Friday, October 10, 2008

Hậu Quả Của Chế Độ Chính Trị Vô Thần

Thạch Nguyên

Hậu Quả Của Chế Độ Chính Trị Vô Thần

Trong thế kỷ 20, nhân loại đã chứng kiến những cuộc tắm máu, giết người man rợ của các chế độ chính trị vô thần áp dụng đường lối chủ nghĩa cộng sản Marx-Lenin, phủ nhận Thượng Đế, phủ nhận vai trò của tôn giáo trong đời sống con người. Di sản của các chế độ này là 100 – 145 triệu sinh mạng con người bị cộng sản giết hại Nga, Đông Âu, Á Châu, Phi Châu, và Châu Mỹ La Tinh.

• “Thượng Đế đã chết!” (9)
Nietzsche


Friedrich Nietzsche, triết gia Đức ở thế kỷ 19, đã đặt câu nói trên qua miệng của nhân vật Người Điên (The Madman) trong tác phẩm nổi tiếng “The Gay Science” năm 1882.

Thượng Đế đã chết vì sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật. Con người càng ngày càng muốn đóng vai Thượng Đế làm chủ đời sống, vận mệnh của mình. Thượng Đế đã chết vì con người kiêu ngạo tìm cách giải thích mọi sự bằng ánh sáng của lý trí (chủ nghĩa duy lý).


Nếu Thượng Đế đã chết thì mọi hành động đều có thể làm. Đạo đức xã hội không đủ sức mạnh biến cải, cảm hóa con người. Con người quay về lối sống của người sơ khai man dại, mạnh được yếu thua, lối sống của bầy sói người. Nếu Thượng Đế đã chết thì không có lời phán xét cuối cùng, cuộc sống thế gian là cuối điểm của cuộc hành trình, không có đời sau, không có thiên đàng, niết bàn, hỏa ngục… Con người không có lý do làm lành lánh dữ, không có tiêu chuẩn khách quan phân biệt thiện ác. Như lời triết gia Pháp Jean-Paul Sartre (1905-1980) giải thích, “Không có Thượng Đế thì mọi hành động đều như nhau… Hành động của một người say rượu cũng ngang bằng hành động của người lãnh đạo quốc gia.”

• “Nếu Thượng Đế không hiện hữu, mọi sự đều có thể xảy ra.”
Dostoevsky

Thượng Đế không chết với chủ nghĩa duy vật vô thần cộng sản, vì ngay từ đầu Thượng Đế đã không hiện hữu. Con người là thành quả của quá trình tiến hóa từ loài khỉ vượn do sự lao động mang lại. Phải xác tín không có Thượng Đế mới tin tôn giáo là kẻ thù của chế độ; người cộng sản mới hành động như họ đã và đang làm, mới dám khát máu kêu rống như Tố Hữu:

Giết, giết nữa… bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sit-ta-lin bất diệt.


hay điên dại hò hét như Xuân Diệu:

Anh em ơi! quyết chung lưng
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù.
Địa hào, đối lập ra tro
Lưng chừng phản động đến giờ tan xương.
Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay.
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống đọa đày chết thôi.



Chủ nghĩa cộng sản hình thành giữa thế kỷ 19 do công trình của Karl Marx (1818-1883) và Friedrich Engels (1820-1895), nhưng mãi đến năm 1917 mới được Lenin (1870-1924) ứng dụng vào việc trị nước, tổ chức xã hội ở Nga. Sau thế chiến thứ hai, chủ nghĩa cộng sản bành trướng nhờ biết khai thác cuộc tranh đấu giành độc lập của các quốc gia thuộc địa bị thực dân tư bản bóc lột trong suốt thời gian dài.

Sự hiện diện của đế quốc cộng sản và hai cuộc chiến tranh thế giới đã làm cho thế kỷ 20 trở thành thế kỷ đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.


Trong thế chiến thứ nhất, 1914-1918, có 9.7 triệu binh sĩ và 9 triệu thường dân chết và bị thương. Thế chiến thứ hai, 1939-1945, có 20 triệu binh sĩ và 40 triệu thường dân chết và bị thương (1). Những con số này cộng lại vẫn còn ít hơn số nạn nhân bị các chế độ cộng sản vô thần giết hại. Điều cần lưu ý là trong chiến tranh thế giới người ta giết quân thù khác quốc tịch, không cùng quốc gia; còn nạn nhân của các chế độ cộng sản là người dân trong nước, có khi gồm cả những người đã giúp đảng cộng sản lên cầm quyền.


Nạn nhân cộng sản chết trong các trại lao động cưỡng bách với điều kiện làm việc nghiệt ngã, các cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu, các trại tù ngụy trang dưới mỹ từ “trại học tập cải tạo,” cách mạng văn hóa, những trận đói giết người do dã tâm cố ý của kẻ cầm quyền để đàn áp các sắc dân hay địa phương chống đối, những cuộc tàn sát tập thể, ám sát thủ tiêu những người không cùng chính kiến, cấm đạo/giết đạo… do bàn tay của những người cộng sản vô thần ở Nga, Trung Hoa, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Cuba, Cao Miên, Ai Lao, các nước Đông Âu, Angola, Ethiopia, Mozambique, A Phú Hãn…


Tội của những người này là yêu chuộng tự do, nhưng không yêu XHCN và chế độ cộng sản (đồng nghĩa với “phản quốc”); không biết ca tụng, tôn thờ các lãnh tụ sát nhân như Tố Hữu, Xuân Diệu..., không chịu ngậm miệng nhất trí với đảng và nhà nước mà lại thích “làm chính trị;” không muốn bị thuần hóa bằng cơ chế XIN-CHO mà muốn làm người có nhân phẩm...


Theo David Barrett (10), chủ biên World Christian Encyclopedia, Stalin đã giết hơn 40 triệu dân Nga, phá hủy 48.000 nhà thờ, làm mọi cách tận diệt giáo hội Chính Thống Giáo. Mao Trạch Đông giết chết 72 triệu dân Trung Hoa trong 10 năm Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976) để loại trừ các đối thủ chính trị, chủ trương diệt KiTô giáo ở Trung Hoa. Ở Cao Miên, cuộc chiến thắng của quân Khmer đỏ năm 1975 đã biến một đất nước vốn hiền hòa thành lò sát sinh khổng lồ với hơn 2 triệu người bị giết, tức một phần ba dân số.


Thật ra, con số nạn nhân của các chế độ cộng sản không thể nào biết chính xác cho đến khi chế độ bị giải thể và các tài liệu mật được tiết lộ, như trường hợp ở Nga, các nước Đông Âu, Cao Miên… Dù vậy, hiện nay vẫn có một vài chính phủ vì “thể diện quốc gia” đã tìm cách phủ nhận các con số nạn nhân lấy từ các tài liệu mật trong văn khố nhà nước cộng sản trước đây. Năm 1997, quyển “Sách Đen về Chủ Nghĩa Cộng Sản” (11) xuất bản ở Paris đã đưa ra những con số ước định tối thiểu và thận trọng, có nghĩa là thực tế con số tử vong có thể cao hơn nhiều. Đây là tập hợp một công trình nghiên cứu qui mô của sáu tác giả gồm giáo sư đại học, ký giả, nhà nghiên cứu đã từng là đảng viên cộng sản ở các chế độ cộng sản khác nhau, do trung tâm Nghiên Cứu Sử Học và Xã Hội Học về Chủ Nghĩa Cộng Sản ở Paris bảo trợ, dưới sự phối trí của Stéphane Courtois, chủ biên tập san Communisme (chủ thuyết Cộng Sản):

• Liên Sô: 20 triệu
• Trung Hoa: 65 triệu
• Việt Nam: 1 triệu
• Bắc Triều Tiên: 2 triệu
• Cao Miên: 2 triệu
• Các nước Đông Âu: 1 triệu
• Châu Mỹ La Tinh: 150.000
• Phi Châu: 1,7 triệu
• A Phú Hãn: 1,5 triệu

Trong số các tội ác các lãnh tụ cộng sản Nga đã làm, quyển Sách Đen đã vạch trần những hành động độc ác như:

• Lenin đã giết hàng trăm ngàn công nhân và nông dân, hàng chục ngàn tù nhân mà không xét xử trong thời gian 1918-1922.
• Tiêu diệt sắc dân thiểu số Cossacks năm 1920.
• Cố tình tiêu hủy mùa màng và thực phẩm, giết chết 5 triệu nông dân Nga năm 1922.
• Giết 690.000 người chống đối 1937-1938.
• Giết 4 triệu dân Ukraine và 2 triệu sắc dân khác bằng cách tạo nạn đói giả tạo năm 1932-1933.


Tổng số nạn nhân bị các chế độ cộng sản giết trong thời gian từ lúc chế độ cộng sản được áp dụng ở Nga đến khi đế quốc cộng sản tan rả, 1917-1991, tối thiểu là 100 triệu người.


Quả thật, các chế độ cộng sản vô thần đã minh chứng câu nói của Fyodor M. Dostoevsky, tác giả quyển tiểu thuyết nổi tiếng “Anh Em Nhà Karamazov” (The Brothers Karamazov): “Nếu Thượng Đế không hiện hữu, mọi sự đều có thể xảy ra.” Đối với người Cộng Sản, do đó, giết người là một hành động rất bình thường, tự nhiên như ăn, ngủ… Giết lầm hơn tha lầm… Cứu cánh chứng minh phương tiện…

Ngày 25-01-2006, Quốc Hội Âu Châu đã đồng thanh biểu quyết lên án những tội ác của các chế độ cộng sản độc tài toàn trị trước nay trên thế giới, khuyến cáo các thành viên thuộc khối cộng sản Đông Âu trước đây xây dựng các đài kỷ niệm để ghi nhớ các nạn nhân của chế độ cộng sản, làm bài học cho tương lai nhân loại.


Nghị quyết so sánh chủ nghĩa cộng sản và chủ thuyết Nazi của Đức Quốc Xã (Nazism) về kỷ thuật đàn áp đối lập, bất đồng chính kiến, diệt trừ đối thủ chính trị, phương cách duy trì quyền hành thì sự tàn ác của cộng sản ít nhất cũng bằng Nazi.


Ngày 12-06-2007 một đài kỷ niệm các nạn nhân bị cộng sản giết hại (The Victims of Communism Memorial) đã được Tổng Thống Hoa Kỳ khánh thành ở thủ đô Washington.


Ngoài mục đích để tưởng nhớ, tôn vinh những nạn nhân cộng sản, các đài kỷ niệm còn có mục đích giáo dục, nhắc nhở các thế hệ tương lai về những tội ác của chủ nghĩa và chế độ cộng sản đối với nhân loại để ngừa tránh.


Hiện nay chủ nghĩa cộng sản còn sót lại bốn mảnh vụn cuối cùng đang tạm biến hình để tồn tại: Trung Hoa, Việt Nam, Cuba, và Bắc Triều Tiên. Riêng ở Việt Nam, chủ nghĩa Marx-Lenin còn được sự thêm sức của “tư tưởng Hồ Chí Minh” tiếp tục làm ngọn hải đăng chỉ đường, chỉ lối cho đảng CSVN cầm quyền chính trị và… lãnh đạo tôn giáo!

***

Trái với lời tiên đoán của Karl Marx và những người cộng sản vô thần, tôn giáo sẽ không bị đào thải và bị hủy diệt theo đà tiến hóa của nhân loại. Tôn giáo luôn luôn gắn liền với mọi khía cạnh của sinh hoạt xã hội, nhất là chính trị. Tuy nhiên, việc chính trị can thiệp trực tiếp và kiểm soát tôn giáo như ở các chế độ cộng sản trước nay, hay ngược lại, tôn giáo lãnh đạo chính trị như ở một vài quốc gia Hồi giáo Trung Đông là những hiện tượng không bình thường.


Phải mất hơn 18 thế kỷ, từ lúc Hoàng Đế La Mã Augustus tự cho mình là thần linh đến cuộc cách mạng Pháp thành lập nền cộng hòa 1789, thần quyền và thế quyền, giáo hội và chính quyền, lần đầu tiên mới được tách rời và độc lập, không tập trung và chi phối lẫn nhau. Hơn 200 năm sau, sau nhiều cố gắng, thành công và thất bại, nhân loại đã tiến một bước khá dài trong việc tách rời hai định chế riêng biệt này. Tuy nhiên ở nhiều nơi, tôn giáo vẫn còn được sử dụng như vũ khí lợi hại để thống lĩnh, chiếm đoạt quyền lực chính trị, nhân danh Thượng Đế, nhân danh Allah. Khi đức tin trở nên cuồng tín, không có gì nguy hiểm hơn.


Dù làm chính trị hay không làm chính trị, sinh hoạt chính trị trong đời sống liên hệ đến tất cả mọi người. Tôn giáo có trách nhiệm làm tốt đẹp đời này, cải thiện bộ mặt trái đất.


Ở các quốc gia nghèo đang sống dưới chế độ độc tài, vai trò của tôn giáo, của người lãnh đạo tinh thần/tâm linh càng trở nên quan trọng. Giáo sĩ không hoạt động chính trị đảng phái thế gian, nhưng có bổn phận lên tiếng cảnh tỉnh người cầm quyền về những vấn đề công bằng xã hội, bác ái, nhân quyền, phẩm giá con người, tự do dân chủ… Xã hội càng bất toàn, tôn giáo càng có trách nhiệm đóng góp, nhưng không để bị chính trị hóa làm loa truyên truyền cho chế độ.


Ở trường hợp đất nước Việt Nam, vai trò của tôn giáo càng quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết sau thời cộng sản. Với căn tính từ bi (Phật giáo), bác ái (KiTô giáo), tôn giáo đóng vai trò hòa giải dân tộc cũng như giúp hàn gắn, xây dựng lại những giá trị đạo đức, tinh thần truyền thống đã bị chế độ cộng sản vô thần Việt Nam hủy diệt không nương tay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(9) Wikipedia, web-based Encyclopedia.
(10) Encyclopaedia Britannica, 2006.
(11) John Roberts, “Politics and Religion,” Sydney, 2000 (research paper).
(12) Will and Ariel Durant, The Lessons of History, Simon and Schuster, New York 1968, tr. 43.
(13) Brendan Sweetman, Why Politics Needs Religion: The Place of Religious Arguments in the Public Square, InterVarsity Press, IL. 2006.
(14) Bộ Giáo Luật 1983, ấn bản Việt Ngữ, NS. Trái Tim Đức Mẹ, Carthage, MO, 1987, tr. 91.
(15) Lương Tâm, “Giáo Luật và việc Giáo Sĩ tham gia vào Chính Trị,” VietCatholicsNews 27-06-2007.
(16) Trích lại từ Robert B. Kaiser, A Church in Search of Itself: Benedict XVI and the Battle for the Future, Random House, 2006.
(17) Friedrich Nietzsche, The Gay Science, 1882, Tiết 125 & 343.
(10)Trích lại từ Peter Hammond, “The Greatest Killer,” 2004 (research paper).
(11)Stéphane Courtois, Le livre noir du communisme: crimes, terreur et répression, Editions Robert Laffont, Paris, 1997.

http://www.tiengnoigiaodan.net/anews/0708_305.html
http://www.tiengnoigiaodan.net/

No comments: