Tuesday, October 21, 2008

Singapore và hiểm họa CS thời lập quốc!

Ông Jumabhoy: "Singapore chỉ có thể tồn tại như là một quốc gia độc lập nếu những người cộng sản bị đánh bại (trong thời gian lập quốc)". Nguồn: ASHLEIGH SIM, ST photo

Nguyên Hân – Lược dịch và trình bày

Cái thành công đầu tiên, lớn lao nhất của ông Lý Quang Diệu là đã không cho mầm mống cộng sản sinh sôi nảy nở ở Singapore trong thời lập quốc.


DCVOnline: Cho đến thập niên 1960, người dân Singapore vẫn chưa có một ý niệm quốc gia. Người lớn tuổi ở Singapore vẫn muốn về quê hương của họ để chết ở Trung Hoa, Ấn Độ, Mã Lai Á, Nam Dương… Vì thiếu một ý niệm quốc gia đó, nên sự trung thành và chọn lựa đảng phái dạo đó hoàn toàn tùy thuộc vào sắc tộc. Người gốc Trung Hoa bầu cho đảng của người gốc Trung Hoa, người gốc Mã Lai Á bầu cho đảng của người gốc Mã Lai Á…

Ông Lý Quang Diệu và đảng Nhân dân Hành động của ông (People’s Action Party - PAP) đã thành công trong việc thu phục nhân tâm, kêu gọi sự đoàn kết của người dân Singapore cùng xây dựng một ý thức dân tộc, cùng làm việc và cùng hưởng phúc lợi xã hội chung, không kỳ thị tôn giáo, sắc tộc để xây dựng được một Singapore như ngày nay. Nhưng cái thành công đầu tiên, lớn lao nhất của ông Lý Quang Diệu là ông đã thấy rõ thảm họa cộng sản, ông đã đấu tranh quyết liệt và thành công không cho mầm mống cộng sản sinh sôi nảy nở ở Singapore suốt thời gian lập quốc và cho đến sau này.

Theo nhận xét của ông Jumabhoy, cựu Bộ trưởng bộ Thương mãi và Kỹ nghệ của chính phủ dân cử đầu tiên ở Singapore năm 1955: “Singapore chỉ có thể tồn tại như là một quốc gia độc lập nếu những người cộng sản bị đánh bại. Giữa những đảng phái chính trị vào thời đó, chỉ có đảng PAP (đảng của ông Lý Quang Diệu) có khả năng triệt hạ được thảm họa cộng sản”.

Nguyên Hân xin lược dịch bài nói chuyện với ông Jumabhoy của ký gỉa Chua Mui Hoong đã được đăng trên Singapore Straits Time hôm 3 tháng 11, 2007 để chia sẽ cùng bạn đọc DCV với câu hỏi: “Nếu ngày đó Singapore bị nhuộm đỏ bởi chủ nghĩa cộng sản, thì ngày nay Singapore có là một con rồng đang bay lộn giữa vùng trời Á châu như hiện nay, hay chỉ là một con rồng đất ngo ngoe dưới đất?"

Singapore và hiểm họa CS thời lập quốc

Bất cứ ai cho rằng chính Đảng Nhân dân Hành động (People’s Action Party - PAP, đảng của ông Lý Quang Diệu bây giờ) là người đã “sáng tạo” nên một Singapore hiện đại ngày nay nên gặp ông J.M. Jumabhoy.


Ông Jumabhoy: "Singapore chỉ có thể tồn tại như là một quốc gia độc lập nếu những người cộng sản bị đánh bại (trong thời gian lập quốc)". Nguồn: ASHLEIGH SIM, ST photo
--------------------------------------------------------------------------------

Ông cụ 89 tuổi này sẽ nói cho qúy vị hay rằng những chính sách đã hiện đại hóa Singapore ngày nay có nguồn gốc nằm trong những chính sách khởi đầu khi ông là một bộ trưởng trong chính phủ Mặt trận Lao động (Labour Front), là chính phủ dân cử đầu tiên của Singapore.

“Có một Singapore trước khi có đảng PAP, như qúy vị biết,” ông nói.

Từ thư viện của ông nằm tầng thứ 10 ở một chung cư sang trọng trên Holland Road nhìn xuống những xa lộ với xe cộ chạy như mắc cửi, ông lấy xuống chồng tài liệu và hai cuốn tập dán đầy tranh ảnh và những bài báo được cắt ra để chứng minh điều ông nói.

Ông Jumabhoy đắc cử vào Hội đồng Lập pháp, tiền thân của Quốc hội ngày nay, vào năm 1955 đứng cùng với liên danh của Mặt trận Lao động. Năm sau, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng bộ Thương mãi và Kỹ nghệ.

Trong cuộc bầu cử sau đó vào năm 1959, đối diện với cuộc tranh cử quyết liệt bị dồn từ năm phía và ông mất ghế cho một ứng cử viên của đảng PAP.

Trong bốn năm làm bộ trưởng của ông, ông Jumabhoy nói, ông đã khởi đầu một số chính sách căn bản.

“Chúng tôi thành lập Ban Yểm trợ phát triển Công nghiệp (Industrial Promotion Board) năm 1957 để cho các công nghiệp địa phương cấp nhỏ vay vốn. Sau này thì nó được đảng PAP triển khai thành Ban Phát triển Kinh tế (Economic Development Board).”

Lật qua những trang sách trong cuốn sách vàng của mình, ông chỉ vào một bài báo đã được đăng trên tờ Báo chí Tự do Singapore ngày 8 tháng 6, 1957, khi tờ báo báo cáo một “kế hoạch bí mật” nhằm thúc đẩy, phát triển ngành du lịch.

“Chúng tôi hoạch định điều này và giữ bí mật vì chúng tôi không muốn các nước khác bắt chước. Kỹ nghệ du lịch là một điều còn mới mẽ dạo đó. Một trong những ý tưởng chúng tôi có lúc đó là thành lập một ủy ban đặc trách về chuyện phát triển ngành du lịch.”

Ông đưa ra cái ý tưởng thành lập một Bộ Du lịch năm 1957. Bộ được thành hình năm 1958 với sự bổ nhiệm một người Tân Tây Lan (New Zealand) cầm đầu, nhưng bị dẹp bỏ năm sau đó.

“Và anh biết gì về cổ phiếu Singapore? Chúng tôi đã bắt đầu trước hết là People’s Investment Corporation,” ông Jumabhoy nói với niềm hãnh diện lóe trong ánh mắt mình.

Chính phủ hợp tác với một công ty tư sản xuất thuốc lá và diêm quẹt. Cổ phần trong công ty này được bán lại cho dân chúng, 10 đồng một cổ phần. Chính phủ bảo đảm gía trị trung bình của cổ phần, và quyết định tiền lời.

“Chúng tôi đưa ra một giới hạn, mỗi người chỉ được mua 500 đồng cổ phần mà thôi, không được thêm nữa. Nếu anh muốn bán cổ phần của mình, chính phủ sẽ mua lại với gía trung bình (par value). Cái ý chính là để cho mọi người có được một phần góp vốn trong cái nền kinh tế.”

Những bài báo được cắt ra từ tháng Một năm 1959 cho thấy cái đề án này đưa đến những tranh cãi dữ dội ở Quốc hội.

Những đối thủ trên chính trường của ông như ông Lý Quang Diệu của đảng PAP chỉ vào những lỗ hỗng trong dự án và đặt vấn đề đối với sự cần thiết của dự án đầu tư này mà theo đó Mặt trận Lao động không thể triển khai, chỉ bởi Mặt trận có nguy cơ thất cử trong mùa tranh cử tới – và họ thất cử thiệt.

Ông Jumabhoy thừa nhận ông “chưa bao giờ là một chính trị gia” và ông vui lòng về lại với chuyện làm ăn khi ông thất cử ghế đại diện cho Stamford vào tháng Năm 1959.

Đối với Mặt trận Lao động, “nó không là một đảng chính trị; nó không có đường lối hay chính sách gì cả”, ngoài cái ước muốn chống lại “những đảng phái bảo thủ chỉ muốn giữ thế bình chân như vại.”

Ông Jumabhoy nói rằng ông để cho những quyết định của ông lôi kéo. “Tôi không có một học thuyết về kinh tế. Như là một thương gia, tôi chỉ nhìn vào cái gì cần phải làm.”

Cái đảng PAP ngày càng mạnh là một lực lượng cần phải giải quyết, nhưng chính quyền thuộc địa Anh dạo đó sợ những thành phần thiên về cộng sản ở trong đảng.

Ông Jumabhoy nhắc lại buổi họp với người Anh khi một đề nghị được tranh cải để “truyền lệnh cho đảng PAP” – có nghĩa, là cấm PAP hoạt động như một đảng chính trị.

Khỏi bận tâm với đảng PAP hứa hẹn gây nhiều khó khăn, người Anh sẽ rãnh tay để đối phó với những bất ổn xã hội. Nó cũng dọn đường cho Mặt trận Lao động thắng cử mùa bầu sử ngay sau đó.

“Tôi sợ kinh hoàng cái buổi thảo luận đó,” ông Jumabhoy nói. Theo cách nhìn của ông, Singapore chỉ có thể tồn tại như là một quốc gia độc lập nếu những người cộng sản bị đánh bại. Giữa những đảng phái chính trị vào thời đó, chỉ có đảng PAP có khả năng triệt hạ được thảm họa cộng cản, ông nói.

“Tôi quan sát Lý Quang Diệu. Ông ta rất qủa quyết, ông rất biết cộng sản và hiểu họ sẽ hành xử như thế nào. Tôi nghĩ rằng nếu bất cứ ai đó có thể, thì ông ta (LQD) cũng sẽ có ý tưởng hay hơn để đối đầu với người cộng sản, nhằm cung cấp liều thuốc giải độc.”


1963: Thủ tướng Lý Quang Diệu tuyên bố Singapore tách ra khỏi Liên bang Mã Lai Á. Nguồn: wikipedia.com
--------------------------------------------------------------------------------

Trong những năm về sau sau khi ông thôi không còn hoạt động chính trị nữa, khi ông theo dõi những mạo hiểm của ông Diệu cùng đảng PAP của ông ta đấu tranh với đảng Xã hội Barisan vốn được cộng sản ủng hộ, ông tự nghĩ: “Tôi vui mừng tôi thoát ra khỏi cái cảnh đấm đá quyết liệt như chó với mèo đó.”

Đối với ông Jumabhoy, đảng chính trị nào nắm quyền không quan trọng. “Cái quan trọng là ai quản lý đất nước Singapore tốt hơn.”

Về mặt này, ông cho đảng PAP có công cho sự thành công (của Singapore).

Nhưng ông không đồng ý với quyết định chính phủ cho phép mở sòng bài, ông nói rằng “cờ bạc cũng như ghiền rượu, anh không thể kiểm soát nó được.”

Ông không thích cái chiều hướng coi trọng giai cấp tinh túy đang lan dần mà ông thấy ở Singapore, khi các cơ quan từ thiện cố gắng tuyển những chuyên gia ngoại hạng vào vai trò lãnh đạo, mà bỏ quên phúc lợi hay nhân viên làm việc cho các cơ quan từ thiện này.

Gĩa từ chính trị, ông Jumabhoy trở lại với nghề thương mãi trong gia đình. Trong làm ăn, con người ta phải sống để nắm lấy cơ hội đến với mình, ông nói.

Có một lần, một người bạn của ông ở Bombay đưa ông đến chợ cá và họ thấy gía cá threadfin (ikan kurau) rẽ bằng một phần ba ở Singapore. Dịch vụ mua bán cá nảy sinh từ đó.

Lần khác, một người quen ở Trung Đông giới thiệu ông một loại xà phòng làm bằng dầu olive đắt đỏ. Ông Jumabhoy nghĩ: “Dầu cọ vốn rẽ ở vùng nhiệt đới. Thử chế tạo xà phòng với dầu cọ xem thử sao?”

Hiệu xà phòng Sư tử ông sản xuất đã là một mặt hàng bán chạy sau đó.

Lần khác, ông uống thử trà mẫu Việt Nam với hương liệu vốn đậm đà.

Ông thương gia có gan làm ăn xin giấp phép đi Việt Nam, lúc đó vẫn còn là một nước nhiều cấm đoán cho những người mang hộ chiếu Singapore.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, ông gặp những viên chức địa phương và thử trà mẫu của họ. “Họ (Việt Nam) ghi âm lại những buổi họp đó từng lời từng chữ. Đó là cách làm việc của cộng sản thời đó.”

“Tôi hỏi họ, “Các ông sản xuất bao nhiêu?” Họ nói cho tôi biết. Tôi bảo họ, “Tôi mua hết hàng qúy vị sản xuất trong ba năm. Qúy vị có dám bán cho tôi?”

“Và họ choáng. Đó là một mưu kế làm ăn, anh thấy không. Anh thách đố họ, họ dám làm. Anh xin xỏ họ, họ sẽ không làm. Một chút chỗ này, một chút chỗ kia, tôi rút được 1 triệu Mỹ kim từ mấy ngân hàng. Tôi độc quyền trong ba năm, và chuyện buôn bán trà của tôi bắt đầu như thế đó.”

“Anh phải biết đi dây, biết nói chuyện với nhiều loại người khác nhau. Anh không thể học những điều này từ sách vở.”

Tuy tuổi đã lớn, ông vẫn mạnh khỏe và năng động.

© DCVOnline

--------------------------------------------------------------------------------

Nguồn:
(1) Member of Singapore's first government. Singapore Straits Times, by Chua Mui Hoong, 3 November 2007
(2) The History of Singapore.
(3) Tựa đề do DCV đặt. Vài mốc đáng nhớ của Singapore:

1953: Chính phủ Anh chỉ định Sir George Rendel cầm đầu một ủy ban nghiên cứu để đệ trình những điều căn bản cho hiến pháp mới của Singapore.

1955: Bầu cử chính phủ. Mặt trận Lao động chiếm 10 ghế trong nội các, đảng Nhân dân Hành động (PAP) chiếm ba ghế. David Marshall trở thành Bộ trưởng Chính (Chief Minister) của chính phủ Singapore ngày 6 tháng Tư năm 1955.

1957: Lim Yew Hock, Bộ trưởng Chính, cầm đầu một phái đoàn đi Luân Đôn thương thảo và thành công trong việc thành lập Hiến pháp mới cho Singapore.

1958: Hiến pháp của Singapore được ký ở Luân Đôn.

1959: Bầu cử chính phủ. Đảng Nhân dân Hành động thắng 53.4 phần trăm số phiếu, và chiếm 43 trên 51 ghế của Quốc hội đầu tiên của Singapore.

Tháng Ba 1959: Thống đốc Sir William Goode tuyên bố Hiến pháp mới cho phép Singapore là một chính phủ tự trị, tự quản.

Tháng Sáu 1959: Chính phủ đầu tiên của Singapore tuyên thệ nhậm chức. Ông Lý Quang Diệu là Thủ tướng đầu tiên của Singapore (Prime Minister).

1963: Singapore tách ra khỏi liên bang Mã Lai Á.

Tháng Tám 1965: Singapore trở thành một quốc gia độc lập và tự trị.

Tháng Chín 1965: Singapore trở thành hội viên thứ 117 của Liên Hiệp Quốc.
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=4169

No comments: