Monday, July 28, 2008

4- VỀ CHỦ NGHĨA BÁ QUYỀN VÀ BÀNH TRƯỚNG TRUNG-QUỐC

TẠP CHÍ THÔNG TIN LÝ LUẬN

Hà - nội - 1979

Permanent Link

PHẦN BỐN

MƯU ĐỒ THÔN TÍNHVIỆT-NAM VÀ ĐÔNG-DƯƠNG CỦA CHỦ NGHĨA BÁ QUYỀN, BÀNH TRƯỚNG TRUNG-QUỐC

I-THÔN TÍNH VIỆT-NAM VÀ ĐÔNG-DƯƠNG LÀ MỘT MỤC TIÊU QUAN TRỌNG TRONG CHIẾN LƯỢC QUỐC TẾ PHẢN CÁCH MẠNG CỦA CHỦ NGHĨA BÁ QUYỀN BÀNH TRƯỚNG TRUNG QUỐC

1) Việt-nam và Đông-dương từ lâu đã là đối tượng trực tiếp của chủ nghĩa bành trướng Trung-hoa.

Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt-nam, với số dân 50 triệu, với vị trí địa lý có tầm quan trọng chiến lược, với tài nguyên rất phong phú về nhiều mặt, với con người Việt-nam cần cù, dũng cảm và thông minh sáng tạo, với nền văn hoá Việt-nam phát triển từ xa xưa và đầy sức sống, có vị trí quan trọng đặc biệt về kinh tế và quân sự ở khu vực Đông Nam châu Á.

Từ nửa thế kỷ qua, cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt-nam luôn luôn ở vị trí tiền phong của phong trào giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc, chống các loại chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Mấy chục năm nay, nhất là sau chiến thắng Điện-biên-phủ, bằng hành động cách mạng thực tế của mình, Việt-nam đã trở thành ngọn cờ của phong trào độc lập dân tộc và một tiền đồn vững chắc của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam châu Á. Uy tín chính trị của Việt-nam rất rộng lớn trên thế giới ; nhân dân thế giới có sự tin cậy và tình cảm sâu sắc với nhân dân Việt-nam.

Việt-nam là láng giềng phía nam của Trung-quốc, Việt-nam và Trung-quốc có biên giới chung trên 1.400ki-lô-mét. Hai nước Việt-nam-Trung-quốc có quan hệ với nhau từ lâu đời. Nhân dân hai nước Việt-nam - Trung-quốc, nhất là ở những vùng tiếp giáp biên giới, rất gần gũi nhau, hiểu biết nhau, đã từng nhiều lần giúp đỡ nhau trong đấu tranh cách mạng, trong đời sống hàng ngày. Với những ảnh hưởng trực tiếp về quan hệ địa lý và hệ dân tộc, đất nước Việt-nam cũng có vị trí và ảnh hưởng quan trọng đối với bản thân Trung-quốc.

Chính do vị trí đặc biệt quan trọng ấy, mà từ 2.000 năm qua, đất nước Việt-nam cũng như các nước khác ở bán đảo Đông-dương, đã luôn luôn là mục tiêu, là đối tượng trực tiếp của chủ nghĩa bành trướng thời kỳ phong kiến Trung-hoa. Đối với các hoàng đế Trung-hoa thời xưa: đất nước Việt-nam vừa là miếng mồi kinh tế ngon lành ở sát cạnh đế quốc Trung-hoa, lại vừa là cửa ngõ phải vượt qua để chinh phục các nước khác ở Đông Nam châu Á. Cho nên, các triều đại phong kiến Trung-quốc đã liên tiếp xâm chiếm Việt-nam, đã tiến hành những cuộc trường kỳ chinh phục Việt-nam.

Bọn bành trướng phong kiến Trung-hoa đã gặp phải một dân tộc bất khuất, kiên cường. Các cuộc chiến tranh xâm lược Việt-nam của các hoàng đế Trung-hoa đều đã thất bại nhục nhã; dân tộc Việt-nam đã giáng cho chúng những đòn chí tử. Và lịch sử quan hệ Việt-nam-Trung-quốc một mặt là lịch sử quan hệ láng giềng giữa nhân dân lao động hai nước từ hàng ngàn năm trước, và nửa thế kỷ nay, nhân dân hai nước còn dựa vào nhau làm cách mạng, xây dựng tình hữu nghị đoàn kết cách mạng, mặt khác là lịch sử dân tộc Việt-nam liên tục chiến đấu và chiến thắng chủ nghĩa bá quyền, bành trướng nước lớn của phong kiến Trung-hoa.

Sau ngày nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa được thành lập, với những điều kiện lịch sử mới nhờ cách mạng thành công ở hai nước, đáng lẽ mối quan hệ Việt-nam Trung-quốc phải thực sự tốt đẹp và ngày càng tốt đẹp, những tham vọng bành trướng nước lớn đối với Việt-nam và Đông-dương không còn lý do tồn tại, xâm lược và thôn tính chỉ còn là câu chuyện của quá khứ. Những năm đầu sau khi cách mạng Trung-quốc giành được thắng lợi, nhân dân Việt-nam đã rất vui mừng trước những biến đổi tiến bộ trên đất nước Trung-hoa và đã đặt nhiều hy vọng vào triển vọng tốt đẹp của tình đoàn kết hữu nghị Việt-nam – Trung-quốc.

Nhưng chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa bá quyền, bành trướng Trung-quốc, như các phần trên đã nói, đã không bị tiêu diệt. Các lực lượng cách mạng chân chính của nhân dân Trung-hoa chưa nắm được quyền lãnh đạo để đưa đất nước Trung-hoa đi vào con đường cách mạng, hoà bình và tiến bộ.

Ba chục năm qua, giới cầm quyền Trung-quốc đã kế tục, phát triển tư tưởng và tham vọng bá quyền, bành trướng của phong kiến Trung-hoa, đã và đang ra sức đóng vai trò những tên học trò xuất sắc của Tần-Thuỷ-Hoàng, Hốt-Tất-Liệt. Đối với Việt-nam và các nước khác trên bán đảo Đông-dương, những kẻ cầm quyền ở Bắc-kinh lại tiếp tục mưu đồ bành trướng và thôn tính xấu xa, tàn bạo của hoàng đế Trung-hoa. Những âm mưu quỷ kế, những hành động hung bạo của bọn cầm quyền phản động Bắc-kinh hiện nay đối với phong trào cách mạng thế giới, đối với các nước láng giềng của Trung-quốc nói chung, đối với Việt-nam và Đông-dương nói riêng, mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh xâm lược trắng trợn với quy mô lớn đối với nước Việt-nam xã hội chủ nghĩa , trong thời gian vừa qua, đã chứng tỏ bọn dân tộc sô-vanh hiện đại đã vượt xa các bậc tiền bối phong kiến của chúng về khát vọng bành trướng đại dân tộc, về âm mưu xảo quyệt, về tầm chiến lược rộng lớn của các mưu đồ và các mục tiêu xâm lược.

Những kẻ cầm quyền phản động ngày nay ở Bắc-kinh, cũng giống như các tiền bối của chúng, hiểu rất rõ vị trí chiến lược của Việt-nam, hiểu rõ tầm quan trọng của Việt-nam đối với toàn bộ hoạt động của Trung-quốc ở khu vực biển Đông, ở Đông Nam châu Á và trên toàn thế giới. Chúng cho rằng muốn thực hiện được mưu đồ bành trướng và bá quyền nước lớn ở Đông Nam châu Á và trên thế giới, nhất định phải vượt qua “cửa ải” Việt-nam, trước hết phải khống chế và thôn tính Việt-nam. Vì vậy, Việt-nam và các nước Đông-dương trở thành trọng điểm bành trướng trong chiến lược quốc tế phản cách mạng của bọn phản động Bắc-kinh, và chúng đã không từ bất cứ thủ đoạn nào về quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao để phá hoại cách mạng Việt-nam.

2) Âm mưu và hành động của tập đoàn phản động Bắc-kinh phá hoại, thôn tính Việt-nam rất ăn khớp với âm mưu và hành động của chúng chống phá cách mạng thế giới.

Đương nhiên, bọn bành trướng Trung-quốc có nhiều tham vọng đối với tài nguyên phong phú của Việt-nam, đối với vị trí chiến lược quan trọng của Việt-nam ở Đông Nam châu Á. Nhưng muốn hiểu rõ thực chất chính sách phản động của bọn phản động Bắc-kinh đối với Việt-nam, phải đặt chính sách ấy gắn liền với tham vọng bá quyền toàn cầu của chúng.

Mưu đồ thôn tính Việt-nam và Đông-dương là một bộ phận trong chiến lược quốc tế phản cách mạng của bọn bành trước Bắc-kinh.

Tham vọng ngông cuồng của bọn cầm quyền phản động Bắc-kinh là gấp rút biến Trung-quốc thành cường quốc số 1 trên thế giới, thống trị toàn thế giới dưới lá cờ chủ nghĩa dân tộc nước lớn. Để đạt tham vọng ấy, nhiều năm nay, chúng đã thực hành một chiến lược quốc tế phản cách mạng, gây ra những tổn thất lớn lao cho phong trào cách mạng của nhân dân thế giới, cho bản thân đất nước Trung-hoa.

Chiến lược phản cách mạng này, về mặt đối nội là dùng những luận điệu lừa bịp, những thủ đoạn cướp quyền, lật đổ liên tục để tiêu diệt bằng bạo lực các lực lượng cách mạng chân chính ở Trung-quốc, về mặt đối ngoại là liên minh với đế quốc Mỹ và các nước đế quốc khác, tập hợp các lực lượng phản động ở các nước, để chống Liên-xô mà chúng coi là kẻ thù chủ yếu, để chống phá dòng thác cách mạng trên thế giới.

Mấy năm nay, để thực hiện lý thuyết phản động “ba thế giới” và phục vụ đẩy mạnh “bốn hiện đại hoá”, bọn bá quyền Bắc-kinh càng câu kết chặt chẽ với đế quốc chống Liên-xô, công khai chống các nước xã hội chủ nghĩa và chống các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chúng đã trắng trợn và vô liêm sỉ tự nhận mình là NATO phương Đông.

Tập đoàn phản động Bắc-kinh coi Liên-xô là kẻ thù chủ yếu. Nhưng hiện nay chúng không có khả năng gây chiến tranh chống Liên-xô, cũng không có khả năng bành trướng về phía Bắc. Cho nên chúng ra sức thực hiện các âm mưu và hành động bành trướng, thôn tính của chúng đối với khu vực Đông Nam châu Á, trước hết là các nước Đông-dương, nơi mà chúng thấy đang có những điều kiện thuận lợi hơn cả.

Sự tiến triển theo hướng ngày càng xấu của mối quan hệ Việt-Trung, thái độ tráo trở, lật lọng của bọn cầm quyền Bắc-kinh đối với cách mạng Việt-nam hoàn toàn ăn khớp với sự tiến triển của chủ nghĩa bá quyền và bành trướng Trung-quốc. Những bước ngoặt chính của mối quan hệ Việt-Trung có quan hệ chặt chẽ với những diễn biến của tình hình nội bộ Trung-quốc, với chính sách đối nội và đối ngoại của tập đoàn phản động Bắc-kinh.

Ngày nay tập đoàn phản động cầm quyền Bắc-kinh đang ra sức chống phá cách mạng Việt-nam về mọi mặt, thậm chí đã phát động chiến tranh xâm lược Việt-nam với quy mô lớn, thì giờ đây cũng là lúc chủ nghĩa bành trướng nước lớn đã hoàn toàn bộc lộ chân tướng cực kỳ phản động của chúng trước mắt nhân dân toàn thế giới. Bọn cầm quyền Bắc-kinh đã phản bội nhân dân Việt-nam, phản bội truyền thống đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt-nam – Trung-quốc, và đối với cách mạng thế giới, chúng đã trở thành những tên phản bội lớn nhất trong lịch sử.

Cuộc chiến đấu bền bỉ và đầy hy sinh suốt mấy chục năm của nhân dân Việt-nam chống đế quốc Pháp và chống đế quốc Mỹ đã dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Trong 30 năm qua, giới cầm quyền Trung-quốc tìm mọi cách lợi dụng cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân Việt-nam làm công cụ phục vụ lợi ích của Trung-quốc. Họ không muốn Việt-nam độc lập, thống nhất mà chỉ muốn Việt-nam cũng như Lào và Cam-pu-chia, ngày càng suy yếu, chia rẽ và chịu lệ thuộc vào Trung-quốc.

II-CHÍNH SÁCH VÀ THỦ ĐOẠN BÀNH TRƯỚNG CỦA BỌN CẦM QUYỀN BẮC-KINH ĐỐI VỚI VIỆT-NAM VÀ ĐÔNG-DƯƠNG

Đối với Việt-nam, Lào và Cam-pu-chia, suốt mấy chục năm qua, bọn cầm quyền Bắc-kinh đã thực hành chính sách bá quyền, bành trướng phản động là:

-Hết sức lợi dụng cuộc chiến đấu chống đế quốc của Việt-nam, Lào và Cam-pu-chia, dùng thủ đoạn vừa giúp vừa ép và kiềm chế, hòng biến các nước Đông-dương thành chư hầu, làm công cụ thực hiện chủ nghĩa bá quyền, bành trướng ở Đông Nam châu Á và trên thế giới.

- Nếu không thôn tính được bằng cách biến thành chư hầu thì công khai phá hoại và xâm lược.

Chính sách bá quyền, bành trướng ấy đã thực hiện bằng những âm mưu và thủ đoạn cụ thể, khi thì xảo quyệt, lừa bịp, khi thì trắng trợn thô bạo, nhưng vô cùng tàn hại và nguy hiểm, đối với cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, cũng như sự nghiệp xây dựng xã hội mới của Việt-nam, Lào và Cam-pu-chia.

1) Chính sách bá quyền, bành trướng Trung-quốc đối với cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt-nam.

a) Sau khi cách mạng Trung-quốc thành công, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Việt-nam và Trung-quốc đã có thời kỳ biểu hiện tốt đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng ở cả hai nước. Nhân dân Trung-quốc đã ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt-nam kháng chiến chống đế quốc Pháp. Mặt khác, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Việt-nam ; nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia đã ảnh hưởng rất thuận lợi về nhiều mặt đối với cách mạng Trung-quốc, trước hết là khách quan tạo ra một vành đai an toàn cho Trung-quốc ở phía Nam, trong khi Trung-quốc đang bị đế quốc bao vây.

Song, ngay từ lúc đó, những người lãnh đạo Trung-quốc đã có những ý đồ và hành động không phù hợp với lợi ích của Việt-nam và các nước Đông-dương. Họ ủng hộ Việt-nam kháng chiến chống Pháp, nhưng khi thấy Mỹ can thiệp ngày càng nhiều vào Việt-nam và đe doạ tiến công Trung-quốc thì họ lo ngại, không muốn thúc đẩy và giúp Việt-nam chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Xuất phát từ lợi ích riêng của Trung-quốc, để găn chặn Mỹ thay thế Pháp ở Đông-dương và để tránh cho Trung-quốc bị Mỹ uy hiếp, họ đã tìm cách nhanh chóng kết thúc chiến tranh Đông-dương, nhất là từ sau khi đã chấm dứt chiến tranh Triều-tiên. Lợi dụng vai trò là người cung cấp vũ khí cho cuộc kháng chiến của nhân dân các nước Đông-dương, họ đã thoả thuận với đế quốc Pháp những điều không lợi cho nhân dân Đông-dương.

Tại hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, Trung-quốc chủ trương giữ nguyên hiện trạng về chính trị có hai chính quyền, hai chế độ chính trị khác nhau, ở hai miền Việt-nam, thực tế là duy trì chủ nghĩa thực dân Pháp ở miền Nam Việt-nam, chia cắt nước Việt-nam. Trung-quốc muốn có hai tỉnh tập kết ở Lào sát biên giới Lào – Trung-quốc, để dùng hai tỉnh Bắc Lào, cũng như Bắc Việt-nam là khu đệm an toàn cho họ. Và chính những người lãnh đạo Trung-quốc đã không đồng ý có vùng tập kết ở Cam-pu-chia đã giải phóng phần lớn lãnh thổ Cam-pu-chia.

Như vậy là những người cầm quyền Trung-quốc đã không thật lòng giúp đỡ sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt-nam và các nước Đông-dương. Vì lợi ích dân tộc nước lớn ích kỷ của Trung-quốc, họ đã không ngần ngại bỏ qua lợi ích của cách mạng Việt-nam, Lào và Cam-pu-chia.

b) Thấy rõ âm mưu của đế quốc Mỹ, phá hoại công cuộc hoà bình thống nhất nước Việt-nam và xâm lược Việt-nam, Đảng lao động Việt-nam chủ trương đẩy mạnh cách mạng miền Nam, phát động đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Lúc đó, những người lãnh đạo Trung-quốc không muốn nhân dân miền Nam Việt-nam nổi dậy chống đễ quốc Mỹ xâm lược, vì họ sợ phải chạm với Mỹ. Họ đã một mực ngăn cản, khuyên nên trường kỳ mai phục, không nên vội giải phóng miền Nam, nên tập trung vào việc xây dựng miền Bắc, còn ở miền Nam thì chỉ đấu tranh chính trị, chứ không nên đấu tranh vũ trang. Trong thực tế, họ đã không giúp Việt-nam xây dựng nhanh lực lượng quốc phòng và tìm cách hạn chế việc xây dựng tăng cường lực lượng vũ trang ở miền Nam Việt-nam.

Họ đã giữ một thái độ hai mặt đối với đế quốc Mỹ: vừa muốn tỏ ra là người chống đế quốc, bề ngoài hung hăng coi đế quốc Mỹ chỉ là “con hổ giấy”, vừa hết sức tránh va chạm với Mỹ, trong thâm tâm sợ Mỹ, muốn xoa dịu với Mỹ, giữ nguyên hiện trạng chính trị ở Đông-dương để bản thân Trung-quốc được yên ổn.

Nhân dân Việt-nam đã không nghe những “lời khuyên” của những người lãnh đạo Trung-quốc bỏ rơi miền Nam Việt-nam trong tay bọn đế quốc Mỹ xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng lao động Việt-nam, cách mạng miền Nam tiếp tục phát triển, tiêu biểu là cuộc Đồng khởi anh hùng năm 1959.

Trong những năm 1960-1965, cuộc đấu tranh trên cả hai mặt trận chính trị và vũ trang ở miền Nam Việt-nam phát triển ngày càng mạnh; thất bại của cuộc “chiến tranh đặc biệt” và việc Mỹ đưa hàng chục vạn quân viễn chinh xâm lược vào miền Nam Việt-nam đã làm cho cuộc chiến tranh Việt-nam trở thành vấn đề thời sự quốc tế nóng hổi nhất ; vì chính trị và uy tín của Việt-nam ngày càng cao trên thế giới.

Những người lãnh đạo Trung-quốc lúc đó lớn tiếng tuyên bố chống đế quốc Mỹ, ủng hộ Việt-nam, đề cao Việt-nam chống Mỹ xâm lược. Nhân dân Việt-nam không bao giờ quên sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Trung-quốc đối với nhân dân Việt-nam trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Nhưng phân tích ý đồ và hành động của những người lãnh đạo Trung-quốc ta thấy rõ rằng họ giúp Việt-nam kháng chiến chỗng Mỹ vì lúc đó chưa thực hiện được hoà hoãn Trung-Mỹ, trên những lời nói công khai họ còn đang coi đế quốc Mỹ là thù, họ còn đang phải đề phòng sự tấn công của Mỹ vào Trung-quốc. Mưu đồ của họ là nắm lấy ngọn cờ Việt-nam kháng chiến chống Mỹ, giữ vai trò người ủng hộ tích cực cách mạng Việt-nam để nâng cao uy tín chính trị của mình, lợi dụng việc viện trợ cho Việt-nam kháng chiến chống Mỹ để lôi kéo Việt-nam đi theo Trung-quốc chống Liên-xô, phá hoà hoãn Xô-Mỹ.

Trong thời gian này, những người cầm quyền ở Trung-quốc đã tung ra nhiều luận điệu cách mạng giả hiệu, giương chiêu bài “bảo vệ” sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lê-ni, thực chất là tập hợp lực lượng chống Liên-xô và các nước xã hội chủ nghĩa, mưu đồ hướng phong trào cách mạng thế giới đi theo đường lối phản động của họ. Năm 1963, họ đưa ra cương lĩnh 25 điểm, gọi là “kiến nghị về đướng lối chung của phong trào cộng sản quốc tế” và ráo riết vận động họp 11 đảng cộng sản ở châu Á, hòng lập ra một “quốc tế cộng sản” mới chống Liên-xô và phe xã hội chủ nghĩa. Đảng lao động Việt-nam không tán thành đường lối chia rẽ đó, làm cho mưu đồ của họ bị thất bại. Cũng từ đó, sự bất đồng giữa Việt-nam và Trung-quốc ngày càng rõ rệt, về các vấn đề cách mạng Việt-nam cũng như các vấn đề quốc tế.

Thực tế chứng tỏ rằng những người cầm quyền Trung-quốc là những kẻ bịp bợm, nói một đằng làm một nẻo. Chính trong khi họ ra sức phá hoại quan hệ bình thường giữa Liên-xô và Mỹ, trong khi họ tuyên truyền rầm rộ cho việc Trung-quốc giúp Việt-nam đánh Mỹ, thì họ lại không ngừng cố gắng tạo điều kiện tranh thủ hoà hoãn và thoả hiệp với Mỹ . Cuối năm 1964, ngay trong lúc đế quốc Mỹ đang leo thang chiến tranh ở Việt-nam, dồn dập đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt-nam, thì những người lãnh đạo chủ yếu của Trung-quốc tìm cách nói bắn tin với Mỹ: “Quân đội Trung-quốc sẽ không gây chiến tranh ngoài biên giới Trung-quốc…chỉ khi nào bị người Mỹ tiến công, người Trung-quốc mới chiến đấu…; “Người Trung-quốc có nhiều việc phải làm ở nước mình. Đánh nhau ngoài biên giới nước mình là một tội ác”… “Nguyên tắc của chúng tôi là nếu anh không đụng đến tôi thì tôi không đụng đến anh, nếu anh đụng đến tôi, thì tôi sẽ đụng đến anh”…

Đồng thời những người lãnh đạo Trung-quốc ra sức kiềm chế cuộc chiến đấu vũ trang của nhân dân Việt-nam. Họ luôn luôn nhấn mạnh chỉ nên đánh nhỏ, không được đánh to ; họ đe doạ rằng nếu chiến tranh giải phóng phát triển mạnh ở miền Nam thì địch có thể tấn công bằng bộ binh ra miền Bắc Việt-nam. Sau sự kiện Vịnh Bắc-bộ, đế quốc Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc Việt-nam, những người lãnh đạo Trung-quốc càng thúc ép hạn chế bớt các hoạt động cách mạng ở miền Nam Việt-nam. Bằng cả lời nói và việc làm, họ tìm mọi cách tránh va chạm với Mỹ, và khách quan là khuyến khích đế quốc Mỹ tiếp tục leo thang chiến tranh xâm lược ở Việt-nam.

c) Từ năm 1965, cùng với việc tiến hành “đại cách mạng văn hoá vô sản” ở Trung-quốc, chính sách bá quyền, bành trướng và phản bội cách mạng của những người cầm quyền Trung-quốc đã bước vào một giai đoạn mới.

Sau những thất bại nặng nề ở trong nước và trên thế giới, tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Bắc-kinh đã phát động cuộc “đại cách mạng văn hoá vô sản” xoá bỏ Đảng Cộng sản Tung-quốc, xoá bỏ cách mạng Trung-quốc, tăng cường chống Liên-xô, và phá hoại phong trào cộng sản quốc tế.

Đối với Việt-nam, giới cầm quyền Bắc-kinh gây áp lực mạnh hòng buộc Việt-nam đi theo đường lối của họ, phải chống Liên-xô, Việt-nam không được nhận sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên-xô, mặc dầu đế quốc Mỹ đang dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc Việt-nam.

Mục tiêu của tập đoàn phản động Trung-quốc trong lúc này là:

- Dùng sức ép mạnh về quân sự và kinh tế để nắm độc quyền vấn đề Việt-nam trong tay mình, gạt hẳn Liên-xô ra ngoài việc ủng hộ Việt-nam, làm cho Liên-xô mất uy tín vì không giúp Việt-nam đánh Mỹ. Như vậy họ vừa đẩy mạnh được chống Liên-xô, vừa sử dụng được vấn đề Việt-nam mà họ nắm chắc trong tay làm con “chủ bài” để thoả hiệp, mặc cả với Mỹ.

- Đẩy mạnh chống Liên-xô mà họ gọi là “đế quốc xã hội” để thúc đẩy “cách mạng văn hoá vô sản”, đẩy mạnh việc thanh trừng nội bộ, thẳng tay đàn áp những người chống lại đường lối phản động của họ.

- Tập đoàn lãnh đạo Bắc-kinh dùng nhiều thủ đoạn hòng chia rẽ Việt-nam với Liên-xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác. Họ ra sức lôi kéo Việt-nam theo họ chống Liên-xô, đến mức đã nói một cách trắng trợn và thô bỉ rằng: nếu Việt-nam đi hẳn với Trung-quốc chống Liên-xô, từ chối sự giúp đỡ của Liên-xô thì Trung-quốc sẽ viện trợ cho Việt-nam rất nhiều.

Những người cầm quyền Trung-quốc kiêm quyết chống lại việc lập Mặt trân thế giới ủng hộ Việt-nam chống xâm lược, với luận điệu chống đế quốc thì phải chống Liên-xô. Họ một mực bác bỏ những đề nghị tích cực của Liên-xô và chiến lược đoàn kết phe xã hội chủ nghĩa đối đầu với đế quốc Mỹ, thực hiện thống nhất hành động giữa Liên-xô, Trung-quốc và các nước xã hội chủ nghĩa để giúp Việt-nam đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược. Họ khăng khăng từ chối không họp cấp cao ba Đảng Việt-nam, Liên-xô, Trung-quốc để thống nhất hành động , họ cũng thẳng thừng bác bỏ những đề nghị cụ thể của Liên-xô về việc phối hợp các viện trợ quân sự cho Việt-nam.

Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt-nam trước sau như một quyết tâm chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng, kiên trì đường lối độc lập tự chủ, kiên trì chủ trương đoàn kết và thống nhất hành động giữa các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản quốc tế, nhất định không theo đường lối chia rẽ chống Liên-xô, không từ chối viện trợ của Liên-xô. Thấy thế, tập đoàn cầm quyền Bắc-kinh vô cùng bực tức, và từ đó họ bắt đầu dùng những lời nói và hành động công khai đả kích, phá hoại Việt-nam.

Trong thời gian này, những người cầm quyền Trung-quốc ra sức kiềm chế cuộc chiến đấu của Việt-nam, chủ trương chỉ viện trợ cho Việt-nam với mức độ đủ để duy trì cuộc chiến tranh du kích ở miền Nam Việt-nam, chứ không viện trợ nhiều hơn, không để cho Việt-nam có đủ sức đánh lớn và thắng lớn. Họ phản đối quyết tâm chiến lược của Việt-nam đó là: đánh lâu dài đồng thời quyết tâm giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn. Cho nên họ rất bất ngờ về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu-thân năm 1968.

Sau tết Mậu-thân 1968, đế quốc Mỹ buộc phải đi vào thế xuống thang, thực hiện học thuyết Nich-xơn, phi Mỹ hoá chiến tranh, tìm cách rút quân Mỹ ra khỏi Việt-nam mà vẫn duy trì được chính quyền tay sai của chúng ở miền Nam Việt-nam. Chúng buộc phải đặt vấn đề đàm phán với Việt-nam để có thể rút lui trong “danh dự”.

Khi Chính phủ Việt-nam chấp nhận đề nghị của Mỹ tiến hành đàm phán ở Pa-ri thì những người lãnh đạo Trung-quốc kịch liệt phản đối. Họ không tán thành Việt-nam đàm phán với Mỹ, cũng không tán thành cả việc Mỹ chấm rứt ném bom miền Bắc.

Họ nói rằng chấp nhận Mỹ ngừng ném bom miền Bắc tức là để cho Mỹ tập trung đánh phá miền Nam nhiều hơn. Những người lãnh đạo Trung-quốc đã phê phán chủ trương vừa đánh vừa đàm của Việt-nam, họ đe doạ cắt viện trợ nếu Việt-nam tiếp tục đàm phán với Mỹ.

Vì sao những người cầm quyền Trung-quốc phản đối cuộc hội đám Pa-ri giữa Việt-nam và Mỹ, phản đối chủ trương của Việt-nam tiến hành đấu tranh trên 3 mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao?

Phải tìm câu trả lời ở chính sách bành trướng nước lớn, ở chiến lược toàn cầu phản cách mạng của những kẻ cầm quyền Trung-quốc. Chính là giới cầm quyền Bắc-kinh sợ Việt-nam và Mỹ nói chuyện trực tiếp với nhau có thể khiến cho Trung-quốc bị mất “con chủ bài Việt-nam”. Họ sợ chiến tranh Việt-nam chấm dứt trong tình hình Mỹ chưa chịu hoà hoãn với Trung-quốc, thì chỉ lợi cho Liên-xô, cho hoà hoãn Xô-Mỹ, còn Trung-quốc thì càng bị cô lập. Những kẻ theo chủ nghĩa bá quyền, bành trướng Trung-quốc cũng sợ rằng một sự hoà giải về Việt-nam, đem lại hòa bình và ổn định ở Đông-dương và Đông Nam châu Á sẽ ảnh hưởng đến chiến lược kích động thế giới “đại loạn”, chiến lược “toạ sơn quan hổ đấu” mà họ hy vọng có thể làm suy sụp cả Liên-xô và Mỹ, đưa Trung-quốc lên địa vị bá chủ thế giới.

Mưu đồ lợi dụng cuộc chiến đấu của Việt-nam để kìm chân Mỹ ở Việt-nam càng lâu càng tốt, để chống Liên-xô, phá hoà hoãn Xô-Mỹ, ép buộc Việt-nam phải kéo dài chiến tranh, không được đàm phán, cũng không được đánh lớn; còn Trung-quốc thì không trực tiếp đụng đầu với Mỹ, thể hiện rõ tư tưởng ích kỷ nước lớn, đặt lợi ích “đa dân tộc” lên trên hết. Họ đã coi cuộc chiến tranh ở Việt-nam như một công cụ giúp họ đạt mục tiêu chống Liên-xô, liên minh với Mỹ, khống chế Việt-nam và Đông-dương, để họ thực hiện tham vọng bá quyền, bành trướng ở Đông Nam châu Á và trên thế giới.

d) Từ sau đại hội 9 Đảng cộng sản Trung-quốc (tháng 4-1969), sau vụ xung đột quân sự biên giới Xô-Trung do nhà cầm quyền Trung-quốc gây ra, và qua nhiều lần tiếp xúc công khai và bí mật giữa các đại diện của Trung-quốc đối với đế quốc Mỹ thay đổi hẳn.

Những người lãnh đạo Trung-quốc cho rằng đối với Trung-quốc mối đe doạ từ phía Mỹ ngày càng giảm. Họ trông mong vào sự thoả hiệp với Mỹ để cùng một lúc đạt các mục tiêu : chống Liên-xô, nắm Đài-loan, quan hệ với Nhật-bản, vào Liên hợp quốc và thoát ra khỏi chính sách bao vây của Mỹ. Con chủ bài mà họ dùng để mặc cả với Mỹ vẫn là chiến tranh Việt-nam. Ních-xơn và các cố vấn của y thì ra sức làm cho những người cầm quyền Trung-quốc tin rằng quan hệ với Mỹ có lợi hơn nhiều so với việc giúp Việt-nam chiến đấu, dù cho Việt-nam có thắng lợi hoàn toàn. Trong thâm tâm, đế quốc Mỹ thừa biết rằng Trung-quốc đã mong mỏi hoà hoãn với Mỹ thì chẳng có lý do gì lại tích cực giúp Việt-nam kháng chiến chống Mỹ đến cùng.

Do sự thay đổi thái độ với Mỹ, những người cầm quyền Trung-quốc đã thay đổi thái độ của họ đối với cuộc đàm phán Việt-nam - Mỹ ở Pa-ri. Ngay trước khi Kít-xin-giơ đến Bắc-kinh để chuẩn bị cho chuyến đi Trung-quốc của Ních-xơn, họ đã thuyết phục Việt-nam đánh giỏi và đàm cũng giỏi, nắm được quy luật hoạt động của Mỹ ở chiến trường và trên bàn đàm phán.

Tập đoàn cầm quyền Trung-quốc muốn nắm chặt lấy vấn đề Việt-nam và Đông-dương để làm ăn với Mỹ, muốn cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Trung-quốc bằng xương máu của nhân dân ba nước Đông-dương. Họ hết sức đề cao nhân dân Đông-dương năm 1970. Năm 1971, họ đề ra việc họp “5 nước 6 bên” và lập ra mặt trận 5 nước chống Nhật bao gồm 3 nước Đông-dương và Trung-quốc, Triều-tiên. Mưu toan của họ là Trung-quốc nắm lấy khối đó, rồi thay mặt 5 nước đứng ra đàm phán với Mỹ, qua đó mà nắm toàn bộ các vấn đề ở châu Á. Những mưu ấy đã không thành, vì Việt-nam phản đối.

Tháng 2-1972, Ních-xơn đến Bắc-kinh và ngày 27-2-1972 Trung-quốc và Mỹ ra thông cáo Thượng-hải. Giới cầm quyền Trung-quốc đã phản bội trắng trợn nhân dân Việt-nam : họ đã đồng tình với đế quốc Mỹ về việc tăng cường đánh phá miền Bắc Việt-nam nhằm cứu nguy cho cho chế độ Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam. Với sự cam kết không cam thiệp của Trung-quốc, đế quốc Mỹ đã tăng cường ném bom và thả mìn phong toả các cảng miền Bắc Việt-nam.

Ngay lúc đó, trước các thủ đoạn uy hiếp và kiềm chế của bọn phản bội Bắc-kinh, báo chí Việt-nam đã kịch liệt phê phán và lên án sự thoả hiệp phản bội, kiên quyết bác bỏ những luận điệu trong thông cáo Thượng-hải, cảnh cáo bọn đế quốc rằng chúng đừng hy vọng đưa vào sức mạnh của các nước lớn để bắt nạt các nước nhỏ, và nhấn mạnh : đế quốc Mỹ vẫn là kẻ thù nguy hiểm nhất, kẻ thù số một của tất cả các dân tộc trên thế giới.

Bất chấp sự phản bội của nhà cầm quyền Bắc-kinh và sự đánh phá dữ dội bằng không quân, bằng phong toả của đế quốc Mỹ, cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước ở cả hai miền Việt-nam tiếp tục phát triển mạnh. Mùa xuân năm 1972, bộ đội Việt-nam đã tấn công lớn vào nhiều thị xã và cứ điểm quan trọng của Mỹ - Nguỵ ở miền Nam Việt-nam.

Sau hiệp định Pa-ri, Trung quốc lập tức cắt giảm một phần quan trọng viện trợ quân sự cho Việt-nam; đó chính là điều họ đã cam kết với Mỹ để ngăn cản cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam Việt-nam. Thái độ công khai chống phá cách mạng Việt-nam bắt đầu bộc lộ rõ. Tháng 1-1974, với sự đồng tình của Mỹ, Trung-quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng-sa thuộc lãnh thổ Việt-nam, để uy hiếp khống chế Việt-nam từ phía biển Đông ; và cố tình gây ra các vụ rắc rối ở biên giới Việt-nam để gây sức ép từ phía Bắc.

Gần sát đến ngày thắng lợi của Việt-nam, những người cầm quyền Trung-quốc đã thoả thuận với đế quốc Mỹ một điều hết sức xấu xa: Trung-quốc hết sức giúp Mỹ duy trì chế độ Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam Việt-nam sau khi Mỹ rút quân, để đổi lấy việc Mỹ rút quân khỏi Đài-loan, và bình thường hoá quan hệ Mỹ - Trung-quốc. Vì vậy, một mặt cắt giảm viện trợ quân sự, mặt khác họ khuyên Việt-nam nên tranh thủ thời kỳ hoà hoãn sau hiệp định Pa-ri mà nghỉ ngơi, đừng tiếp tục đánh mạnh, và nên rút yêu cầu đánh đổ chính quyền Nguyễn –Văn- Thiệu, tức là chưa nên giải phóng miền Nam Việt-nam, chưa nên thực hiện độc lập và thống nhất đất nước.

Cuộc mua bán bẩn thỉu ấy đã thất bại thảm hại. Mặc dầu giới cầm quyền Trung-quốc tìm nhiều cách ngăn cản, kiểm chế, gây khó khăn, nhân dân Việt-nam tiếp tục tiến công mạnh mẽ, tiếp tục chiến thắng. Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Việt-nam đã toàn thắng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi đất nước Việt-nam.

Thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt-nam giải phóng hoàn toàn miền nam Việt-nam đã khiến cho nhân dân toàn thế giới vui mừng, nhưng đế quốc Mỹ và những người cầm quyền Bắc-kinh thì tức tối, bực bội. Việc giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt-nam đã giáng một đòn rất mạnh vào mưu đồ bành trướng của Bắc-kinh đối với Đông Nam châu Á, làm thất bại một bước sự câu kết giữa Trung-quốc và Mỹ.

(Ngừng trích đăng)
http://www.doi-thoai.com/baimoi0708_434.html

No comments: