cộng, nhưng đồng thời cũng phớt lờ về chuyện vi phạm nhân quyền vô cùng tồi tệ ở Hoa Lục, ông Clinton gọi Trung Cộng là " bạn hàng hợp tác" một cách thân thương. Nếu bà Hillary được đảng đề cử làm ứng viên cho đảng Dân Chủ, thì có hy vọng đắc cử tổng thống, như vậy là biến ông Bill Clinton trở thành " vị tổng thống nhiệm kỳ ba" không có ghi trong hiến pháp Hoa Kỳ, thật là tai hại vô cùng.

Ngoài ra, thượng nghị sĩ Obama còn nhận được sự ủng hộ của giới truyền thông đa số khuynh tả, những người da đen, đặc biệt có cả bà Ophra, da đen, một người nổi tiếng khắp Hoa Kỳ và thế giới về chương trình của bà trên đài truyền hình. Theo các cuộc thăm dò dư luận, thì ông Obama nhận được nhiều sự ủng hộ hơn John Mc Cain từ khi mới vận động đến sau ba cuộc tranh luận. Dù ông John Mc Cain có làm ngạc nhiên dân Mỹ là chọn bà Sarah Palin, trẻ, đẹp, duyên dáng, là thống đốc tiểu bang Alaska làm người ứng viên phó tổng thống, là nguời có kinh nghiệm nhất trong ngành hành pháp so với tất cả các ứng cử viên hai đảng hiện nay. Một điều làm cho ông John Mc Cain bị mất thêm ủng hộ là cuộc khủng hoảng tài chánh xảy ra ngay trong cuộc vận động tranh cử, nên trong cuộc tranh luận sau cùng, ông khẳng định với Obama là:" Tôi không phải là ông Bush", vì từ nhiều tháng qua, Obama và đảng Dân Chủ cố tình khai thác những biến động kinh tế của chính phủ Cộng Hòa do tổng thống George.W.Bush lãnh đạo để cho là" cá mè một lứa". Kỳ bầu cử nầy có vài trường hợp bất ngờ, khi Thượng Nghị Sĩ Joe Lieberman, nguyên ứng cử viên phó tổng thống đảng Dân Chủ với Al gore cũng đã công khai ủng hộ John Mc Cain ngay trong lần đại hội đảng chỉ định ứng cử viên.

Một sự kiện đáng lưu ý khác, ngày 20 tháng 10 năm 2008, tức là chỉ còn 2 tuần lễ nữa là đến ngày quyết định, một người bạn lâu năm của ông John Mc Cain, một chiến hữu trong cuộc chiến Việt Nam là đại tướng Colin Powell, thuộc đảng Cộng Hòa, từng giữ chức Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Hoa Kỳ, là ngoại trưởng da màu đầu tiên dưới nhiệm kỳ thứ nhất của ông George.W.Bush, đột nhiên tuyên bố ủng hộ và bỏ phiếu cho ông Obama vào ngày 4 thánh 11 năm 2008. Tuy nhiên ông John Mc Cain không ngạc nhiên và người dân Hoa Kỳ hay thế giới không ngạc nhiên vì sự ủng hộ nầy có nhiều lý do, và trong đó có yếu tố màu da cũng không thể loại trừ. Cựu đại tướng Colon Powell, người từng tham chiến tại Việt Nam, nguyên tổng tham mưu trưởng quân lực hùng mạnh nhất thế giới, đương nhiên là qua kinh nghiệm bản thân, khi so sánh khả năng quân sự, kinh nghiệm chiến trường giữa Obama và John Mc Cain, thì sự chọn lựa " vị tổng tư lịnh quân đội Hoa Kỳ" là một điều cũng khá khác lạ, không muốn nói là bất thường. Lẽ nào ông đại tướng lừng danh quân đội Hoa Kỳ lại liều mạng giao chức Tổng Tư Lịnh Quân Đội cho một tay gà mờ, đó là sự quyết định thiếu nền tảng, đi sai nguyên tắc lãnh đạo chỉ huy mà ông từng được huấn luyện ở các quân trường từ cấp nhỏ đến cấp cao. Trong bất cứ quân lực nào, ít khi vị chỉ huy lại giao cho một sĩ quan mới ra trường nắm ngay chức đại đội trưởng, dù tốt nghiệp trường Võ Bị Hiện Dịch, được đào luyện kỷ lưỡng; thì việc giao quyền chỉ huy một đơn vị nhỏ cấp đại đội trưởng cho một người chưa hề biết cấm súng, học chiến thuật là một điều vô cùng bất thường; huống hồ chi chức tổng tư lịnh quân đội của một siêu cường. Sự chọn lựa nầy khiến cho nhiều người dân Hoa Kỳ hay những nước khác nghĩ ngay đến vấn đề chủng tộc là động cơ đưa đến sự quyết định. Đương nhiên là cựu dại tướng Colin Powell thừa biết sự quyết định sai lầm có khả năng đưa đến hậu quả khôn lường về chính sách an ninh quốc gia, nền hòa bình thế giới, nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố mà ông Obama là người có lập trường rút quân khỏi Iraq, co cụm và  " chạy xịt" nhưng được họ gọi là" cấp tiến" và đây là điều có thể chôn vùi cả sự nghiệp của một danh tướng nếu ông Obama đắc cử và mang nhiều hệ lụy cho nước Mỹ cũng như nền hòa bình thế giới. Về khả năng quản trị kinh tế, thì thượng nghị sĩ Barack Obama là người mới bước vào chính trường, chưa có kinh nghiệm là điều đương nhiên; nhưng ông nầy là người có khả năng" nói về kinh tế" lưu loát, thì cũng chưa phải là sự lựa chọn tốt cho cử tri. Người nói về kinh tế khác hơn người điều hành kinh tế, đó là chuyện mà cử tri nên cẩn thận kẻo bầu nhằm lý thuyết gia kinh tế, khi đụng phải thực tế là bị thất bại. Cũng như tại Việt Nam, các lý thuyết gia kinh tế như tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nguyễn Quang A...chỉ là những  " thằng hề nói về kinh tế", trong khi đó, những kẻ điều hành kinh tế lại nằm trong tay bộ chính trị với chức thủ tướng, tổng bí thư, chủ tịch nhà nước.

Cuộc chạy đưa vào Tòa Bạch Ốc lần nầy có nhiều điều ngoạn mục, bất thường từ ứng cử viên hai đảng đến những đòn phép của hai bên, ông Obama có lợi thế là được giới truyền thông khuynh tả ủng hộ, có khi thiên vị hoặc có khi các cơ quan thăm dò đưa ra những con số dự đoán theo cảm tính, dù cách làm có tính cách khoa học thống kê. Vì khoa thăm dò dư luận chỉ là lối suy diễn qua cuộc hỏi ý kiến một số người, rồi đưa ra kết luận. Được biết, cử tri ở Hoa Kỳ không bị bắt buộc phải đi bầu, làm nhiệm vụ công dân như ở các nước khác, điển hình là ở Úc; nên thông thường, cử tri đi bầu khoản phân nửa, có khi ít hơn để lựa chọn người lãnh đạo đất nước. Do đó con số cử tri không thích đi bầu chiếm con số đáng kể, nếu họ đi bầu như ở Úc, thì chưa chắc là các cuộc thăm dò là đúng.

Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ là nơi từng có cuộc nội chiến Nam Bắc về màu da, tuy rằng vấn đề nầy đã được hóa giải từ thời tổng thống Abraham Lincoln, nhưng chuyện màu da vẫn không thể xóa, dù dân Mỹ giảm bớt, có thể không còn kỳ thị nữa; tuy nhiên chuyện phân biệt trắng, đen, vàng, thổ dân, vẫn là một vấn đề khó xóa sạch trong đầu của các sắc dân, không những xảy ra ở Hoa Kỳ, mà khắp các nơi trên thế giới đều có tình trạng nầy. Cho nên hiện tượng Obama có khả năng khơi dậy đống tro tàn của vấn đề chủng tộc từ cuộc tranh giành nội bộ của đảng Dân Chủ, nay là giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Có thể qua cuộc bầu cử nầy, hiện tượng Obama ít nhiều làm phân hóa nước Mỹ từ đảng Dân Chủ, đến quốc gia, dù mức độ âm thầm nhưng cũng làm tác hại cho nền chính trị, xã hội, tư tưởng của người dân trong một quốc gia đa chủng tộc, có khả năng kéo dài trong thời gian lâu. Cuộc chiến tranh Việt Nam gây ra phân hóa trầm trọng giữa hai phe từ hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, kéo dài đến tổng thống Ronald Reagan mới khôi phục sự đoàn kết quốc gia, nên sau đó mới đánh sập thành trì kiên cố như" thành đồng vách sắt" của khối Cộng Sản Quốc Tế Liên Sô, san bằng bức tường Bá Linh. Trong cuộc chạy đưa vào Tòa Nhà Trắng nầy, có nhiều đòn phép lộ ra và thầm kín; bằng chứng là bà Sarah Palin từng tố cáo Obama có quan hệ đến một nhân vật có thành tích khủng bố thời chiến tranh Việt Nam. Rồi ít lâu sau, ông John Mc Cain lại thay đổi chiến lược, khuyên những người ủng hộ ông không nên có những lời lẽ thiếu tế nhị công kích cá nhân với đối thủ, gây ngạc nhiên nước Mỹ là cá nhân ông Obama.

Trong bất cứ chuyện gì, cũng có những lợi, hại của nó như câu chuyện Tái ông mất ngựa, giai thoại ở Trung Hoa thời xưa. Cho nên, khi tung ra đòn phép, nhiều khi bị dội ngược lại như vũ khí Boomerang của người Thổ Dân Úc. Trong cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu, thủ tướng Úc Kevin Rudd đưa ra" bảo đảm" cho các ngân hàng trong vòng ba năm, thoạt mới nghe thì đây là " tuyệt chiêu" nhằm tạo sự tin tưởng của những người đầu tư vào ngân hàng là không sợ rủi ro. Tuy nhiên, chỉ không đầy 10 ngày sau, ngày 21 tháng 10 năm 2008, thống đốc Ngân Hàng Trữ Kim Liên Bang là Stephenson cảnh báo, biện pháp nầy sẽ đưa ra hậu quả tồi tệ nhất cho nền kinh tế nước Úc, khi mà những lãnh vực đầu tư khác" không được bảo đảm" nên các nhà đầu tư e ngại không dám làm ăn, đưa ra tình trạng khủng hoảng kinh tế khôn lường.

Do đó trong những ngày cuối cùng, sắp tới đích, thì cựu đại tướng Colin Powell tuyên bố ủng hộ thượng nghị sĩ Obama, một người trong đảng đối lập, là điều mà ông Obama hài lòng; nhưng nếu ông Obama được một chính khách lừng danh da trắng lên tiếng ủng hộ trong lúc nầy, như thời điểm tranh giành quyền ứng cửa viên của đảng Dân Chủ, ông được nhiều người da trắng như Edward Kennedy, Jimmy Carter...thì rất là thắng lợi. Tuy nhiên, ông được một nhân vật da màu, dù nổi tiếng ủng hộ, là điều có mặt bất lợi, khi mà yếu tố chủng tộc lại trở thành" chất kích thích" những người da trắng vùng lên, khi mà họ cảm thấy đã bị dồn vào đường cùng, là bản năng tự vệ của bất cứ cá nhân nào trong xã hội.

Người ta đặt nghi vấn là: tại sao trước dây, ông cựu đại tướng Colin Powell không lên tiéng ủng hộ ứng cửa viên Obama, mà đợi đến lúc nầy? Đây cũng có thể là một đòn phép chính trị mà đảng Cộng Hòa tung ra trong những ngày cuối cùng để nhằm gây" chú ý" về vấn đề chủng tộc" để cho những người da trắng toàn quốc lo ngại và từ đó họ sẽ đi bầu đông, vận động mạnh hơn, kết quả sẽ có nhiều điều lý thú, bất ngờ mà hiệu ứng Bradley vẫn còn là nổi ám ảnh của ứng cử viên Barack Obama. Hảy chờ xem những diễn biến trong những ngày sau cùng trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, đây là lúc cả hai đối thủ phải chạy nước rút.

Sự tham vọng của bà Hillary Clinton qua quyền lợi cá nhân lên trên đảng Dân Chủ và quốc gia, đã đưa đến thắng lợi của thượng nghị sĩ Obama trong cuộc vận động làm ứng cứ viên của đảng Dân Chủ. Có thể sự ủng hộ của cựu đại tướng Colin Powell sẽ có tác dụng ngược lại là một tuyệt chiêu mà đảng Cộng Hòa tung ra giờ chót để hốt số cử tri da trắng mà tứ trước đến nay không thích đi bầu và những người trong đảng Cộng Hòa cảm thấy bị thua nên tích cực vận động tối đa để giành lấy chính quyền từ con gà nhà của mình?

Riêng người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ, ứng viên Barack Obama vẫn còn xa lạ, đặc biệt là ứng cử viên phó tổng thống Joseph Biden là người từng đóng góp công rất lớn cho Việt Cộng xâm chiếm miền Nam qua việc cắt quân viện và không màng đến người tỵ nạn. Trái lại ông John Mc Cain là người từng sang chiến đấu, làm tù binh và bị hành hạ bởi chế độ Cộng Sản. Ông Mc Cain là người từng đưa ra tu chánh án, giúp cho con cái những tù binh chính trị trong chương trình O.D.P trên 21 tuổi, nhưng chưa có gia đình, được đi cùng với thân nhân. Ông Mc Cain là người hiên ngang, từng chửi thẳng vào mặt Việt Cộng trong lần thăm viếng chính thức 2000:" Wrong guy wins the war"./
VNE

No comments: