Monday, October 20, 2008

Chuyến đi sứ Tàu gian nan của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

200810


Trần Bình Nam

Trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Trung quốc có chiều căng thẳng trong những tháng gần đây, giới quan sát quốc tế đặt câu hỏi chuyến công du Bắc Kinh của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 20 đến ngày 25/10/2008 này sẽ có mầu sắc như thế nào. Một chuyến đi để bày tỏ sự thần phục phương Bắc thêm nữa hay một chuyến đi để xác định vị trí, chủ quyền và quyết tâm bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam.

Trong lịch sử Việt Nam, không có chuyến đi sứ nào sang Trung quốc mà không được xem là đi “chầu” nước lớn. Chầu để xin được phong vương. Chầu để đạt một thỏa thuận nào đó thường là thỏa thuận lép vế về phía Việt Nam. Và trớ trêu là có khi còn đi chầu để giảng hòa mặc dù vừa đánh cho quân Tàu tan tác.

Trong lịch sử quan hệ Việt – Trung, Trung quốc ít khi tiếp sứ Việt Nam trong thời kỳ căng thẳng. Sau trận đánh biên giới tháng 2/1979, Trung quốc không tiếp sứ Việt Nam cho đến năm 1990 sau khi Liên bang Xô viết sắp sụp đổ mới tiếp đại diện Việt Nam do nhu cầu làm hòa của hai nước (nhưng chỉ tiếp một cách xuống cấp tại Thành Đô, một thành phố phía tây nam của Trung quốc cách xa thủ đô Bắc Kinh 1450km).

Từ đó cho đến nay (hay ít nhất cho đến giữa năm 2006, trước đại hội 10 của đảng cộng sản Việt Nam) hai bên tiếp sứ liên miên, và năm 1999 do sáng kiến của Giang Trạch Dân, Chủ tịch nước và Bí thư đảng cộng sản Trung quốc, trong một chuyến thăm viếng của Tổng bí thư Lê Khả phiêu đã công thức hóa quan hệ giữa hai nước bằng 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai.” Và gần đây Hồ Cẩm Đào thêm bốn tiêu chuẩn “Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt và Đối tác tốt.”

Hiện nay quan hệ chính thức giữa Trung quốc và Việt Nam vẫn là quan hệ “16 chữ vàng” nhưng quan hệ thật sự đã có chiều căng thẳng do tham vọng lấn chiến đất đai Việt Nam của Trung quốc: đất liền nơi biên giới, vùng biển trong vịnh Bắc Việt, và hiện nay là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và gần đây là sự can thiệp của Trung quốc khi hãng dầu ExxonMobil của Hoa Kỳ định ký giao kèo với Việt Nam khai thác dầu khí ngoài khơi biển Đông. (*)

Trong bối cảnh đó chuyến công du Trung quốc của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là một “chuyến đi sứ” gian nan đòi hỏi nhiều bản lãnh nơi ông Dũng.

Chuyến đi Bắc Kinh cuối tháng 5/2008 vừa rồi của ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh có thể xem là chuyến đi lót đường làm dịu cho chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau đó.

Qua thông cáo chung Việt – Trung hai vị Tổng bí thư tái xác nhận quan hệ “16 chữ vàng”, và cam kết với nhau bằng những lời lẽ tốt đẹp nhất có thể có trong một văn bản ngoại giao.

Nhưng chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 6/2008 của ông Dũng đánh dấu một cách công khai và cụ thể quan hệ chặt chẽ về an ninh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Thông cáo chung giữa hai nước khẳng định rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là một quan hệ chính trị liên quan đến chiến lược, an ninh, quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Sự khẳng định đó diễn ra trong khung cảnh có những biến cố và biến chuyển chính trị trên biển Đông làm cho quan hệ Việt – Trung trở nên căng thẳng như:

- Tháng 12/2007 Trung quốc công bố ý định thành lập thành phố Tam Sa cấp huyện sát nhập vào tỉnh Hải Nam bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

- Ngày 1/6/08 tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh Á châu ở Singapore bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates tuyên bố Hoa Kỳ không quên cam kết của mình đối với an ninh và ổn định tại Á châu.

- Trung quốc âm thầm (trong những tháng đầu năm 2008) áp lực công ty ExxonMobil chấm dứt các dự tính dò tìm và khai thác dầu khí với Việt Nam.

- Phản ứng mạnh mẽ của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ rằng việc làm ăn của ExxonMobil với Việt Nam là chính đáng và theo đúng luật lệ quốc tế.

- Việt Nam chính thức yêu cầu công ty ExxonMobil tiếp tục các dự tính giao kèo với Việt Nam bất chấp lời cảnh cáo của Trung quốc.

Cho nên lời lẽ trong bản thông cáo chung Việt Mỹ không phải là những lời lẽ ngoại giao bình thường như thường thấy trong các thông cáo chung. Nó có ý nghĩa chiến lược rằng Việt Nam đang điều chỉnh chính sách ngoại giao và quốc phòng để tự vệ trước sự xâm lấn của Trung quốc với sự hứa hẹn nhập cuộc nào đó của Hoa Kỳ.

Sau chuyến đi Hoa Kỳ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các giới chức cao cấp của Việt Nam bắt đầu tỏ thái độ mạnh dạn hơn. Ông Vũ Dũng, thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam (tháng 8/2008) tuyên bố rằng các khu biển Việt Nam đang ký kết khai thác dầu khí với hãng dầu ExxonMobil của Hoa Kỳ hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, và ông Vũ Dũng nói một cách khẳng định “quyền của chúng ta thì chúng ta làm”. Và mới đây trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Lý Kiến Trúc, một nhà báo tại hải ngoại, ông đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng nói về cuộc thương thuyết đất đai biên giới đã dùng những lời lẽ khá nặng nề đối với Trung quốc.

Các động thái của thứ trưởng Vũ Dũng và ông đại sứ Lê Công Phụng không phải là những hành động do sáng kiến cá nhân, mà là một cách bày tỏ lập trường ngoại giao của Việt Nam.

Qua đám mây mù đó, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Tàu. Và đây cũng là cuộc gặp gỡ đầu tiên mặt đối mặt giữa cấp lãnh đạo cao cấp của hai nước sau một thời gian âm ỉ tranh chấp và lời qua tiếng lại giữa hai nước.

Theo chương trình thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Bắc Kinh dự hội nghị Âu-Á gọi là hội nghị ASEM (**), và nhân thể đáp lời mời của thủ tướng Ôn Gia Bảo thăm viếng chính thức Trung quốc. Hai vị sẽ hội đàm với nhau trong hai ngày 24 & 25/10/2008 và theo thông báo của tòa đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh cũng như của văn phòng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội ông Dũng sẽ chính thức ký bản văn về biên giới đất liền đã được cắm mốc giữa hai nước và “… còn cốt để thắt chặt mối quan hệ chiến lược giữa hai nước và sẽ cùng trao đổi bàn bạc một số vấn đề quan trọng hai nước đang cùng quan tâm.”

Các vấn đề quan trọng hai bên đều quan tâm là vấn đề gì nếu không phải là vấn đề chủ quyền các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà điểm nổi cộm là quần đảo Trường Sa và vụ lời qua tiếng lại về việc khai thác dầu khí trong vùng biển đó?

Trung quốc sẽ đem miếng mồi mậu dịch (***) nếu không muốn nói phối hợp với áp lực quân sự để thuyết phục Việt Nam nhượng bộ về vấn đề Trường Sa và vấn đề khai thác dầu khí trên biển Đông cũng như các vấn đề chiến lược khác.

Trong bối cảnh đó chuyến đi Tàu lần này của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một tầm quan trọng và một ý nghĩa đặc biệt. Sắc thái và kết quả của các cuộc trao đổi của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Bắc Kinh sẽ đánh dấu một bước ngoặc trong quan hệ hai nước, một thứ quan hệ không còn che đậy bằng những ngôn từ hoa mỹ ngoại giao như trước được nữa.


Trần Bình Nam

Oct. 20, 2008

binhnam@sbcglobal.net

No comments: