Sunday, October 26, 2008

Tháo Chạy Vào Khủng Hoảng

Nguyễn Xuân Nghĩa

…. và sẽ còn gây ra hốt hoảng theo cái dạng của một vòng xoáy đi xuống...

Tiền bạc, chiến tranh và lá phiếu

Hoa Kỳ đang ở giữa thời chiến tranh, với hai mặt trận vẫn còn tiếng súng, khiến phương tiện quân sự bị căng mỏng trong một thế giới đầy bất ổn. Siêu cường quân sự này đang bị thách đố mà chưa biết sẽ xoay trở ra sao.

Hoa Kỳ đang ở giữa thời chiến với ngân sách bị bội chi nặng và gánh nợ của khu vực chính phủ - quốc trái - lên tới 10 ngàn tỷ, bằng 71% tổng sản lượng nội địa GDP. Siêu cường kinh tế này đang bị thu hẹp phương tiện.

Vào đúng lúc ấy, vụ khủng hoảng tài chánh bùng nổ và bắt đầu gieo hậu quả tệ hại cho sinh hoạt kinh tế ở bên dưới. Kinh tế Mỹ sẽ bị suy trầm sau gần bảy năm tăng trưởng. Vì vậy, dân Mỹ đã quên con voi trắng lù lù trong nhà là nạn khủng bố toàn cầu mà chỉ nhìn vào túi tiền của mình. Bi thảm hơn vậy, dân Mỹ không hiểu rằng ngoài vết thương tài chánh của bản thân, các quốc gia hay khối kinh tế khác đều có vấn đề nội tại của họ, và sẽ còn bị khủng hoảng sau đợt khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ. Thế giới đang trôi vào một trận suy trầm toàn cầu, điều ấy, ai ai cũng có thể thấy ra. Nhưng, khi cơn hốt hoảng tháng Chín bắt đầu lui tại Mỹ kể từ giữa tháng 10, thì những tin xấu từ Á Châu rồi Âu Châu sẽ lại dội ngược về Mỹ.

Và sẽ còn gây ra hốt hoảng theo cái dạng của một vòng xoáy đi xuống.

***

Thông thường, sau một chu kỳ tăng trưởng dài chừng sáu bảy năm, kinh tế phải có lúc điều chỉnh, sản xuất đình đọng và những dư thừa thái quá của giai đoạn thịnh đạt sẽ bị thanh lọc. Lần này, việc điều chỉnh lại càng dễ xảy ra sau khi thị trường gia cư suy sụp. Nạn xì bóng gia cư từ năm 2006 đã thấm xuống dưới từ năm ngoái. Đầu năm nay, Tổng thống Bush phải xin Quốc hội bơm thêm 185 tỷ vào kinh tế để chặn đà suy trầm mà ai cũng đoán ra và sợ hãi. Giải pháp cấp cứu ấy không công hiệu.

Chỉ vì bong bóng gia cư cũng đã thổi lên trái bóng tín dụng thứ cấp (sub-prime, loại nợ có tiêu chuẩn an toàn thấp và dễ mất). Trái bóng tín dụng thứ cấp bị bể - chứ không xì như trái bóng gia cư - đã gây ra khủng hoảng tín dụng. Khủng hoảng tín dụng đã đóng băng mọi chuyện vay mượn khiến nhiều ngân hàng đầu tư và tổ hợp tài trợ sụp đổ. Từ đấy, hệ thống tín dụng bị ách tắc, các ngân hàng hết dám cho vay và cho nhau vay. Khủng hoảng tài chánh bùng nổ từ đầu năm nay và lên tới cao điểm là sự sụp đổ của Lehman Brothers, một đại gia về đầu tư tài chánh, vào ngày 15 tháng Chín. Trong suốt một tháng, dân Mỹ đã bị hoảng loạn tâm lý và tự mang họa vào thân vì biến cố lịch sử đó.

Nếu không có vụ khủng hoảng tài chánh ấy, Nghị sĩ John McCain tất đã thắng cử!

***

Sau tám năm cầm quyền đầy sóng gió và sai lầm của Tổng thống George W. Bush bên Cộng Hoà, việc McCain lại thắng cử là nghịch lý! Nhưng vẫn có thể xảy ra chỉ vì đảng Dân Chủ đã chọn ứng viên mờ ám nhất, đó là Nghị sĩ Barack Obama.

Hãy tưởng tượng, nếu Nghị sĩ Hillary Clinton không bị loại bỏ oan uổng đầu Tháng Sáu, tình hình tranh cử Tổng thống tất đã ngã ngũ, và ... hết hào hứng!

Đằng này, từ khi lọt qua vòng loại vào đầu tháng Sáu, Obama không dẫn trước được quá năm điểm dù đảng Dân Chủ dẫn trước Cộng Hoà ít ra cả chục điểm. Việc đảng Dân Chủ phải thắng cử kỳ này là điều hợp lý. Nhưng cuộc tranh cử đã trở thành hào hứng chính là vì Barack Obama.

Xuất thân từ phía cực tả, có những liên hệ đáng nghi ngờ mà được truyền thông giấu nhẹm (danh mục khá dài, xin miễn kể ở đây), với thành tích thiên tả nhất trong Thượng viện, Obama có tài hùng biện và ban tranh cử xuất sắc. Nhưng chưa thuyết phục được cử tri nếu không có vụ khủng hoảng tài chánh. Vụ khủng hoảng khiến dân Mỹ hốt hoảng và bắt trớn cho Obama vượt qua McCain, cho tới 10 ngày trước khi bầu cử.

Tình hình bầu cử vì vậy sẽ rất khít khao, chứ không dễ dàng như truyền thông trình bày.

***

Một chi tiết cần nhắc và còn phải nhắc lại, truyền thông Hoa Kỳ thuộc loại có kỹ thuật cao mà kém lương thiện. Hơn 80% các đại gia thuộc dòng "chính lưu" mainstream, đều tiên thiên ngả theo phe Dân Chủ, loan tin có chọn lọc, với bình luận ngụy tạo thành tin và cùng với đảng Dân Chủ đã thổi lên không khí hốt hoảng từ... năm ngoái.

Họ gọi suy trầm kinh tế (recession) là suy thoái (depression) hay khủng hoảng (crisis), thậm chí Tổng khủng hoảng (Great depression). Họ cùng nhau gieo gió và giờ này dân chúng Mỹ gặt bão kinh tế. Truyền thông và chính trường ấy cũng khoả lấp trách nhiệm của đảng Dân Chủ trong vụ khủng hoảng tài chánh mà tập trung đổ lỗi cho đảng Cộng Hoà và Chính quyền Bush. Vụ khủng hoảng này là một thành tích "lưỡng đảng" mà những người trong cuộc thiếu khiêm cung và lương thiện để nhận!

Tới vụ tranh cử tổng thống, truyền thông Mỹ bỏ qua rất nhiều điều đáng ngờ từ phía cá nhân Obama và xí xoá nhiều câu phát biểu hoảng tiểu của ứng viên đứng phó là Joe Biden mà tập trung xoi mói, xuyên tạc hay chế diễu ứng viên Sarah Palin. Nhưng sự thiên vị ấy là điều đã có, và có từ lâu. Nếu mình không thấy thì đấy là cái tật cả tin và nhẹ dạ của mình.

Ngoài những tính toán đầy rủi ro của doanh gia tham lam và bất cẩn nay đã phá sản thì sự toa rập giữa truyền thông gian manh và chính khách mị dân xảo quyệt là căn bệnh của nền dân chủ Mỹ.

Nhưng dân Mỹ không khờ. Truyền thông Mỹ thường nhấn mạnh đến uy tín sa sút của Bush, chỉ được chừng 30% dân chúng tin tưởng. Sự lưu manh của họ là không nói thêm rằng mức tín nhiệm rất tệ ấy còn cao gấp đôi mức tín nhiệm của dân Mỹ đối với... truyền thông (14%) và gấp ba mức tín nhiệm Quốc hội hiện đang trong tay đảng Dân Chủ (có 10%).

***

Hoa Kỳ đủ sức vượt qua được nếp văn hoá tệ hại ấy - trừ năm nay. Vì năm nay có tổng tuyển cử khi dân bầu lại Tổng thống, toàn bộ Hạ viện và một phần ba Thượng viện cùng nhiều Thống đốc.

Trong không khí hoảng loạn, một số khá đông cử tri không biết tính sao, và sẽ bầu cho ai. Đại đa

số dân Mỹ quên hẳn chuyện an ninh hay đối ngoại và tập trung chú ý vào đề mục cơm áo. Mà về đề mục này, nhiều người không hiểu nội dung của chương trình kinh tế do hai liên danh McCain-Palin và Obama-Biden đưa ra.

Họ sở dĩ không hiểu vì, thứ nhất, các chương trình hành động này có tính chất... di động: thay đổi theo thời gian tùy tình hình chính trị và kinh tế. Thí dụ, khi dầu thô còn ở trên đỉnh 147 dô la một thùng và xăng dầu làm dân chúng điên đầu, các ứng cử viên đều nói về kế hoạch năng lượng và Obama còn đòi đánh thuế "doanh lợi bất chính" trên các tổ hợp dầu khí. Khi dầu thô sụt giá - phân nửa trong có ba tháng - các ứng cử viên chạy qua đề tài khác!

Thứ hai, dân chúng càng khó hiểu vì tính chất chuyên môn của các đề nghị và tin hay không là do khả năng diễn đạt hay tuyên truyền của từng ban tranh cử, với sự phụ họa hoặc phản bác của truyền thông. Với sự thiên vị của truyền thông mà họ phải hiểu, ban tranh cử của McCain lại không làm sáng tỏ được nội dung đề nghị của mình hoặc của đối phương và cứ nói quá là bị đả kích là "tranh cử tiêu cực".

Một thí dụ là sau khi hùng hồn cổ võ việc tăng thuế - một lập trường truyền thống của Dân Chủ, trái ngược với Cộng Hoà - Obama biết rằng việc tăng thuế ấy sẽ làm cử tri e ngại khi kinh tế sa sút, nên đảo ngược lý luận. Sẽ giảm thuế cho 95% các gia đình đang làm việc (working families)! Rồi phóng đại thành giảm thuế cho 95% dân Mỹ đang lao động (working Americans). Sự thật thì khoảng 40% dân Mỹ không trả thuế vì lợi tức quá thấp và chế độ thuế khoá của Mỹ đã có tính chất lũy tiến, càng giàu thì càng trả thuế theo một tỷ lệ cao hơn.

Nhưng dù sao thì không thể nào có chuyện hạ thuế cho 95% dân Mỹ được. Biện pháp "giảm thuế" của Obama chỉ là "tax credit" chứ không là "tax cut" và hàm ý chính quyền sẽ lấy số thu hoạch thuế khoá của An sinh Xã hội - gồm thuế lương bổng cho nhân viên và doanh nghiệp cùng trả - đưa cho người không đủ lợi tức đóng thuế. Nói cho dễ hiểu - mà chưa chắc là mọi người đã hiểu - việc "giảm thuế" có nghĩa là vọc tay vào quỹ An sinh Xã hội hay lợi tức thuế khoá của ngân sách quốc gia để mua phiếu dân nghèo. Và ngân sách quốc gia sẽ phải tăng thuế để bù vào khoản tăng chi ấy.

Hậu quả: các tổ hợp lớn có cả trăm luật sư thuế vụ vẫn còn xoay trở được để lách thuế, chứ các tiểu doanh nghiệp sẽ bị tăng thuế, đành sa thải nhân viên hoặc không tuyển thêm người, và phải tăng giá hàng hoá dịch vụ cho mọi người cùng chịu. Đề nghị giảm thuế của Obama chỉ là tái phân lợi tức, lấy của nhà giàu - định nghĩa rất mơ hồ - chia cho dân nghèo trong khi "nhà giàu" đó có thể là giới đầu tư, sản xuất, là chủ nhân của các doanh nghiệp từ loại nhỏ tới loại lớn. Mà gần 80% số nhân công lao động là nhân viên của các tiểu doanh nghiệp, kể cả tiểu doanh của cộng đồng người Việt... từ khu Bolsa tại quận Cam tới Bellaire tại Houston hay khu Eden tại miền Đông!

Những lắt léo ấy, có mấy ai hiểu được?

***

Vượt qua tính chất di động và ngoắt ngoéo nói trên thì về đại thể, ta có thể phê phán thế nào về chương trình kinh tế của hai liên danh?

John McCain chủ trương tấn công vào thành lũy của chế độ kinh tế chính trị mị dân của thủ đô Hoa Kỳ để phá vỡ sự cấu kết giữa doanh gia và chính khách ("ảo thuật" Cộng Hoà nhờ "hiệu ứng Palin"); duy trì kế hoạch giảm thuế của Tổng thống Bush - sẽ mãn hạn nên thuế sẽ tăng sau 2009; nhưng sẽ cắt giảm công chi vô ích để tiến dần tới quân bình ngân sách; và trả lại cho dân 5.000 đồng để chính người dân sẽ chọn và mua bảo hiểm sức khoẻ cho mình. Đây là chủ trương cổ điển của đảng Cộng Hoà với khác biệt duy nhất là nỗ lực của "ngựa chứng" McCain: làm thay đổi phong thái sinh hoạt chính trị của Thủ đô bằng nỗ lực lưỡng đảng, tức là sẵn sàng tấn công ngược vào đảng Cộng Hoà và hợp tác với phe Dân Chủ trong từng đề mục.

Barack Obama chủ trương tăng thuế đồng loạt các loại (doanh nghiệp, lợi tức, thặng thu tư bản đầu tư, thuế di sản thừa tự, v.v...) với định mức là lợi tức một hộ gia đình trên 250 ngàn là sẽ phải trả thêm thuế; "giảm thuế" cho 95% người Mỹ đang lao động; tăng chi cho nhiều dự án công chi gọi là "đầu tư " để tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng trong thời kinh tế suy trầm; tiến tới chế độ bảo hiểm y tế cho đại đa số dân chúng bằng tiết kiệm và giảm bớt phí tổn y tế và tăng chi. Đây cũng là chủ trương tăng thuế để tăng chi, rất cổ điển bên cánh tả đảng Dân Chủ, với phần sáng tạo của Obama là tăng thuế nhưng trình bày thành "giảm thuế" như đã nói ở trên.

Khi so sánh, ta thấy cả hai chương trình đều có nét truyền thống của hai đảng: bên Dân Chủ muốn tăng cường vai trò điều phối của nhà nước, bên Cộng Hoà thì muốn dành lại quyền quyết định về việc chi thu ấy cho người dân.

Vấn đề là thực tế kinh tế sẽ không cho phép các chính khách ấy tung hoành như ý.

Thực tế kinh tế và công chi thu ngày nay của Mỹ là ngân sách Hoa Kỳ đang có những khoản "bất khả xâm phạm" về luật lệ hay chính trị: một phần tư số công chi (750 tỷ, 5,3% tổng sản lượng GDP) là cho các mục An sinh Xã hội, Hưu bổng và cứu giúp người tàng tật; gần một phần tư (720 tỷ, 5,1% GDP) là cho Bảo vệ Sức khoẻ và yểm trợ Cựu chiến binh; 240 tỷ là tiền lời phải thanh toán cho gánh nặng quốc trái; chừng 600 tỷ (4,2% GDP) cho nhu cầu Quốc phòng. Còn lại, chỉ vỏn vẹn khoảng 700 tỷ (23% ngân sách quốc gia, gần 5% của GDP) là dành cho ngần ấy vấn đề mà dân Mỹ quan tâm và chờ đợi chính quyền thay đổi: năng lượng, giáo dục, thương mại, canh nông, ngoại giao, giao thông, v.v...

Các cuộc tranh luận hay hứa hẹn hoảng tiều chỉ thu gọn vào số tiền 700 tỷ đó! Cực đoan hơn thì chỉ còn giải pháp cắt giảm ngân sách quốc phòng, ngay trong thời chiến.

***

Nhân đây, phải nói cho rõ là đảng Dân Chủ và truyền thông đã có truyền thống nói phét khi lý luận là ngân sách quốc gia được bội thu dưới thời Bill Clinton mà bị George Bush làm hao tán thành bội chi, khiếm hụt tới mức kỷ lục là 500 tỷ. Nói phét vì hai lý do cần nhìn ra khi nhiều người ca tụng tám năm thái hòa của Clinton.

Tổng thống Bill Clinton được hưởng "cổ tức hoà bình" (peace dividend) nhờ Chiến tranh lạnh kết thúc nên kịch liệt cắt giảm ngân sách quốc phòng, tổng cộng đến gần 40%. Tổng trưởng Quốc phòng Les Aspin đã xoay trở thu vén ngân sách không xong nên đành từ chức. Hai Tổng trưởng kế tiếp của ông Clinton, William Perry và William Cohen, đều dựng lên chiến lược đối ngoại là làm sao chỉ phải ứng phó với một mặt trận mà thôi. Nhiều người đã quên hẳn các kế hoạch và tranh luận về tháo gỡ căn cứ quân sự để "tái phối trí" phương tiện quốc phòng của Mỹ dưới thời ông Clinton.

Tình trạng ấy là một cám dỗ lớn cho các chế độ hung đồ, khủng bố và các đối thủ của Mỹ khiến Bush lãnh nạn.

Khi thừa kế di sản ấy, lại lãnh vụ khủng bố 9-11, và mở ra hai chiến trường Iraq-Afghanistan, Bush phải gia tăng quân phí. Lỗi rất nặng của ông là trong hai nhiệm kỳ đã phải "hối lộ" Quốc hội - gồm cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà - là nhắm mắt chấp nhận các khoản tăng chi phi lý - mà rất có lý cho Quốc hội mị dân, để kiếm phiếu - khiến ngân sách bị bội chi. Bush bị nhiều đảng viên Cộng Hoà bỏ rơi chính là vì thiếu kỷ luật ngân sách đó.

Lý do nói phét thứ hai về thời hoàng kim của Clinton là cách xào nấu lại kế toán quốc gia để trình bày sổ sách công chi thu một cách tốt đẹp.

Thực tế thì trong tám năm cầm quyền của Clinton, chính quyền Mỹ tiếp tục mắc nợ thêm vì vẫn chi nhiều hơn thu, gánh nặng quốc trái ấy ngày nay đã lên tới 10 ngàn tỷ Mỹ kim (71% GDP). Nếu muốn tìm hiểu cho rõ thay vì nhắm mắt nghe theo truyền thông một mắt một đèn, người ta có thể tìm ra các websites về quốc trái Hoa Kỳ (U.S. Public Debt). Cũng phải nói rằng việc Hoa Kỳ tiếp tục mắc nợ đã bắt đầu từ thời "hậu Việt Nam" - từ những năm 1975 trở về sau - qua suốt tám năm cầm quyền của ông Clinton, và chưa có chiều hướng thuyên giảm. Thành tích vay mượn để tiêu xài cũng là thành tích "lưỡng đảng" và thặng dư ngân sách của ông Clinton là một huyền thoại.

Dù sao, phải nói cho công bằng là Clinton còn có sự sáng suốt: sau khi hăm hở thi hành đường lối bao cấp từ ngày chậm chức đầu năm 1993, ông biết mình sai vì quá lý tưởng khi lãi suất trái phiếu tăng vọt và đảng Dân Chủ bị cử tri trừng phạt trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1994. Clinton lập sức thay đổi theo hướng ôn hoà và còn áp dụng bài bản của đảng Cộng Hoà (còn ai nhớ tới việc Clinton cải tổ để hạn chế lam uang trong chế độ welfare và đả kích vai trò quá lớn của nhà nước không?). Ông còn tích cực tranh đấu cho chủ trương tự do mậu dịch (NAFTA là thành tích của Clinton) hay "giản chánh" (deregulation) mà phe Cộng Hoà đề cao.

Cũng vì Bill Clinton chuyển qua hướng trung dung ấy mà Hillary Clinton mới bị các bậc trưởng thượng thiên tả nhất trong đảng (hãy nhớ tới Nghị sỉ Ted Kennedy) trừng phạt và ủng hộ Obama để đẩy bà ra ngoài! Một điều đáng tiếc cho đảng Dân Chủ và cho Hoa Kỳ!

****

Trở lại chuyện ngày nay, trong hoàn cảnh ngặt nghèo của hiện tại, mọi hứa hẹn cải cách, ban phát quyền lợi hay tái phân lợi tức, v.v... chỉ là trò hứa hẹn khi tranh cử. John McCain còn biết sợ nên hết dám nói là sẽ quân bình ngân sách trong vòng bốn năm. Barack Obama thì không, cứ tiếp tục hứa hẹn những điều bất khả về thực tế, ngay cả trong giả thuyết đảng Dân Chủ sẽ kiểm soát được cả Hành pháp và chiếm được đa số áp đảo trong Quốc hội sau ngày bầu cử này.

Như vậy, chuyện gì sẽ xảy ra cho nước Mỹ sau lần chọn lựa này?

Nhìn từ xa tới gần, Hoa Kỳ có thể sẽ áp dụng chiến lược dồn quân đánh tới tại Iraq qua chiến trường Afghanistan. Chiến lược ấy không hàm ý thuần túy quân sự mà thiên về chính trị và tình báo, chủ yếu là tranh thủ niềm tin để hợp tác cùng đối thủ cũ là phe Sunni và gây sức ép cho các lãnh tụ Shia, qua đó chặn được sự khuynh đảo của Iran.

Nhờ vậy và nếu McCain thắng cử, Hoa Kỳ có thế mạnh để rút thêm nhiều lữ đoàn tác chiến tại Iraq tăng viện cho Afghnistan hầu tiến tới giải pháp chính trị lồng trong chiến lược đôn quân: có thể là hoà giải cùng Taliban trên thế mạnh để tê liệt hoá al-Qaeda và trung hoà ảnh hưởng của các tộc trưởng Hồi giáo trên vùng biên giới giữa Afghanistan với Pakistan (nơi mà Đế quốc Anh và Chính quyền Pakistan từ thời độc lập 1947 đều không dám đụng tới). Kết quả là sau vài năm, Hoa Kỳ có hy vọng gạn thêm được năm sáu lữ đoàn tác chiến khả dĩ ứng chiến và ngăn ngừa ý tưởng phiêu lưu của các đối thủ khác. Diễn giải sang kinh tế: gánh nặng chiến tranh cho Iraq sẽ giảm dần, rồi gánh nặng Afghanistan cũng vậy.

Nếu Obama đắc cử, Hoa Kỳ sẽ khó rút khỏi Iraq trong điều kiện tối hảo - Iran biết được nhược điểm miệng hùm gan sứa của Obama và Quốc hội Dân Chủ - mà sẽ lập ra lịch trình rút chạy. Và bất ổn vẫn lan rộng tại Afghanistan. Ngân sách quốc phòng Mỹ còn bị cắt giảm nặng để giành tiền cho các mục công chi kinh tế xã hội trong nước, như chính Obama đã hứa hẹn. Hậu quả là Hoa Kỳ càng bị suy yếu, dễ bị tấn công và đành triết thoái khắp đằng sau làn khói hỏa mù của "giải pháp quốc tế".

Thế giới sẽ loạn to vì đồng minh của Mỹ bị khủng hoảng kinh tế mà đối thủ của Mỹ lại chiếm lợi thế. Mỗi cuộc tranh cử của Hoa Kỳ lại là một án treo cho các đồng minh của Mỹ. Và một cơ hội cho các đối thủ. Đấy là chân lý phũ phàng mà thực tế khiến siêu cường này mất dần uy tín với đồng minh và thường hay kẻ thù bị khiêu khích! Ngẫu nhiên sao, tuần qua, Nhật Bản báo động là Hải quân Trung Quốc đã lén đưa bốn chiến hạm vào sâu trong eo biển Tsugaru giữa hai đảo Hokkaido và Honshu của Nhật. Nếu có thấy sự lạ ấy trong cõi Trường Sa của Việt Nam thì ta đừng ngạc nhiên. Mà nên nhớ về cuộc bầu cử tại Mỹ!

****

Từ chuyện xa là quốc tế về đến chuyện gần là kinh tế quốc gia, tắc nghẽn là công chi thu khiến Hoa Kỳ sẽ phải quan niệm lại ưu tiên trong những năm tháng tới.

Kịch bản lý tưởng - cũng là dự báo của người viết - là kinh tế sẽ bị suy trầm nặng trong vài tháng cuối năm nhưng sẽ phục hồi rất nhanh. Trong giả thuyết ấy, bài học khủng hoảng tài chánh cũng đã dạy cho doanh giới và chính giới một tinh thẩn kỷ luật mới, cho nên cả hai ứng viên đều có điều kiện thuận lợi hơn để tạo ra sự thay đổi như họ hứa hẹn.

Giả thuyết thứ hai - có xác suất không nhỏ - là suy trầm kinh tế sẽ kéo dài qua suốt năm 2009.

Trong giả thuyết ấy, nếu Obama đắc cử, chánh sách kinh tế bao cấp bằng tăng chi rồi tăng thuế sẽ khiến kinh tế từ suy trầm biến ra suy thoái lây lan qua nhiều năm. Chưa hết, mâu thuẫn ngoại thương - vì chủ trương bảo hộ mậu dịch (protectionism) của đảng Dân Chủ do áp lực của các nghiệp đoàn sẽ gây ra khủng hoảng quốc tế. Các khối kinh tế khác trên thế giới đều lâm vào suy trầm sau trận khủng hoảng vừa qua nên đều có phản ứng bảo vệ quyền lợi quốc gia gay gắt hơn. Họ sẽ trả đũa biện pháp bảo hộ của Mỹ, vòng đàm phán Doha sẽ bị diệt, các nước đang phát triển mà sống nhờ xuất cảng vào Mỹ sẽ tuyệt vọng và bị khủng hoảng kinh tế lâu hơn.

Những biến cố ấy bùng nổ khi Hoa Kỳ lại yếu thế về an ninh và cần tháo chạy trong danh dự bằng một giải pháp quốc tế: nước Mỹ sẽ bị các đồng minh mà cũng là đối thủ về ngoại thương bắt bí, để rốt cuộc tháo chạy trong nhục nhã khi kinh tế vẫn chưa phục hồi.

Trong giả thuyết McCain thắng cử, may ra tính chất diều hâu về an ninh lẫn chủ trương phát huy tự do mậu dịch của ông sẽ giảm bớt nguy cơ khủng hoảng quốc tế. Nhờ đó Hoa Kỳ có điều kiện tương đối thuận lợi hơn để giải quyết chuyện áo cơm ở nhà. Tình hình không tất nhiên sáng lạn nhưng quốc gia này có được hai năm chẩn chỉnh lại hệ thống sản xuất khi các cơ sở kinh tế hồi phục dần. Tuy nhiên, McCain không thể tạo ra phép lạ cải cách vì mọi sáng kiến nếu có vẫn bị Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ ngăn chặn hoặc giới hạn. Bài học về việc cải tổ hai cơ chế tham ô là Fannie Mae và Freddie Mac là một kinh nghiệm sẽ còn tái diễn.

***

Trong mọi giả thuyết thì tân Tổng thống Mỹ sẽ chỉ cầm quyền được một nhiệm kỳ và nước Mỹ trong bốn năm tới sẽ bước vào thời chuyển tiếp để tìm ra một chọn lựa khác. Không nhất thiết là bao cấp theo kiểu Franklin Roosevelt, Lyndon Johnson hay Jimmy Carter, mà cũng chẳng tự do như Ronald Reagan hay Margaret Thatcher. Hoa Kỳ sẽ trải qua buổi giao thời đó khi kinh tế toàn cầu bị suy trầm, khủng hoảng kinh tề và chính trị bùng nổ tại nhiều nước. May ra thì những biến cố bên ngoài ấy sẽ giúp người Mỹ nhìn lại toàn cục, tự tin hơn nhưng không hồ hởi sảng sau khi đã hốt hoảng bậy.

Vì vậy, lá phiếu của cử tri Hoa Kỳ lần này sẽ ảnh hưởng đến chuyện tiền bạc và chiến tranh hay khủng hoảng của cả thế giới. Những người biết quý trọng lá phiếu của mình nên cân nhắc điều ấy, hơn là chỉ nghe theo truyền thông vốn dĩ đã thiếu khách quan từ đầu, từ... thời chiến tranh Việt Nam rồi!

Nguyễn Xuân Nghĩa

No comments: