Sunday, October 26, 2008

Hai giờ với thi sĩ Nguyễn Chí Thiện

Bùi Văn Phú
Hai giờ với thi sĩ Nguyễn Chí Thiện
1 2
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11500&rb=0101


Bùi Văn Phú: Tác phẩm Hoả Lò có phải là sáng tác mới nhất của ông, hay sau đó ông còn viết thêm gì nữa?

Nguyễn Chí Thiện: Sau Hoả Lò tôi đã bắt đầu viết một số trang hồi kí. Hoả Lò có cái đặc biệt mà tôi tin không ai viết được vì không có ai sống ở đó lâu như tôi. Đó là một trại tạm giam, người ta giam vào đấy để chờ xử án, xong rồi đi trại. Đây là nơi phi lao động. Xử án xong thì một năm hoặc sáu tháng họ đưa lên trung ương, là đưa lên rừng để làm ra của cải. Trại Hoả Lò là không làm ra của cải.

Bùi Văn Phú: Trong Hoả Lò, chỉ truyện về Phùng Cung là có tên những nhân vật thật, còn những truyện khác là hư cấu hay sao?

Nguyễn Chí Thiện: Những truyện trong đó hoàn toàn thực, có điều tôi không đề tên người. Thí dụ như Ngưu Ma Vương, tên là Thuận, thượng uý, tù gọi là Ngưu Ma Vương vì hắn ác lắm, hắn quái gở lắm. Còn ông Găng Đi là một cán bộ miền Nam, tên ông ta là Thuần, rất hiền lành mà làm bao nhiêu năm trời chỉ có trung uý thôi, ông ấy tốt lắm. Cô gái bị tử hình trong truyện “Sóng nước sông Hồng” sau này không chết đâu nhá. Cô ấy là người duy nhất, vì là đàn bà con gái nên được ông Trường Chinh tha mạng. Cô ấy tưởng chết vì vụ đốt cháy ở đường Trần Nhân Tông, hồi đó ầm cả Hà Nội cơ mà. Cô ấy năm đó mới 19 tuổi.

Còn tay bị xử tử, tên cũng là Thuận, người Sơn Tây. Tay gọi là “28 tấn thóc” cũng bị xử tử tên là Tâm, ở dốc Thọ Lão, Lò Đúc, bị xử tử thật. Những nhân vật tôi còn nhớ tên hết, cho nên đây là những chuyện thực. Còn tay đầu gấu trong truyện “Sương buồn giăng kín non sông” là Minh trọc, tên là Minh, đầu trọc. Lão mê bà Sài Gòn là một ông đại uý thời Việt Nam Cộng hoà tên là Hải cùng xà lim với tôi. Trong truyện tôi có nói đến con trai của Huỳnh Tấn Phát là Tuấn. Con trai của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là Nguyễn Việt Hà.

Trong Hoả Lò tôi không dùng tên mà chỉ sắp xếp cho thành truyện, nhưng đó là những truyện thật, không hề hư cấu về câu chuyện. Còn tay cán bộ coi buồng 14 thuốc lào trong truyện “Những bài ca cách mạng” tên là Bòi, thiếu uý Bòi, người loắt choắt, rất hỗn. Những nhân vật đó chết rồi có, còn sống có, tôi không muốn nêu tên trong truyện vì muốn điển hình hoá.

Bùi Văn Phú: Thuốc lào có phải là thứ gì quí lắm đối với người tù ở Hoả Lò?

Nguyễn Chí Thiện: Thuốc lào nó kì lắm. Trong tù thì buồn, thế mà điếu thuốc lào hút vào thì nó say sưa, khoan khoái con người lắm. Cái đó rất quan trọng. Trong tù có cảnh thê thảm là người ta giết nhau vì thuốc lào.

Bùi Văn Phú: Trong truyện “Đàn bò sữa” ông có viết về một em bé chết trong tù và bà mẹ thì phát điên. Ông có thể nói rõ về hoàn cảnh của em bé đó?

Nguyễn Chí Thiện: Em bé đó còn rất nhỏ. Tôi ở xà lim 3, cạnh phòng phụ nữ nên tôi quan sát được hết, nhiều khi họ cãi nhau còn nghe được. Nhiều người mang trẻ con vào, không phải chỉ mình cô ấy đâu, nhiều người mẹ đi tù thì con đi tù theo, kể cả những em bé lên 4, 5 cũng có ở trong Hoả Lò như thường. Còn cảnh đứa bé chết thì chính tôi chứng kiến vì cô ấy gào lên như điên loạn.

Còn trại điên bên Trâu Quỳ, Gia Lâm, ai mà chẳng biết là một trại khủng khiếp, trong đó rận chấy rệp muỗi đầy rẫy, nhốt người điên chứ không chữa trị gì đâu. Những người điên khùng họ cho vào đầy cả. Tôi đã gặp những người bị đưa vào đấy, thí dụ như những người tiếc của quá, có người bị lộ vì con cháu nó tố có chục lượng vàng trong tường, có thằng nó đến nó đục ra nó lấy. Thế là tiếc của quá nói năng lảm nhảm như điên, bị bắt nhốt vào Trâu Quỳ. Sợ quá, khỏi, về mới kể lại.

Bùi Văn Phú: Trong tập truyện ông có đưa ra nhận xét là sau thời gian cởi trói, có những nhà văn phản kháng, nhưng ông nêu rõ những người như Trần Mạnh Hảo, Trần Quốc Vượng, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Thị Ngọc Tú thì chỉ là bồi bút, họ trở lại nghề cũ. Gần đây Trần Mạnh Hảo đã có những bài phê phán chủ nghĩa Mác và chế độ triệt để lắm.

Nguyễn Chí Thiện: Chính tôi có viết thư, nói chuyện với Trần Mạnh Hảo, tôi có khuyến khích ông ấy. Nhưng ông ấy như trở bàn tay, có thời gian làm công an văn nghệ đấy chứ. Sau quyển Ly thân thì ông ấy là người bảo vệ Đảng đến độ Tố Hữu phải khen Trần Mạnh Hảo là con đê chắn sóng cho Đảng. Ông ấy viết bênh vực Đảng ghê quá khiến anh em trong nước phát hoảng. Gần đây ông ấy lại tấn công chủ nghĩa Mác với hàng chục bài. Tôi nói chuyện với ông ấy, khuyến khích vì bố vợ ông ấy là ông Tôn Thất Tần, tù với tôi trong trại Phong Quang. Khi tôi viết về ông ấy trong bài đó là vào năm 1997, lúc đó ông ấy giở mặt rồi.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Tú cũng vậy, cũng viết những bài bênh Đảng. Còn ông Trần Quốc Vượng bênh Đảng thế nào thì thời tôi ở trong nước tôi đọc tôi biết. Ông ấy bảo thời cổ nước mình có Hai Bà Trưng, tiêu biểu là anh hùng phụ nữ, thế kỉ 20 có bà Nguyễn Thị Định, còn thế kỉ 21 sẽ có một nữ bác học, như thế là lại nịnh chế độ, lại trở về nghề cũ cho được yên thân.



*


Bùi Văn Phú: Đọc văn của ông có nhiều nhân vật, nhưng thơ của ông tượng hình hơn văn. Ông có thể kể lại một vài sự việc nào đã cho ông cảm hứng để viết thành thơ. Chẳng hạn như những câu sau:


Một tay em trổ
“Đời xua đuổi”
Một tay em trổ
“Hận vô bờ”…


Nguyễn Chí Thiện: Những chuyện như trong bài thơ đó nó xảy ra nhiều lắm, tôi thường xuyên gặp nhiều trẻ em như thế. Năm 72-73 ở trại Phong Quang có những em thiếu phạm bị kỉ luật và được đưa vào trại, trên tay phần nhiều đều có xâm trổ bằng mọi hình thức, như lưu manh xâm trổ ở Việt Nam. Đấy là những câu các em xâm trổ thực trên tay, thấy cảnh như thế, đột nhiên mình nghĩ ra, ghi lại như vậy.

Bùi Văn Phú: Còn những câu:


Bà kia tuổi sáu mươi rồi
Mà sao không được phép ngồi bán khoai
Cụ kia tuổi bẩy mươi hai
Mà sao hội họp mệt nhoài chẳng tha…


Đó có phải cũng là những con người thực ông đã gặp?

Nguyễn Chí Thiện: Bà cụ là hoàn cảnh thực tế của bà mẹ tôi đấy. Bà mẹ tôi năm ấy đúng 60, bán khoai ở cửa, mà có đứa cháu phải coi, nếu cán bộ quản lí thị trường với hộ khẩu mà đi đến là phải bê khoai chạy vào trong nhà. Còn không, bọn nó vớ được tịch thu hết, không những tịch thu khoai mà bao nhiêu tiền trong người cũng tịch thu hết. Còn cụ kia là ông bác tôi đấy. Bài thơ đó còn có câu: “Cô kia bát phở vài hào cũng trao” thì đó là nhiều người, rất đông. “Cậu kia con cụ đồ nho / mà sao móc túi mặt tro trát vào” là bạn bè thì đúng rồi. Tôi có nhiều bạn học giỏi, thông minh lắm, thế mà chỉ quanh quẩn đi cuốc đường, đào hầm, đào hố sống vất vưởng suốt đời thôi. Đó là những chuyện tôi ghi lại thật. “Anh kia đi lính thuở nào / mà sao cảnh sát cũng vào bắt đi” là những người lính thời Bảo Đại, ở lại vì tin tưởng chế độ, nó cho đi tù hết. Từ binh lính, dân vệ thôn xóm đến anh sĩ quan. Cho nên ông thiếu tướng Lê Hữu Qua, Cục trưởng Cục Lao cải năm 1973 có đến trại Phong Quang, nói với tôi nguyên văn: “Đảng ta rất nhân đạo, bắt bao nhiêu là nguỵ quân, nguỵ quyền ta có làm gì đâu, chỉ cho đi cải tạo có 13 vạn thôi”. Đó là nguỵ quân, nguỵ quyền miền Bắc đấy nhá, những người tin tưởng mà ở lại, Đảng ta nhân đạo đâu có giết ai đâu, chỉ cho đi cải tạo thôi.

Bùi Văn Phú: Bài “Sẽ có một ngày” sáng tác trong hoàn cảnh nào mà ông lại có niềm hi vọng như thế?

Nguyễn Chí Thiện: Đêm hôm đó tôi thức cả đêm để làm bài này:


Sẽ có một ngày
Con người hôm nay
Vất súng
Vất cùm
Vất cờ
Vất Đảng


Làm xong bài đó tôi thích lắm vì biết rằng con người cộng sản cũng có những lúc họ cũng hối hận, vì đã có những người tỏ ra hối hận trước kia đã tham gia vào Đảng. Tù cùng với tôi thì có rất nhiều cán bộ đảng viên. Tôi nghĩ nếu một ngày mà con người hiểu biết, ngay cả những người đảng viên cộng sản cũng sẽ tỉnh ngộ, mình gọi là phản tỉnh đấy. Nếu ngày đó mà đến thì tôi tin là dân tộc mình sẽ được tự do và sẽ không có chuyện trả thù. Tôi tiên đoán như thế. Ngày đó kể cả kẻ bị hành hạ, cũng như những kẻ đã hành hạ người khác, đều “đặt vòng hoa tái ngộ / lên mộ cha ông” cho nên tôi đã viết “kẻ bùi ngùi hối hận” là kẻ đã tham gia vào việc hành hạ người khác. Không có chuyện thù hận nữa. Vì khi đã qua bao nhiêu tang tóc rồi thì “tã trắng thắng cờ hồng”. Tã trắng là tượng trưng cho sự sống còn cờ hồng là tượng trưng cho sự chết chóc, bạo lực và máu.

Bùi Văn Phú: Một số bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ Phạm Duy, Trần Lãng Minh phổ nhạc. Ông thích bài nhạc nào nhất?

Nguyễn Chí Thiện: Tôi có nghe hết những bài phổ nhạc. Trần Lãng Minh có bài “Cô gái đồng lầy”, cô gái miền Nam chết đấy, tôi thích. Anh Phan Văn Hưng phổ mấy bài tôi cũng thích. Ông Phạm Duy phổ chừng 20 bài, tôi thích một số bài, đặc biệt bài phổ theo điệu hồ quảng “Nước Đổng Trác Điêu Thuyền”. Còn có một nhạc sĩ người Áo phổ 14 bài thơ của tôi thành nhạc không lời. Ông ấy biếu tôi mà tôi nghe chẳng hiểu gì cả, nhạc hiện đại, tôi nghe tôi mù tịt.


*


Bùi Văn Phú: Hiện tại một ngày bình thường của ông như thế nào?

Nguyễn Chí Thiện: Bây giờ tim của tôi nó lôi thôi lắm. Nhiều khi đứng lên ngồi xuống mà lảo đảo, nên vẫn phải uống thuốc. Sống bằng tinh thần là chính thôi. Hằng ngày tôi đọc sách bằng tiếng Anh ít nhất cũng khoảng tiếng rưỡi, nhiều khi đọc đi đọc lại hai ba lần. Xem ti vi tối thiểu ba tiếng một ngày, những chương trình có ích như American Experience, những kênh như Discovery, History, PBS, National Geographic. Tôi hay xem những chương trình đó để học tiếng Anh vì cái ti-vi có chạy chữ người nói ra, xem như thế có thể hiểu gần hết, chứ xem và nghe không thì hiểu ít hơn. Cố gắng vừa học nghe, vừa luyện giọng một tí để có thể giao thiệp qua loa chứ tôi không mong giỏi. Đấy là thời gian để đọc sách và xem ti-vi, còn thừa thời giờ thì đọc các báo. Trên Internet có bài nào hay thì anh em bạn in ra gửi cho tôi vì tôi không dùng email, không dùng Internet, computer. Đọc những thứ đó cũng mất vài tiếng. Mỗi ngày tôi bỏ ra trên một tiếng để viết, mang tiếng là trên một tiếng, nhưng đêm nằm lại phải suy nghĩ về nó, hoặc đi chơi, ngồi đâu uống nước, uống trà cũng lại phải suy nghĩ về cái đề tài viết. Nói là viết một tiếng nhưng thực tế là tốn đến bốn năm tiếng. Trong tương lai, để viết tốt hơn nữa có lẽ tôi phải dẹp hết tất cả mọi việc để tập trung riêng vào viết thì mới có thể sống lại với quá khứ một cách trọn vẹn hơn và viết hay được. Tiếc là tuổi cũng đã nhiều rồi, không còn sức để đào sâu, không còn tâm hồn để bay bổng nữa, thế nên viết khó mà hay lắm nhưng vẫn cố gắng viết, vì đó là công việc sáng tác.

Bùi Văn Phú: Hồi kí ông đang viết dự định bao giờ sẽ xong?

Nguyễn Chí Thiện: Phải vài năm vì tôi viết rất cẩn thận, có khi viết xong một đoạn rồi lại phải bỏ đi, viết lại. Mà nhiều khi mình chỉ đi tìm một câu, hay một chữ đối thoại thôi, thế mà tôi phải đi lại trong rừng, như hồi ở bên Pháp ấy. Nhiều khi mình không thể thực quá được, có những câu nói lưu manh, mất dậy lắm, đưa vào văn chương không được, nó không ra sao cả. Thế là mình phải tìm một câu nào nó cũng mất dậy, nhưng có tính văn học, cho người đọc có thể chấp nhận được những cái đó, phải tìm những câu điển hình để mà nói. Thí dụ bệnh viện ở Hoả Lò, để diễn tả cái ghê gớm, ngoài tả cái bệnh viện ra còn phải nói về cái thằng bác sĩ, nhớ lại cái cảnh nó nói với bệnh nhân câu: “Thằng nào từ giờ cứ hay khai bệnh, tao cho nằm bệnh xá”. Bệnh nhân nghe thế hết hồn, không dám nằm bệnh xá vì nguy hiểm lắm. Những chuyện như thế mình có thể đưa vào cho nó sống động.

Bùi Văn Phú: Đã sống mười hai năm ở nước ngoài, ông không tin câu nói “Đâu sống tốt đó là tổ quốc” là đúng và ông vẫn mơ trở về với đất nước Việt Nam có bờ tre, con trâu, quán nghèo, hương cau, hương bưởi. Bây giờ Việt Nam thay đổi nhiều, mà ông cứ mơ như thế thì sao đất nước khá lên được, phải hiện đại hoá chứ?

Nguyễn Chí Thiện: Ở Việt Nam mình những cảnh đó vẫn còn, hương cau, hương bưởi không mất. Thực tế bây giờ Việt Nam đồng ruộng vẫn chiếm đa số, vẫn những con trâu cày, nhất là ở miền Bắc, chứ đã dùng đến máy móc đâu. Mình trở về để hưởng những cái đó. Còn bờ tre thì làm sao phá bỏ được vì nông thôn của mình có hiện đại hoá thì cũng còn lâu lắm. Dù sau này có máy cày chạy thì không khí nông thôn vẫn còn, nhưng lối làm nhà làm cửa vẫn đơn sơ thôi, không mất đi nhiều. Tôi nghĩ như vậy. Mình còn được hưởng không khí hoang dã, thanh bình của nông thôn còn lâu lắm. Tôi có hỏi nhiều người thì thấy làng xóm cũng không khác xưa, có thêm một vài căn nhà gạch mọc lên là do tiền ở ngoại quốc gửi về hoặc do những cán bộ xoay sở được, còn không khí nông thôn vẫn êm đềm, thanh bình lắm. Không phải là mình mơ đất nước không tiến lên đâu, nhưng đó là những kỉ niệm gắn bó với mình từ thời thơ ấu. Nông thôn Việt Nam nếu phát triển thì những khu vực như thế vẫn còn.

Bùi Văn Phú: Bao giờ ông dự định trở về Việt Nam?

Nguyễn Chí Thiện: Khi nào Việt Nam có tự do ngôn luận thì tôi về. Bây giờ không còn cộng sản nữa, nó chỉ mượn danh cộng sản để cai trị thôi.

Bùi Văn Phú: Sao không phải là lúc này?

Nguyễn Chí Thiện: Về bây giờ không được. Nếu về bây giờ tôi không làm được cái gì trong nước. Hoạt động chính trị tôi không thích vì từ nhỏ đã không thích. Giả sử có muốn thì tuổi già, sức yếu rồi làm sao tôi lăn lộn được. Tôi quan niệm hoạt động chính trị là phải hoạt động bí mật trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, chứ không phải ngồi ở nhà bị canh gác, đi một bước bị theo dõi, người nào đến họ muốn cho gặp thì mới được gặp. Hoạt động chính trị như thế không ăn thua gì. Phải sống lén lút, sống bí mật thì tôi không làm nổi nữa. Tôi về nước thì cũng vì thương nhớ quê hương, nhớ bạn bè còn sống, về muộn quá thì họ chết hết. Sợ có khi mình chết mà chưa được về. Tôi chỉ mong mau có tự do ngôn luận thì tôi về vì tôi cho rằng đó là thứ tự do hàng đầu.

Bùi Văn Phú: Tức là nhà nước không cho ông về?

Nguyễn Chí Thiện: Nhà nước không cho tôi về. Mà giả sử nhà nước có cho tôi về, tôi cũng không về bây giờ vì tôi không chịu được cảnh về rồi mấy ông công an lại gọi lên đồn, lên bộ hạch sách, đi một bước có người theo dõi một bước.

Bùi Văn Phú: Có một số văn nghệ sĩ đã về mà họ đâu có gặp vấn đề gì.

Nguyễn Chí Thiện: Họ không có vấn đề gì vì thực sự thơ văn của họ có gì chống đối đâu.

Bùi Văn Phú: Cũng có nhiều người đã từng sáng tác thơ, văn, nhạc chống cộng sản đã về rồi đấy chứ.

Nguyễn Chí Thiện: Tôi thấy có ít người như thế, phần nhiều là những người viết văn chương bình thường, không có gì nặng nề lắm thì nó cho về. Những người đó về thì lại giao du với những ông nhà văn trong nước thôi, chứ đâu có giao du với những nhà hoạt động dân chủ. Các ông ấy về gặp những ông trong Hội Nhà văn như Nguyên Ngọc, như ông Trần Văn Thuỷ làm phim Chuyện tử tế, như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Cầm thì đâu có sao đâu, gặp toàn những ông khuất phục chế độ cả.

Bùi Văn Phú: Nếu ông về thì ông sẽ gặp những ai?

Nguyễn Chí Thiện: Nếu về thì tôi phải tìm đến những người bạn cũ của tôi là những người tù trước tiên, họ chẳng có danh tiếng gì cả. Sau đó tôi muốn gặp những người có lòng với đất nước, như đến chào Thầy Thích Quảng Độ, tôi quen với vợ ông Nguyễn Đan Quế là chị Tâm Vấn thì tôi phải đến nhà ông Quế chơi, tôi quen với ông Hoàng Minh Chính thì tôi cũng phải đến thăm ông ấy. Rồi những anh em trẻ hoạt động, tôi cũng muốn đến để tìm hiểu chứ, xem họ hoạt động như thế nào. Những điều đó tôi muốn làm thì tôi không được phép. Hơn nữa về mà đi một bước người ta theo một bước thì về làm gì. Mà đối với những thủ đoạn cộng sản, nhiều khi nó làm mình mệt. Nó chẳng cần làm gì cả, chỉ cần đến sân bay họ đuổi mình ra. Bây giờ bảo tôi tốn 20 tiếng đồng hồ, về đến sân bay họ đuổi mình ra thì có chết dở không.

Bùi Văn Phú: Như thế ông là một thi sĩ, một nhà văn hay một nhà tranh đấu, hoạt động chính trị?

Nguyễn Chí Thiện: Tôi chỉ là một người làm thơ và viết văn thôi, thế nhưng trước tình hình đất nước, trước cảnh dân mất hết nhân quyền thì dù mình là người dân, chứ chưa phải nhà thơ, nhà văn thì mình phải lên tiếng. Tôi nghĩ ai cũng có quyền lên tiếng dù không làm chính trị, kể cả những nhà tu hành cũng phải lên tiếng, vì sống trong chế độ mà cứ ngậm miệng ăn tiền thì không được rồi. Vì nhiều người ngậm miệng ăn tiền quá, nhiều người sợ hãi quá, không muốn lôi thôi nên độc tài mới tồn tại. Nếu nhiều người thấy đất nước tệ hại như vậy và đồng thanh lên tiếng, đồng thanh phản đối thì độc tài nào cũng phải đổ thôi. Tôi đâu có làm chính trị. Mà làm chính trị chưa chắc đã là điều xấu. Nhưng có điều là tôi thấy dân oan biểu tình vì bị cướp nhà đất, dân đau khổ như vậy mình cũng phải lên tiếng chứ. Dịch một bài “Dân chủ là gì?” mà bỏ tù người ta năm, sáu năm. Trong khi các ông ấy tham nhũng tàn bạo, người ta đi cứu lụt các ông ấy không cho cứu mà bảo phải đưa tiền cho các ông ấy đi cứu. Những người như Lê Thị Công Nhân có tội gì đâu mà cũng bỏ tù người ta. Tất cả báo chí không có một tờ nào của tư nhân cả.

Những cái vô lí như thế mình phải lên tiếng chứ, có phải là làm chính trị đâu. Lên tiếng phản đối chứ mình đâu có muốn lên nắm chính quyền đâu. Làm chính trị đúng nghĩa của nó là phải mơ đến việc nắm chính quyền. Chẳng có đảng phái nào không mơ nắm chính quyền hết. Còn tôi, tôi có mơ nắm chính quyền đâu, tôi có vào đảng phái nào đâu. Tôi chỉ là người thấy bất công tôi nói, mà không phải bây giờ tôi mới nói, tôi đã nói từ những năm 60 và đã chịu trả giá, thì đến bây giờ nếu còn gì xấu mình phải tiếp tục nói, mong cho mọi người biết, vì yên lặng là đồng loã với tội ác đấy.

Bùi Văn Phú: Ông từng nói là chúng ta sẽ sống lâu hơn chủ nghĩa cộng sản. Ở những nước khác chế độ cộng sản đã hết, còn trên đất nước Việt Nam thì sao?

Nguyễn Chí Thiện: Trên đất nước mình thì phải nói là chủ nghĩa cộng sản nó cũng đã hết rồi. Vì chủ nghĩa cộng sản có hai phần, một phần là kinh tế thì phần đó đã mất rồi. Kinh tế chỉ huy không còn nữa ở hạ tầng cơ sở. Còn thượng tầng về văn hoá, chính trị thì chủ nghĩa Mác muốn xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, mà những con người mới là những con người máy. Vì thế trong quá khứ, nhạc như “Suối Mơ” của Văn Cao cũng bị cấm hết vì bị cho là yếu đuối. Còn bây giờ về mặt xã hội, sống hoàn toàn theo tư bản: nhảy đầm, hộp đêm, vũ trường, bia ôm, các thứ ăn chơi, thi hoa hậu, sinh hoạt còn ghê gớm hơn xã hội tư bản nữa. Những mặt đó thì không thể gọi là xã hội cộng sản trên lí thuyết.

Bây giờ chỉ còn độc tài, độc đảng để duy trì quyền lực. Quyền lực đối với họ là quyền lợi. Họ duy trì để kéo dài được ngày nào hay ngày ấy chứ không còn gì là cộng sản. Nhưng tại sao họ vẫn giữ cái mác cộng sản, vẫn bảo vệ chủ nghiã Mác, vẫn giữ nhãn hiệu Hồ Chí Minh, là vì nếu bây giờ anh là đảng viên cộng sản, vẫn tự hào về hai cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ, coi đó là cái giá họ đã trả để cầm quyền, thế bây giờ tuyên bố không còn chủ nghĩa Mác-Lê nữa thì sự tồn tại của cái Đảng Cộng sản trở thành vô nghĩa. Nếu thừa nhận cộng sản là sai trái thì họ phải thừa nhận chuyện đánh miền Nam, gây chết chóc cho 4, 5 triệu người là hoàn toàn vô lí, rồi những chuyện như đánh tư sản, cải cách ruộng đất là có lỗi. Bây giờ những giáo điều như “thiên đường cộng sản”, “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, “thế giới đại đồng mọi người là bạn” thì trong Bộ Chính trị có ai còn ngu tối mà tin tưởng nữa đâu.

Bùi Văn Phú: Năm nay đã gần 70 tuổi rồi nhưng ông vẫn sống một mình. Trong cuộc đời, ông đã bao giờ có một bóng hình nào không?

Nguyễn Chí Thiện: Hồi thanh niên cũng có vài ba bóng hình. Nhưng hồi đó không như bây giờ tự do yêu thương, tôi chỉ yêu thầm, yêu vụng mà nhiều khi mình không được đáp lại, có khi đang yêu chưa đâu vào đâu thì nó đã xách mình vào tù rồi. Phải công bằng mà nói, đi tù là hết, tù ra thì phải lo kiếm ăn. Ngoài ra còn có cái mộng là trốn vào Nam, nếu không trốn vào Nam được thì coi như bị chôn sống, ngay ở ngoài xã hội cũng vậy, coi như mình bị chôn sống. Bằng mọi giá phải trốn vào Nam, thế nhưng thiên la địa võng không trốn nổi, cho nên ra ngoài tù rồi chỉ nghĩ đến chuyện đó thôi, không còn nghĩ đến tình yêu nữa. Rồi bị tù tội liên miên, ra tù thì ốm yếu, người đi không vững thì còn lấy ai nữa, thôi thì cam sống với cuộc đời một mình cho đến chết, chứ không có tham vọng lấy vợ. Vì tôi quan niệm lấy vợ thì phải có nghĩa vụ với vợ, dù người ta có quí mình đi nữa thì không lẽ người ta ở với một ông bệnh nhân à, chính vì thế tôi quyết định sống một mình, chẳng phải thần thánh gì hay cao đạo như ông Hồ nói đâu. Mình cũng có mọi thứ nhu cầu như mọi người, bây giờ nhu cầu đó không còn nữa, mà không muốn phiền đến người khác cho nên sống một mình thôi.

Bùi Văn Phú: Xin cám ơn ông. Chúc ông dồi dào sức khoẻ và nhiều nghị lực để sáng tác.

© 2007 talawas
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11506&rb=0101

No comments: