Sunday, October 12, 2008

Khủng hoảng tài chính toàn cầu: nguyên nhân và hậu quả

Tiến Hồng
“… Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này dù trầm trọng đặc biệt đến đâu cũng chưa hẳn là lần cuối. Sau mỗi cuộc khủng hoảng những năm 1980, 1990 (1997), kể cả tiểu khủng hoảng dot.com năm 2001, mỗi lần, một trái bong mới lại thành hình…”



«Thứ hai đen» 29/09/2008, khi chỉ số Dow Jones trên thị trường chứng khoán Wall Street sụt 778 điểm (6,98%, thiệt hại 1200 tỉ MK) sau tin Quốc hội Mỹ bác bỏ kế hoạch Paulson 700 tỉ MK để cứu nguy tài chính (1) sẽ đi vào lịch sử vì tính cách nghiêm trọng của nó sau cơn Đại suy thoái 1929-32.

Điều mỉa mai ở đây là số tiền thiệt hại 1200 tỉ MK lớn hơn nhiều con số 700 tỉ mà chính phủ Mỹ dự tính bỏ ra để thanh lọc các món nợ xấu subprimes mà kết quả thực sự của nó sau 5-6 năm có thể thu hồi đáng kể (2). Sự sợ hãi, vâng, chính «sự sợ hãi là điều chúng ta phải sợ» mà tổng thống F. Roosevelt đã nêu ra năm 1932 chính là tác nhân quan trọng trong khủng hoảng tài chính.

Theo sự lượng định của nhiều nhà phân tích, cuộc khủng hoảng bắt đầu từ tháng 8/2007 (ngân hàng đầu lớn Bears Stearn khánh tận) sẽ kéo dài 2- 3 năm.

Cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ có tính toàn cầu trước hết vì hậu quả của nó phản ảnh ngay trên các thị trường chứng khoán của Âu châu (3) và Á châu với quy mô tương tự . Và sự thiệt hại của ngày thứ hai đen chưa thể tính hết. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phải đau lòng khi thốt ra lời ai oán là đồng tiền tan biến (volatiser) quá mau.

Trước đó, chúng ta đã chứng kiến một «tuần lễ đen» mà Quỹ dự trữ liên bang (FED) đã đưa ra ba quyết định lịch sử : bỏ ra 200 tỉ MK để quốc hữu hoá hai đại ngân hàng tín dụng thế chấp được bảo trợ (government sponsored enterprises) là Fannie Mae và Freddie Mac (chiếm 40% nợ bất động sản), bỏ rơi công ty đầu tư lớn hàng đầu Lehman Brothers mất hàng chục tỉ MK khánh tận (13-14/09/2008), rồi lại trích ra 85 tỉ MK để quốc hữu hoá ngân hàng bảo hiểm hàng đầu AIG mà trị giá cổ phiếu mất 90% trong vài ngày. Phải chăng vì công ty này quá lớn với hàng ngàn chi nhánh nên không đành để nó chết? Nguy cơ phản ứng dây chuyền đi đến sụp đổ cả hệ thống ngân hàng là có thật. Việc quốc hữu hoá ba ngân hàng trên là một chuyển biến bất ngờ, vì trước đó (31/08/2008), tổng thống G.W.Bush đã tuyên bố là chính phủ không có nhiệm vụ cứu những nhà đầu tư đưa ra những quyết định sai lầm. Nó đánh dấu bước ngoặt của chủ nghĩa tự do kinh tế chính yếu đem lại thịnh vượng cho nước Mỹ được áp dụng cho đến nay mà có lúc đi đến quá trớn, có tính cách vô chính phủ (anarchie) phản ảnh qua câu nói lịch sử của tổng thống Reagan năm 1981: Nhà nước không phải là giải pháp mà chính là vấn đề. Tôi sẽ bàn kỹ hơn trong phần hệ quả.

Nợ, nợ nợ. Bối cảnh xa và gần của khủng hoảng

Nick Leeson, người môi giới chứng khoán (trader) nổi tiếng người Anh vì đã làm mất hơn 1 tỉ MK và làm sập tiệm ngân hàng lớn Barings năm 1995, có kể lại một câu chuyện có vẻ hài hước nhưng buồn. Vào năm 1999, sau khi ra tù và phải trả phạt hơn 100 triệu, khi về nhà anh ta đã nhận được 6 cái credits cards!


Trong vòng 28 năm trở lại, số nợ của các gia đình Mỹ đã từ 50% lên đến 100% năm 2007. Nghĩa là khi lợi tức chỉ bằng số nợ phải trả (tính gộp thôi vì vẫn còn không bao nhiêu để chi dùng) ! Chỉ riêng tại Pháp, số hồ sơ về nợ quá mức (surendettement) lên đến 180.000 mỗi năm. Tất nhiên ngân hàng là kẻ thu lợi. Nhưng coi chừng, khi đưa đẩy khuyến khích tiêu thụ quá mức và bất cẩn sẽ có thể đưa đến một quả bóng carte de credits sau quả bóng subprimes như kinh tế gia Gael Giraud tiên đoán (4). Năm 2007 lợi tức của ngân hàng Mỹ chiếm 26% GDP của Mỹ. Quá lố. Bây giờ thì nó phải trả giá đắt sau khủng hoảng nợ thứ cấp subprime. Đáng đời. Theo quy định cổ điển của ngân hàng, 1 MK vốn chỉ cho phép 12 tín dụng hay nợ (credits). Nhưng tỉ lệ đó hiện nay là 1 vốn, 32 nợ. Càng luân chuyển nhiều nợ ngắn hạn càng nhiều thì càng lời. Đó là do ngân hàng trong đó có ông Goldman Sachs đã sáng tạo ra một kỹ thuật tài chính là “chứng phiếu hoá” các món nợ (titrisation des créances) trong thập niên 1980 mà hiện nay đã hại ông. Ngân hàng Sachs đã mất 1,5 tỉ MK những ngày qua. Quả báo!

Thực ra kỹ thuật chứng phiếu hoá tự bản chất không hẳn là xấu (5). Lúc đầu, nó đã được áp dụng cho việc mua xe. Chỉ sau này khi các chứng phiếu đủ loại được trộn lẫn như gói chứng phiếu CDO (collaterised debt obligation) ngoài gói chứng phiếu dành cho bất động sản trong đó có subprime (RMBS, ABS), và dùng để loại bỏ các chứng phiếu xấu áp dụng cho nợ thế chấp subprime, nó đã gặp nạn vì bản chất của subprime là hiểm tai không tính toán được (6). Thế mà khối lượng của nó chan hoà trong các gói và các ngân hàng đầu tư Mỹ chiếm hơn 2/3, số còn lại là do các ngân hàng châu Âu (7).

Các ngân hàng đầu tư và đặc biệt các quỹ đầu cơ hedge funds đã nắm giữ các chứng phiếu này là dây móc (courroie) thứ hai sau chứng khoán hoá, đã đưa món hàng độc hại subprime ra bốn phương Âu Mỹ. Các quỹ này lại không phải công khai có bilan và chịu sự kiểm soát nào của FED nên khi bóng subprime vỡ người ta không ước tính đúng mức món nợ subprime là bao nhiêu. Tính mờ ám trong dịch vụ subprime đã khiến các ngân hàng đầu tư không tin tưởng nhau, các văn phòng thẩm định rủi ro (agences de notation) (8) nhiều khi mất phương hướng (một số không nhỏ có gian ý để kiếm lời) và đã góp phần làm trầm trọng nợ subprime, chưa kể hệ thống trả trợ cấp lãnh đạo quá cao ngay cả khi ngân hàng nguy ngập (9) và trò bán khống (vente à découvert) để kiếm lời trong lúc trượt giá.

Tính bấp bênh trong ước tính thể hiện trong bốn con số. Tháng 4/2007, FED ước tính nợ subprimes từ 100-150 tỉ MK. Quỹ tiền tệ IMF vào tháng 9/2007 đưa ra con số lớn hơn nhiều 945 tỉ MK. Ngân hàng Goldman Sachs tháng 11/2007 lại đưa ra con số lớn hơn gấp 10 là 2000 tỉ MK! Thị trường bất động sản được ước tính là 7000 tỉ MK trong đó 1300 tỉ cho subprimes. Có vẻ ông Paulson thiên về con số của IMF. Nhưng chính vì đưa ra con số ước tính quá thấp nên ông thống đốc FED vẫn tin là cơn khủng hoảng không xảy ra. Và đây là một sai lầm đáng trách. Bởi vì có những ngân hàng như BNP đã cho ngưng các dịch vụ liên quan đến subprime từ tháng 8/2007. Chưa kể những chuyên gia kinh tế như Nouriel Roubini đã đưa ra tiến trình 12 giai đoạn tất yếu đi đến khủng hoảng từ năm 2007 và được nhắc lại trong bài báo của giáo sư Martin Wolf (10). Còn ông cựu thống đốc FED Alan Greenpan, trong The Age of Turbulances (10/2007) đã “ nhắc cử toạ là chúng ta không đứng trước một trái bóng (bulle) mà chỉ là những bọt nhỏ (mousse) không bao giờ lớn lên để đe doạ nền kinh tể”.

Chính ông Greenspan, để kích cầu sau biến cố tháng 9/2001, đã đột ngột đưa lãi suất liên ngân hàng từ 6.5 xuống còn 1% trong thời gian dài 2003-2005 đã tạo ra phấn khởi để dân chúng thấy tiền rẻ đâm đầu tiêu thụ và mua nhà với subprime mà hậu quả như ta đã thấy khi giá nhà sụt từ năm 2006 sau khi lãi suất tăng lên và số người không trả được tiền vay tăng cao.

Tất nhiên còn phải nói đến trách nhiệm của chính phủ khi khuyến khích dân nghèo mua nhà bất cần những hiểm tai và hai công ty được bảo trợ Fannie Mae và Freddy Mac đã nhân đó ỷ thế có chính phủ giúp mà cho vay nợ subprimes đến 40% tổng khối lượng chứng phiếu này.

Hệ quả trước mắt và lâu dài

Chính phủ Mỹ sẽ phải bán công khố phiếu để tài trợ 700 tỉ MK bỏ ra cứu nguy tài chính sau hơn 300 tỉ đã bỏ ra để cứu nguy số ngân hàng lớn, trong khi nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn suy thoái, thâm hụt ngân sách ở mức kỷ lục 10% GDP, nợ chính phủ chiếm tới 60% GDP, nạn thất nghiệp lên tới 6,1% chủ yếu trong lãnh vực ngân hàng với khoảng 150000 đã và sẽ mất việc trong năm nay. Tất cả các nước Mỹ Âu đều dự trù mức phát triển giảm bớt chỉ còn 1-1,5%. Các nước Á Châu như Trung Quốc, Việt Nam đương nhiên mức phát triển cũng giảm đáng kể trước hết vì xuất cảng sang Mỹ giảm và đầu tư nước ngoài thu hẹp. Trong khi đó, lạm phát có chiều hướng gia tăng tại hầu hết các nơi. Quyền lực kinh tế của Mỹ suy giảm sẽ ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng. Nhưng các nước như Trung Quốc cũng không gia tăng sức mạnh mà phải lo ngại nhiều khó khăn kinh tế như trái bóng bất động sản…

Trên phương diện ý tưởng, tổng thống Pháp Sarkozy, thuộc hữu phái, có lẽ là nhân vật chính trị lên án mạnh mẽ nhất những chệch hướng (dérives, dérapages) của hệ thống tư bản đã đưa đến khủng hoảng tài chính tương tự như khủng hoảng 1929. Hệ thống tư bản phải được điều hướng (régulé) để trở về tinh thần doanh nhân sáng tạo (entrepreneur) phục vụ sản xuất thay vì đầu cơ. Hệ thống thù lao các chủ ngân hàng sẽ phải được quy định đúng mức bằng thoả hiệp, nếu cần thì ra luật. Cần phải có một hội nghị Bretton Woods (1944) mới để thiết lập một hệ thống tài chính mới. Bà thủ tướng Đức đã thì tiếc là hội nghi thương đỉnh G8 năm 2007 đã bỏ qua đề nghị yêu cầu các ngân hàng phải thể hiện tính trong sáng (transparence) trong các hoạt động của mình.

Cựu thủ tướng Pháp Edouard Bălladour trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho Paris Match (số 3098) đã cảnh giác về một khủng hoảng tài chính thế giới từ 17 năm trước đây (Phúc trình “Trước khi quá muộn”). Nó bắt nguồn từ tình trạng vô chính phủ, vô trật tự trong việc thả nổi tiền tệ, phân phối không hạn chế tín dụng tiêu thụ, trái ngược với chủ nghĩa tự do mà ông luôn tin tưởng, một chủ nghĩa tự do có trật tự (libéralisme ordonné) với vai trò điều phối của Nhà nước, ở đây là Nhà nước dân chủ. Trong một nền kinh tế toàn cầu hoá, phải có những quy lệ (règles) phối hợp các đồng tiền, các lãi suất, các quy lệ thận trọng (règles prudentielles) trong cơ cấu cấp tín dụng…Việc phối hợp quốc tế giữa các cấp thẩm quyền Âu Mỹ là cần thiết.

Trong các thảo luận về những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng này, các kinh tế gia đều đồng ý là không thể tin vào tính cách tự điều chỉnh (autorégulation) của thị trường tự do.Theo nhà tài chính nổi tiếng Soros, thị trường tự bản chất có tính cách đi quá đà (exuberant). Cần có sự điều tiết (régulation) thích đáng của Nhà nước, nhưng không thái quá, ngăn cản sáng kiến cá nhân. Theo giáo sư David Cohen, cần thiết lập những quy lệ của hệ thống tư bản tài chính như: điều tiết hoạt động chứng phiếu hoá, kiểm soát hữu hiệu những cơ sở cho điểm, xem xét lại các chuẩn mực kế toán…Quỹ tiền tệ IMF có thể đóng vai trò nhất định ở đây.

Chúng ta cũng cần ghi nhớ rằng: Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này dù trầm trọng đặc biệt đến đâu cũng chưa hẳn là lần cuối. Sau mỗi cuộc khủng hoảng những năm 1980, 1990 (1997), kể cả tiểu khủng hoảng dot.com năm 2001, mỗi lần, một trái bong mới lại thành hình với sự thờ ơ của giới có thẩm quyền. Chúng ta hãy cảnh giác !
Rennes, 05/10/2008
Tiến Hồng

No comments: