Mai Vân
Bài đăng ngày 08/10/2008 Cập nhật lần cuối ngày 08/10/2008 16:47 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/106/article_1228.asp
Trung Quốc hiện đứng thứ ba trong số các nước xuất khẩu lương thực thực phẩm trên thế giới.
(Ảnh : Reuters)
Dưới tựa đề "Thực phẩm Trung Quốc dưói sự kiểm tra cẩn mật", nhật báo Pháp La Croix nêu bật tình trạng thế đang càng lúc càng mất tin tưởng vào thực phẩm xuất xứ từ Trung Quốc. Theo La Croix, sữa nhiễm độc Trung Quốc chủ yếu tác hại ở Châu Á, nhưng nông sản Trung Quốc, nếu chứa độc tố, sẽ liên can đến cả thế giới.
Theo bài phóng sự của thông tín viên La Croix tại Bắc Kinh, Tristan de Bourbon, vụ sữa bị nhiễm độc chỉ liên quan đến Châu Á vì những tập đoàn bị dính trong vụ sữa melamine, tập đoàn Trung Quốc hay nứơc ngoài, Nestle, Unilever, không bán sản phẩm của họ ra ngoài khu vực. Tuy nhiên, dân chúng ở Phương Tây sẽ không thể tránh được nạn thực phẩm bị nhiễm độc như trong vụ sữa vừa qua.
Lý do rất đơn giản : Trung Quốc đã trở thành nưóc xuất khẩu đứng hàng thứ 3 thế giới trong lãnh vực lương thực thực phẩm. Có điều là ít ai chú trọng đến hàng xuất khẩu trong lãnh vực này của Trung Quốc, ngưòi ta chỉ thường nhắc đến quần áo hay mặt hàng điện tử rẻ tiền mà thôi. Trong lúc đó lượng thực phẩm Trung Quốc bán ra ngoài không ngừng gia tăng.
Theo số liệu của hải quan Trung Quốc thì từ tháng 01/2008 đến tháng 03/2008, nước này đã xuất khẩu gần 7 triệu tấn lương thực, tăng hơn 11% so với cùng thời kỳ 2007, tăng mạnh nhất là hàng xuất sang Châu Âu, khách hàng thứ nhì của Trung Quốc sau Châu Á (gần 900 000 tấn).
Trung Quốc đứng đầu trong mặt hàng thủy sản, cũng như các loại rau quả hộp, từ cà chua, nấm, cho đến các mặt hàng đông lạnh, và trái cây. Trích dẫn hải quan Pháp, La Croix cho biết năm ngoái Pháp đã nhập 411triệu euros thực phẩm từ Trung Quốc. Do đó phần lớn các hộp nấm Paris, champignon de Paris, bán tại Pháp, theo tờ báo, đều đến từ Trung Quốc. Một mặt hàng khác, mà Trung Quốc cũng đứng đầu là nưóc táo, loại đậm đặc, để chế tạo những loại nưóc trái cây bán trong hộp giấy. Trong mùa 2006-2007, Trung Quốc đã xuất hơn 1 triệu tấn nước táo này.
Nhìn về lượng hàng xuất khẩu thì rõ ràng khó tránh khỏi những loại hàng nhiễm độc tố. La Croix trích dẫn một viên chứ c Châu Âu ở Bắc Kinh, theo đó Trung Quốc có các quy định về chất lượng, nhưng thường lại không được áp dụng. Chính quyền rất ít kiểm tra, các cơ quan không phối hợp với nhau, trong khi mà từ nhãn hiệu, cho đến giấy phép, tất cả đều có thể được mua hay làm giả một cách dễ dàng.
Vì sao các biện pháp cứu nguy tài chánh thiếu hiệu quả ?
Trong lúc tờ Liberation, chạy một tựa bóng bảy, hóm hỉnh : "Khủng hoảng ơi, ta viết cho người", bên trên một vòng xoáy cuốn đi các đồng euros, vì tờ báo hỏi ý kiến một số văn nghệ sĩ về cuộc khủng hoảng hiện nay, thì các đồng nghiệp khác đưa thông tin thực tế hơn : ''Châu Âu cam kết không để bất kỳ ngân hàng nào phá sản'', tít của Le Figaro. Tờ báo nhắc lại những biện pháp mà 27 quốc gia đã tán đồng. Les Echos ghi nhận tác hại khủng hoảng tài chính trên lãnh vực điạ ốc : "Giá cả bắt đầu tuột dốc". L'Humanité tự hỏi : ''tại sao những kế hoạch đưa ra không có hiệu quả ?'' Theo tờ báo đó là do quy mô to lớn của cuộc khủng hoảng đã được phơi bày rõ rệt qua sự can thiệp ồ ạt của các chính phủ. Điều này khiến người ta nghĩ là khối lượng các trái phiếu độc hại nhiều hơn những gì được tiết lộ, và điều này làm cho mọi ngưòi mất tin tưởng.
Đo lường tác động trên kinh tế Pháp, tờ La Croix nhận thấy là Pháp sẽ còn gian nan : tăng trưởng kinh tế năm tới đây, nếu lạc quan như chính quyền muốn cho thấy, thì sẽ ở mức 1%, trong lúc những nguòi bi quan hơn nói đến tỷ lệ 0,7%.
Nhìn sang Châu Á, La Croix nhìn thấy Trung Quốc cũng sẽ không tránh được tác hại. Sau thế vận hội hoành tráng, sau cuộc đi dạo trên không gian, giờ đây Trung Quốc phải trở về thực tế hàng ngày trên trái đất : xăng đã tăng giá 4%, giá điạ ốc ở các thành phố lớn bắt đầu giảm, người dân bớt tiêu xài, trong lúc mà những đơn đặt hàng từ Hoa Kỳ và Châu Âu cho mùa giáng sinh đã giảm nhiều. Một xưởng sản xuất đã phải đóng cửa, nhiều xưởng khác có nguy cơ bị dẹp nếu không vay được thêm tiền.
Thái Lan : không thấy lối thoát cho khủng hoảng chính trị
Le Monde đăng ảnh hơi cay mù mịt trước trụ sở Quốc Hội ở Bangkok, hôm 07/10/2008, khi cảnh sát giải tán những nguời biểu tình chặn cửa ra vào. Khủng hoảng chính trị kéo dài, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giói đang xẩy ra đã khiến Le Monde lo ngại thêm cho nền kinh tế Thái Lan, một nưóc dựa nhiều vào du lịch, một ngành cung cấp 2 triệu công ăn việc làm và chiếm 6% GDP.
Le Figaro cũng nêu bật vụ đàn áp biểu tình mà tờ báo cho là thô bạo hiếm thấy với bức ảnh một ngưòi biểu tình đầu đầy máu me, ngồi phệt xuống đường, một cảnh sát ở phiá sau như là đỡ ông ta để đừng ngã. Nhưng điều mà Le Figaro chú ý trong hàng tựa là quân đội đã đến tiếp ứng để vãn hồi trật tự.
Le Figaro cũng không thấy lối thoát cho cuộc khủng hoảng, vì như phân tích của tác giả bài báo, không thấy ai có thể vãn hồi trật tự trong tình hình hiện nay. Phó thủ tưóng Yongchaiyud đặc trách việc thương luợng với phong trào PAD, đã từ chức sau vụ đàn áp vừa qua, trong khi Uy ban Bầu cử thì đang điều tra về thủ tưóng Somchai.
Trong bối cảnh gần như hỗn loạn hiện nay, Nhật báo Thái Lan The Nation kêu gọi phải duy trì đối thoại bằng mọi giá, vì võ lực không giải quyết được gì. Tờ báo cũng chỉ trích thủ tướng Somchai đã đi ngược lại những gì ông đã nói trước đây, đối thoại, hòa giải, tôn trọng luật pháp, không sử dụng sức mạnh.
The Nation nhắc lại là Thái Lan đang giữ chiếc ghế chủ tịch luân phiên Asean, chuẩn bị đón cuộc họp thuọng đỉnh Asean vào tháng12, thì việc phong trào PAD tiếp tục phản đối, chiếm đóng trụ sở chính quyền, ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh Thái Lan, nhưng sử dụng vũ lực như chính quyền đã làm, thì lại càng làm cho đất nước mất uy tín hơn.
The Nation nhận thấy chỉ có cách đàm phán thưong lượng mới kết thúc một cách hoa bình cuộc đọ sức hiện nay. Còn nếu ông Somchai không thực tâm nghĩ những gì ông nói và thực hiện thì ông nên từ chức.
Luân Đôn và Paris : hai thành phố hấp dẫn nhất đối với giới đầu tư châu Âu
Trở lại địa hạt kinh tế, tờ báo La Croix trích dẫn điều tra của một tổ chức tư vấn quốc tế, cho biết Luân Đôn là thành phố hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư châu Âu, và Paris đang theo sát gót.
Năm trăm nhà lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất châu Âu đã cho biết lý do chọn lựa là : dễ dàng tuyển dụng người có trình độ, thâm nhập được thị trường , cũng như chất lượng của mạng lưới viễn thông và cơ sở giao thông hạ tầng. Tuy đứng sau Luân Đôn, nhưng Paris cũng có hy vọng sẽ vượt qua trong tương lai. Hiện thủ đô nước Pháp đang đứng đầu về các tiêu chuẩn như chất lượng cuộc sống cho nhân viên, cơ sở khách sạn. Các điểm yếu mà Paris cần phải khắc phục là về ngôn ngữ, bầu không khí kinh doanh do chính phủ tạo ra, giá nhân công, và khả năng cung ứng về văn phòng. Hơn nữa, Paris có thể ít bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính hơn Luân Đôn, vốn chuyên về lãnh vực này. Trong số các biện pháp dự kiến nhằm khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng, chỉ có 11% các công ty lớn châu Âu muốn chuyển dịch ra nước ngoài.
Tuy vậy, trong vòng hai năm tới họ cũng muốn chuyển một một phần hoạt động sang các quốc gia thành viên mới của châu Âu ; sau đó mới đến Ấn Độ, Đông Âu, còn Trung Quốc bị tụt xuống hàng thứ tư.
Trung Quốc có đông dân sống trong các khu phố ổ chuột nhất thế giới. Việt Nam đứng hạng 20
Nhân ngày quốc tế về nhà ở mùng 6 tháng 10 vừa qua, Le Monde rà lại những nơi ổ chuột trên thế giới. Theo tờ báo, ngày quốc tế về nhà ở này là để nhắc nhở quyền cơ bản của con người có một nơi ở đàng hoàng. Thực tế thế giới hiện nay là nhũng khu ổ chuột thiếu cả những điều kiện vệ sinh cơ bản phát triển nhanh hơn tại các thành phố ở các quốc gia đang phát triển. Tờ báo trích dẫn các con số của Liên Hiệp Quốc, cho thấy là trên hành tinh hiện nay, hơn một tỷ người sống trong các khu ổ chuột chung quanh các thành phố lớn, chỉ lấy dân số tại 15 khu ổ chuột thôi thì cũng đã lên hơn một triệu người. Đây là một tình hình cần phải được cải thiện nhanh chóng.
Le Monde đăng bản đồ và xếp hạng 20 quốc gia có đông dân cư sống trong các thành phố ổ chuột. Trung Quốc dĩ nhiên đứng đầu, với gần 200 triệu, kế đến là Ấn Độ, gần 160 triệu, hơn Brazil, chỉ có hơn 51 triệu hay Mehicô và Hoa kỳ với gần 13 triệu.
Trong số các nưóc Asean có Indonesia, Philippines, với hơn 20 triệu, và Việt Nam, đứng hàng thứ 20 thế giới với hơn 9 triệu người.
--------
- * Môi sinh môi trường, đạo lý, con người VN bị tàn phá ...!?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment