Friday, October 10, 2008
Hình bên: Hình chụp các bệnh nhân trong Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai. Ðủ loại áp lực từ cuộc sống khiến số người bị bệnh tâm thần tăng vọt, một số không nhỏ, không điên thì tự tử. (Hình: Blog Võ Ðắc Danh)
Sài Gòn (NV) - Thỉnh thoảng, Việt Nam công bố một thống kê về số người bị HIV/AIDS, bị ung thư, bị lao phổi,... nhưng chưa có thống kê nào về số người Việt Nam tự tử được công bố. Mãi tới hôm 8 tháng 10 vừa qua, trong một hội nghị y tế diễn ra tại Sài Gòn, Bác Sĩ Phạm Anh Tuấn, trưởng khoa cấp cứu hồi sức của bệnh viện cấp cứu Trưng Vương mới tiết lộ những số liệu có liên quan đến vấn nạn tự tử riêng ở Sài Gòn.
Theo đó, chỉ trong vòng một năm, từ tháng 5 năm 2007 đến tháng 5 năm 2008, đã có 310 người tự tử được đưa vào bệnh viện Trưng Vương để cấp cứu. Nếu tính mức trung bình thì cứ 28 tiếng lại có một người tự tử được đưa trực tiếp, hoặc được sơ cứu ở một bệnh viện khác rồi chuyển đến bệnh viện Trưng Vương cấp cứu. Nếu tổ chức thống kê trên toàn Việt Nam, chắc chắn con số này sẽ gây kinh hoàng ở mức độ lớn hơn.
Theo thống kê kể trên, giới tự tử nhiều nhất là công nhân (19%), sinh viên, học sinh (16%). Tỉ lệ tự tử trong nông dân được xem là thấp nhất (4.2%). Về tuổi tác, phần lớn những người tự tử ở độ tuổi từ 35 trở xuống và có tới 50% người tự tử dưới 25 tuổi. Phân tích nguyên nhân, người ta thấy, đa số công nhân tự tử vì tình hoặc không đủ sống. Còn đa số sinh viên, học sinh tự tử vì áp lực học hành, thi cử hoặc thất tình. Tình cảm là nguyên nhân gây ra 62% số vụ tự tử. Tiếp đó là tiền bạc (15%). Thống kê này còn cho thấy, 72% người tự tử là phụ nữ và đa số tự tử tại nhà. Có 53% số vụ tự tử do những người độc thân thực hiện.
Dựa vào tường thuật của báo chí Việt Nam, có thể thấy, ngay cả những người có học vấn cao, địa vị xã hội tốt cũng tự tử như ông C.V.Q, 50 tuổi, tự tử hồi đầu năm 2008 vì bị nhiễm HIV/AIDS hoặc tự tử vì thua lỗ trong kinh doanh như hai nữ nhân viên của một ngân hàng ở Bình Dương hôm 24 tháng 6. Không ít trường hợp, người tự tử đã ép nhiều người khác chết theo mình như vụ tự tử hồi đầu tháng 8: một phụ nữ ở huyện Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do giận chồng, đã ép 4 đứa con cùng uống thuốc trừ sâu với mình.
Bác Sĩ Phạm Anh Tuấn tiết lộ, 98% người tự tử dùng các loại thuốc trừ sâu bởi chúng rất độc nhưng lại rất dễ mua.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) từng công bố một thống kê, theo đó, vào năm 2000, trên thế giới có đến một triệu người chết vì tự tử. Nghĩa là cứ 40 giây lại có một người tự tử. Nhiều quốc gia, kể cả: Trung Quốc, Thái Lan, Phillipines, Indonesia đã thống kê và báo cáo về vấn nạn này tại xứ sở của họ với WHO, trừ Việt Nam.
Bác Sĩ Phạm Anh Tuấn cho rằng: “Cần có một chương trình chống hành động tự tử nhưng đây lại là điều nan giải vì Việt Nam thiếu trầm trọng cán sự xã hội, chuyên viên tư vấn tâm lý. Chính quyền CSVN chưa bao giờ quan tâm đến lĩnh vực này nên không đầu tư thỏa đáng về ngân sách. (T.N.)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=85346&z=2
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment