Wednesday, July 30, 2008

Tội Nào Cho Kẻ Phản Bội Tổ Quốc Dâng Đất Nhượng Biển Cho Ngoại Bang?



1- Mặt trận Tổ quốc không vì Tổ quốc

Gần đây, sự việc Cộng sản Trung Quốc sát nhập Hoàng Sa – Trường Sa vào lãnh thổ Trung Quốc, rồi tiếp đến sự việc Trung Quốc lợi dụng việc đăng cai Olympic để thực hiện mưu đồ chính trị, đã lộ rõ tham vọng bá quyền và dã tâm xâm lược hai quần đảo của Việt Nam.

“Từ xưa đến nay, mỗi khi đất nước bị xâm lăng, thì lòng yêu nước của người Việt Nam lại sôi nổi, nó kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.” Hồ Chí Minh đã viết ra những câu này, để rồi hôm nay nó được dùng để nói về tình hình đất nước trước họa ngoại xâm. Lũ cướp nước là cộng sản Trung Quốc, còn lũ bán nước không ai khác chính là bọn tay sai của cộng sản Trung Quốc hiện đang ngồi ở các vị trí chóp bu trong đảng cộng sản Việt Nam.

Đây là lúc mà lòng yêu nước Việt Nam lại sôi nổi, kết thành làn sóng mạnh mẽ. Giới thanh niên, trí thức Việt Nam đã lên tiếng đấu tranh và biểu tình, nhưng cũng như những lần trước đây, họ lại bị nhà nước cộng sản ngăn chặn, đàn áp, người tham gia biểu tình bị sách nhiễu, đe dọa.

Báo chí trong nước giữ thái độ im lặng trước những sự việc trên, chủ trương của nhà nước là “càng ít người biết càng tốt”. Tuy nhiên đã có những học giả, trí thức cấp tiến, họ là những người yêu nước nồng nàn, họ cảm thấy bị xúc phạm trước hành động xâm lược của cộng sản Trung Quốc, họ không đồng tình với cách hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam, vì vậy họ đã lên tiếng.

Những góp ý của họ rất thẳng thắn, tiêu biểu là hai bài viết của Giáo sư Tương Lai và nhà sử học Dương Trung Quốc. Trước tiên xin được giới thiệu bài phát biểu của Giáo sư Tương Lai tại hội nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, GS Tương Lai đã viết:

“Những ý kiến là trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, thiết tha với vận mệnh dân tộc, không phân biệt quá khứ, tôn giáo tín ngưỡng, ý thức hệ, có thể trái tai với những cá nhân nào đó, cho dù đang ở cương vị nào, nhưng miễn là ý kiến ấy xuất phát từ một động cơ trong sáng vì nước, vì dân thì rất cần khuyến khích phát biểu. Có như vậy thì Mặt trận mới thực hiện chức năng cao cả của nó là một tổ chức chính trị rộng lớn nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, chứ không chỉ là một tổ chức hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo.

Muốn quy tụ được hiền tài để cùng nhau gánh vác sự nghiệp của đất nước thì phải thật lòng đoàn kết. Có thật lòng đoàn kết mới có dân chủ thực sự. Chất lượng của khối đại đoàn kết dân tộc được nâng cao đến đâu thì việc thực hành dân chủ tiến triển được đến đó. Sức nam châm có lực hút hiền tài là thái độ chân thành thật lòng đoàn kết.

Người làm công tác Mặt trận phải thấu triệt vai trò lớn lao quy tụ hiền tài của tổ chức chính trị lớn nhất trong hệ thống chính trị của cả nước. Để làm được điều đó, người làm công tác Mặt trận phải có chính tâm và có hiểu biết.


Khổng Tử đã từng nói: "Đề cử người ngay thẳng lên trên người cong queo thì dân phục tùng, đề cử người cong queo lên trên người ngay thẳng thì dân bất phục". Mà để làm được điều đó thì ngoài sự chính tâm, cần phải có hiếu biết.

Câu nói nổi tiếng của Khổng Tử về sự hiểu biết và cách học để có sự hiểu biết đó là một đúc kết có giá trị vĩnh cữu. Giá trị vĩnh cửu ấy càng tăng thêm trong điều kiện của thời đại kinh tế tri thức và nền văn minh trí tuệ của thế kỷ XXI.

Người cán bộ Mặt trận phải có sức thu hút và thuyết phục mọi người, trước hết là những người tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc. Và đấy cũng là kỳ vọng của chúng tôi đối với Mặt trận.”


Những lời phát biểu trên rất thẳng thắn, nhưng né tránh một vấn đề nhạy cảm, đó là đảng có còn xứng đáng để nắm ngọn cờ đoàn kết toàn dân hay không. Muốn đoàn kết nhân hào chí sĩ cùng góp sức xây dựng và bảo vệ đất nước, thì người cầm quyền phải là người nêu cao tấm gương yêu nước, phải thực sự cầu thị, thực sự “Thanh Chính Liêm Minh”. Lực nam châm thu hút hiền tài không chỉ ở thái độ chân thành thật lòng đoàn kết, mà còn ở việc chính quyền có trong sạch hay không. Nếu chính quyền thối nát thì làm sao tập hợp được dân chúng. Người tài tuyệt nhiên không bao giờ đoàn kết xung quanh bọn sâu mọt.

Sự né tránh đó có thể thông cảm trong điều kiện chế độ kiểm duyệt hà khắc, đó là nỗi khổ tâm lớn của những người thật lòng với nước với dân. GS Tương Lai cũng không ngoại lệ, ông đã cố viết gò ép sao cho qua được chế độ kiểm duyệt cộng sản.

2- Vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa càng ít người biết càng tốt

GS Tương Lai nói tiếp về thái độ của Mặt trận đối với sự việc Hoàng Sa – Trường Sa:

“Ở thành phố Hồ Chí Minh, chỉ theo dõi được qua báo chí và mạng internet, tôi hết sức lạ là tại sao Mặt trận Tổ quốc Việt nam không có bất cứ một tiếng nói, một động thái nào trong vấn đề Hoàng sa và Trường sa.

Đáng lý Mặt trận Tổ quốc phải kế tục truyền thống của Hội nghị Diên Hồng đời Trần, truyền thống của Mặt trận Việt Minh,…, phải làm sống lại tinh thần bất khuất, quật cường khắc trên cánh tay hai chữ "sát thát", làm cho tinh thần yêu nước kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn. Đằng này Mặt trận tuyệt đối im lặng
.

Thật là lạ. Một chuyện xảy ra tận Cuba bên kia bán cầu, Mặt trận đã có ngay lời tuyên bố đanh thép. Thế mà, Hoàng sa, Trường sa máu thịt của Tổ quốc bị người ta mưu toan lấn chiếm, biến thành quận huyện của của họ, thì Mặt trận lại im thin thít. Vì sao? Mặt trận Tổ quốc có còn kế thừa truyền thống của Mặt trận Việt Minh nữa không?

Vua Lê Thánh Tông từng nhắn nhủ "bọn thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy": "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại có thể vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di".

Từng tấc đất của Tổ quốc thẫm đẫm máu Việt nam không thể nào để bị cướp mất, trong đó có những tấc đất Hoàng Sa, Trường Sa.

Một bà bán rau ngoài chợ hỏi một cách hồn nhiên khiến người đang cầm mớ rau ngỡ ngàng đến sững sờ: "Làm cách nào để biểu tỏ lòng yêu nước đây hở ông, con tôi nó hỏi tôi thế, liệu yêu nước có bị nhắc nhở không".

Bác lái taxi hỏi một câu bâng quơ mà khiến người ngồi trên xe hiểu rằng ông ta hỏi mình, cổ cứ tắc nghẹn, lúng túng không nói được ra lời, cho dù là một lời tạ lỗi "thế là mình đành để mất hở ông, làm sao có chuyện đó được, phải dấn mạnh lên thì chúng nó mới chịu lùi chứ".

Một ông già dừng xe cạnh tấm biển chỉ tên đường Lê Duẩn, con đường chạy thẳng vào dinh Độc Lập, nói nhỏ nhẹ với những người đứng cạnh, "thế mới biết ông cha mình giỏi thật, bao nhiêu năm kiên cường giữ nước trong cái thế cái lực kém xa bây giờ". Và trước khi đạp xe đi tiếp, ông buông một câu: ý dân là ý trời!

Để tồn tại và phát triển đòi hỏi phải biết học bài học của ông cha, cùng với cái đó, phải biết khai thác những nhân tố mới, rất mới mà thời ông cha ta chưa có.

Lịch sử tồn tại và phát triển của một Việt nam đất không rộng, người không đông, song với ý chí quật cường, dân tộc này vẫn kiên cường tồn tại. mà vào buổi ấy, Việt nam đơn thương, độc mã. Còn ngày nay, Việt nam là một bộ phận của thế giới, là thành viên của khối ASEAN năng động và ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống quốc tế, là thành viên của WTO, là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Việt nam không hề đơn độc.

Chúng ta hiểu mình cần làm gì và phải làm như thế nào để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, góp phần tích cực gìn giữ hòa bình ở khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, thực lực của ta không đơn thuần chỉ là sức mạnh kinh tế, quân sự, mà là cái thế chiến lược ta phải khéo vận dụng.

Từ thế kỷ 13, rồi thế kỷ 15, thế kỷ 17, đơn thương độc mã, ông cha ta đã đánh tan tác thế lực ngoại xâm, không để mất một thước núi, một tấc sông, để lại giang sơn gấm vóc cho chúng ta hôm nay. Lẽ nào, trong thế giới của thế kỷ 21 này, chúng ta lại không biết tận dụng sức mạnh của thời đại để giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ mà mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu ông cha. Máu Việt nam cũng đã đổ ở Hoàng Sa, Trường Sa, mỗi người Việt nam hôm nay không quên điều đó.”

Lại một lần nữa ông phải nói né tránh, ông không đề cập đến một vấn đề cơ bản, đó là sự xâm lược của Trung Quốc không chỉ là hành động bá quyền của nước lớn, mà còn là sự rạn nứt, tan rã, sụp đổ của chủ nghĩa vô sản quốc tế. Nói cách khác, cộng sản Trung Quốc đã từ bỏ ngọn cờ tiên phong, từ bỏ vai trò dẫn đầu các nước XHCN, để đi theo ngọn cờ đế quốc, theo chủ nghĩa bá quyền.

Việt Nam đã mắc mưu Trung Quốc, họ dùng mưu kế “Rút củi đáy nồi” để mua chuộc được cái đảng này, biến đảng cộng sản Việt Nam thành thế lực thân Tàu. Nhờ đó họ có thể thực hiện âm mưu “lấn dần” từng tấc đất, biển cả của nước ta.

Vì sao Mặt trận lại im lặng ư, vì đảng có cho nói đâu mà được nói! Tiếng nói của Mặt trận là tiếng nói của đảng và sự im lặng của Mặt trận cũng là sự im lặng của đảng.

3- Bài học từ Tổ tiên

Về việc “phải học những bài học từ Tổ tiên”, xin được phân tích bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc để làm rõ vấn đề:

“Những sự kiện thời sự vào cuối năm ngoái (tháng 12 - 2007) nhân thông tin về việc Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua việc thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, không những tạo ra những phản ứng mạnh mẽ không chỉ ở cấp nhà nước Việt Nam mà còn dẫn đến nhiều hình thức phản ứng của một số tầng lớp xã hội, đặc biệt là của giới trẻ ở hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Những cuộc tập hợp của giới trẻ tham dự các hình thức để bầy tỏ một cách hoà bình ý chí của người Việt Nam chống sự bành trướng của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này là một hiện tượng mới mẻ khiến cho sự nhận thức và đánh giá có những cách khác nhau.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đó là những hành vi chưa được các cơ quan nhà nước cho phép, nhằm khẳng định thái độ của nhà nước Việt Nam không chủ trương cách biểu thị ấy để phù hợp với chính sách nhất quán thúc đẩy quan hệ hai nước theo “16 chữ vàng” và đặt vấn đề giải quyết qua con đường ngoại giao giữa hai nhà nước tránh phức tạp hoá vấn đề. Ngoài ra nhà nước Việt Nam vẫn mang nỗi e ngại thường trực sợ “các lực lượng thù địch lợi dụng”, hoặc các hành động tự phát của giới trẻ sẽ vượt ra ngoài sự kiểm soát của nhà nước.

Những người quan sát thì có những đánh giá khác nhau nhưng đều ghi nhận đấy là một hiện tượng mới mẻ, một phần nói lên ý thức dân tộc vẫn còn nung nấu trong giới trẻ, mặt khác cũng thấy sự lúng túng của nhà nước trước động thái mới mẻ ấy.”

Biểu tình mà không xin phép, tự phát, sẽ vượt ra ngoài sự kiểm soát của nhà nước, nhưng nếu xin thì chắc chắn không ai cho. Nhà nước cũng chưa có luật biểu tình để xử lý những trường hợp đó. Và như một phản ứng tự nhiên, tức nước thì vỡ bờ, khi lòng yêu nước sôi nổi và kết thành làn sóng mạnh mẽ, thì nó sẽ bùng nổ, nó không cần phải xin phép ai, cũng không cần phải biết cái “luật biểu tình” gì đó có hay không.

Nhà nước cộng sản lo sợ, lúng túng, họ đã chụp mũ ngay cho những hành động tự phát đó của dân chúng là “bị thế lực thù địch lợi dụng”. Vậy thế lực thù địch là ai, và họ thù địch đất nước hay là thù địch chế độ toàn trị? Và sẽ có bao nhiêu người yêu nước nữa bị quy kết là phản động, là phiến loạn?

Lợi ích dân tộc, sự toàn vẹn chủ quyền là tối thượng, còn lợi ích của kẻ cầm quyền chỉ là thứ yếu.

Ông Dương Trung Quốc viết tiếp:

“Đến hôm nay chúng ta còn phải tiến hành cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của hai quần đảo này chính vì chúng ta được thừa kế của tổ tiên chúng ta cái chủ quyền ấy. Tồn tại ngay cạnh một nước Trung Hoa, một đế chế có tham vọng và sức bành trướng mạnh mẽ đồng thời cũng lại là một nền văn minh khổng lồ nhiều sức hấp dẫn và đồng hoá các nền văn hoá khác, dân tộc Việt Nam đã phải chấp nhận một lối sống, một cách ứng xử thích hợp và cũng tạo nên một bản lĩnh đủ để chống trả cả sức mạnh bành trướng lãnh thổ lẫn sức mạnh đồng hóa về văn hoá.

Cái bản lĩnh này không chỉ thể hiện trong những cuộc chiến tranh vệ quốc với một năng lực tổ chức cao trên nền tảng của một chính sách đại đoàn kết dân tộc mà còn biểu hiện bằng một chính sách ngoại giao khôn ngoan, mềm mỏng. Lịch sử Việt Nam luôn nhắc đến câu chuyện, cũng chính là những bài học lịch sử về ứng xử của nhà Lê ngay sau chiến thắng giặc Minh, giải phóng Đông Quan, được thể hiện rất rõ trong “Bình Ngô Đại Cáo”, rồi kẻ thắng người thua cùng nhau làm Hội thề muôn đời không xảy chuyện binh đao. Ba thế kỷ tiếp theo hai nước giữ được lời thề nguyền đó.

Rồi câu chuyện Quang Trung - Nguyễn Huệ sau trận đại phá quân Thanh vào Mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) vẫn theo lệ cho sứ sang cầu hoà và người đứng đầu nhà nước Việt Nam tự thân sang cầu phong (cho dù trên thực tế Hoàng đế Quang Trung cử người khác sang thay thế). Hầu như đời nào cũng vậy, sự mềm mỏng đôi khi nhẫn nhịn vẫn là thượng sách trong ứng xử với Phương Bắc. Bài học năm 1979 (Chiến tranh biên giới Viêt – Trung) có thể là một phản đề phải trả giá.

Tuy nhiên, sự mềm mỏng, đôi khi nhẫn nhịn ấy phải được hành xử trên một nguyên tắc “đặt sự toàn vẹn chủ quyền là tối thượng”. Nhưng phải có một bản lĩnh cao mới hành xử được như vậy.

Ngay sau Chiến tháng Bạch Đẳng lần thứ Hai (của Lê Hoàn), nhà Tống cử sứ giả sang thì đã gặp chiến thuyền do Lê Đại Hành cử tới đón tiếp với tư thế chủ nhà tại nơi tiếp giáp chủ quyền hai quốc gia ở trên biển thời đó để khẳng định cái nguyên tắc mà sau này nhà Lý đã tuyên ngôn: “Nam Quốc Sơn hà Nam đế cư - Tiệt nhiên định phận tại thiên thư (Sông núi nước Nam là của vua nước Nam. Điều này đã được viết ở sách trời...)”

Những cuộc thương lượng cấp cao nhất của hai nhà nước đã được thực hiện từ thời nhà Lý với lời lẽ của vua Lý Nhân Tông trong thư gửi vua Tống: ”Mặc dầu những đất ấy (những vùng đất mà hai bên thương lượng) nhỏ bé nhưng khiến lòng tôi đau xót, luôn luôn nghĩ đến cả trong giấc mộng”. Lời lẽ bộc bạch thành thật với đối phương nhưng lại chứa đựng một ý chí và tinh thần trách nhiệm của một người đứng đầu quốc gia. Nhưng kết hợp với ngoại giao mềm mỏng đó lại là những hành động thiết thực khôn ngoan, kể cả dùng vật chất (tặng voi) để lấy lại được những vùng đất ở biên cương và nơi đang có tranh chấp... Ngoại giao ấy được Phan Huy Chú sau này khái quát là: kết hợp của cái oai thắng trận (trên chiến trường) với ngoại giao “sứ thần bàn bạc, lời lẽ thung dung, khôn khéo”.

Sử còn chép vua Lý Anh Tông (1171-1172) đích thân “tuần tra các hải đảo ngoài biển ở địa giới các phiên Nam - Bắc, tìm hiểu đường đi, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật”.

Lịch sử còn nhắc đến nhiều cuộc tuần du của người đứng đầu nhà nước đến tận những địa đầu của lãnh thổ và đích thân khắc những câu thơ vào vách núi như những cột mốc về chủ quyền lãnh thổ. Một trong những lời thơ sâu sắc như cẩm nang giữ nước là của Lê Thái Tổ khắc vào vách đá trên sông Đà tỉnh Hoà Bình: “Biên phòng bảo vị trù phương lược - Xã tắc ưng tư kế cửu an” (Việc biên phòng cần có phương lược phòng thủ, đất nước phải lo kế lâu dài).

Cháu nội của vị vua khai dựng triều Lê là vua Lê Thánh Tông còn có những thông điệp quyết liệt: “Chớ để họ lấn dần, nếu các ngươi dám lấy một thước núi, một tấc sông của tổ tiên để lại mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di”. Bộ Luật thời Hồng Đức nêu rõ: “những người bán ruộng đất ở biên cương cho người nước ngoài thì bị tội chém, quan phường xã biết mà không phát giác cũng bị tội...”

Cùng với việc giữ được chủ quyền đối với phương Bắc, khi công cuộc mở mang hướng vào phương Nam cũng được đặt trong một tầm nhìn lâu dài với việc các Chúa Nguyễn đã hướng ra biển cả với việc lập và cử các đội hải thuyền Hoàng Sa và Bắc Hải định kỳ thường niên kinh lý và thám sát vùng biển và các dải quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tạo ra những cơ sở pháp lý về chủ quyền sớm nhất so với các quốc gia khác trong khu vực đối với hai quần đảo này v.v...

Nhắc lại câu chuyện trên từ một bài viết của một nhà ngoại giao kỳ cựu và chuyên nghiệp, tôi muốn nhấn mạnh rằng các thế hệ phải biết “học thuộc” những bài học của tiền nhân, cũng có nghĩa là phải biết kế thừa cái ý chí, cái phương lược của người xưa.”

Phải học bài học từ Tổ tiên để có thể tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, những người cầm quyền có lắng nghe lời khuyên chân thành của các học giả, nhà chuyên môn và các lão thành cách mạng, hay là họ chỉ muốn nghe lời xu nịnh, sàm tấu của gian thần.

Tòa nhà Hội trường Ba Đình, một công trình đã đi vào lịch sử, từng được coi là trái tim của nhà nước cộng sản, đã bị phá bỏ, phải chăng là do đảng ta nghe lời sàm tấu của gian thần mà làm bừa, trong khi các bậc công thần đã cố khuyên can nhưng đảng ta vẫn bỏ ngoài tai!

Nhân đây cũng xin nói thêm, rằng chưa từng có một nhà lãnh đạo cao nhất của chế độ cộng sản đích thân ra tuần tra các hải đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tuyên bố một cách đanh thép với thế giới “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, máu của tiền nhân đã đổ trên mảnh đất này, linh hồn Tổ tiên còn ở lại nơi đây, vì vậy bất cứ ai dám đem Hoàng Sa và Trường Sa làm mồi cho giặc thì sẽ mắc tội phản quốc, phải bị nghiêm trị.”

4- Lời nhắn nhủ

Ngày xưa, để mất đất của Tổ tiên phải đáng tội tru di. Ngày nay, luật tru di đã không còn, không thể đem tru di lũ bán nước, nhưng ý nghĩa răn đe của nó đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Không thể để lũ bán nước cầu vinh, bọn sâu mọt hại dân hại nước được sống phởn phơ ngoài vòng luật pháp.

Không phải đảng cộng sản đã quên bài học từ Tổ tiên, mà họ đã quên mất họ là ai, từ đâu sinh ra, và sống cho ai.

Họ là đảng cầm quyền, từ trong đấu tranh của nhân dân mà ra, và sống để phục vụ lợi ích của nhân dân. Nhưng họ đã tự cho mình cái quyền đứng trên nhân dân, đứng trên xã hội, và đứng trên lịch sử. Họ ngăn chặn tiếng nói yêu nước của nhân dân, đàn áp những người tham gia biểu tình yêu nước chống Trung Quốc vì lo sợ “Thiên Triều” nổi giận, sợ xung đột với Trung Quốc dâng cao, có nguy cơ mất chế độ.

Vậy thì những bài học từ Tổ tiên còn có ý nghĩa gì, khi mà hai đảng cộng sản Việt Nam – Trung Quốc đã câu kết với nhau theo nguyên tắc “16 chữ” giả dối, mà sự thật là “Thân Tàu – Lệ thuộc – Trì trệ - Đói nghèo”.

“Đáng tiếc là trong nền ngoại giao của chúng ta thời hiện đại, bên cạnh những thành tựu to lớn thế hiện trong các cuộc chiến tranh vệ quốc và giải phóng, chúng ta đã từng biết cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa đánh và đàm, đã vận dụng khôn khéo ngoại giao nhân dân, nhưng cùng với một thời bao cấp về kinh tế và tư tưởng, ngoại giao cũng có nguy cơ bị bao cấp hoá và quan liêu hoá. Nhà nước đôi khi thể hiện sự độc quyền, tự đứng ra lo toan mà thiếu lòng tin ở dân chúng. E ngại hành động của người dân làm phương hại đến những mục tiêu của nhà nước.

Cho dù công việc ngoại giao ngày càng cần chuyên nghiệp và chỉ đạo chặt chẽ, nhưng phần nào coi thường yếu tố quần chúng nên đã tự tước đoạt sức mạnh của mình. Nền giáo dục của chúng ta hầu như không chú trọng truyền đạt, trang bị những tri thức về ngoại giao, trong đó có lịch sử. Lịch sử về quá trình hình thành, cơ sở pháp lý về sự hình thành lãnh thổ và chủ quyền quốc gia chưa được quan tâm, đôi khi vì nhiều lý do được gọi là “tế nhị” (Tác giả muốn nói đến việc cha ông ta đem gươm đi mở cõi, tiến vào phương Nam mở rộng chủ quyền lãnh thổ) nên đã né tránh, để lại những khoảng trống trong tri thức của nhân dân.

Nhà nước độc quyền định đoạt và hành xử trên lĩnh vực ngoại giao đã làm mất đi tính tự giác của quần chúng, làm cho mặt trận ngoại giao mỏng, thiếu lớp lang của một bề sâu trong ngoại giao”
.

Ông Dương Trung Quốc đã nhận định như vậy, và ông cảnh báo:
“Sự kiện tháng 12 - 2007 cho thấy rõ điều đó. Giới trẻ thành tâm cảm thấy mình bị tước đoạt quyền yêu nước; có những thế lực nhờ đó lợi dụng, Trung Quốc trách Việt Nam dung túng... Chính nền ngoại giao và nhà nước phải hứng chịu. Trong khi giới truyền thông cũng phải khép theo những kỷ luật phát ngôn của nhà nước. Trong việc này, chính nhà nước thiệt đơn thiệt kép.”

Trung Quốc lấy quyền gì mà trách Việt Nam dung túng? Quyền uy của Thiên Triều, của kẻ bá quyền, hay quyền uy của một đế chế độc tài chuyên chính toàn trị lớn nhất thế giới? Kẻ đi xâm lược lại trách người bị xâm lược là đã dung túng? Sao kỳ lạ, ngược đời là vậy? Và sau sự kiện Olympic Bắc Kinh, nếu Trung Quốc thành công trong mưu đồ chính trị, trở thành một Siêu Cường đối trọng với Mỹ, thì Việt Nam không chỉ bị “trách” mà còn bị “xỏ mũi dắt đi”. Lịch sử Việt Nam lúc đó phải viết về đảng cộng sản Việt Nam là một trong những chư hầu thần phục Thiên Triều, đem dâng chủ quyền dân tộc phải trả bằng máu để đút mồi cho giặc.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta gắn liền với lịch sử mở mang bờ cõi. Dân tộc ta không bao giờ cam chịu làm một “nước nhỏ” thần phục Thiên Triều, mà trái lại luôn mang ý chí vươn lên mãnh liệt, quyết trở thành một nước lớn; tiến vào phương Nam và hướng ra biển cả để khẳng định chủ quyền dân tộc. Nhưng, tinh thần đó đã không được đảng cộng sản kế thừa.

Người dân, đặc biệt là giới trẻ, đang thực sự cảm thấy bị tước đoạt quyền yêu nước, ngay cả quyền được bày tỏ lòng yêu nước, ý chí chống ngoại xâm cũng bị nhà nước “ngăn cấm”. Đây là việc làm không thể biện minh được. Và sự thực, nhà nước Việt Nam không có ý định giải thích hay biện minh cho việc làm của họ, bởi vì họ đã quen lối hành xử độc đoán chuyên quyền, coi thường nhân dân.

Ông Dương Trung Quốc đã kết luận:
“Chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến giáo dục lịch sử, trang bị cho mọi công dân, nhất là giới trẻ những tri thức đầy đủ về lịch sử và pháp lý, về chủ quyền lãnh thổ, trong đó có hai quần đảo mà chúng ta đang quan tâm. Nhà nước phải tin hơn nữa vào tinh thần yêu nước của toàn dân, trong đó có vai trò quan trọng của giới trẻ để tập hợp tất cả thành một đội ngũ ngoại giao nhân dân, tiếp thu bản lĩnh khôn khéo và kiên quyết của Tổ tiên, và trong thời đại này phải tạo ra một môi truờng minh bạch về thông tin và xây dựng những thiết chế pháp lý, để mọi người dân có thể và có phương tiện để thể hiện được chính kiến của mình, trong đó có ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Luật biểu tình hay Luật trưng cầu dân ý là những ví dụ.”

Lịch sử đảng chỉ là một bộ phận của lịch sử đất nước, giai đoạn đảng nắm quyền cũng vô cùng nhỏ bé so với chiều dài 4000 năm lịch sử. Dân ta phải biết sử ta, phải hiểu về lịch sử đất nước, trong đó có lịch sử hình thành chủ quyền lãnh thổ, trước khi hiểu về lịch sử đảng. Học lịch sử để biết ông Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của đảng mà không biết những anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung… thì sẽ có tội với tiền nhân.

Hiện nay, vấn đề cấp bách không phải là thanh niên xa rời lý tưởng cộng sản, bởi vì không cộng sản đất nước vẫn có thể phát triển, dân tộc vẫn đề cao tinh thần Độc Lập Tự Cường, nhưng nếu thanh niên học dốt sử, không biết về quá khứ thì sẽ có nguy cơ mất tất cả.

Người dân có phương tiện để tự do bày tỏ chính kiến, và nhà nước sẽ lắng nghe, tiếp thu để có sách lược đúng đắn, kế thừa truyền thống của cha ông, lấy sự đồng thuận toàn dân làm nền tảng cho đường lối ngoại giao nhân dân, chiến tranh nhân dân, vì nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ vững chắc chủ quyền dân tộc…, tất cả đều là không tưởng trong một chế độ độc tài toàn trị thân Tàu, trong một cơ chế thối nát đẻ ra một lũ sâu mọt hại nước hại dân.

Thay cho lời kết của loạt bài “Cơ chế đẻ ra sâu mọt”, xin được gửi đến những nhân hào chí sĩ cả nước, những đảng viên cộng sản cấp tiến, những thanh thiếu niên Việt Nam mang trong mình lòng yêu nước nồng nàn, và những đảng viên Đảng DCND lời nhắn nhủ:

Khi ta sinh ra đất nước đã lớn rồi. Đất nước có được như ngày nay phải đổi bằng máu, bằng nước mắt, và bằng cả những nỗi nhục. Chúng ta không thể chịu nhục thêm được nữa, đất nước phải giàu mạnh lên để sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới, khiến kẻ thù phải e sợ. Muốn làm được như vậy, việc đầu tiên phải không thương tiếc là dẹp bỏ cái chế độ độc tài toàn trị đang trói buộc, kìm kẹp dân ta, để xây dựng chế độ dân chủ. Bám víu lấy quá khứ và các lý thuyết giáo điều sẽ chỉ mang tai họa đến cho đất nước mà thôi.

Trần Quốc Hiên - Đảng DCND
Việt Nam - Ngày 22 tháng 7 năm 2008

Theo Ykien

No comments: