Friday, July 25, 2008

'Ngoại giao khôn ngoan' với Trung Quốc

Cựu quan chức ngoại thời chính phủ Bill Clinton nói bà không tin một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc tất yếu phải xảy ra.




Susan Shirk, cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương từ 1997 đến 2000, cũng khuyên Việt Nam “không thách thức trực diện Trung Quốc” và đồng thời có “quan hệ tốt với các cường quốc khác”.

Sau nhiều năm làm trong ngành ngoại giao Mỹ, bà Susan Shirk hiện là giáo sư chính trị học và là giám đốc Viện Hợp tác và Xung đột Quốc tế ở Đại học California, San Diego.

Kể từ lần đầu tiên tới Trung Quốc năm 1971, bà đã tập trung nghiên cứu về quốc gia hơn một tỉ dân này. Năm ngoái, bà cho ra cuốn sách mới nhất, China: Fragile Superpower (Trung Quốc: Siêu cường mong manh).

Nói chuyện với BBC Việt ngữ ngày 22/07/2008, tiến sĩ Susan Shirk cho biết ý kiến về quan hệ Việt – Trung.

Susan Shirk: Trước hết tôi sẽ đề nghị [Việt Nam] hợp tác với Trung Quốc, một điều mà Việt Nam đã làm. Không thách thức trực diện Trung Quốc.

Nhưng mặt khác, tôi cũng sẽ đặt mình vào cơ cấu đa phương trong vùng, và duy trì quan hệ tốt với các cường quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ. Và có lẽ đó cũng là điều Việt Nam đang làm.

BBC:Theo bà, Việt Nam có nên tăng cường khả năng quân sự hay không?

Thật khó nói. Việt Nam và Trung Quốc đã từng có xung đột, và thực tế đó là cuộc chiến gần đây nhất của Trung Quốc. Nên tôi hiểu Việt Nam muốn có một quân đội được kính nể.

Nhưng theo tôi, sẽ là sai lầm nếu Việt Nam nghĩ khả năng quân sự sẽ bảo đảm có an ninh. Ngoại giao thông minh, nền kinh tế mạnh, sự ủng hộ của người dân trong nước, có lẽ quan trọng hơn cho an ninh của Việt Nam.

BBC:Nếu xung đột với Trung Quốc xảy ra ở châu Á, các nước có thể trông đợi gì từ Hoa Kỳ?

Đó là câu hỏi rất quan trọng. Trước hết, trong một thập niên vừa qua, Trung Quốc nói chung chưa ứng xử như một sức mạnh quân sự hung hăng. Tôi vừa đọc tin về vụ đụng chạm mới nhất với Việt Nam, quanh công ty dầu khí của Mỹ. Nhưng nhìn chung, Trung Quốc đã không có uy hiếp quân sự tại Biển Nam Trung Hoa, hay bất kỳ đâu, trong thời gian vừa rồi.

Ngoại giao thông minh, nền kinh tế mạnh, sự ủng hộ của người dân trong nước, có lẽ quan trọng hơn cho an ninh của Việt Nam

Trung Quốc hiểu rằng các nước quan sát rất kỹ. Nếu họ có hành vi hung hăng, thì không chỉ các láng giềng mà Mỹ, Nhật sẽ có cách đối xử khác.

BBC:Về vấn đề Đài Loan, có những người lo ngại Hoa Kỳ có thể bỏ rơi hòn đảo này một khi Trung Quốc mạnh lên. Ý kiến của bà?

Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ hy sinh Đài Loan. Nhưng Hoa Kỳ suy nghĩ về quyền lợi an ninh của chính mình, cũng như về tình bạn với Đài Loan.


Tiến sĩ Susan Shirk

Tác phẩm mới: China: Fragile Superpower (2007)
Bằng tiến sĩ ở MIT, 1974
Phó trợ lý bộ trưởng ngoại giao, 1997-2000
Từng là thành viên ban giám đốc Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung

Trong thời của tổng thống Trần Thủy Biển, ông ta cố gắng hết sức để đưa Đài Loan đến độc lập. Và từ cả góc nhìn của Bắc Kinh và Tổng thống Bush, hành động của ông Trần rất khiêu khích. Vì thế tổng thống Bush không cảm thấy quyền lợi an ninh của Mỹ phải bị rủi ro vì một tổng thống Đài Loan, một người muốn có những hành động biểu tượng mà thực ra không có lợi gì cho người dân Đài Loan.

Chính phủ Bush đã nói rõ họ không muốn Đài Loan cư xử như vậy và không nhất thiết phải bảo đảm có sự ủng hộ 200%. Chính phủ Bush nay nói rõ với cả hai bên rằng chúng tôi tin sự hữu nghị và đối thoại xuyên eo biển có lợi cho nhân dân hai phía và cho quyền lợi an ninh của Mỹ.

BBC:Trở lại với đe dọa mới nhất của Trung Quốc với Việt Nam. Đồng ý rằng Việt Nam và Đài Loan có vị trí khác nhau trong chiến lược của Mỹ. Nhưng xin được hỏi bà, khi có những mâu thuẫn tương tự xảy ra, phải chăng khả năng “nhờ tới Mỹ” của Hà Nội là rất khó?

Hiện tại câu chuyện chỉ dừng lại ở mức độ kinh doanh. Khi nói “nhờ tới Mỹ”, tôi nghĩ chính phủ Mỹ không có quan điểm về bất kỳ vụ tranh chấp lãnh thổ nào ở các vùng khác, và vì thế Mỹ không nhất thiết đứng về bên nào.

Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ hối thúc cùng phát triển, và những cơ chế khác cho phép hoạt động kinh tế bình thường diễn ra. Chúng tôi ủng hộ luật quốc tế về biển.


Ngoại giao thông minh, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, sẽ ngăn chặn xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ

Liệu quý vị có thể nhờ tới Mỹ gây sức ép mạnh trong tranh chấp lãnh thổ, Mỹ rất khó làm điều đó.

Mặt khác khi có sự đe dọa quân sự, Hoa Kỳ sẽ cố gắng đưa vấn đề ra diễn đàn khu vực, tức ASEAN.

BBC:Theo bà, liệu nhất định sẽ xảy ra đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tương lai?

Lãnh đạo và viên chức ở Trung Quốc và Mỹ đang rất nỗ lực để ngăn chặn kết cuộc đó. Chúng tôi không tin rằng đó là điều tất yếu phải xảy ra. Có những người tin rằng khi xuất hiện cường quốc mới, tất yếu phải có chiến tranh. Nhưng chúng tôi tin ngoại giao thông minh, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, sẽ ngăn chặn xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080724_susan_shirk_interview.shtml

No comments: