Wednesday, October 1, 2008

Nhìn lịch sử Ba Lan qua tướng Jaruzelski

Nguyễn Giang
www.bbcvietnamese.com

Tướng Wojciech Jaruzelski ban bố Thiết quân luật ngày 13/12/1981

Trong lúc Ba Lan tiếp tục theo dõi vụ xử các lãnh đạo cộng sản vì Thiết quân luật năm 1981, có tiếng nói từ Vatican đề nghị không xử tướng Wojciech Jaruzelski, 85 tuổi.

Ông Joaquin Navarro-Valls, cựu phát ngôn viên của Tòa Thánh, được trích lời hôm 28/09 tiết lộ rằng cố Giáo hoàng John Paul II từng nói với ông tướng Jaruzelski “cũng là một con người”.

Đức Giáo hoàng lúc sinh thời đã gặp tướng Jaruzelski tám lần để bàn thảo các vấn đề của Ba Lan và quốc tế.

Ông Navarro-Valls trả lời báo La Republica của Ý rằng không nên xử ông Jaruzelski vì như thế không khác gì “đem lịch sử ra tòa”, nhất là trong không khí chính trị hiện thời tại Ba Lan.

Cuộc tranh luận về vai trò của tướng Jaruzelski và Thiết quân luật (13/12/1981-22/07/1983) cũng phản ánh cách nhìn của người Ba Lan hiện nay với quá khứ cộng sản.

Đem lịch sử ra tòa

Ngay từ 2006 đã có vụ truy tố ông Jaruzelski nhưng không thành vì các "tội ác cộng sản".

Tướng Jaruzelski chưa bao giờ chối bỏ trách nhiệm cho quyết định năm 1981 và nhiều nguời Ba Lan tin lời giải thích của ông rằng Thiết quân luật do chính quyền Ba Lan áp dụng là cách tốt hơn để Liên Xô đem quân vào như ở Tiệp Khắc năm 1968.


Ông Jaruzelski đầu tiên là một quân nhân, sau đó là một người dân tộc chủ nghĩa, rồi mới là một người cộng sản.


Giáo hoàng John Paul II (1920-2005)

Bản thân tướng Jaruzelski đã chỉ huy các đơn vị Ba Lan đưa quân vào Tiệp Khắc hồi đó và ông đã xin lỗi, gọi đây là một sai lầm cả về quân sự và đạo đức.

Nhà luật học Andrzej Gaberle đuợc báo Wyborcza trích lời nói ông nghi ngờ lý lẽ của công tố viện vì họ muốn chứng minh ban lãnh đạo cộng sản Ba Lan khi đó dùng bộ máy nhà nước để phạm tội hình sự có tính vũ trang.

"Liên hệ tội ác" công tố viện nêu ra chỉ áp dụng với các nhóm phi pháp như băng đảng còn thiết quân luật đuợc ban bố bằng sắc lệnh của ông Jaruzelski với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bộ truởng, Bộ truởng Quốc phòng.

Còn thẩm phán toà phúc thẩm Barbara Skoczkowska nói toà không nên làm thay việc đánh giá Thiết quân luật của các sử gia, giới xã hội học và chính trị học.

Vai trò quan trọng

Gốc quý tộc Ba Lan theo Công giáo, cả gia đình ông Jaruzelski bị Liên Xô đầy đi Siberia nơi cha ông chết vì không đuợc chạy chữa.

Gia nhập quân đội Ba Lan cộng sản do Liên Xô lập ra để giúp Hồng quân đánh phát xít Đức và đối trọng lại quân đội Ba Lan cộng hòa ở phía Tây, ông tham gia trận công phá Berlin năm 1945.

Nhưng vai trò nổi bật hơn cả trong sự nghiệp chính trị của tướng Jaruzelski là quyết định đối thoại với Công đoàn Đoàn kết từ 1988 đến 1989, mở đường cho Hội nghị Bàn tròn.

Tính toán của ông Jaruzelski là dùng đối thoại để chuyển quyền lực từ đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (PZPR) vốn đã mất uy tín khủng khiếp sang cho tổng thống của nước Cộng hòa, vị trí ông sẽ nắm.

Quyền lực đó được phe đối lập công nhận như một bước tiến mới so với cơ chế đảng lãnh đạo toàn diện trước đây. Đổi lại, chính quyền cho phép bỏ phiếu tự do bầu ra Thượng viện, trong lúc Hạ viện vẫn do phe cộng sản nắm 65%.

Điều bất ngờ là cuộc bỏ phiếu đưa đến chỗ phe cộng sản được đúng một ghế trong cả 100 ghế thuợng nghị sĩ.

Liên Xô khi ấy duới thời Gorbachov quyết định bỏ học thuyết Brezhnev
Sử gia Antoni Dudek

Lòng dân đã đổi và bản thân ông Jaruzelski, bậc trưởng lão của phe cộng sản hiểu ra rằng chỉ có thể thay đổi hẳn thể chế thì mới đưa Ba Lan sang một trang sử mới.

Ông từ chức Tổng bí thư đảng Công nhân Thống nhất, mở lối cho đảng này bỏ hẳn đuờng lối Marxist-Leninist để trở thành một đảng Xã hội Dân chủ cánh tả sau đó.

Giữ chức tổng thống, ông Jaruzelski đã hợp tác với Thủ tuớng là một trí thức Công giáo, ông Tadeusz Mazowiecki.

Ông từ chức cuối 1989 và Ba Lan bầu lên nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết Lech Walesa làm tổng thống.

Hiện tại Ba Lan có ý kiến cho rằng Hội nghị Bàn tròn cũng chỉ là một âm mưu chia sẻ quyền lực giữa phe cộng sản và các nhân vật chủ chốt của Công đoàn Đoàn kết.

Nhưng theo sử gia Antoni Dudek thì không có "âm mưu" gì vì Liên Xô khi ấy duới thời Gorbachov quyết định bỏ học thuyết Brezhnev và để cho các nuớc nhu Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc chọn các giải pháp khác, làm thí nghiệm cải tổ chính trị cho Moscow.

Dùng từ ngữ như ở Việt Nam hiện nay là “Diễn biến hòa bình” thì phần “diễn biến” là do phe Công đoàn Đoàn kết chủ xướng nhưng ông Jaruzelski đã đảm bảo để mọi việc diễn ra “hòa bình”.

Theo ông Joaquin Navarro-Valls thì Đức Giáo hoàng người Ba Lan đã nói về tướng Jaruzelski rằng ông “đầu tiên là một quân nhân, sau đó là một người Ba Lan dân tộc chủ nghĩa, rồi mới là một người cộng sản”.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/09/080930_polishistoryjaruzelski.shtml

No comments: