Wednesday, October 15, 2008

Nhìn lại đôi điều về Chiến Tranh Việt Nam: Vai trò của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Nhìn lại đôi điều về Chiến Tranh Việt Nam:
Vai trò của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Nguyễn Ngọc Bích

Trong hai ngày 17 và 18 Tháng Ba năm 2006, Trung Tâm Việt Nam ở Ðại Học Texas Tech (Lubbock, TX) đã tổ chức một hội nghị chuyên đề về “Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: Nhìn lại và tái thẩm định sau 30 năm” (“ARVN: Reflections and Reassessments After Thirty Years”). Nhân dịp này, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đã được mời đọc bài diễn văn quan trọng ở bữa ăn trưa (“luncheon keynote speech”) ngày đầu hội nghị. Dựa vào nhiều tài liệu mới được tiết lộ gần đây, không trừ tài liệu từ miền Bắc và các văn khố ở Mạc Tư Khoa, Hoa Thịnh Ðốn và Trung Cộng, bài diễn văn này đã trả lại được danh dự cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đem cuộc chiến lên một tầm nhìn mới. Sau đây là bản dịch từ bài nói chuyện bằng tiếng Anh do chính tác giả cung cấp.


http://nguoivietboston.com/?p=752

Phần 2

“Xâm lăng từ miền Bắc” (1961, 1965)

Ðây là một vấn đề then chốt nếu nói về sự chính thống của chính nghĩa miền Nam, nếu như Bạch thư năm 1961 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khẳng định là đã có “xâm lăng từ miền Bắc.” Sang năm 1965, Bộ Ngoại Giao Mỹ lại đưa ra một cuốn Bạch thư khác để tiếp nối và cập nhật hóa cuốn năm trước. Ta cần chú ý là một trong những tiếng nói phản chiến lớn nhất ở giữa thập niên 1960 ở Mỹ, ông I. F. Stone viết trong báo Ramparts, đã không tiếc thời giờ hay mực để bác bỏ quan niệm cho rằng đã có “xâm lăng từ miền Bắc.” Thế có nghĩa là trong đầu ông I. F. Stone và của hầu hết các lãnh tụ phản chiến khác thời bấy giờ, nếu lập luận của Bộ Ngoại Giao Mỹ được chấp nhận thì rõ ràng là Hoa Kỳ và Sài Gòn có một cơ sở chính thống để chống trả cuộc “xâm lăng” nói trên - nói cách khác, cuộc chiến không phải chỉ là một cuộc nổi loạn ở địa phương dựa lên trên những điều đáng khiếu nại hay phiền lòng đối với chính quyền Sài Gòn.
Nhưng bây giờ thì ta biết. Khi được hỏi về tính cách giả hiệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (viết tắt là NLF trong tiếng Anh), với các lãnh tụ bị coi là một lũ bù nhìn không có thực chất, Nguyễn Khắc Viện, có lẽ là nhà trí thức nổi tiếng nhất ở Tây phương của miền Bắc, đã cười một cách ngạo nghễ trên truyền hình Pháp vào năm 1977: “Ê, thế có phải là chúng tôi giỏi đánh lừa quý vị không?”
Nhưng ta không phải chỉ có câu trả lời xấc xược của ông Viện để chứng minh là đã có “xâm lăng từ miền Bắc.” Trong một bản “dự thảo Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam” (1) hoàn tất vào năm 1986, mà riêng bản của tôi được xem có mang chú thích “Trình Ðại tướng Võ Nguyên Giáp,” ở trang 28 đã có ghi đích xác như sau: “Theo đường lối của đại hội [III của Ðảng CSVN. Theo ghi chú của cuốn sách], ngày 20/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập.” Như vậy, ta không còn gì để cãi nữa.
Song nói một cách cụ thể hơn nữa và ăn khớp với đề tài của chúng ta hôm nay, những con số sau đây chép ra từ một tài liệu khác lấy ngay từ Bộ Quốc phòng ở Hà Nội, có mang ghi chú “Lưu”:
Quân số MB [= miền Bắc] tăng cường cho miền Nam (Tân binh*)

Năm MB tăng cường MN
1955 542
1956 1,217
1957 1,759**
1958 5,521
1959 7,293
1960 8,719
1961 17,475
1962 39,008**
1963 46,796
1964 54,794
1965 94,243
1966 141,081
1967 336,914**
1968 81,092
1969 52,090
1970 49,321
1971 152,974
1972 335,477**
1973 75,600
1974 70,798
1975 117,293
263,691**
976,849

Theo hồ sơ lưu trữ K4 Văn phòng Bộ Quốc phòng. Thiếu B3, B4 trong khoảng thời gian 1965-1975. (Khoảng vài vạn người).
Ngoài còn có những đơn vị đi vào B với VK [= vũ khí] trang bị đầy đủ và đi theo đội hình đơn vị, chưa tính số này. Cần tham khảo ở Cục Tổ chức Ðộng viên.

[Ghi chú]
* Chữ “tân binh” này không có nghĩa là lính tò te mà có lẽ phải hiểu là những bộ đội mới đưa vào miền Nam. Và họ vào là đi theo đơn vị để chiến đấu đến hết cuộc chiến, vì thế nên lúc bấy giờ mới có câu “sinh Bắc, tử Nam” đôi khi được khắc ngay trên tay hay mình của người bộ đội.
** Theo bản gốc những con số mang hai hoa mai này được viết ngay vào cùng hàng với những con số khác. Như vậy ta có thể hiểu là một số năm đã có hai đợt đưa quân vào Nam. Dù như 1968 (Mậu Thân) và 1972 (Mùa Hè đỏ lửa) là những năm chiến cuộc lên cao độ, có lẽ đối phương cũng đã không đưa đến 1/2 triệu quân vào Nam. Vì vậy nên có người đưa ra ức đoán đây là những con số tổng cộng số quân trong những năm trước đó. Song ngay hiểu như thế, con số tổng cộng ở cuối bảng cũng đã tới gần 1 triệu (976,849 người).

Dựa vào bảng trên đây, ngay với những con số không đầy đủ của nó, ta cũng có thể thấy là đã có tới 81,534 bộ đội miền Bắc được gửi vào Nam từ năm 1959 tới năm 1964, trước khi binh lính chiến đấu của Mỹ được đưa ồ ạt vào VN. Chỉ cần con số này, cộng thêm vào với những đơn vị của Cục “R” mộ và huấn luyện ở miền Nam, đủ để chứng tỏ là quan niệm cho rằng Quân lực VNCH không đánh nhau trước khi Mỹ ồ ạt đưa quân chiến đấu vào miền Nam (Tháng 3/1965) là vô lý.

“Sư tử của đối phương, thỏ đế của ta”Thực sự, ngay với một số quân lớn như vậy đưa vào chiến trường miền Nam, nghĩa là tương đương với 9 sư đoàn, quân Bắc Việt vẫn chưa thấy có đủ tự tín để đụng trận ở cấp đơn vị lớn. Phải đợi đến Ấp Bắc (tháng 1/1963) ta mới có trận đầu tiên ở cấp tiểu đoàn, song phía CS chủ yếu là tìm cách xây dựng lực lượng ở miền Nam trước khi chạm trán với quân đội Mỹ. Ðó là vì ông Giáp rất ngại khả năng tham chiến của Hoa Kỳ (2), trong khi đó thì sau khi ông Ngô Ðình Diệm bị lật đổ ở miền Nam, Hà Nội ngày càng chịu ảnh hưởng của Lê Duẩn nên đã liều lĩnh kêu gọi việc đem lại “một đổi thay có tính quyết định trong cán cân lực lượng” giữa hai miền (tháng 12/1963).
Ðến khi quân đội Bắc Việt quyết định nhào vô đánh Mỹ dùng đơn vị lớn hơn đại đội (trong hai trận Vạn Tường Starlite, tháng 8/1965, và Ia Drang, tháng 11/1965 (3)) thì quân số của họ ở miền Nam đã lên đến hơn 150 nghìn, không kể những quân phụ lực của họ ở miền Nam. (Ông Bùi Tín, chẳng hạn, cho ta một con số thấp khi ông cho rằng vào năm 1965-1966, “số quân Bắc Việt đưa vào miền Nam chưa tới 120 nghìn người.”( 4) Tính đến năm 1966 thì thực ra con số quân Bắc Việt đưa vào Nam đã lên đến 141 nghìn không kể những đơn vị “vũ khí trang bị đầy đủ” đưa vào chiến trường B3 và B4 để chiến đấu một thời gian rồi lại rút về miền Bắc.)

Với những trận chiến lớn ngày càng để cho Mỹ đánh và quân đội miền Nam chỉ còn giữ những vị trí phòng thủ, không lạ là báo chí truyền thanh truyền hình Mỹ, đằng nào cũng không mấy có hứng đưa tin nhìn từ quan điểm của Quân lực VNCH, bắt đầu nói xấu đồng minh chính trong chiến tranh, làm cho phía mình mất đi thêm tính cách chính thống. Cú “đâm sau lưng chiến sĩ” tệ nhất đối với quân đội miền Nam xảy ra vào tháng 10/1967 khi tuần báo Newsweek đưa ngay lên bìa tên bài báo chính của tuần đó, “Sư tử của đối phương, thỏ đế của ta,”(5) chỉ một câu mà nói lên hết sự suy nghĩ của họ về quân lực VNCH.
Chính sự coi nhẹ, nếu không muốn nói là khinh miệt, đối với đồng minh chính trong chiến tranh còn thấy phản ánh trong những trang bị chiến tranh được chuyển cho quân đội miền Nam. Ðến tháng 1/1968, để chuẩn bị cho tổng công kích Mậu Thân của họ, nếu quân đội CS, cả Bắc quân lẫn quân GPMN, đều đã được cung cấp AK47 (một chương trình được bắt đầu từ 1964, súng do Trung cộng sản xuất theo mẫu mã của Nga) thì đến đó, chỉ có một số đơn vị chủ lực của miền Nam (TQLC và Nhảy Dù, cộng thêm một vài đơn vị Biệt động quân) là được trang bị với M16 (võ khí cá nhân được xem là tương đương với AK47 nhưng chính thực dễ hóc, dễ hỏng hơn dù như bắn xa thì có chính xác hơn), trong khi đó thì hầu hết quân đội miền Nam chỉ được cấp có Garant M1, loại súng cá nhân có từ thời Thế Chiến II. (Phải đợi đến khi Tướng Abrams sang thay Tướng Westmoreland sau trận Mậu Thân, ông mới đòi phải cung cấp M16 cho toàn bộ quân chính quy của miền Nam.)
Mặc dầu vậy, mặc dầu súng ống không bằng quân Bắc Việt và quân GPMN, quân lực miền Nam trong trận Mậu thân đã tỏ ra chiến đấu vô cùng anh dũng trong trận thư hùng trên toàn quốc này. (6) Hai mươi lăm trên tổng số 45 tỉnh ở toàn miền Nam, (7) kể cả ba đô thị lớn là Sài Gòn, Huế và Ðà Nẵng, bị đánh trong một cuộc tổng công kích bất ngờ trên toàn lãnh địa từ Bến Hải vào, ngay trong khi đang có đình chiến Tết, có nghĩa là đa phần những trại bót của quân đội miền Nam lúc bấy giờ không đủ quân số. Mặc dầu vậy, mặc dầu đối phương có được yếu tố bất ngờ là yếu tố thường phải có lợi cho họ, quân lực VNCH đã đánh bật cuộc tấn công trên toàn quốc trong vòng 48 tiếng đồng hồ, trừ có trường hợp của Huế (mà đối phương giữ được một phần trong 25 ngày), làm cho quân CS bị thảm bại. Hà Nội cố gắng một cách vô vọng khai thác cái mà được gọi là cơ hội “nghìn năm một thuở” này bằng hai đợt tấn công rộng lớn khác nữa (nhưng ngày càng yếu) vào tháng 5 và tháng 8-tháng 9 năm đó, để chuốc lấy thất bại cay đắng - một điều mà ngay các quan sát viên phía CS cũng phải công nhận. Kết quả là, chỉ riêng trong cuộc “tổng công kích tổng khởi nghĩa” năm Mậu Thân của họ, Hà Nội đã mất 58,373 tử vong (8) - nói cách khác, bằng tổng số tử vong của Hoa Kỳ trong toàn bộ cuộc chiến ở VN, chưa kể 9,461 người khác bị bắt làm tù binh.

Chú thích:
(1) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt Dự thảo Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, Hà Nội, 1986.
(2) Bùi Tín, trong Mây Mù Thế Kỷ (Ða Nguyên, 1998, trang 37), viết: “Tôi còn nhớ hồi năm 1965, khi cho ý kiến về bình luận quân sự, Tướng Võ Nguyên Giáp có nói riêng với mấy phóng viên quân sự báo Quân đội nhân dân rằng: ‘Mỹ vào chừng mười bốn, mười lăm vạn đã thành vấn đề gay go ở chiến trường. Nếu số quân Mỹ lên đến hai mươi vạn hoặc hơn nữa thì sẽ rất gay go cho phía ta!’ Chính vì những phát biểu như thế này mà sau đó có tin đồn, do phe Lê Duẩn (sẵn không ưa ông Giáp) đưa ra, rằng ông Võ Nguyên Giáp là một loại thỏ đế, nhát như cáy. Tin đồn này đến năm 1991 còn được nhắc lại trong hồi ký của Trần Phương. (Xem thêm Bui Tin, From Enemy to Friend: A North Vietnamese Perspective on the War, Annapolis, MD: Naval Institute Press, 2002, trang 14.)
(3) Trận Ia Drang, với tất cả những chi tiết ghê rợn và vinh quang của nó, được kể lại trong sách We Were Soldiers Once and Young (“Chúng ta đã một thời làm lính… trẻ,” New York: Harper Torch, 1992) do Trung Tướng Harold G. Moore (hồi hưu) và ký giả Joseph L. Galloway, người có tham dự trận đánh này với tư cách là phóng viên chiến trường. Cuốn sách, vì hai tác giả có sang tận Việt Nam phỏng vấn các đối tác trong trận này, đã tỏ ra khá công bằng cho cả đôi bên, Mỹ và quân đội Bắc Việt.
(4) Bui Tin, From Enemy to Friend (”Từ thù đến bạn”), sđd, trang 14.
(5) Perry, M.D., “Their Lions, Our Rabbits,” Newsweek, October 9, 1967.

(6) Palmer, Dave R., Summons of the Trumpet: U.S.-Vietnam in Perspective, San Rafael, CA: Presidio Press, 1978. Mặc dù ông Palmer cho là phe Ðồng minh đã không nắm được tin tình báo về cuộc “tổng-công-kích tổng-khởi-nghĩa” này của phía CS, một điều mà các tác giả khác không nhất thiết đồng ý, ông cũng viết, theo bản dịch của Nguyễn Ðức Phương trong Chiến tranh Việt Nam Toàn Tập (x. chú thích 10 dưới đây, trang 413): “Tin tưởng rằng sẽ được chào đón như những giải phóng quân và hy vọng nhìn thấy QLVNCH tan rã bỏ chạy, các cấp lãnh đạo của CS đã thất vọng cả hai. QLVNCH dù bị bất ngờ và chỉ có phân nửa quân số hay ít hơn, đã chiến đấu như chưa bao giờ thấy trước đây. Thay vì gây cho các lực lượng của Sài Gòn bị tan rã, cuộc tổng tấn công đã tạo một hậu quả trái ngược khiến QLVNCH siết chặt thêm hàng ngũ. Chiến đấu để bảo vệ nhà cửa thành phố của mình, người lính Nam Việt Nam đã chứng tỏ một tinh thần chiến đấu cao độ và dũng mãnh làm ngạc nhiên hầu hết các quan sát viên, nhất là quân đội miền Bắc Việt Nam. Cuộc tổng khởi nghĩa hoàn toàn chỉ là một huyền thoại. Dân chúng miền Nam Việt Nam không bước ra chào đón người khách lạ đầu Xuân. Họ đã đứng dậy nhưng trong sự hãi hùng và chống đối kẻ xâm lược.”

(7) Ðây là một con số bảo thủ và không liệt kê vào trong đó những tỉnh thành mà chỉ có bắn phá chứ không có quân CS tiến công vào. G.S. John Prados, trong sách The Hidden History of the Vietnam War (”Lịch sử bí mật Chiến tranh VN,” Chicago: Ivan R. Dee, 1995, trang 142) đưa ra những con số cao hơn nhiều: “Các đơn vị Bắc Việt và Việt Cộng đưa từ 67,000 đến 84,000 quân vào tấn công 39 trong số 44 tỉnh lỵ, 71 quận huyện, Sài Gòn, tất cả các tổng hành dinh của QLVNCH và nhiều căn cứ không quân chính tổng cộng là 166 tỉnh thành.” Kết luận về chiến dịch TCK-TKN của Hà Nội, Phillip B. Davidson, trong Vietnam at War (sđd, trang 447), đã viết: “Cái yếu bao trùm trong kế hoạch của ông Giáp là nó được đặt trên căn bản của những giả thiết đã tỏ ra không những không có cơ sở, mà còn hoàn toàn sai. QLVNCH đã không theo địch quân hay rã ngũ, hoặc tan rã trước các mũi tấn công dữ dội của phe CS vào Tết Mậu Thân. Nói chung, QLVNCH chiến đấu dũng cảm và hữu hiệu hơn bao giờ hết trước đó và cũng từ đó; quân lực ấy không nổi lên chống lại chính phủ Thiệu; và họ đã không quay lại đánh phá quân đội Mỹ.”

(8) Nguyễn Ðức Phương, Chiến tranh Việt Nam Toàn Tập: Từ trận đầu (Ấp Bắc - 1963) đến trận cuối (Sài Gòn - 1975), Toronto, Canada: Làng Văn, 2001, nơi trang 407, dẫn theo lịch sử chính thức của QLVNCH mang tên Cuộc Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968 của Phạm Văn Sơn và Lê Văn Dương (Saigon: Phòng 5/BTTM, 1968). Cũng cần phải nói là John Prados xem tác phẩm sau này là bản tường trình đầy đủ nhất trong bất cứ tiếng nào về vụ TCK-TKN của CS mà lại viết chỉ ít tháng sau chứ không phải chờ đến nhiều năm. Trong tiếng Anh, cuốn sử tương đương viết từ quan điểm của QLVNCH là cuốn The General Offensives of 1968-69 của Hoàng Ngọc Lung (Washington, D.C.: Center for Military History, 1981).

No comments: