Saturday, October 18, 2008

Liên minh bất hòa: Ngô Đình Diệm và Mỹ

Nhiều sử gia tiếp tục có đánh giá lại về nhân vật Ngô Đình Diệm

Dr. Philip Catton
Viết riêng cho BBCVietnamese.com

Nhiều sử gia tiếp tục có đánh giá lại về nhân vật Ngô Đình Diệm
Lời giới thiệu: Trong vài năm gần đây, một thế hệ mới các sử gia Mỹ đã quan tâm trở lại và công bố những tác phẩm mới về thời kỳ nắm quyền của Ngô Đình Diệm.

Năm nay đánh dấu 45 năm ngày xảy ra cuộc đảo chính của các tướng lĩnh miền Nam với sự ủng hộ của Mỹ, lật đổ chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhân dịp này, BBC mời một số nhà nghiên cứu viết bài đánh giá những khía cạnh khác nhau về thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa của miền Nam Việt Nam.

Mở đầu bàn tròn lịch sử, xin trân trọng giới thiệu bài viết của tiến sĩ Philip Catton. Ông lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Ohio (1998) với luận án về chương trình Ấp Chiến lược đầu thập niên 1960.

Winston Churchill từng có một bình luận nổi tiếng về bản chất phức tạp của những mối liên minh thời chiến. Đề cập quan hệ giữa Anh và Mỹ trong Thế chiến Hai, ông bình phẩm: “Chỉ có một thứ tệ hơn việc chiến đấu cùng đồng minh, và đó là chiến đấu thiếu họ!”

Mặc dù người Anh và Mỹ cần có nhau để đánh bại kẻ thù chung, nhưng đồng thời họ vẫn theo đuổi quyền lợi chính trị riêng và thường xuyên va chạm quanh câu hỏi về cách thức tiến hành chiến tranh.

Điều này cũng đúng cho liên minh Mỹ - Nam Việt Nam. Chính phủ ở Sài Gòn và Washington đến với nhau vì cùng có kẻ thù chung, những người cộng sản Việt Nam. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ luôn hòa thuận. Các khác biệt luôn tồn tại trong giai đoạn 1954-1963 khi Ngô Đình Diệm lãnh đạo Nam Việt Nam – cuối cùng, chúng trở nên không thể giải quyết và đưa người Mỹ can dự vào âm mưu lật đổ chính quyền Diệm.

Nghi ngờ và e ngại

Ngay từ đầu, nghi ngờ và e ngại đã chi phối quan hệ Mỹ - Việt. Nhiều sử gia đã ghi nhận liên hệ mà Diệm tạo dựng được với các chính khách quan trọng ở Mỹ đầu thập niên 1950. Một số người thậm chí kết luận chính quan hệ này giúp Diệm trở thành thủ tướng năm 1954 – nói cách khác, họ cho rằng Diệm là đồ đệ của Mỹ.

Nhưng không có nhiều bằng chứng ủng hộ luận cứ này. Bảo Đại, cựu hoàng và Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam, có vẻ chọn Diệm chủ yếu là vì những lý do liên quan chính trị ở Việt Nam, chứ không phải Mỹ.



Ngay cả sau khi Diệm đã thành công trong việc củng cố quyền lực, những lo ngại ban đầu không biến đi vì Diệm tỏ ra miễn cưỡng khi phải nghe lời khuyên của Mỹ


Dr. Philip Catton

Thực ra người Mỹ nuôi một số lo ngại về Diệm. Họ ủng hộ chính phủ ông năm 1954 vì muốn ngăn cộng sản chiếm miền nam, nhưng họ không biết nhiều về tân thủ tướng và có những quan điểm trái ngược về khả năng cầm quyền của ông. Một mặt, họ ca ngợi phẩm cách, sự trung thực và lòng ái quốc của ông. Mặt khác, họ lo ngại ông quá cứng đầu, luôn tự cho mình là đúng và thiếu kinh nghiệm. Nhiều viên chức Mỹ cho rằng ông không đủ khả năng tổ chức một chính phủ hiệu quả.

Ngay cả sau khi Diệm đã thành công trong việc củng cố quyền lực, những lo ngại ban đầu không biến đi vì Diệm tỏ ra miễn cưỡng khi phải nghe lời khuyên của Mỹ.

Người Mỹ tin rằng họ có câu trả lời để xây dựng các tân quốc gia hiện đại, phú cường trong Thế giới thứ Ba và khuyến khích Diệm áp dụng các “đơn thuốc” cho sự phát triển của miền Nam. Đặc biệt vào những khi tình hình đất nước xấu đi, người Mỹ thúc Diệm sửa chữa cái mà họ xem là khiếm khuyết của chính thể: sự lộn xộn trong bộ máy hành chính do Diệm không muốn san sẻ quyền hành, sự thiếu dân chủ và thiếu ủng hộ chính phủ trong dân chúng.

Người Mỹ lo ngại rằng quá thừa sự chuyên quyền, mà không đủ nỗ lực chinh phục thêm người ủng hộ. Nhưng họ bực tức thấy Diệm vẫn cứ làm theo ý mình.

Viễn kiến riêng

Trong khi người Mỹ lo ngại về Diệm, bản thân nhà lãnh đạo cũng lo ngại về Mỹ. Ông vui lòng chấp nhận hỗ trợ quân sự và kinh tế của Mỹ, nhưng không sẵn sàng lắng nghe lời khuyên của Mỹ. Ông không tin người Mỹ biết gì nhiều về Việt Nam hay có nhiều hiểu biết chính trị.

Em trai, Ngô Đình Nhu, có quan điểm đặc biệt tiêu cực về Mỹ. Có thể vì đi học trường Pháp, Nhu xem người Mỹ là hỗn xược và thô thiển.

Kết quả là chính quyền Diệm không mấy tin vào nhận định của đồng minh Mỹ, xem các đề xuất chính sách của Mỹ là sai lầm. Diệm tin rằng chỉ có bàn tay sắt mới giải quyết được các vấn nạn của miền Nam.


Khủng hoảng Phật giáo 1963 làm Mỹ tin rằng phải thay chính quyền Diệm

Trái ngược với ấn tượng xem ông là hẹp hòi và là “viên quan hoài cổ”, Diệm có viễn kiến riêng về cách xây dựng nhà nước hiện đại ở miền Nam.

Ông muốn một nhà nước không sao chép cả tư bản lẫn cộng sản. Ông muốn một xã hội lấy cảm hứng từ mô hình văn hóa xã hội truyền thống của Việt Nam – vừa hiện đại nhưng hình như cũng phải thuần Việt.

Không chỉ xem lời khuyên của Mỹ là vô ích, Diệm còn căm ghét nó. Có lần ông nói với nhà báo Mỹ Marguerite Higgins: “Nếu anh ra lệnh Việt Nam như con rối, thì anh có khác gì người Pháp?” Diệm rất nhạy cảm về sự độc lập và bất kỳ sự xâm phạm nào đến chủ quyền đất nước. Ông hiểu mình phụ thuộc trợ giúp của Mỹ, nhưng cảm thấy lúng túng và bực bội vì phụ thuộc.

Ông cũng biết nó nguy hiểm về chính trị, vì người cộng sản có thể cáo buộc ông chỉ là kẻ phản bội và con rối. Để củng cố quyền uy lãnh đạo, ông phải chứng tỏ mình không phải là thế.

‘Đụng độ giữa các nền văn minh’

Những căng thẳng này cũng có thể kiềm chế được nếu dự án dựng xây một miền Nam vững chắc đã diễn ra suôn sẻ. Trong trường hợp đó, hai bên sẽ cảm thấy lợi ích của mối quan hệ lớn hơn sự bực mình.

Nhưng vấn đề là nỗ lực xây dựng miền Nam dường như lại chuệch choạc. Năm 1960, những người cộng sản bắt đầu tổ chức du kích chống lại chính quyền Diệm, bằng sự thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Du kích nhanh chóng kiểm soát nhiều khu vực quan trọng ở nông thôn miền Nam.

Lại có những dấu hiệu cho thấy Diệm để mất ủng hộ trong những người chống cộng, cụ thể là vụ đảo chính bất thành tháng 11.1960.


Dù có kẻ thù chung, hai phía có tư tưởng riêng về cách đánh bại đối phương, viễn kiến riêng về hình hài của một Nam Việt Nam phi cộng sản


Trong giai đoạn John F. Kennedy cầm quyền (1961-1963), người Mỹ một lần nữa thuyết phục Diệm thay đổi, đồng thời tăng cường hiện diện trên đất miền Nam. Nhưng Diệm tiếp tục chống lại đòi hỏi của Mỹ và khó chịu khi phải tiếp đón số lượng cố vấn Mỹ ngày càng tăng. Đến mùa xuân 1963, ông và Nhu bày tỏ lo lắng về cái mà họ xem là sự quá phụ thuộc vào Mỹ và nguy cơ đất nước của họ trở thành nước bị bảo hộ.

Trong không khí căng thẳng này, Khủng hoảng Phật giáo trở thành giọt nước tràn ly. Phản ứng bản năng của Diệm là không nhượng bộ. Ông còn nghi ngờ người Mỹ tìm cách phá ông khi cứ đòi ông nhượng bộ người biểu tình. Ông cũng lo việc Henry Cabot Lodge trở thành tân đại sứ Mỹ báo hiệu chính sách kém thân thiện với chính quyền miền Nam.

Với nhiều viên chức Mỹ, Khủng hoảng Phật giáo và việc Diệm khăng khăng không chịu nhượng bộ xác nhận sự phá sản chính trị và đạo đức của chính quyền. Họ lý luận để cứu miền Nam, phải thay chính phủ Diệm. Cuộc đảo chính tháng 11.1963 diễn ra vì Diệm để mất ủng hộ của Mỹ.

Ngô Đình Nhu có lần gọi quan hệ Việt – Mỹ là “sự đụng độ của các nền văn minh”. Có lẽ đó là sự mô tả hợp lý. Dù có kẻ thù chung, hai phía có tư tưởng riêng về cách đánh bại đối phương, viễn kiến riêng về hình hài của một Nam Việt Nam phi cộng sản.

Một nghiên cứu chính thức của Mỹ sau này nhận xét: “Phần nào đó, người Mỹ và Việt Nam đi cùng một xe, nhưng thường bất đồng về việc ai lái xe, điểm đến là đâu, dùng tuyến đường nào. Chúng ta là những đồng minh không tin nhau, theo đuổi công việc chung nhưng chia rẽ.”

Những khác biệt đó đã tạo thành mối liên minh bất hòa, và cuối cùng tan rã.

Về tác giả:Tiến sĩ Philip Catton viết cuốn Diem’s Final Failure: Prelude to America’s War in Vietnam (NXB Đại học Kansas, 2002). Ông hiện dạy ở Đại học Stephen F. Austin (Stephen F. Austin State University).

---------------------------------------------------------------------------

VV
Tôi còn trẻ, được học qua những bài lịch sử được thấy những việc làm của Mỹ trong đại chiến thế giới II , việc họ độc chiếm võ khí nguyên tử mà họ kô dùng những ưu thế đó, mà tấn công Nga hay một quốc gia thù địch nào. Những việc làm đầy thiện chí của Mỹ mong muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp.

Nhưng những việc làm của họ sau đó cho thấy họ thật là thiếu kiên nhẫn, dẫn đến họ đánh giá sai về văn hoá về con người Việt Nam. Việc hợp tác với các chính quyền hậu đảo chính cho thấy rõ điều đó. Những việc áp đặt lên những lãnh đạo quốc gia phụ thuộc rồi những vụ thảm sát người VN cho thấy cách làm của họ chẳng mấy xem dân VN như một đồng minh hay người bạn.

Linh Hoa
Ngô Đình Diệm xuất thân nhà Nho, trong quan hệ với Mỹ quá nhạy cảm vì chữ Sĩ của "kẻ Sĩ" nên hay đề phòng và tự ái vì phụ thuộc: thất bại!.

Người CS VN ngày nay, nếu có thể nói, xuất phát đa phần là Nông nay pha một ít chất Sĩ không bài bản (do học hành không đến nơi đến chốn, què quặt): cũng sẽ e dè, thiếu tự tin và nhỏ nhặt, thật ra cũng sẽ có kết quả không khá hơn trong quan hệ với Mỹ.

Chừng nào người CS hay bất cứ ai lãnh đạo VN, có cái nhìn của giới Công Thương, được đào tạo bài bản lúc đó VN sẽ có lợi trong quan hệ với Mỹ, và Mỹ cũng sẽ có lợi nhiều hơn vì có một đồng minh nhìn xa trông rộng!

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/10/081017_ngodinhdiem_philipcatton.shtml

No comments: