23 Tháng 7 2008 - Cập nhật 16h38 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080723_rothacher_interview.shtml
Các lãnh đạo cười tươi, nhưng một số nước trong ASEAN đang tranh chấp ở Biển Đông
Một nhà nghiên cứu châu Âu nói với BBC rằng các nước Đông Nam Á cần biết hợp tác để đưa ra quan điểm chung trước Trung Quốc trong vụ tranh chấp tại Biển Đông.
Tuần qua, Trung Quốc công khai tỏ ý không hài lòng khi công ty Mỹ ExxonMobil muốn hợp tác với PetroVietnam để thăm dò dầu khí trong vùng biển quanh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa còn tranh chấp.
Tiến sĩ Albrecht Rothacher, hiện làm ở Phái bộ Ủy hội châu Âu tại Vienna, từng viết bài “Territorial sovereignty in the South China Sea” (Chủ quyền lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa) trên tạp chí Asia Europe Journal năm 2007.
Trả lời BBC ngày 23/07, ông nói cảnh báo công khai của Trung Quốc với Exxon đã làm ông ngạc nhiên.
Albrecht Rothacher: Thật ngạc nhiên vì người ta nghĩ rằng trước Thế vận hội, Trung Quốc sẽ rất “hiền lành” và không khơi ra các tranh chấp lãnh thổ. Họ cũng có vẻ đã đồng ý nguyên tắc khảo sát biển Nam Trung Hoa trong hòa bình. Nhưng bây giờ họ đã hâm nóng nhiệt độ.
Trung Quốc chưa bao giờ có nhượng bộ trong các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ, dù là với Nga, Ấn Độ hay Việt Nam. Lần này chỉ là nhắc lại những tuyên bố chủ quyền trước đây. Tôi chỉ ngạc nhiên về chuyện thời gian, tại sao lại là bây giờ mà không phải sau Olympic.
BBC:Khi đánh giá toàn bộ tranh chấp ở Biển Đông, ông thấy có giải pháp trọn vẹn không?
Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được bằng chứng vững chắc về chủ quyền. Họ bảo từ thời xa xưa đã có người Trung Quốc ở đó, họ trưng ra một số vật dụng mà ngư dân bỏ lại trên một số đảo. Nhưng dĩ nhiên các ngư dân có thể bỏ lại bất kỳ thứ gì, trong các chuyến đi biển, trên những hòn đảo không người ở và điều đó không chứng tỏ được chủ quyền. Nên rất khó chứng thực đòi hỏi của Trung Quốc, kéo dài 2000 cây số từ đảo Hải Nam về phía nam, tiến tới cả vùng biển của Indonesia. Theo tiêu chuẩn quốc tế, đòi hỏi như thế là quá đáng.
Về giải pháp, dĩ nhiên có thể thương lượng, nhưng Trung Quốc không bao giờ chịu thương thượng. Thành ra giải pháp đành là cứ để yên các tuyên bố chủ quyền như hiện tại, lên án mọi phương thức bạo lực và đồng ý cùng khảo sát và chia sẻ tài nguyên với nhau, đồng ý cùng bảo vệ môi trường tại đây.
BBC:Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ có sự quan tâm thế nào đến vấn đề Biển Đông?
Cho tới nay, họ chủ yếu quan tâm tới tự do đi lại cho các tàu trên biển. Nhưng nay dính đến quyền lợi của Mỹ, vì vụ ExxonMobil. Vì thế, Mỹ cũng có quyền lợi để muốn xung đột được giải quyết yên bình, có thể có một hình thức phân xử nào đó của quốc tế.
BBC:Liệu có thể xảy ra việc Hoa Kỳ gây sức ép nào đó với Trung Quốc?
Trung Quốc thì muốn chia nhỏ từng bên ra, đe dọa từng nước riêng rẽ
Albrecht Rothacher
Vẫn còn quá sớm để nói. Đây chưa phải là một cuộc xung đột rõ rệt. Phản ứng của Trung Quốc, so với những gì mà ta đã biết về họ, vẫn còn là khá nhẹ nhàng.
BBC:Ở góc độ cá nhân, ông có cho rằng Trung Quốc đang kéo dài thời gian. Một khi họ trở nên thực sự mạnh hơn, những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ cũng sẽ mạnh mẽ hơn?
Chắc chắn rồi. Chiến lược của họ lâu nay là thế, dù là với Đài Loan hay các tranh chấp khác.
BBC:Vậy theo ông, các nước nhỏ như Việt Nam hay Philippines làm gì để đối phó?
Họ có thể hợp tác, trước tiên giải quyết các tranh chấp song phương với nhau. Cho tới nay, tất cả các bên, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines, cùng tranh với nhau. Nên nếu các bên có một quan điểm chung, có thể chia phần công bằng cho nhau, trong đó có cả phần cho Trung Quốc, thì rất có ích. Điều đó mở đường cho một sự trung gian của quốc tế, có thể là của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc thì muốn chia nhỏ từng bên ra, đe dọa từng nước riêng rẽ.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment