Sunday, July 27, 2008

Tổ quốc độc lập - lòng dân thống nhất : thực tế hay mơ ước?

Đó là mong mỏi lớn nhất của những người con Việt Nam đã tham gia cuộc chiến 1955-1975. Vậy mà chiến tranh đã kết thúc lâu rồi, chia rẽ trong lòng người vẫn cứ dai dẳng. Và từ lâu, khẩu hiệu « hòa hợp, hòa giải dân tộc » luôn là câu cửa miệng của nhiều người, cả lãnh đạo và người dân. Có thể nào hay không ? Làm sao để mong muốn của những người đã ngã xuống, những người đã mang thương tật suốt đời khi đấu tranh vì điều đó thành hiện thực? Phía trước xin gửi đến độc giả tâm sự của một nghiên cứu sinh ở Pháp.



Truyện "Lạc Long Quân và Âu Cơ" - hình minh họa


Dân tộc Việt Nam từ bao đời nay luôn tự hào về truyền thống thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Từ truyện cổ tích « Lạc Long Quân và Âu Cơ » giải thích cho mọi người về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, về danh từ « đồng bào » đầy thiêng liêng và cao quý cho đến những câu ca dao, tục ngữ kêu gọi mọi người phải biết hướng về nhau mà sống :

"Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau"


Còn nhiều, nhiều lắm, kể bao nhiêu cũng không đủ, nói bao nhiêu cũng không thừa. Và phải khẳng định rằng đây không chỉ là những câu nói cho suông miệng, mà ông cha chúng ta đã từng sống như vậy, một bộ phận dân tộc ta đang sống như vậy và tương lai toàn dân tộc ta sẽ sống như vậy hay không? Câu hỏi này rất cần một đáp án thích hợp nơi chúng ta-những người trẻ sẽ làm chủ đất nước và phần lớn từ thiện chí chính quyền đang điều hành đất nước. Thật vậy, mọi đường lối, chính sách và cách làm việc của chính quyền đều tác động không nhỏ lên cuộc sống của mỗi người dân và toàn thể dân tộc ; cơ chế xã hội sản sinh phong cách của con người.

Trong lịch sử nước nhà, nội chiến không phải xảy ra chỉ một lần. Cuộc chiến tranh 1955-1975 kéo dài 20 năm có thể coi là khốc liệt nhất nhưng không thể coi là dài nhất được. Lịch sử đã từng ghi nhận loạn 12 sứ quân trước khi Đinh Tiên Hoàng thống nhất và lập nên triều đại nhà Đinh. Lịch sử cũng không quên nhắc tới thời kì Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn phân tranh chia làm Nam-Bắc triều, Đàng Ngoài-Đàng Trong kéo dài cả vài trăm năm khiến cho nhân dân lầm than khổ sở. Cảnh khổ cực ấy đã được khắc hoạ đậm nét bằng 2 câu ca dao, tục ngữ sau :

"Trăm dâu đổ đầu tằm"

"Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về cùng cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng"

Cũng là nội chiến, cũng là lấy danh nghĩa phò trợ cho triều đại nhà Hậu Lê, cũng là gây nên cảnh khói lửa tang tóc vậy mà sao lòng dân lại không li tán, không hề hận thù lẫn nhau? Vậy câu trả lời nằm ở đâu? Chính là ý nghĩa và tư tưởng của chiến tranh. Cuộc chiến Việt Nam trong thế kỉ XX không phải hoàn toàn nằm trên đôi vai người Việt mà nó đã có sự sắp đặt và thao túng bởi những thế lực nước ngoài. Tuy nhiên ở đây không cần thiết phải đi vào mổ xẻ, phân tích vì đã, đang và sẽ có rất nhiều người thực hiện công việc này mà chỉ nên nhìn vào khía cạnh sau chiến tranh.

Quay về với lịch sử trước thế kỉ XX. Đinh Bộ Lĩnh đã phất ngọn cờ lau cùng các tướng tài như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạc, Lê Hoàn… dẹp tan loạn 12 sứ quân. Tuy nhiên ông đã không đuổi cùng giết tận, không thù hận họ đến tận xương tuỷ dù rằng họ đã từng chống cự ông đến cùng. Với Phạm Cự Lượng, ông thành tâm nhận làm bạn chiến đấu, để rồi Phạm Cự Lượng sau này đã giúp ông trị vì triều Đinh và giúp đỡ Lê Hoàn ổn định tình thế sau khi tên quan Đỗ Thích ám hại cả hai cha con Đinh Tiên Hoàng. Với Ngô Nhật Khánh, sau khi bị bắt làm tù binh ông không những không giết mà còn đem con gái là công chúa Phất Kim gả cho vì nhận thấy ở Ngô Nhật Khánh là một tài năng thao lược và một chí khí anh hùng lẫm liệt. Đó là với kẻ thù trên chiến trường, còn với những người đã đi theo ông dựng nước thì sao? Ông đã trọng dụng, đối đã với họ chẳng khác gì anh em. Có thể thấy ở Đinh Tiên Hoàng một tấm gương sáng về cách đối nhân xử thế, cách cai trị đất nước.

Vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Đào Duy Từ là một người tài kiêm văn võ nhưng chỉ vì mẹ ông từng là đào hát, bị xã hội phong kiến kì thị nặng nề nên ông không có được vị trí xứng đáng với tài năng của mình. Từ Đàng Ngoài, Đào Duy Từ đã bỏ vào Đàng Trong theo chúa Nguyễn. Với tài năng của mình, ông đã cho dựng nên luỹ Thầy giúp nhà Nguyễn cầm cự lại nhà Trịnh bao nhiêu năm. Vì quý mến tài năng của ông, chúa Nguyễn đã phong cho ông làm Lộc Khê hầu, gả con gái cho ông mà không hề e ngại, nghi kị vì ông đã từng đỗ đạt ở Đàng Ngoài.

Lịch sử thời phong kiến là vậy, với thời hiện đại thì sao? Cuộc chiến 1955-1975 ghi nhận những sự kiện đen tối và bi đát nhất trong sử sách nước nhà. Chưa tính đến số thương vong trong chiến tranh và số nạn nhân sau chiến tranh, chỉ mỗi sự kiện thuyền nhân « boat people » cũng đủ làm cả thế giới phải bàng hoàng khi khoảng 600 ngàn người Việt Nam đã rời bỏ quê hương xứ sở, lênh đênh trên biển tìm đến những chân trời mới mà gần nửa con số này đã thiệt mạng. Rất nhiều nhân chứng vẫn còn đó, chính quyền không thể nào phủ nhận được trách nhiệm của họ.

Đó là về phía những người còn có thể coi là lành lặn, may mắn. Còn với những người đã hi sinh trong chiến tranh hoặc trở thành những thương binh thì họ còn bi đát hơn. Nghĩa trang quân đội tại Biên Hoà bị đào xới, đập phá, bỏ hoang, cấm người thăm viếng, tưởng niệm. Những người bị thương thì bị ném ra khỏi những bệnh viện một cách tàn nhẫn không thương tiếc, bất kể những đau đớn cả về mặt tinh thần và thể xác mà họ phải chịu đựng. Điều này thì ai sẽ thấu hiểu và chia sẻ với họ đây? Người viết khi còn ở Việt Nam đã tiếp xúc với không ít trường hợp những người lính Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) tàn tật phải đi bán vé số, hát rong, xin ăn để sống qua ngày, không chỉ để nuôi sống bản thân mà còn phải gánh vác phần nào trách nhiệm với gia đình, người thân. Họ xứng đáng được ngợi khen bởi trong hoàn cảnh khốn cùng ấy, họ vẫn giữ được phẩm cách của một con người, không tham lam, trộm cắp, không làm chuyện bất lương. So với tham nhũng, tha hóa đạo đức của những nhà lãnh đạo, họ có đáng được trọng hơn không ?!

Với những nạn nhân hẩm hiu trong nước thì là vậy, còn với kiều bào định cư tại nước ngoài thì sao? Cựu ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch vào năm 1980 đã phát biểu tại Úc rằng « Phần lớn những người Việt Nam vượt biên là thành phần ma cô và đĩ điếm ». 30 năm sau, nghị quyết 36 của Bộ Chính trị ban hành ngày 26/03/2004 (Nguồn: http://www.quehuong.org.vn/vi/nr041215095635/nr050111144108/ns050111151439 ) cho thấy chuyển biến của Đảng về thái độ đối với kiều bào, một sự chuyển biến theo kiểu « tắc kè hoa ». Để hiểu rõ thêm, xin trích dẫn và phân tích một vài đoạn sau :

• « …Mặc dù sống xa Tổ quốc, đồng bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương. Nhiều người đã có những đóng góp về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…
• …Đông đảo bà con hoan nghênh công cuộc đổi mới và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước, mong muốn đất nước cường thịnh, sánh vai với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; nhiều người đã về thăm gia đình, quê hương, tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, nhân đạo, từ thiện...
• …Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam…
• …Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai… »

Ở trích đoạn thứ nhất, ĐCSVN đã thừa nhận đồng bào Việt Nam ở nước ngoài yêu nước và luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Như vậy đồng bào năm xưa bỏ nước ra đi không phải là vì không yêu nước mà là vì không có đường lựa chọn, bị dồn ép bởi đảng cầm quyền.

Ở trích đoạn thứ hai, ĐCSVN đã nói dối vì nếu đồng bào hoan nghênh công cuộc đổi mới và các chính sách của Đảng thì tại sao mỗi khi nguyên thủ Việt Nam ra nước ngoài đều bị cộng đồng người Việt biểu tình phản đối? Nếu nói những người phản đối chỉ là một nhóm nhỏ vậy thì những người ủng hộ là ai? Tại sao truyền hình Việt Nam không hề đưa hình ảnh lên cho công chúng coi mà chỉ nói suông?

Ở trích đoạn thứ ba, ĐCSVN đã tự cho mình cái quyền ăn nói trịch thượng không hề coi nhân dân ra gì. Ai là chủ nhân của đất nước Việt Nam, là Đảng hay là nhân dân Việt Nam? Nếu là nhân dân Việt Nam thì tại sao chỉ có Đảng và nhà nước được coi kiều bào nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam?

Ở trích đoạn thứ tư, ĐCSVN đã thừa nhận nhiệm vụ của mỗi người Việt Nam là phải bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Nếu vậy khi sinh viên học sinh và các tầng lớp nhân dân Việt Nam khác biểu tình phản đối Trung Quốc ăn cướp hải đảo của Việt Nam thì chính quyền lại sử dụng lực lượng vũ trang để đàn áp, giải tán. Nói như vậy có khác gì ĐCSVN không muốn bảo vệ và xây dựng tổ quốc Việt Nam!

Qua phân tích vài ý trích từ Nghị quyết 36 về cách đối xử với kiều bào, có thể thấy rằng Đảng không hề có thiện ý với đồng bào mà vẫn tìm cách quanh co, dối trá bằng cách sử dụng câu chữ mập mờ nhằm làm cho mọi người lầm lẫn mà tin theo. Tàn nhẫn với những người thuộc chế độ miền Nam trước đây ở trong nước nhưng lại tâng bốc, lừa bịp những người Việt Nam đã bỏ nước ra đi. Kêu gọi hoà hợp thống nhất dân tộc nhưng lại luôn huênh hoang về thành tích chống Mĩ nguỵ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước qua việc tổ chức rầm rộ ngày lễ 30/04 mừng giải phóng miền Nam, 22/12/ mừng thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, 27/07 kỉ niệm thương binh liệt sĩ….

Cách hành xử của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đi ngược lại với cách đối nhân xử thế của các bậc tiền nhân ; không thể nào « xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc » như khẩu hiệu mà Đảng đưa ra tại đại hội TW V, khóa VIII (Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?Top=37⊂=130&article=75867 ) theo cách hành xử như thế. Muốn có hoà hợp, hoà giải, trước tiên hãy đề nghị và hành động đầy thiện ý chứ không nên « miệng nam mô, bụng một bồ dao găm ». Nếu vẫn trung thành với lí tưởng cộng sản, với học thuyết Marx tôn thờ bạo lực và đấu tranh giai cấp, tàn bạo với kẻ thù thì vĩnh viễn không thể dẫn dắt dân tộc đi theo con đường vinh quang của tổ tiên năm xưa, không bao giờ thống nhất được dân tộc, xoá bỏ hận thù ; cởi mở tư tưởng ; và không bao giờ đoàn kết toàn dân để chống giặc, bảo vệ tổ quốc được.

Thống nhất được hay không, hoà bình được hay không, hoà hợp được hay không chính là nhờ phần lớn ở sự thay đổi từ nơi ĐCS mà ra!

13h ngày 26/06/2008
DBTT
© Tạp chí Phía Trước


Nguồn:
http://blog.360.yahoo.com/blog-V3M_NEolerbUJtSbv.5KMo8GAUmgg7A-?cq=1

No comments: