Wednesday, July 30, 2008

Phục thù là bổn phận của chúng tôi

Nguyễn Gia Thưởng
“… Đảng lo sợ hoà giải sẽ buộc họ phải trả lời sòng phẳng những hành vi không đẹp đối với thành phần của xã hội mà trước đây đảng đã coi họ như là kẻ thù của chế độ …”



Oán thù khôn nguôi

Ông Jozef Nabel là một người Ba Lan gốc Do Thái sanh năm 1913. Ông đã chứng kiến những hành vi tàn ác mà xã hội tân tiến đã đẻ ra thời Đệ Nhị Thế Chiến. Tháng 9 năm 1939, khi nước Đức và Liên Bang Xô Viết xâm chiếm Ba Lan, ông Jozef lúc đó chiến đấu ở mặt trận phía Đông. Ông đã bị Hồng quân của Liên Xô bắt và bị đi đày ở Tây Bá Lợi Á. Gần hai năm sau, khi nước Đức xâm chiếm Liên Xô, Liên Xô cần gia tăng quân số và sực nhớ đến các anh em gốc Slav đang u sầu ở Tây Ba Lợi Á và thành lập một sư đoàn Hồng quân. Jozef trở thành sĩ quan trong đội quân này và đánh tiến về phía Tây, tham dự vào biến cố Warsaw năm 1944 và sự sụp đổ của Bá Linh năm 1945. Ròng rã sáu năm trời từ khi chiến tranh bùng nổ, ông không có tin tức gì của gia đình mình, bố mẹ, chị cả Ruzha và đứa cháu gái Eva của chị. Mùa hè năm 1945, sau khi nước Đức đầu hàng, Jozef vẫn còn trong quân ngũ sư đoàn Ba Lan của Hồng Quân, xin giấy phép đem một tiểu đội về làng Klaj, gần Krakow để mong đoàn tụ với gia đình hay ít ra để tìm tông tích của gia đình mình.

Khi đến Klaj, Jozef được biết năm 1942, bố của ông , tin tưởng vào lòng tốt của con người nên không có ý định lẩn trốn, đã bị Gestapo (Mật Vụ của Đức Quốc Xã) bắt và đưa lên xe hoả hàng hoá chở đến trại tập trung để rồi không còn ai nghe nói đến nữa. Dân làng nằm dọc theo đường sắt bên cạnh cho biết những xe hoả hàng hoá thường ngừng tại đây. Lính Đức đưa những người già không còn sức lao động đến một cánh đồng và hạ sát họ, rồi chôn mồ tập thể tại đây. Lúc đó cha của Jozef vào khoảng 60 tuổi và dân làng Klaj nghĩ rằng ông đã chịu chung số phận với những nạn nhân này. Dân làng đã kể hết sự thật về thảm sát này vì họ không đồng loã với tội ác này và không sợ Jozef và tiểu đội của ông trừng phạt.

Dân làng Klaj cũng kể cho Jozef biết là mẹ, chị và cháu của ông đã tìm cách ẩn náu trong nhà một gia đình người Công Giáo tại một làng khác, cách đây vài cây số. Jozef và tiểu đội của ông tiến về phía làng này, nhưng dân làng ở đây tỏ ra mơ hồ hơn dân làng Klaj và không một ai chịu nói việc gì đã xảy ra. Cuối cùng vì sợ nhóm tiểu đội Jozef có súng ống, một người kể lại câu chuyên đau thương. Ba người phụ nữ đã trốn được hai năm, cho đến tháng 10 năm 1944 có một bọn cướp võ trang nghe đồn có người Do Thái trốn trong nhà. Nghĩ rằng tất cả người Do Thái đều có vàng và tiền bạc, bọn chúng vào nhà và yêu cầu giao cho chúng tất cả những gì họ có, nhưng họ không có gì cả. Bọn cướp liền bắn giết ba người phụ nữ, Jozef không rõ là bắn trong nhà hay đem ra rừng bên cạnh. Dân làng dẫn Jozef đến một nơi trong rừng và chỉ những ngôi mộ cạn chôn vùi thi thể của ba nạn nhân. Vì vụ thảm sát đã xảy ra cách đây một năm nên không thể nhận diện được ai, nhưng quần áo và tóc cho thấy họ đúng là mẹ, chị và đứa cháu gái của Jozef.

Jozef yêu cầu dân làng bắt kẻ sát nhân đã chỉ huy bọn cướp đến. Ban đầu họ từ chối và giả vờ không biết. Jozef tức giận và ra lệnh lính bao vây họ lại và nói: «Nếu mấy người không đem tên này ra trong vòng một tiếng đồng hồ, cứ bốn người tôi sẽ bắn một người trong đám mấy người». Nhìn thấy nét mặt của Jozef, dân làng hiểu ngay ông sẽ làm thật và đành giao tên sát nhân cho ông. Cuối cùng, Jozef đối diện với kẻ sát nhân của bà mẹ, cô chị và đứa cháu gái, tay gườm súng.

Nhưng rồi ông do dự không dám bắn. Đồng đội của ông hiểu tâm trạng của ông và nói Jozef giao tên này cho họ để họ xử lý. Tuy nhiên, ông suy nghĩ: «Ta đã thấy con người giết quá nhiều và hành xử như những con thú vật. Ta cũng đã giết người nhiều. Tên này hành xử như thú vật, nhưng ta không muốn chính ta lại trở thành một con súc vật khi ta giết hắn». Một người bạn thân của Josef đề nghi giao tên này cho chính quyền Ba Lan xử trị. Jozef hạ mũi súng và dẫn kẻ sát nhân giao cho cảnh sát. Anh thu xếp để cải táng mộ phần của mẹ, chị và cháu đem về Krakow để chôn cất. Cảnh sát bắt giam tên sát nhân và một năm sau trả tự do cho y.

Khi ông được 90 tuổi và ông kể lại chuyện này cho con cháu, ông than thở: «Mỗi ngay, trước khi đi ngủ ta vẫn còn nhớ đến cái chết của mẹ ta và kẻ sát nhân được tự do». Sáu mươi năm sau biến cố này, Jozef vẫn còn ân hận và bị dằn vặt bởi mặc cảm tội lỗi. Mặc cảm vì đã bất lực không bảo vệ được thân nhân của mình và ân hận vì đã không lấy trách nhiệm để phục thù cho họ. (1)

Phục thù là bổn phận của chúng tôi

Câu chuyện thương tâm này có thể là câu chuyện của bất cứ gia đình nào, bất cứ ở nơi nào có thân nhân bị sát hại trong thời buổi chiến tranh và nhiễu loạn, hoặc chính mình là nạn nhân của những cuộc «thanh tẩy». Chúng ta thường quên là khát vọng báo thù là một trong những cảm tính mạnh nhất của con người. Nó thuộc loại cảm xúc như yêu thương, giận dữ, buồn sầu và sợ hãi mà chúng ta không ngừng nói đến. Xã hội ngày nay cho phép và khuyến khích chúng ta bày tỏ lòng yêu thương, lòng giận dữ, lòng buồn sầu, lòng sợ hãi nhưng không cho phép chúng ta thoả mãn lòng hận thù. Chúng ta được giáo dục coi cảm xúc phục thù, báo hận đó là những cảm xúc sơ khai, thấp kém cần phải che giấu và khuất phục.

Nếu chính quyền chấp nhận cho mỗi một cá nhân có quyền tự mình phục thù, xã hội sẽ hỗn loạn và chúng ta không thể nào sống ôn hoà với nhau trong tư cách của một công dân trong một nước.


Thề phanh thây uống máu quân thù..


Phục hận là một cảm xúc cần được giải toả. Cảm giác bị sỉ nhục không thể nào quên được. Những truyện hoặc phim được độc giả ái mộ nhất là những truyện trong đó nhân vật chính đã trả thù được cho cha mẹ, cho anh em mình, cho gia tộc mình, đã thanh thoả được mối hận của mình, và độc giả có cảm giác hả hê như chính mình được phục thù. Cảm giác oán hận không thể nguôi được và con người từ đó đã tự tạo cho mình sứ mạng và bổn phận phục thù, để đền đáp ơn nghĩa những người thân của mình đã bị chết oan.

Nay, hầu hết tất cả những xã hội loài người đã từ bỏ việc cá nhân tự giải quyết công lý để thay thế vào đó những hệ thống pháp luật không thiên vị do chính quyền quản lý, ít ra là trên giấy mực. Không có chính quyền quản lý, chiến tranh giữa những nhóm địa phương sẽ triền miên, sự hợp tác giữa những nhóm địa phương trên những dự án đem lại lợi ích cho mọi người, chẳng hạn như hệ thống dẫn thủy nhập điền trên bình diện quy mô, quyền tự do di chuyển và trao đổi thương mại, sẽ trở thành khó khăn.

Các xã hội quốc gia của thế kỷ XX đã khuếch trương phương thức tiêu diệt hàng loạt và đã phá tất cả những kỷ lục lịch sử trong việc chém giết. Số nạn nhân gia tăng vì nhân số gia tăng. Tuy nhiên tỷ lệ số dân chết vì bạo lực trong các xã hội tiền quốc gia cao hơn số tử vong tại Ba Lan thời Đệ Nhị Thế Chiến hoặc hơn cả tại Cam bốt thời Pol Pot.

Sự hình thành của quốc gia

Cách đây 5500 năm, con người không có một chính quyền quốc gia nào hết. Ngay cả đến gần năm 1492, tất cả vùng Bắc Mỹ, vùng Phi Châu hạ Sahara, Úc Đại Lợi, New Guinea và các quần đảo Thái Bình Dương, và phần lớn vùng Trung và Nam Mỹ không một vùng nào có quốc gia (state) (2), con người sinh sống trong một tổ chức xã hội sơ đẳng (lãnh chúa, bộ tộc và băng đàn). Ngày nay bản đồ thế giới đã phân chia thành nhiều quốc gia. Lẽ cố nhiên, sự phát triển của mô hình nhà nước-quốc gia đã khiến dẫn các quốc gia này áp đặt khuôn mẫu của mình trên những nước không có quốc gia.

Vào thế kỷ thứ 18, ông Jean Jacques Rousseau biện luận, nhưng không có dẫn chứng cụ thể, quốc gia được thành lập theo tiến trình lịch sử do một khế ước xã hội tự nguyện: người dân thấy được những lợi ích của một nhà nước quốc gia, và tự nguyện cùng nhau chấp nhận đặt quyền lợi cá nhân mình dưới sự điều khiển của quốc gia để hưởng được lợi ích mong muốn (3). Qua các bài tường trình của các du khách quan sát những những quốc gia tân lập trên thế giới trong vòng sáu trăm năm vừa qua và theo suy luận của các nhà khảo cổ học, chúng ta có rất nhiều bằng chứng cụ thể cho thấy nhận định của ông Rousseau hoàn toàn sai lầm. Không có một dân tộc nào tự nguyện tổ chức thành một quốc gia mà không có áp lực của bên ngoài và con người luôn luôn miễn cưỡng chấp nhận nhường quyền lợi của mình cho một thực thể khác.

Các nhà nhân chủng học, các sử gia và các nhà khảo cổ cho chúng ta biết các nhà nước quốc gia được thành lập dưới áp lực của một hoặc hai hoàn cảnh. Đôi khi áp lực bên ngoài của một quốc gia xâm lăng đã cưỡng ép người dân phải chuyển nhượng quyền lợi cá nhân của mình cho một nhà nước có khả năng kháng cự lại kẻ xâm lăng hữu hiệu hơn. Ví dụ, cách đây hai trăm năm, những bộ tộc Cherokee đã từng bước thành lập một chính quyền Cherokee thống nhất trong cố gắng tuyệt vọng chống lại áp lực của người da trắng . Và thường xuyên hơn, chúng ta chứng kiến các thực thể chưa thành quốc gia giao chiến lẫn nhau và sự canh tranh giữa những thực thể này chấm dứt khi một lãnh chúa thắng trận và thành lập những định chế tiền quốc gia : một ví dụ là sự thành lập của quốc gia Zulu do lãnh chúa tài ba Dingiswayo lãnh đạo vào đầu thế kỷ thứ 19, phát xuất từ sự tranh chấp giữa các lãnh chúa.

Phần lớn các cứ địa của lãnh chúa hoặc các vương quốc trên thế giới không tự nhiên trở thành quốc gia theo hai mô thức trên mà được du nhập vào. Tương tự như vậy mô hình quốc gia đã được Pháp du nhập vào Việt Nam. Năm 1858, Pháp đánh chiếm Việt Nam và đô hộ Việt Nam cho đến khi thất trận Điên Biên năm 1954. Sau đó người Pháp đã tìm cách chia đôi vương quốc Việt Nam để mong giữ ảnh hưởng của mình trên nửa phần còn lại. Và từ đó vương quốc Việt Nam bị phân chia thành hai nước Cộng Hoà. Cuộc chiến Nam Bắc, mang màu sắc ý thức hệ, kéo dài từ 1954 cho đến 1975 sau khi miền Bắc đã nhân danh chủ nghĩa xã hội dùng vũ lực thống nhất hai miền. Vì cao trao dân chủ đã trở thành mô hình chung trong việc quản lý quốc gia, nên Viêt Nam đã khoác lấy danh nghĩa một quốc gia dân chủ nhưng trên thực tế vẫn áp dụng mô hình quản lý phong kiến. Nội dung việc quản lý vẫn do một đảng, một tập đoàn độc tài trình diễn, không hề có một đối trọng để cân bằng cán cân quyền lực và từ đó có quân bình cán cân kinh tế để người dân Việt Nam hưởng được phúc lợi tương đối đồng đều.

Phục thù hay hoà giải ?

Ngay nay thế giới đã văn minh ra. Con người đã giao khoán cho nhà nước và chính quyền công việc xét xử công lý. Và để khuyến khích con người trong chiều hướng này, các xã hội quốc gia, các tôn giáo và những giá trị đạo lý dạy cho chúng ta không tìm cách trả thù và xem việc trả thù là một điều không tốt. Nhưng, mặc dù những hành động đặt trên căn bản hận thù cần phải ngăn cấm, việc xác nhận cảm tính này cần được khuyến khích. Đối với một người thân hoặc một người bạn đã bị sát hại hoặc bị chèn ép, và đối với chính nạn nhân, những cảm tính này rất là tự nhiên và mãnh liệt. Hiện nay nhiều chính quyền đang tìm cách để cho những thân nhân của các nạn nhân được thoả lòng bằng cách cho phép họ hiện diện trong những phiên toà xét xử kẻ sát nhân, cho họ được quyền phát biểu trước toà và chứng kiến việc xử tử kẻ sát nhân.

Trong cuộc chiến vừa qua bao nhiêu sinh mạng đã bị hy sinh ở cả hai miền. Lính hai miền Nam Bắc đằng đằng sát khí chém giết lẫn nhau. Xương cốt chất thành núi. Ai có bộn phận phải báo thù cho những sinh linh này? Không lẽ mỗi bên đời đời kiếp kiếp tìm cách tiếp tục sát hại lẫn nhau đẻ trả thù. Hoà giải vì vậy là phương cách duy nhất để người Việt sống chung với nhau, không tìm cách sát phạt nhau, không mưu chước chém giết nhau. Đảng CSVN đã thấy rõ con đường đi đến Chủ Nghĩa Xã Hội thật là mịt mù nhưng vẫn cố gượng ghép nó với kinh tế thị trường. Đảng CSVN đã có thành tích thống nhất hai miền nhưng thành tích đó ngày nay không đủ để đưa nước Việt Nam để trở thành một nước phú cường, có uy tín quốc tế, để dân tộc Việt Nam có thể tự hào. Nhà nước Việt Nam đã đánh mất quá nhiều thời gian và mất quá nhiều công sức để kêu gọi người Việt đoàn kết vì đoàn kết này không bao giờ có thể thực hiện được bao lâu chính quyền Việt Nam không chịu hoà giải với dân tộc Việt Nam.

Ngày nay vấn đề đã quá rõ, chính quyền Việt Nam đã quá yếu vì chỉ biết chèn ép con dân đã để ngư ông Trung Quốc đắc lợi. Chỉ có hoà giải mới phá vỡ được vòng luẩn quẩn của oán thù. Chúng ta có một mối đe dọa to lớn khác, hung hiểm hơn nhiều đó là tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nương tựa đảng CS Trung Quốc để chiếm chính quyền và áp đặt quyền lực của mình trên toàn cõi nước Việt. Nay họ phải trả món nợ này bằng những tấc đất và những vùng biển của dân tộc. Họ đã thấy rõ việc này nhưng vì lòng của họ vẫn còn mang mối hận thù nên chưa muốn hoà giải với dân tộc Việt Nam. Đảng luôn luôn muốn nhân dân Việt Nam “đời đời biết ơn đảng”. Đảng lo sợ hoà giải sẽ buộc họ phải trả lời sòng phẳng những hành vi không đẹp đối với thành phần của xã hội mà trước đây đảng đã coi họ như là kẻ thù của chế độ. Vì làm như vậy họ nghĩ rằng bao nhiêu công lao xây dựng chủ nghĩa xã hội đều tan theo mây khói. Và nhất là làm sao biện minh cho sự tồn tại của một chế độ dựa trên bạo lực! Nạn nhân của tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội mỗi lúc một nhiều. Chính bản thân của các đảng viên cũng là nạn nhân của bộ máy «duy vật biện chứng» này. Các cán bộ lão thành đã góp phần xây dựng uy tín của đảng và ngay cả tướng Võ Nguyên Giáp, người hùng Điện Biên, đã bị bộ máy xã hội chủ nghĩa bạc đãi tồi tệ, chưa kể đến vô vàn cán bộ liêm chính bị oan ức và bị chèn ép. Đảng đang đi vào thời kỳ xâu xé nội bộ, thanh toán lẫn nhau. Lòng hận thù đảng sẽ dần dần lấn áp lòng tri ân đảng và những kẻ tri ân đảng chỉ còn là một thiểu số.

Đảng Cộng Sản Việt Nam cần phải từ bỏ chính sách phân biệt đối xử để dân tộc Việt Nam hoà giải với nhau. Các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước cần có tầm nhìn hoà giải để không phải gánh chịu những cảnh đón tiếp không lấy gì làm niềm nở của các nạn nhân mỗi khi họ đi ra nước ngoại. Hệ thống chính trị này không cho phép công dân đấu tranh nghị trường để giải quyết xung đột xã hội mà chỉ có phương cách sát phạt nhau cho đến chết. Đợi đến lúc Việt Nam trở thành một tỉnh lẻ của Trung Quốc có lẽ đã quá muộn để hoà giải.
Nguyễn Gia Thưởng


(1) Kể theo Jared Diamond. Xem: Jared Diamond, “Vengeance is ours”, The New Yorker, ngày 21/04/2008.

(2) Tám yếu tố cấu thành một quốc gia độc lập:

- Có không gian hoặc lãnh thổ được quốc tế công nhận ranh giới (tranh chấp biên giới không thành vấn đề).
- Có người sống trên lãnh thổ đó trên căn bản thực tế.
- Có sinh hoạt kinh tế và kinh tế có tổ chức. Một quốc gia điều hành sinh hoạt ngoại thương và thương mại nội địa và phát hành tiền tệ.
- Có quyền lực xây dựng xã hội, chẳng hạn như giáo dục.
- Có hệ thống giao thông để chuyên chở hàng hoá và người dân.
- Có một chính quyền cung cấp dịch vụ công cộng và cảnh sát.
- Có chủ quyền. Không một quốc gia nào khác có quyền lực trên lãnh thổ của quốc gia này.
- Được các nước ngoài công nhận. Một quốc gia đã được các quốc gia khác “mời gọi vào câu lạc bộ”.

Hiện có tất cả 195 quốc gia độc lập trên thế giới.

Một dân tộc là một nhóm người cùng chung một văn hoá, to lớn hơn một bộ tộc hoặc một cộng đồng, cùng chia sẻ một ngôn ngữ, những định chế, một tôn giáo và một quá trình lịch sử. Khi một dân tộc có một nước hay một quốc gia, người ta gọi nó là quốc gia dân tộc (nation state). Nước Pháp, nước Đức, nước Nhật là những quốc gia dân tộc. Có nhiều quốc gia có hai dân tộc, chẳng hạn như Canada và Bỉ. Có dân tộc không có quốc gia, đó là dân tộc Kurd.

(3) Jean Jacques Rousseau, Du Contrat Social. Có thể tham khảo bản dịch tiếng Việt: Khế Ước Xã Hội. Tủ sách kinh điển của Học viện Công Dân (Việt Nam).

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2962

No comments: