Sunday, October 26, 2008

Sửa luật, kiều bào vẫn có quốc tịch Việt Nam

17:25' 25/10/2008 (GMT+7)

http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2008/10/810191/

- Chiều 25/10, Quốc hội họp kín tại hội trường về dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi). Bên hành lang QH, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý trao đổi một số nội dung xung quanh dự thảo luật sửa đổi :

Lựa chọn do công dân

- Dự thảo Luật sửa đổi cơ bản vẫn duy trì nguyên tắc một quốc tịch. Với trường hợp bà con kiều bào sinh sống ở những nước mà luật pháp qui định nếu muốn nhập quốc tịch nước đó thì phải bỏ quốc tịch Việt Nam thì sao, thưa ông?

Pháp luật ở một số nước quy định muốn nhập quốc tịch của nước đó thì phải thôi quốc tịch gốc. Trong trường hợp đó, công dân phải lựa chọn thôi. Nếu họ thấy cần thiết phải nhập quốc tịch ở nước đó thì họ phải tuân theo quy định của pháp luật nước đó.

- Có quy định đối với trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng không có các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục đăng ký trong thời hạn tối đa 5 năm kể từ ngày Luật Quốc tịch sửa đổi có hiệu lực. Theo ông, quy định thời hạn như vậy có khả thi?

Đó là một ý kiến. Nhưng theo tôi không cần phải quy định việc đăng ký đó. Vì trong luật đã quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa thôi, chưa bị tước hay mất quốc tịch Việt Nam, sau khi Luật sửa đổi có hiệu lực thì vẫn là người có quốc tịch Việt Nam.

Như vậy thì không cần phải đặt ra quy định đăng ký nữa, không phải tổ chức thành đợt đăng ký để công dân ta ở nước ngoài lại phải đến tập trung ở cơ quan đại diện của Việt Nam để đăng ký. Nếu sau thời hạn đó, họ không đăng ký thì sao? Quốc tịch họ vẫn giữ cơ mà?

- Nhưng như vậy có thể đặt ra vấn đề không đăng ký sẽ khó quản lý được ai đã nhập quốc tịch, thưa ông?

"Sắp tới đây sẽ sửa điều 126 của Luật Nhà ở với mục đích tạo điều kiện hơn nữa cho bà con kiều bào mua và sở hữu nhà ở trong nước".

Đó là lý do để có quan điểm đề nghị phải đăng ký để có thể nắm được, quản lý được công dân. Theo tôi, chúng ta có thể làm công việc đó bằng các biện pháp khác chứ không cần tổ chức đăng ký, nhất là đặt ra thời hạn mấy năm thì phải đăng ký mà sau thời hạn đó không thì sao. Quy định phải đăng ký trong một thời hạn nhất định, theo tôi, không hợp lý.

- Đối với trường hợp bà con Việt kiều muốn mua nhà thì luật có đưa ra những quy định về quyền lợi quốc tịch nhằm tạo điều kiện hơn cho họ không?

Dù là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ cho vấn đề này phải theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Luật Nhà ở có các quy định liên quan đến việc công dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài có thể mua và sở hữu nhà hoặc căn hộ ở trong nước.

Sắp tới đây sẽ sửa điều 126 của Luật này với mục đích tạo điều kiện hơn nữa cho bà con kiều bào mua và sở hữu nhà ở trong nước.

Người nước ngoài không là ngoại lệ

- Dự thảo Luật Quốc tịch sửa đổi có đưa ra những điều kiện miễn, giảm cho công dân nước ngoài muốn nhập quốc tịch Việt Nam. Liệu đặt ra những quy định như vậy có làm mất sự bình đẳng, công bằng đối với bà con kiều bào, những người có nguyện vọng lớn hơn về sở hữu quốc tịch gốc?

- Thực ra điều kiện miễn, giảm chỉ dành cho 3 trường hợp đặc biệt thôi và cũng chỉ "mở" với trường hợp đặc biệt này khi cho phép họ nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ quốc tịch gốc. Mọi trường hợp nói chung đều theo nguyên tắc một quốc tịch.

"Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa thôi, chưa bị tước hay mất quốc tịch Việt Nam, sau khi Luật sửa đổi có hiệu lực thì vẫn là người có quốc tịch Việt Nam".

Cụ thể, 3 trường hợp được giữ quốc tịch là những người có vợ chồng, cha mẹ là công dân Việt Nam, những người có huân, huy chương cao quý của Nhà nước Việt Nam trao tặng, người có công lao đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Còn người nào lựa chọn quốc tịch Việt Nam thì phải theo nguyên tắc, quy định của Luật, đó là một quốc tịch.

Thưa ông, cơ quan nào sẽ xem xét nhập quốc tịch cho những trường hợp đặc biệt trên?

- Ba trường hợp trên sẽ do Chủ tịch nước quyết định. Nhưng trong Luật có quy định rõ những vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục thì do Bộ Tư pháp được Chính phủ ủy quyền xem xét đơn xin gia nhập. Sau đó sẽ trình Chủ tịch nước quyết định.

Đối với đa số trường hợp người nước ngoài nói chung muốn nhập quốc tịch Việt Nam, dự thảo luật có đưa ra một điều kiện là họ phải "biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng xã hội Việt Nam". Ông có suy nghĩ gì về điều kiện này? Có thước đo nào cho mức độ "biết đủ" như dự thảo luật quy định?

- Nói chung, theo quy định của luật, "đủ" là đủ để làm ăn sinh sống, để thực hiện quyền công dân, nghĩa vụ của công dân, hòa nhập cuộc sống ở Việt Nam. Sau này Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Một điều kiện khác dành cho đối tượng người nước ngoài muốn nhập quốc tịch Việt Nam là "đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên". Có ý kiến cho rằng như vậy là "mở" và cần quy định thời gian dài hơn?

- Nhiều hay ít hơn thì khó nói. Trên thế giới, các quốc gia quy định vấn đề này khác nhau, thời hạn khác nhau. Chính phủ đề nghị mức 5 năm như vậy vừa đủ để có thể công dân đó thể hiện được có thể trở thành công dân Việt Nam, hòa nhập vào cộng đồng sống ở Việt Nam, thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ nếu là công dân ở đây.

Xuân Linh thực hiện

No comments: