Wednesday, July 30, 2008

Trí thức XHCN: Hãy đứng vào “đội ngũ”

Hà Thị Đông Xuân, Trần Hiền Thảo


1. Trí thức XHCN: Hãy đứng vào “đội ngũ”

Trần Hiền Thảo, Hà Thị Đông Xuân và nhóm sinh viên giới thiệu

Sinh viên là trí thức tương lai ?

Thưa các bạn sinh viên, nhóm chúng tôi vẫn tưởng (bở) rằng hễ tốt nghiệp đại học thì đương nhiên trở thành trí thức. Qua đợt thảo luận của các bậc tiền bối và lão thành vừa qua chúng tôi nhận ra rằng không phải thế, nếu hiểu đúng khái niệm trí thức.

Chả là, ban chấp hành trung ương đảng ta đang họp hội nghị, trong đó có một nội dung là ban hành nghị quyết về: Xây dựng “đội ngũ” trí thức XHCN nhằm… Trước hội nghị, đã có nhiều, rất nhiều, bài đăng trên báo chí thảo luận và góp ý. Cứ đối chiếu nội dung các bài với nội dung nghị quyết sẽ đủ biết đảng ta nghe dân đến đâu.

Dưới đây là các nội dung góp ý đã được nhất trí rất cao

Ai là trí thức ?

Trước hết mọi người đòi hỏi phải làm sáng tỏ “ai là trí thức”. Có lẽ các bậc lão thành đã rút ra từ kinh nghiệm cả đời rằng sự “đánh tráo khái niệm” là bài bản quen thuộc của những người nguỵ biện.

Ví dụ, khái niệm tự do ứng cử chưa được làm rõ nội hàm nên danh sách ứng cử quốc hội hầu như không có ai (dám) tự ứng cử. Điều này đã diễn ra cả nửa thế kỷ rồi.

Cũng vậy, hiến pháp cứ ghi dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội… nhưng nội hàm không được làm rõ từ đầu, cho nên mới có chuyện cấm báo chí tư nhân, cấm nói trái Mác-Lê, bỏ tù người lập hội


Vậy trí thức là người thế nào ?

Ý kiến thảo luận rất nhất trí rằng…

Đầu tiên, trí thức là người hoạt động sáng tạo. Thứ hai, trí thức là người phát hiện sự thật, dám nói sự thật; nghĩa là phải cương trực. Thứ ba, trí thức không hài lòng với hiện trạng mà luôn luôn vạch ra sự bất cập để xã hội ngày một tốt lên; nghĩa là dám phản biện.

Liên hệ, chúng tôi tự thấy còn lâu chúng ta mới đáng được gọi là trí thức chân chính.

Những ý kiến cụ thể đóng góp cũng có sự nhất trí cao, thể hiện ở các nội dung sau:

a) Trước hết là nội dung “tố khổ” thái độ của đảng ta đối với trí thức. Điều này là đương nhiên. Có như vậy mới thấy cái gì cần khắc phục. Hoá ra, các bậc lão thành cũng đau khổ lắm chứ chẳng như chúng ta nghĩ đâu. Một vị trí thức đã copy bài Đi tìm cái tôi đã mất (của cụ Nguyễn Khải) đưa cho đảng và đề nghị đảng in ra, phát cho mỗi uỷ viên trung ương một bản để đọc, trước khi vào hội nghị.

Đảng ta đã ngầm cấm lưu hành tài liệu nói trên; do vậy đang hơi bọ khó xử. Nếu không công nhận tài liệu thì lộ mặt cấm ngôn luận. Nếu giả vờ hoan nghênh đề nghị trên thì phải nói nhận xét sau khi đã đọc? Chả lẽ, đảng đọc tài liệu trên để lo ra nghị quyết liên quan với “trí thức tương lai” chúng ta, mà chúng ta lại không đọc cái… chơi? Xin mời các bạn tìm đọc.


b) Một nội dung góp ý cũng được nhất trí cao là đòi hỏi môi trường dân chủ, tự do cho trí thức hoạt động. Điều này hơi lạ ở Việt Nam. Chả lẽ trí thức tư sản đã đương nhiên có môi trường như vậy từ hàng mấy trăm năm nay mà trí thức XHCN đến nay mới dám “đòi”. Nghĩa là đã có vài đời, vài kiếp trí thức phải chịu đựng?

Nói “đòi” cho oai, chớ chúng tôi thấy các vị lão thành chỉ “đòi” rất nhã nhặn, lễ phép…, thậm chí chỉ dám “xin”.

c) Sự nhất trí còn thể hiện ở đòi hỏi đãi ngộ tương xứng. Điều này khỏi cần thảo luận, vì lương một giáo sư uy tín quốc tế (như thầy Hoàng Tuỵ) chỉ ngang với lương một trung tá công an.

Xin giới thiệu hai bài gần đây nhất để các bạn đọc thêm. Đây là những bài tổng hợp ý kiến của nhiều vị trí thức nước nhà, khá tiêu biểu cho ý kiến chung. Do vậy, nên đọc. Tất nhiên, phóng viên không thể nói hết mọi ý kiến của trí thức (để khỏi chệch khỏi “lề phải”), nhưng chúng ta đã biết cách tìm ra ẩn ý. Muốn tìm các bài khác hoàn toàn không khó.

Trí thức: Xin làm đi !

03:40′ 09/07/2008 (GMT+7)

http://vietnamnet.vn/
http://www.phapluattp.vn/


Chưa có diễn đàn cho trí thức phản biện

07:46′ 09/07/2008 (GMT+7)

http://vietnamnet.vn/

Talleyrand nói: “Tôi sợ đội quân 100 con cừu do sư tử lãnh đạo hơn là đội quân 100 sư tử do một con cừu lãnh đạo” (I am more afraid of an army of 100 sheep led by a lion than an army of 100 lions led by a sheep).

Trí thức VN là cừu hay sư tử? Họ được lãnh đạo bới cừu hay sư tử?

Trí thức XHCN: Hãy đứng vào “đội ngũ” (2)


Bài 2 (nhân hội nghi đảng bàn về trí thức)

Trần Hiền Thảo, Hà Thị Đông Xuân và nhóm sinh viên

Sự hình thành tầng lớp trí thức

Xã hội nào cũng có thành phần trí thức với tên gọi và tiêu chuẩn không giống nhau. Tên gọi xưa kia có thể là sĩ phu, thức giả, kẻ sĩ… nay gọi là trí thức. Khi dân trí được nâng lên thì tiêu chuẩn trí thức cũng phải nâng theo.

Sẽ tới lúc phải phân biệt trí thức với lao động trí óc, dù trước kia (và cả hiện nay) chỉ là một. Khi nền kinh tế tri thức được hình thành, sẽ có những người trước đó được coi là trí thức nay được coi là công nhân tri thức, lao động trí óc... Còn trí thức phải là người hoạt động sáng tạo – dù đó là nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, doanh nhân hay nghệ sĩ…, họ đấu tranh cho chân lý (sự thật), lẽ phải, và có chức năng phản biện xã hội. Dẫu phân định như vậy, nhưng chuyện rạch ròi vẫn không dễ ở những xã hội đang chuyển hoá.


Dù đông đảo đến đâu thì các trí thức đơn lẻ cộng lại vẫn không gọi là tầng lớp trí thức, dẫu rằng trong số họ có nhiều cá nhân trí thức liêm chính, không khoan nhượng với bất công, sẵn sàng bảo vệ lẽ phải.

Xã hội tư bản nở rộ số lượng trí thức, nhưng phải mất hàng trăm năm xã hội này mới có tầng lớp trí thức. Đó là khi trí thức nhận thức được “mình” và đòi hỏi một môi trường dân chủ và tự do để hoạt động sáng tạo (do đó, đương nhiên họ cũng đòi hỏi như vậy cho các giai cấp khác). Họ cũng nhận ra thiên chức phản biện xã hội của mình (do vậy, đương nhiên họ tán thành đối thoại, tranh luận lành mạnh và rộng rãi trong xã hội). Họ rất ý thức liên kết đấu tranh cho những quyền của giới mình và qua đó sẽ được các giai tầng khác ủng hộ - nhiều hay ít phụ thuộc vào dân trí.

Môn Lịch Sử ở nước ta dạy rằng từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam thì giai cấp phong kiến hết vai trò tiến bộ sau khi phong trào cần vương thất bại; giai cấp tư sản cũng vậy sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái; từ nay duy nhất lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân. Kỳ thực, không phải thế. Sự thật là các cuộc khởi nghĩa vũ trang hay cải cách dân trí, chấn hưng dân khí bất bạo động đều là do trí thức khởi xướng, dù đó là trí thức nho học hay trí thức mới; dù họ theo đạo Khổng, chu thuyết Duy Tân, chu nghĩa Tam Dân hay Mác-Lênin… thì họ đều là trí thức. Đạo hay chủ nghĩa đêu là sản phẩm của trí thức. Gọi là đạo hay chủ nghĩa la do mức độ tin (cân bằng giữa lý trí và cảm tính, sáng suốt và mù quáng). Các đạo đã từng được áp dụng ở nước ta, đạo nào là phù hợp, vẫn còn phải đợi lịch sử đánh giá.


Thiên chức của trí thức và của tầng lớp trí thức

Sáng tạo, xác lập lẽ phải và phản biện xã hội là thiên chức của trí thức. Còn thiên chức của tầng lớp trí thức là liên kết đấu tranh để toàn thể trí thức và mọi người có các quyền tự do thực hiện thiên chức nói trên.
Tầng lớp trí thức và đội ngũ trí thức rõ ràng có những khác nhau. Phải có ý thức liên kết và tiến tới liên kết mới tạo ra một tầng lớp. Liên kết, mà không có chuyện xếp hàng đợi lệnh.

Trí thức khi trở thành một tầng lớp có ý thức sẽ không còn là công cụ của chính quyền, không bị coi là chịu ơn chính quyền, không có “nghĩa vụ” ca ngợi chính quyền, vì khối trí thức đã trở thành một lực lượng của xã hội, tạo ra và cổ vũ sự tiến bộ xã hội. Do vậy, một chính quyền tiến bộ bao giờ cũng được đông đảo trí thức ủng hộ và nhiệt tình phản biện (khen, chê) để tiến bộ hơn, được lòng dân hơn. Nếu một chính quyền trở nên độc tài, độc đoán thì nguyên nhân chủ yếu là để đối phó với sự phản kháng của trí thức, dẫn theo sự phản kháng có ý thức của các giai tầng khác. Bưng bít thông tin và ngu dân là một hệ quả của độc tài. Một chính quyền độc tài có thể sai bảo, kiềm chế, kể cả đàn áp toàn bộ trí thức, dù rất đông đảo, nếu đó chỉ là những trí thức riêng lẻ. Nhưng nếu xã hội đã có tầng lớp trí thức thì câu chuyện sẽ khác hẳn: chính quyền phải tranh thủ sự ủng hộ của họ.


Nếu coi xã hội là một cơ thể sống thì tầng lớp trí thức (một khi đã hình thành) chính là cơ quan nhận thức và suy nghĩ của cơ thể-xã hội đó. Công nông là cơ bắp của cơ thể đó sẽ tiến lên thành lao động kỹ thuật ngày càng cao nhờ sử dụng các công cụ do bộ óc tạo ra. Xã hội phong kiến (và trước đó) chưa thể có tầng lớp trí thức; do vậy sự hình thành tầng lớp rí thức trong xã hội nói lên sự tiến hoá quan trọng: xã hôi bắt đầu có cơ quan nhận thức và bắt đầu hành động có ý thức. Xã hội bắt đầu có dự báo cho những hành động sắp tới.

Đây là con đường phát triển “tự nhiên”, đúng quy luật mà những nước phát triển cao (chúng ta đang ham muốn được như vậy) đã trải qua.

Xây dựng đội ngũ hay xây dựng tầng lớp trí thức ?

Trí thức nước ta dẫu đã đông đảo, nhưng chưa họp thành một tầng lớp như nói trên. Do vậy, tập hợp trí thức theo quy luật là một yêu cầu khách quan.

Hãy đợi xem: đảng ta định xây dựng đội ngũ trí thức theo mục tiêu nào.

Về hình thức, mỗi cá nhân trí thức ở nước ta từ lâu đã được sắp xếp vào một đoàn thể đặc trưng. Các nhà khoa học được đưa vào Hội Khoa Học (cấp toàn quốc là Liên Hiệp các hội khoa học). Nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo, doanh nhân… cũng như vậy. Điều ắt có, là đứng đầu các đoàn thể này phải là một đảng viên tầm cỡ trung ương; các vị trong ban chấp hành cũng có tầm cỡ tương xứng về đảng.

Mọi người đang theo dõi cái Hội luật sư sắp thành lập có “bị” như vậy không.
Không những thế, trí thức nước ta còn có nhiều đoàn thể khác để mà tham gia. Và tha hồ tham gia, thậm chí khuyến khích. Một nhà báo đương nhiên tham gia đoàn thể thiếu nhi, thanh niên, sinh viên… khi còn đi học. Khi làm nghề, ngoài Hội nhà báo, còn có thể đồng thời “có chân” trong Công Đoàn, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, có người còn ở Hội cựu chiến binh… Phải chăng, ghép mọi người vào “đội ngũ” là một chủ trương?

Đảng ta đã có nghị quyết xây dựng giai cấp công nhân, nay lại đang họp ban chấp hành trung ương để bàn và ra nghị quyết “Xây dựng đội ngũ trí thức” mặc dù họ đang đứng trong đủ thứ đội ngũ rồi. Đó thật sự là do tình hình mới đã đòi hỏi đảng phải làm điều đó.

Nếu trí thức cần môi trường dân chủ và tự do để hoạt động sáng tạo và nếu sự suy nghĩ là hoạt động mang tính cá nhân, thì liệu trí thức có thích mặc đồng phục và đứng vào “đội ngũ” để nghe lệnh?

Do vậy, có người dự đoán đảng sẽ tìm một từ ngữ khác ít lộ liễu hơn, phù hợp hơn với tình hình để thay cho từ “đội ngũ” có tính gò ép không che dấu. Cũng có người cho rằng đảng CSVN chẳng phải sợ ai để không dùng từ “đội ngũ”. Hãy chờ nghị quyết ra đời để biết não trạng của đảng. Hãy đọc các nội dung nghị quyết để biết đảng muốn hình thành tầng lớp trí thức hay chỉ muốn… nắm tóc trí thức khi số lượng trí thức ngày càng đông đảo, có xu hướng xa lìa “đội ngũ” vì bị lôi kéo bởi xu hướng lịch sử trong thời đại bùng nổ thông tin?

Có người đoan chăc rằng Nghị Quyết về trí thức sẽ được hình thành theo đúng quy trình (lối mòn) soạn thảo, nhất quán về mục tiêu chung (vào đoàn thể trước hết là để được giáo dục) và nội dung nghị quyết sẽ theo đúng công thức chung. Do vậy những người này cho rằng chưa cần đọc hết NQ, chỉ cần coi các đề mục là đủ rõ mục tiêu của NQ.

Đứng vào đội ngũ hay tự hình thành đội ngũ ?

Không gì đỡ tốn công sức bằng Trời tạo ra sẵn một đội ngũ theo một khuôn mẫu, còn mọi người chỉ việc… “đứng vào”, nghe lệnh. Còn nếu bảo nhau tự hình thành đội ngũ thì sao? Thật muôn vàn úc triệu những khó khăn.

(Cảm ơn sự chỉ bảo, góp ý của các bậc sinh thành và lão thành đối với bài viết).
http://baotoquoc.com/baotoquoc/index.php?view=story&subjectid=1654

No comments: